Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Mặc dù thị trường quay đầu điều chỉnh khiến nhiều cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị mua mất điểm, nhưng vẫn có nhiều mã tăng vượt 10% như KSB, VCR. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* HSC khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với AAA với giá mục tiêu 17.000 đồng/CP

Chúng tôi sẽ xem xét lại dự báo cho năm 2020, giá mục tiêu và đánh giá cổ phiếu. Đánh giá gần nhất của chúng tôi đối với cổ phiếu AAA là tăng tỷ trọng với giá mục tiêu là 17.000 đồng/CP, dựa trên phương pháp định giá từng phần.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh dự kiến tăng trưởng khá tốt, AAA còn hưởng lợi từ dịch COVID-19 bởi đối thủ cạnh tranh chính của Công ty là các nhà sản xuất túi nhựa Trung Quốc nên sự gián đoạn tại các nhà máy của Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu cao hơn đối với túi nhựa của AAA.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm ngày 18/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu AAA tăng 1.000 đồng (+8,13%) từ mức giá 12.300 đồng/CP lên 13.300 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà HSC đưa ra là 17.000 đồng/CP, thị giá hiện tại của AAA còn thấp hơn 21,76%.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu DRC

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư “mua” cổ phiếu DRC. Chúng tôi định giá cổ phiếu DRC dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền: FCFF và FCFE với chi phí vốn bình quân WACC 14.97% và Ke = 18.06%, tăng trưởng dài hạn dòng tiền 3%.
DRC đang giao dịch với mức PE fwd = 11x.

Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2019 khả quan cùng triển vọng 2020 khá sáng, nhưng diễn biến cổ phiếu DRC không được như kỳ vọng của BSC. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC giảm 500 đồng (-2,1%) từ mức giá 23.800 đồng/CP, xuống 23.300 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 22.200 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 12 tháng 22.200 đồng trên cơ sở: Hoạt động tiếp tục có sự phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo cơ khí dầu khí với nhiều dự án thăm dò và khai thác dầu khí trong giai đoạn 2019-2025; Hoạt động cung cấp dịch vụ kho nổi đem lại doanh thu và lợi nhuận ổn định, trong đó đự kiến FSO Sao Vàng Đại Nguyệt đưa vào vận hành khai thác trong nửa cuối năm 2020; Sở hữu tình hình tài chính lành mạnh với dòng tiền lớn, đảm bảo cho phát triển ổn định.

Trái với khuyến nghị của của MBS, tuần qua, cổ phiếu PVS vẫn biến động nhẹ trên mức giá 16.000 đồng/CP. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên đứng giá, 1 phiên ngày 19/2 nhẹ và 1 phiên giảm nhẹ 18/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng nhẹ 100 đồng (+0,61%) từ mức giá 16.300 đồng/CP lên 16.400 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu VCR có cơ hội kéo dài đợt tăng giá

Hôm nay 19/2, sự hưng phấn đã đẩy giá cổ phiếu tăng kịch trần, kéo theo đó là việc tạo Golden Cross của các đường EMA đánh dấu sự khởi đầu cho một giai đoạn tươi sáng hơn đối với VCR. Các chỉ báo kỹ thuật khác hiện cũng đang ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI đang dần chạm vùng quá mua cho thấy có thể có sự điều chỉnh trong ngắn hạn tuy nhiên khả năng này cũng không quá cao khi lực mua vẫn đang được duy trì đều đặn.

Theo đánh giá của chúng tôi, VCR có cơ hội kéo dài đợt tăng giá cho đến khi cổ phiếu tiếp cận mốc 15.5.

Mặc dù cổ phiếu VCR chịu áp lực và quay đầu giảm sâu trong phiên cuối tuần 21/2, nhưng những phiên khởi sắc giữa tuần giúp cổ phiếu này duy trì đà tăng khá tốt sau tuần bứt phá trước đó. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng, trong đó có 2 phiên tăng trần và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCR tăng 1.900 đồng (+17,27%) từ mức giá 11.000 đồng/CP lên 12.900 đồng/CP.

