Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Bên cạnh diễn biến thị trường quay đầu điều chỉnh, nhiều cổ phiếu được khuyến nghị mua trong tuần qua đã đi ngược kỳ vọng với những phiên giảm liên tiếp. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho VEA với giá mục tiêu 59.700 đồng/CP

Duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với VEA với mức giá mục tiêu một năm là 59.700 đồng/cổ phần, cho thấy mức lợi nhuận tiềm năng là 29,2% (bao gồm suất cổ tức: 7,9%) và mức P/E hợp lý năm 2020 là 10,2 lần.

Diễn biến cổ phiếu VEA tuần qua không mấy tích cực và may mắn nhờ 2 phiên hồi phục cuối tuần đã giúp cổ phiếu này lấy lại được thăng bằng. Cụ thể, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VEA tăng nhẹ 500 đồng (+1%) từ mức giá 49.500 đồng/CP lên 50.000 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà BVSC đưa ra là 59.700 đồng/CP, thị giá hiện tại còn thấp hơn 16,25%.

* Theo BSC, cổ phiếu QNS có thể kiểm tra lại vùng kháng cự 34-35

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành. Như vậy, QNS có thể kiểm tra lại vùng kháng cự 34-35 trong các phiên giao dịch tới.

Bên cạnh thanh khoản sôi động, tuần qua, cổ phiếu QNS đã giao dịch khá tích cực khi đón nhận tới 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên giảm nhẹ ngày đầu tuần 11/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu QNS tăng 1.400 đồng (+4,81%) từ mức giá 29.100 đồng/CP lên 30.500 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 62.300 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và tăng giá mục tiêu 3% đạt 62.300 đồng/cổ phiếu khi điều chỉnh mô hình định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) đến giai đoạn 2020-2024F cũng như tăng mục tiêu P/E đạt mức cao hơn là 12,5 lần từ mức 12,0 lần trước đây.

Cổ phiếu BMP tiếp tục kéo dài những phiên điều chỉnh nhẹ trong tuần qua khi có tới 4 phiên giảm, tuy nhiên, phiên hồi phục tích cực ngày cuối tuần 15/11, đã giúp cổ phiếu này trở lại thăng bằng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP giảm nhẹ 200 đồng (-0,38%) từ mức giá 53.000 đồng/CP xuống 52.800 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 34.800 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và tăng giá mục tiêu 5% đạt 34.800 đồng/cổ phiếu chủ yếu nhờ gia hạn mức định giá đến cuối năm 2020.

Nhận định của VCSC thiếu chuẩn xác. Cổ phiếu HPG giao dịch khá phân hóa với 2 phiên tăng, 2 phiên đứng giá và 1 phiên giảm duy nhất ngày giữa tuần 13/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG giảm nhẹ 50 đồng (-0,22%) từ mức giá 22.700 đồng/CP xuống 22.650 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu PLX

Chúng tôi tăng giá mục tiêu 9,6% và nâng khuyến nghị mua cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) chủ yếu nhờ dự báo lợi nhuận tăng trung bình khoảng 2% trong giai đoạn 2020-2024F và tác động tích cực từ việc đưa định giá đến cuối năm 2020. Chúng tôi tăng cổ tức tiền mặt giai đoạn 2020-2024F 15% đạt 3.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất 5,1%) dựa trên số dư tiền mặt lớn của PLX.

Cổ phiếu lớn ngành dầu khí vẫn tiếp diễn trạng thái giao dịch lình xình trong biên độ hẹp. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá ngày 13/11 và 1 phiên giảm ngày 15/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLX tăng 900 đồng (+1,53%) từ mức giá 59.000 đồng/CP lên 59.900 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu STB với giá mục tiêu 17.800 đồng/CP

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 1,1% lên 17.800 đồng và duy trì khuyến nghị mua STB khi chúng tôi khi chúng tôi sử dụng phương pháp định giá vốn hóa thị trường trên khoản vay và tiền gửi huy động cùng định giá thu nhập thặng dư, với tỷ trọng 25% cho mỗi phương thức định giá vốn hóa thị trường và 50% cho thu nhập thặng dư.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những tác nhân tạo sức ép khiến thị trường quay đầu điều chỉnh sau 2 tuần khởi sắc trước đó. Trong đó, thành viên của dòng bank là STB cũng có tuần giao dịch không mấy tích cực. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 15/11 và 1 phiên tăng ngày 13/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STB giảm 150 đồng (-1,38%) từ mức giá 10.850 đồng/CP xuống 10.700 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MBB

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBB) và nâng giá mục tiêu 6,3% đến từ việc đưa định giá đến cuối năm 2020, một phần ảnh hưởng bởi mức giảm 1,1% của tổng lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2019F-2021F.

Cũng có diễn biến tương tự người anh em cùng họ - STB, cổ phiếu MBB đã giao dịch kém tích cực. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên tăng nhẹ ngày 11/11, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBB giảm 650 đồng (-2,78%) từ mức giá 23.400 đồng/CP xuống 22.750 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu HDG với giá mục tiêu 42.300 đồng/Cp

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HDG với giá mục tiêu năm 2019 là 42.300 đồng/CP (upside +21.5%) dựa trên phương pháp định giá từng phần.

