Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bao giờ tới thời của penny?

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bao giờ tới thời của penny?

(ĐTCK) Theo nhận định của một số chuyên gia khi trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, trong 1 uptrend dài sẽ có nhiều nhịp sóng tăng ngắn và do một nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Trong đợt tăng hiện tại, nhóm ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường và sắp tới là nhóm bluechip “cổ” và penny.

Hai phiên cuối tuần, TTCK đã có sự bứt phá mạnh và VN- Index xác lập đỉnh mới của năm. Mặc dù tăng điểm mạnh, nhưng đà tăng chủ yếu diễn ra ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Xu hướng tuần mới sẽ theo hướng như thế nào, theo cảm quan của các ông?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MBS

Thị trường vẫn đang diễn ra theo kịch bản của tôi đã đưa ra từ cuối tháng 5 vừa qua, nên tôi khá tự tin duy trì quan điểm, thị trường vấn tiếp tục xu thế tăng lên trên 670 điểm ngay trong năm nay.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bao giờ tới thời của penny? ảnh 1

 Ông Dương Văn Chung

Với mức điểm số tăng lên qua vùng 670, thì nhất thiết phải có sự trợ giúp của các cổ phiếu vốn hóa lớn để đẩy qua ngưỡng kháng cự mạnh 630 - 640 và theo cách nhìn của tôi, thì hiện tượng này là hoàn toàn bình thường và nhà đầu tư cần thích nghi với diễn biến này để có thể kiếm được lợi nhuận.

Với cách tiếp cận đó thì tôi cho rằng, xu thế chính tuần mới là vẫn tiếp tục tăng cho dù sẽ có những phiên giảm điểm nhẹ xen kẽ. Lớp cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn sẽ là nhóm dẫn dắt thị trường tăng điểm trong ngắn hạn.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Sau liên tiếp các phiên dao động tích lũy trong biên độ hẹp, thị trường bất ngờ có tuần bật tăng điểm tích cực nhờ dòng vốn giao dịch mạnh mẽ tại nhóm các cổ phiếu bluechips, đặc biệt là sự mạnh lên bất ngờ của nhóm các cổ phiếu ngân hàng.

Đà tăng áp đảo diễn ra trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, sau hàng loạt phiên dòng vốn phân bổ theo hướng tập trung vào các cổ phiếu mạnh riêng lẻ khiến xu hướng tăng của VN-Index có phần chững lại cho thấy, về mặt cảm tính tâm lý thị trường đang ở trạng thái rất tích cực.

Trên thực tế, xu hướng tích cực của dòng tiền đang được nuôi dưỡng bởi kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm cho phép các ngân hàng mở room trong thời gian tới, giúp dòng vốn khối ngoại tiếp tục chảy mạnh mẽ vào nhóm các cổ phiếu này. Tuy vậy, chúng tôi đánh giá, khả năng xảy ra của kỳ vọng này là khá thấp, do ngành ngân hàng mang tính đặc thù nhạy cảm. Xu hướng trong tuần mới, thị trường sẽ diễn ra sự điều chỉnh khi chịu áp lực bán mạnh sau 2 phiên tăng nóng vừa qua. Mốc 600 điểm sẽ là mốc hỗ trợ trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Thị trường tuần qua đã có sự bứt phá rất nhanh và vượt qua mốc 600 khá nhẹ nhàng. Đây là tuần lễ mà nhà đầu tư đón nhận khá nhiều tin đồn từ nhiều lĩnh vực khác nhau và có lẽ, sau khi đã thẩm thấu hết, thì sự lạc quan đã trở lại.

Các chỉ báo ngắn hạn cho thấy, thị trường đã tăng nóng quá mức và khả năng sẽ chịu áp lực bán mạnh trong tuần mới.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bao giờ tới thời của penny? ảnh 2

 Ông Nguyễn Hồng Khanh

Về quan điểm cá nhân, tôi vẫn cho rằng, thị trường có thể tiếp tục nhịp tăng nhờ dòng tiền luân chuyển dồi dào ở cả nhà đầu tư trong nước lẫn khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại và kết quả quý II dự đoán sẽ nhiều khả quan hơn cùng kỳ là một yếu tố hỗ trợ trong thời gian tới. 

