Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chất lượng “hàng” được củng cố

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chất lượng “hàng” được củng cố

(ĐTCK) Trao đổi với Đầu tư chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia đánh giá, sự góp mặt của những "gương mặt" mới này sẽ làm gia tăng thêm lượng hàng có chất lượng và chắc chắn sẽ thu hút thêm dòng tiền lớn 2017.

TTCK đã khép lại một năm 2016 với sự tăng điểm khá ấn tượng, dù rằng cơ hội không phải chia đều. Các ông/bà dự báo như thế nào về triển vọng TTCK trong năm 2017 ?

Bà Lê Nguyệt Anh, Giám đốc Phân tích ACBS

Với tình hình vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP cải thiện và tăng trưởng lợi nhuận phục hồi, chúng tôi đánh giá cao triển vọng thị trường năm 2017. Tăng trưởng lợi nhuận dự kiến sẽ tập trung ở nhóm bất động sản, tiêu dùng và ngân hàng trong khi lợi nhuận của nhóm cổ phiếu dầu khí dự kiến cũng phục hồi nhẹ hoặc đi ngang (thay vì giảm sâu như năm 2016). 

Tuy nhiên, diễn biến đáng lưu ý nhất vẫn là hoạt động cổ phần hoá sôi động và niêm yết mới sẽ thay đổi toàn cảnh thị trường 2017. Nhìn chung, chung tôi kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng tốt cả về điểm số, thanh khoản và vồn hoá.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Theo quan điểm của chúng tôi, triển vọng TTCK trong năm 2017 tương đối lạc quan mặc dù cũng vẫn còn những ẩn số khó dự báo. Một số yếu tố hỗ trợ cho thị trường bao gồm:

(1) Tăng trưởng kinh tế được đánh giá cao hơn 2016, vĩ mô ổn định;

(2) Hoạt động IPO, niêm yết của các doanh nghiệp nhà nước sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa qua đó giúp tăng số lượng "hàng hóa" đặc biệt là hàng hóa có chất lượng cho thị trường;

(3) Các chính sách của các cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường sẽ tiếp tục triển khai, bên cạnh đó là việc cho ra đời thị trường phái sinh, sản phẩm covered warrant, chuẩn bị các điều kiện để triển khai nghiệp vụ bán khống trong năm 2018...

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chất lượng “hàng” được củng cố ảnh 1

Ông Ngô Thế Hiển 

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố bên ngoài có thể tác động bất lợi tới thị trường như FED tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2017, tình hình kinh tế-chính trị tại châu Âu và đặc biệt là những chính sách của Mỹ sau khi ông Donald Trump chính thức nhận chức hiện vẫn chưa rõ ràng và do vậy những tác động tới nền kinh tế của các khu vực, quốc gia trong đó có Việt Nam là chưa thể đánh giá một cách đầy đủ.

Có thể khẳng định là việc cổ phiếu trên thị trường tăng đồng loạt như trong quá khứ sẽ không xảy ra mà dòng tiền trong năm 2017 sẽ tiếp tục phân hóa theo từng giai đoạn và trong từng nhóm ngành nhất định. Do vậy, để có được hiệu quả đầu tư tốt trong năm 2017, bên cạnh việc lựa chọn cổ phiếu, việc quản lý danh mục của nhà đầu tư cũng sẽ là yếu tố cần được coi trọng. 

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tôi nghĩ năm 2016 là năm rất thuận lợi cho TTCK Việt Nam, bởi hầu như không có sự kiện xấu gì ảnh hưởng mạnh trên diện rộng đến cổ phiếu trong năm nay.

Chỉ số VN-Index tăng trưởng đều và không có gấp khúc nào đáng kể. Kinh tế nước ta  năm nay tuy vẫn còn nhiều điểm đáng nói, nhưng nhìn chung là đang hồi phục về thực chất nên triển vọng kinh tế năm sau chắc chắn là tốt hơn.

Hơn nữa, việc các tổng công ty, tập đoàn lớn kéo nhau lên sàn nhiều trong những tháng cuối năm là chỉ báo rất tích cực cho triển vọng của TTCK năm sau.

Tuy nhiên, trong năm 2017 có lẽ sẽ có nhiều bất ngờ hơn, chủ yếu đến từ thế giới bên ngoài. Chính sách của chính phủ mới của nước Mỹ, vấn đề tỷ giá, biến động kinh tế của “hàng xóm” Trung Quốc… đều có thể tạo ra những tác động lớn, thậm chí có thể gọi là rủi ro cho kinh tế lẫn TTCK nước ta. Do đó, về cơ bản tôi dự báo TTCK sẽ tăng, nhưng sẽ có những thời điểm đảo chiều đáng kể hơn.

Những phiên cuối cùng của năm giao dịch khá tích cực, lực cầu gia tăng mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản bluechips, midcap và penny. Thị trường thì vẫn đang kỳ vọng và chờ đợt một đợt sóng mới sau kỳ nghỉ lễ và nhóm cổ phiếu nào sẽ có nhiều cơ hội, theo các ông/bà?

Bà Lê Nguyệt Anh, Giám đốc Phân tích ACBS

Kỳ nghỉ tết âm lịch năm nay đến khá sớm và trùng với kỳ công bố báo cáo tài chính quý IV. Do vậy, giao dịch có thể trầm lắng đến hết tết, nhất là cục diện tỷ giá và lãi suất cũng phải sau tết âm lịch mới rõ ràng.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Thị trường chưa cho thấy dấu hiệu bị rút tiền mạnh trong những phiên cuối năm và hiện vẫn đang ở trong trạng thái tích lũy.