* SBSC khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu PTB

PTB là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh đá và gỗ trên sàn. PTB có năng lực sản xuất đá ốp lát với công suất hơn 6,5 triệu m2/năm, sản phẩm gỗ tinh chế có công suất hơn 25.000 m3/năm, sản phẩm gỗ ván ghép có công suất hơn 35.000 m3/năm.

PTB cung cấp dịch vụ sửa chữa xe Toyota với công suất hơn 40.000 lượt xe/năm và tiêu thụ hơn 2.500 chiếc/năm. SBS đánh giá PTB trung lập với giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

Cổ phiếu PTB tiếp tục chịu sức ép bán ra và nối dài chuỗi ngày giảm điểm. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên đứng giá ngày 18/2 và 4 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PTB giảm 2.200 đồng (-3,23%) từ mức giá 68.100 đồng/CP xuống mức 65.900 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VJC

Bằng phương pháp EV/EBITDAR, đánh giá lại tác động của dịch cúm Corona, chúng tôi ước tính thận trọng giá trị hợp lý của VJC là 120.000 VND/cổ phiếu, ở mức tương đương với EV/EBITDAR 6.5. Do đó, khuyến nghị giữ đối với cổ phiếu này.

Không nằm ngoài nhận định của PHS, diễn biến cổ phiếu VJC tuần qua tiếp diễn trạng thái lình xình. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên đứng giá, 3 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VJC không có biến động và giữ nguyên mức giá 128.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho TLG với giá mục tiêu 67.600 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho TLG với giá mục tiêu 67.600 đồng/cổ phiếu. Tại giá chốt phiên ngày hôm nay, TLG hiện được giao dịch tại P/E năm 2020F là 8,9 lần dựa theo dự báo của chúng tôi.

Tuần qua, TLG có thông báo chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 2 năm tài chính 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Trước đó, Công ty đã thanh toán cổ tức đợt 1/2019 với tỷ lệ 10% bằng tiền. Thông tin này phần nào hỗ trợ giúp cổ phiếu TLG có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên đứng giá, 3 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TLG tăng 1.800 đồng (+4,74%) từ mức giá 38.000 đồng/CP lên 39.800 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DHC

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua và duy trì quan điểm tích cực đối với khả năng DHC tận dụng đà tăng trưởng tiêu thụ giấy bao bì tại Việt Nam, được thúc đẩy bởi việc mở rộng công suất gần đây của công ty.

Mặc dù tận dụng được đà tăng trưởng tiêu thụ giấy bao bì tại Việt Nam nhưng trước mắt, dịch COVID-19 phần nào ảnh hưởng tới DHC. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên đứng giá, 3 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHC tăng nhẹ 350 đồng (+0,94%) từ mức giá 37.200 đồng/CP lên mức 37.550 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW tuy nhiên thực hiện điều chỉnh giá mục tiêu 12 tháng xuống còn 13.800 đồng từ mức 15.600 đồng theo báo cáo trước đó do điều chỉnh tăng 10% hệ số beta từ 0,92 lên 1,01 dựa trên cập nhật mức độ tương quan giữa sự thay đổi giá CP POW và chỉ số VNIndex từ khi POW bắt đầu niêm yết.

Sau khi lấy lại mệnh giá trong tuần thứ 2 của tháng 2, cổ phiếu POW tiếp tục nhích bước trong tuần vừa qua. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên đứng giá, 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW tăng 350 đồng (+3,37%) từ mức giá 10.400 đồng/CP lên 10.750 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 33.800 đồng/CP

Chúng tôi nâng khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 33.800 đồng/CP (+21,3% so với mức giá đóng cửa ngày 14/02/2020) từ mức giá khuyến nghị trước đó 30,800 đồng do điều chỉnh tăng EPS dự phóng 2020. Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá PE với mức PE mục tiêu là 7 lần.