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đã vượt qua kháng cự mạnh 600 điểm khi tăng lên mức 616 điểm, còn HNX-Index tăng trở lại về vùng tích lũy cũ trước đây tại vùng 87-88 điểm. Tuy nhiên, chỉ số tăng mạnh chủ yếu thông qua nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, trong khi chưa tạo được sự lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác, nên chưa hẳn có sự đồng thuận.

Trong các phiên tới, thị trường sẽ kiểm nghiệm các ngưỡng kháng cự cao hơn như 620-526 điểm với VN-Index và 89-90 điểm với HNX-Index. Dòng tiền cần được lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác và thanh khoản sẽ cần tiếp tục tăng mạnh để duy trì đà tăng bền vững.

Về cơ bản, thị trường đang tiến sát các mốc cao nhất trong năm, với sức kéo phần lớn các cổ phiếu ngân hàng lớn (VCB, BID, ACB...) như đã từng diễn ra với dòng dầu khí năm ngoái, do đó tôi cho rằng, thị trường ngắn hạn vẫn trong xu hướng lạc quan, nhưng cũng cần duy trì tâm lý thận trọng khi quyết định mua đuổi trong các phiên tăng nóng trong tuần mới.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)

Tôi vẫn cho rằng, thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm 1 - 2 phiên đầu tuần trước khi có thể điều chỉnh ở một số phiên giữa tuần. Tôi bảo lưu quan điểm là VN-Index sẽ tiếp cập vùng kháng cự 620 - 625 và sau đó sẽ là vùng 630 - 640 điểm trong thời gian tới.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bao giờ tới thời của penny? ảnh 3

 Ông Lê Đức Khánh

VN-Index tăng điểm mạnh do ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu lớn và cũng sẽ tăng tiếp do nhờ đà tăng điểm của nhóm cổ phiếu này nhưng có thể không chỉ riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng mà có thể có thêm các cổ phiếu blue chips khác ví dụ như MSN, HSG, FPT...
 

Sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng đã tạo ra điểm cộng tích cực hơn cho triển vọng chung toàn thị trường. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ tăng rủi ro thua lỗ cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu midcap và penny khi chỉ số quay đầu điều chỉnh. Quan điểm của các ông như thế nào?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MBS

Mỗi một nhịp sóng nhỏ (1 - 2 tháng) đều có 1 nhóm cổ phiếu đại diện đóng vai trò dẫn dắt thị trường, các nhóm cổ phiếu còn lại chỉ mang tính chất phụ họa. Trong 1 uptrend dài (> 6 tháng) thì có nhiều nhịp sóng tăng xen kẽ, vì vậy, trong cả 1 uptrend dài thì các nhóm cổ phiếu sẽ luân phiên nhau dẫn dắt thị trường trong từng nhịp sóng.

Do đó, tư duy lo sợ thua lỗ cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu midcap và penny khi chỉ số quay đầu điều chỉnh chỉ là ngắn hạn, còn nếu xác định cả 1 uptrend hơn 6 tháng thì tôi tin rằng, tâm lý đó sẽ không còn diễn ra nữa.

Tuy nhiên, trong nhịp sóng ngắn hạn này, tôi vẫn nhìn thấy nhiều cổ phiếu midcap và penny thuộc dòng bất động sản vẫn tăng điểm khá do tính đột biến trong kết quả kinh doanh của nó khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận giải ngân ngược tâm lý chung.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Tôi đồng ý với quan điểm này. Thị trường đang có dấu hiệu tăng nóng trong ngắn hạn từ hiệu ứng đẩy giá mạnh mẽ tại nhóm các cổ phiếu ngân hàng và các mã bluechips nhờ kỳ vọng nới room. Tuy vậy, sức tăng không nhận được sự hỗ trợ đồng đều của hầu hết các nhóm ngành khác cho thấy, thị trường vẫn chưa có sự đồng thuận tích cực giữa các nhóm ngành.