Chúng tôi cho rằng quá trình này sẽ cần thêm một thời gian nữa trong khi đó ngay sau kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch, thị trường sẽ chỉ giao dịch thêm khoảng 3 tuần để bước vào một đợt nghỉ dài ngày. Do vậy, có lẽ chỉ nên kỳ vọng vào một nhịp hồi phục ngắn tới đây và nếu như xuất hiện đợt sóng tăng mạnh sẽ cần phải chờ đến sau Tết Âm lịch.

Hiện tại, một số mã dẫn đầu trong các nhóm ngành như hàng tiêu dùng, nguyên liệu cơ bản (cao su, thép) có thể đáng quan tâm trong tuần sau kỳ nghỉ lễ.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Thị trường đang chuẩn bị đón năm mới, cũng là đón kỳ công bố BCTC quý IV/2016. Theo thông lệ, tin tốt ra trước, tin xấu ra sau, do đó về ngắn hạn, tôi kỳ vọng vào 1 đợt tăng giá ở nhiều mã vốn hóa lớn, nhằm tạo ra động lực nâng đỡ chỉ số chứng khoán. Tất nhiên, cả largecap, midcap lẫn smallcap đều có công ty làm ăn tốt, tăng trưởng cao, nhưng mức độ ảnh hưởng cụ thể lên index thì chủ yếu vẫn là largecap.

Tôi nghĩ có thể dự báo trước một số nhóm ngành có sức tăng trưởng tốt trong quý IV, dựa trên đà tăng trưởng của 3 quý đầu năm hay tính mùa vụ tập trung vào quý IV như vật liệu xây dựng, nhựa, cao su,các ngành liên quan đến việc phân phối bán lẻ hàng tiêu dùng như thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc, điện máy…

Ngành bất động sản tuy chững lại trong quý III vừa qua, nhưng Q4 vẫn kỳ vọng cao vì đây thường là quý đạt doanh thu cao nhất trong năm.

NVL của CTCP Bất động sản Novaland là bluechip niêm yết chốt năm 2016, cùng với đó là sự kỳ vọng của hàng loạt cổ phiếu lớn sẽ lên sàn trong giai đoạn đầu năm 2017. Ông/bà đánh giá sự góp mặt của những buechip sẽ tác động và chi phối đến thị trường như thế nào trong thời gian tới ?

Bà Lê Nguyệt Anh, Giám đốc Phân tích ACBS

Lịch cổ phần hoá và niêm yết khá dày đặc trong tuần sau tết và cả năm 2017. Điều này sẽ khiến cục diện thị trường thay đổi liên tục trong thời gian tới.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Chất lượng “hàng” được củng cố ảnh 2

 Bà Lê Nguyệt Anh

Nhiều cổ phiếu vừa niêm yết sẽ lập tức tham gia top 10 về vốn hoá và thay đổi bản đồ thị trường. Điều này khiến các cổ phiếu đang niêm yết bớt hấp dẫn bởi nguồn cung từ các nhà đầu tư OTC là khá lớn. Tuy nhiên, trong dài hạn, diễn biến này là tích cực vì sẽ khiến thị trường đa dạng hơn, lớn hơn và giàu thanh khoản hơn. 

Ông Ngô Thế Hiển, Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK SHS

Sự góp mặt của những bluechips sẽ làm gia tăng thêm lượng hàng hóa có chất lượng và chắc chắn sẽ thu hút thêm dòng tiền lớn, qua đó tác động tích cực trực tiếp lên thị trường vào năm 2017.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý là thực tế này sẽ khiến cho dòng tiền trên thị trường càng thêm phân hóa, qua đó tác động tới Indexes và các cổ phiếu khác nhau.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán

Tôi nghĩ, việc các công ty lớn nhà nước sau cổ phần hóa, cũng như các tập đoàn tư nhân lớn lũ lượt lên sàn là tin mừng cho TTCK Việt Nam, bởi nó không chỉ giúp gia tăng quy mô TTCK, mang thêm cơ hội đầu tư, mà còn góp phần nâng cao mức độ hiểu biết và phân tích về nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, thông qua các chỉ số tài chính mà các công ty/tập đoàn đó mang tính đại diện.

Trước đây, chỉ có một vài nhóm ngành có sự góp mặt của các ông lớn (trong ngành đó) như ngân hàng, dầu khí, bảo hiểm, sắt thép…, giờ có thêm các ông lớn khác ở các lĩnh vực thực phẩm, viễn thông, xăng dầu, dệt may, hàng không… thì càng tốt chứ sao?

Ngoài ra, tôi kỳ vọng việc các công ty lớn lên sàn cũng sẽ mang lại hiệu ứng giống như hồi KDC, STB hay VNM lên sàn năm 2015, tức là tạo ra nét mới rát hấp dẫn của TTCK đối với công chúng đầu tư, nhất là NĐT có tổ chức, NĐTNN, và theo đó thúc đẩy mặt bằng giá cổ phiếu lên 1 mức cao hơn.

Theo tôi thấy, khá nhiều công ty mới lên sàn đang được định giá (theo P/E) ở mức cao hơn so với mặt bằng chung, tức khoảng 15-20 lần, thậm chí 30 lần như SAB mà khối ngoại vẫn mua. Tuy định giá khá cao, nhưng với tiềm năng tăng trưởng dựa vào lợi thế về quy mô, thị phần, thương hiệu, độ “phủ sóng”… và nhất là yếu tố nhà nước thoái vốn, đó là điểm rất quan trọng khi muốn thu hút các NĐT lâu dài, ổn định hơn hẳn các dạng quỹ ETFs hay dòng tiền nóng khác vốn vào nhanh mà ra cũng nhanh.

Tin bài liên quan