Tuần qua, cổ phiếu DGW đã quay đầu điều chỉnh bởi chịu áp lực bán gia tăng sau chuỗi ngày tăng mạnh nhờ thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh năm 2019 tăng trưởng mạnh cùng tham vọng doanh thu vượt 10.000 tỷ đồng trong năm 2020. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGW giảm 250 đồng (-0,89%) từ mức giá 27.950 đồng/CP xuống 27.700 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu KSB có thể sẽ xuất hiện sự điều chỉnh ngắn hạn

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI đang tăng dần trên mốc 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng ngắn hạn vẫn còn.

Theo đánh giá của chúng tôi, KSB có thể sẽ xuất hiện sự điều chỉnh ngắn hạn khi tiếp cận vùng cản 18.5 và trở về mốc 16.5 rồi tiềm năng tạo thêm mô hình vai đầu vai giúp cho đà tăng được vững chắc.

Trái với nhận định của BSC, diễn biến cổ phiếu KSB tuần qua khá khởi sắc khi đón nhận 4 phiên tăng, trong đó phiên 20/2 tăng trần và chỉ 1 phiên giảm duy nhất ngày 18/2. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KSB tăng 1.950 đồng (+11,37%) từ mức giá 17.150 đồng/CP lên mwvs 19.100 đồng/CP.

* ACBS khuyến nghị mua cổ phiếu VRE

VRE sẽ chịu ảnh hưởng tạm thời từ việc VinPro đóng cửa và dịch virus corona, tuy nhiên tác động có thể sẽ không quá nghiêm trọng do Vinpro chỉ chiếm 2,4% doanh thu 2019 và 75-80% doanh thu cho thuê đến từ các hợp đồng trả tiền thuê cố định. Vì vậy, chúng tôi lặp lại khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VRE.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu nhà Vingroup là một trong những nhân tố tạo sức ép khiến thị trường có những nhịp rung lắc và điều chỉnh, trong đó VRE cũng không ngoại trừ. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng ngày 20/2  và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE giảm 1.050 đồng (-3,3%) từ mức giá 31.750 đồng/CP xuống mức 30.700 đồng/CP.

* Theo BSC, cổ phiếu STK tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại vùng giá 21-22

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI đang tăng dần trên mốc 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng ngắn hạn vẫn còn. Ngưỡng kháng cự gần nhất của cổ phiếu nằm tại khu vực xung quanh 20.

Theo đánh giá của chúng tôi, STK tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại vùng giá 21-22 trong trung hạn.

Trái với khuyến nghị của BSC, tuần qua, cổ phiếu STK giao dịch giằng co và đã để mất mức 19.000 đồng/CP. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên đứng giá, 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK giảm 150 đồng (-0,79%) từ mức giá 19.000 đồng/CP xuống mức 18.850 đồng/CP.

* MBS và VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu PC1

MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PC1 của CTCP Xây lắp điện 1 với giá mục tiêu 22.200 đồng dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFE trên cơ sở: PC1 là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực xây lắp công trình điện, Hoạt động xây lắp khả quan với giá trị backlog lớn, đảm bảo nguồn thu trong 2020, Doanh thu mảng phát điện tăng trưởng khá nhờ các nhà máy mới, Các dự án bất động sản ghi nhận nguồn thu lớn trong năm 2020.

Tương tự, VCSC cũng khuyến nghị mua dành cho PC1 với giá mục tiêu 26.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 67,3%.

Trái với khuyến nghị của MBS và VCSC, cổ phiếu PC1 đã đảo chiều điều chỉnh sau tuần tăng nhẹ trước đó. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 giảm nhẹ 50 đồng (-0,32%) từ mức giá 15.500 đồng/CP xuống mức 15.500 đồng/CP.

Tin bài liên quan