Điều này khiến những người nắm giữ các nhóm cổ phiếu midcap và penny không được hưởng lợi và khi thị trường quay đầu điều chỉnh, thì nhóm các cổ phiếu này cũng sẽ chịu áp lực điều chỉnh theo.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Các nhóm cổ phiếu mid cap và penny có các nhịp tăng không đồng thuận với bluechip trong thời gian qua, tuy nhiên những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững mạnh và tăng trưởng năm nay thì giá cổ phiếu vẫn tăng ổn định.

Như vậy, khi thị trường điều chỉnh, thì mặc nhiên tất cả các cổ phiếu đều chịu chung áp lực giảm và chỉ những cổ phiếu tốt sẽ giữ giá bền vững hơn. Rủi ro chỉ xảy ra với các cổ phiếu đã tăng nóng chỉ dựa vào các tin tức không rõ ràng và các kết quả kinh doanh không đạt như kỳ vọng.

Nhà đầu tư hiện tại hiện tại rõ ràng đã có nhiều kinh nghiệm hơn sau các cú sốc vừa qua, vì vậy việc đổ tiền chạy theo các cổ phiếu nóng đã giảm hẳn so với trước đây.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS

Trong nhịp tăng của VN-Index từ 580 điểm lên 615 điểm trong tuần qua, chỉ có các cổ phiếu ngân hàng (VCB, BID, ACB, MBB...), chứng khoán (SSI, HCM...) và một số cổ phiếu bluechips là được hưởng lợi khi thu hút được dòng tiền của thị trường và nhà đầu tư nước ngoài.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bao giờ tới thời của penny? ảnh 4

 Ông Trần Hoàng Sơn

Ngược lại, một số cổ phiếu midacap và penny khác trong xu hướng điều chỉnh khi dòng tiền chốt lời và luân chuyển sang các mã khác, nhất là khi các chỉ số chạm các vùng kháng cự mạnh và xuất hiện rung lắc trong phiên.

 Do đó, theo quan điểm của tôi, nếu thị trường tiếp tục tăng điểm tiếp trong những phiên tới, khả năng dòng tiền sẽ sớm quay trở lại vào hai nhóm này, nhưng mức độ có thể sẽ không còn được như trước do giá cổ phiếu cũng không còn rẻ nữa. Việc mua đuổi giá cao trong phiên cần được cân nhắc thận trọng.

Tôi cho rằng, nhà đầu tư nên chốt lời các mã đã có lời. Với các mã cổ phiếu đang về sát vùng hòa vốn, có thể xem xét chờ bán giá cao trong các phiên tăng điểm trong tuần này. Nên duy trì  tỷ lệ tiền mặt cao trước các ngưỡng cản mạnh của index trong thời gian này.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)

Điều đó hoàn toàn đúng khi mà dòng tiền chỉ tập trung vào một số dòng cổ phiếu. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ mất kiên nhẫn khi cổ phiếu midcap và penny mình cầm nó không tăng giá trong khi các cổ phiếu khác lại tăng. Tuy nhiên, sẽ không phải cầm cổ phiếu mid cap và penny sẽ là rủi ro chính vì ta không đánh giá cổ phiếu diễn biến trong ngắn hạn mà là triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Có thể là những cổ phiếu đó chưa đến giai đoạn tăng giá miễn là nhà đầu tư lựa chọn đúng cổ phiếu và có thể kiên nhẫn với những cổ phiếu đã lựa chọn. Thời cơ cho cổ phiếu tốt sẽ đến với những nhà đầu tư kiên nhẫn.

Có thể thấy, hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại đang là động lực cho thị trường tăng, nhưng liệu dòng tiền ngoại có đối diện với áp lực tạo lập vòng luân chuyển mới không, theo các ông?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MBS

Như đã nói ở trên, tôi luôn cho rằng, trong 1 uptrend dài hơn 6 tháng luôn có từng nhịp tăng nhỏ kéo dài 1 - 2 tháng. Mỗi nhịp tăng nhỏ đó đều có từng lớp cổ phiếu riêng biệt đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Vì vậy, nhịp sóng này là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng, thì nhịp sóng sau sẽ là nhóm cổ phiếu bluechip “cổ”, nhóm cổ phiếu bất động sản và cuối cùng sẽ là nhóm cổ phiếu penny (dự kiến sóng penny phải diễn ra vào tháng 10 - tháng 11).