Trong tuần qua, Hà Đô đã nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế với số tiền bị phạt và truy thu gần 5,7 tỷ đồng. Thông tin thiếu tích cực này đã phần nào tác động tới diễn biến cổ phiếu HDG. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá ngày giữa tuần 13/11 và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDG giảm 450 đồng (-1,27%) từ mức giá 35.400 đồng/CP xuống 34.950 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho KBC với giá mục tiêu 17.000 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) trong khi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 4% còn 17.000 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng đạt 15,3% (không bao gồm lợi suất cổ tức) khi chúng tôi dự báo công ty sẽ không chi trả cổ tức tiền mặt từ 2019 trở đi.

Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KBC tăng 400 đồng (+2,76%) từ mức giá 14.500 đồng/CP lên 14.900 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 17.000 đồng/CP, giá hiện tại của KBC còn thấp hơn 12,35%.

* Theo BSC, cổ phiếu DPG sẽ sớm chinh phục lại mục tiêu 54

Các chỉ báo xu hướng đều ủng hộ cho trạng thái tích cực của cổ phiếu. Bên cạnh đó, việc chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng vẫn còn. Nhìn chung, DPG đang vận động hướng về vùng đỉnh lịch sử tại khu vực giá xung quanh 54 và có thể chúng ta sẽ sớm nhìn thấy cổ phiếu chinh phục lại mục tiêu này.

Mặc dù còn khá xa mục tiêu mà BSC đưa ra nhưng diễn biến cổ phiếu DPG vẫn giao dịch tích cực với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 13/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPG tăng 1.700 đồng (+3,58%) từ mức giá 47.500 đồng/CP lên 49.200 đồng/CP, và tính từ đầu năm đến nay (theo giá cổ phiếu đã điều chỉnh) thì mức tăng giá cổ phiếu đạt 46,17%.

* VCSC và BSC cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT

VCSC duy trì khuyến nghị mua cho FPT và tăng giá mục tiêu 11% khi đưa giá mục tiêu về cuối năm 2020.

Tương tự, BSC tiếp tục khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với mức giá là 75.300 đồng/cp trong báo cáo trước (Link) (tăng 26,5% so với mức giá đóng cửa ngày 11/11/2019) cho mục tiêu cuối năm 2020. 

Trái với nhận định của VCSC và BSC, tuần qua, cổ phiếu FPT giao dịch khá giằng co. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 1.000 đồng (-1,68%) từ mức giá 59.600 đồng/CP xuống 58.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu FRT

Chúng tôi hạ khuyến nghị cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) từ khả quan thành phù hợp thị trường và giảm giá mục tiêu 26%.

Cổ phiếu FRT đã có tuần khá tiêu cực khi đón nhận 4 phiên giảm và chỉ duy nhất 1 phiên tăng ngày 11/11. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FRT giảm 3.200 đồng (-7,96%) từ mức giá 40.200 đồng/CP xuống 37.000 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 25.700 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 12 tháng là 25.700 đồng/cp dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền, trên cơ sở (i) tăng trưởng lợi nhuận tới từ hoạt động Khảo sát địa chấn không còn lỗ và mảng công trình dầu khí tiếp tục tăng trưởng với hai dự án SVĐN và Al Sheehan, và (ii) hai đại dự án Lô B – Ô Môn và Cá Voi Xanh sẽ là nguồn tăng trưởng chính của doanh thu của PVS trong dài hạn, và (iii) các hoạt động cung ứng dịch vụ và vật tư dầu khí dự kiến sẽ duy trì ổn định. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward 9,5 lần (theo EPS dự phóng 2020 khoảng 2.701 đồng).

Một trong những thông tin liên quan đến PVS tuần qua là việc giải thể công ty liên doanh Công ty TNHH Khảo sát địa vật lý PTSC (CGGV). Theo báo cáo tài chính quý III/2019 của PVS, khoản đầu tư của công ty vào PTSC CGGV có giá trị 597,8 tỉ đồng. Tuy vậy, lỗ lũy kế của PTSC CGGV hiện lên tới hơn 1.800 tỷ đồng.

Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS giảm 200 đồng (-1,05%) từ mức giá 19.000 đồng/CP xuống 18.800 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị kém khả quan dành cho DHG, ACBS khuyến nghị nắm giữ

VCSC giữ khuyến nghị kém khả quan dành cho CTCP Dược Hậu Giang (DHG) khi chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 2%. P/E dự phóng 2019 của DHG đạt 20,4 lần (cao hơn 32% so với các công ty cùng ngành) tỏ ra cao so với dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 5% giai đoạn 2019-2022.

Trong khi đó, ACBS duy trì khuyến nghị giữ cho cổ phiếu này với ước tính tăng trưởng khiêm tốn trong 2019 và triển vọng năm tới.

Mặc dù diễn biến cổ phiếu DHG tuần qua khá giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ nhưng phiên khởi sắc ngày 14/11 đã giúp nhà đầu tư cũng thu được phần lãi nhỏ khi nắm giữ cổ phiếu này. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá ngày 13/11 và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHG tăng 2.000 đồng (+2,13%) từ mức giá 94.000 đồng/CP lên 96.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan