Gỡ khó cho ngành đường: Doanh nghiệp đường cần đổi mới

Gỡ khó cho ngành đường: Doanh nghiệp đường cần đổi mới

(ĐTCK) Ngành đường trong nước đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đối mặt với thách thức phải đổi mới, hoặc có thể đi theo hướng tái cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những thách thức

Từ năm 2012 đến nay, ngành mía đường trong nước liên tục tuột dốc khi giá đường và giá mía giảm mạnh. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2011 - 2012, giá đường dao động 18.000 - 19.000 đồng/kg, sang niên vụ 2012 - 2013, giảm xuống 14.500 - 15.000 đồng/kg, đến niên vụ 2013 - 2014, giá đường tiếp tục rớt còn 12.000 - 13.000 đồng/kg… Điều này khiến người dân trồng mía ở nhiều địa phương ào ạt phá bỏ ruộng mía để chuyển sang trồng cây khác, đẩy các nhà máy vào cảnh thiếu mía, dẫn đến tình trạng cạnh tranh khốc liệt trong việc thu mua nguyên liệu.

Cũng theo VSSA, ngành đường trong nước đã qua nhiều năm cải tiến, nhưng năng suất mía vẫn ở mức 60 - 70 tấn/héc-ta, trong khi Thái Lan xấp xỉ 100 tấn/héc-ta. Thực trạng này góp phần làm cho giá thành sản xuất mía trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước. Do đó, doanh nghiệp rất khó trụ vững khi thời gian thực hiện Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) không còn xa.

Một lãnh đạo của VSSA từng cho rằng, bản thân các nhà máy đường phải xem lại, phải có chiến lược rõ ràng để 5 - 7 năm nữa có được giá thành sản xuất cạnh tranh. Nhà nước đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành mía đường, do đó, giờ là lúc từng doanh nghiệp mía đường phải có kế hoạch phát triển, tính toán sao cho nông dân trồng mía có lãi, đạt năng suất chất lượng cao, hạ giá thành sản xuất mía để giảm giá thành sản xuất đường thì mới cạnh tranh được.

Bên cạnh đó, nhu cầu đường ở Việt Nam trong các năm gần đây gần như sụt giảm so với giai đoạn 2005 - 2008, khi việc mở rộng và phát triển ngành công nghiệp sản xuất bánh kẹo đang chững lại. Trong khi đó, đường sản xuất nội địa gần như không thể xuất ra thị trường thế giới và còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó. Tính đến ngày 15/4/2014, lượng đường tồn kho 701.680 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 141.360 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/3 - 15/4/2014 là 190.540 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 36.270 tấn. Tiêu thụ chậm, tồn kho cao khiến nhiều nhà máy lao đao. Nhiều công ty có tên tuổi trong ngành cũng lâm cảnh kết quả kinh doanh không khả quan.

Áp lực đổi mới

Đối với nhà máy đường, quy mô công suất là một chỉ tiêu rất quan trọng bên cạnh vùng nguyên liệu mía, vì công suất càng lớn, thì hoạt động càng hiệu quả, đặc biệt là ở các nhà máy có công suất ép trên 10.000 TMN (tấn mía ngày). Tại thị trường Việt Nam, thông thường, một nhà máy phải có công suất từ 6.000 TMN trở lên thì mới đạt được lợi thế về quy mô.

Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho thấy, hiện cả nước chỉ có 8 trong số 38 nhà máy đạt được lợi thế này. Các nhà máy còn lại đều ở quy mô thấp, rất khó cạnh tranh lại. Chưa kể, một số nhà máy không hề có vùng nguyên liệu, không sản xuất mà chủ yếu nhập đường lậu về, đóng gói và đưa ra thị trường tiêu thụ càng khiến ngành đường điêu đứng.

Về hệ thống phân phối, cả nước có 38 doanh nghiệp đường, nhưng ngoại trừ một số ít công ty đường như Đường Biên Hòa (BHS), Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) có phát triển toàn diện về các kênh phân phối, các công ty còn lại đều phụ thuộc vào một hệ thống thương lái trung gian làm đầu ra cho đường sản xuất, nên hầu như không có khả năng quyết định giá đường trên thị trường.

Theo FPTS, nếu chỉ phát triển mảng hoạt động bán sỉ sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí bán hàng và giải phóng nhanh hàng tồn kho trong điều kiện thị trường thuận lợi. Tuy nhiên, các nhà máy đường cũng phải đối mặt với rủi ro thiếu vị thế đàm phán, mất khách hàng lớn và dễ bị ép giá.

Theo các chuyên gia, để có được một doanh nghiệp đường đủ mạnh, trước hết cần phải có nguồn vốn lớn, xây dựng được vùng nguyên liệu hoàn chỉnh về diện tích, giống, kỹ thuật và trình độ cơ giới hóa cao. Trong khi đó, sản xuất còn manh mún, trình độ cơ giới hóa thấp. Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh phải tăng về quy mô nhà máy đường và năng suất mía cần tái cơ cấu theo hướng cộng hưởng các nhà máy dồn vào những nhà máy đủ mạnh; đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tập trung để tăng năng suất và chất lượng mía nhằm giảm giá thành… Đồng thời, quy mô vốn của doanh nghiệp và thị phần tiêu thụ cũng sẽ được cải thiện. Chưa kể việc này có thể giúp các doanh nghiệp tận dụng được thế mạnh, đồng thời hỗ trợ nhau về vốn, nguyên liệu, kỹ thuật khi cần thiết.

Hướng tái cơ cấu này phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ và đang được ngành ngân hàng, bất động sản áp dụng tương đối có hiệu quả. Việc hợp nhất, sáp nhập hoặc liên kết sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, tăng hiệu quả hoạt động.