Với những nhà đầu tư có vốn lớn hoặc xác định chiến lược đầu tư dài hạn, thì ngoài việc “đầu cơ” nhóm vốn hóa lớn trước, họ sẽ có xu hướng là tích lũy dần các cổ phiếu tốt mà chưa tăng để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Khối ngoại trong tuần qua tiếp tục xu hướng mua ròng khá tích cực trên cả 2 sàn. Tuy vậy, xu hướng này có yếu đi trong các phiên cuối tuần. Chúng tôi cũng lưu ý những diễn biến khá phức tạp tại Hy Lạp vẫn chưa có hồi kết.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Bao giờ tới thời của penny? ảnh 5

 Ông Ngô Thế Hiển

Trong một động thái mới nhất, Thủ tướng Hy Lạp đã hối thúc người dân bỏ phiếu chống đối với đề xuất cứu trợ tài chính quốc tế trong cuộc trưng cầu diễn ra ngày 5/7. Điều này khiến những lo ngại về tác động tiêu cực đối với vấn đề khủng hoảng nợ tại Hy Lạp tiếp tục tăng cao. Do vậy, khả năng trong thời gian tới, việc mua bán của khối ngoại sẽ giảm bớt dần sự tích cực.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Khối ngoại đã mua ròng liên tiếp hơn 4.000 tỷ đồng trong 3 tháng gần đây và đặc biệt tháng 6 vừa qua đã gia tăng giao dịch lên đến 40% so với tháng trước, đã tạo động lực mạnh thúc đẩy thị trường tăng trưởng thời gian qua.

Dĩ nhiên, sau khi thị trường đã tăng lên quá giá trị thực sẽ tạo áp lực bán không những từ phía nhà đầu tư nước ngoài, mà cả ở trong nước. Vấn đề cơ bản vẫn là bản thân doanh nghiệp có tạo giá trị tương xứng với giá trị cổ phiếu trên sàn hay không.

Bài học về sự lên dốc quá nhanh và xuống dốc tương ứng của nhóm cổ phiếu dầu khí năm ngoái vẫn còn và nhà đầu tư sẽ cẩn trọng hơn nhiều trong thời gian tới, trong sự đánh giá tương quan giữa bản thân doanh nghiệp với những cơn sốt giá trên thị trường.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS

Có thể nói, dòng tiền ngoại trong thời gian gần đây hỗ trợ rất lớn đến xu hướng thị trường chung với các phiên mua ròng mạnh mẽ 300 - 400 tỷ đồng/phiên, tập trung chủ yếu vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, SSI, MSN, HPG, VCB, STB, BID, BVH..., nên đã có sự tác động khá mạnh tới mức tăng của chỉ số VN-Index.

Nếu xu hướng mua ròng còn tiếp tục, tôi cho rằng, sẽ tiếp tục là động lực cho mức tăng điểm của 2 sàn trong thời gian tới. Tuy nhiên, diễn biến mua hoặc bán của nhà đầu tư nước ngoài là khá khó đoán.

Việc TTCK Trung Quốc đang giảm mạnh trong 2 tuần gần đây và sự kiện vỡ nợ tại Hy Lạp có thể sẽ phần nào tác động đến dòng vốn vào các thị trường mới nổi và thị trường biên, qua đó ảnh hưởng đến xu hướng mua ròng tại Việt Nam. Do đó, tôi cho rằng, nên quan sát và thận trọng trước những tình huống này để đảm bảo hoạt động trading hiệu quả nhất.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MaritimeBank (MSBS)

Động thái giải ngân của khối ngoại vẫn là động lực cho thị trường tăng điểm. Sự tập trung chủ yếu của khối ngoại trong thời điểm này là các cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm và có thể luân chuyển sang dòng cổ phiếu khác - cổ phiếu điện, xây dựng hạ tầng chẳng hạn.

Vòng luân chuyển mới lại tiếp tục diễn ra và ta lại nhìn thấy một nhóm cổ phiếu mới (liên quan đến nới room chẳng hạn) sẽ lại tăng mạnh mẽ nhờ lực cầu khối ngoại.

Tin bài liên quan