Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Khối công ty chứng khoán đã có tuần khá buồn khi hầu hết các khuyến nghị mua đối với cổ phiếu lớn đều đi ngược kỳ vọng, là tác nhân chính khiến thị trường mất điểm trong tuần cuối cùng của tháng 2. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BVSC khuyến nghị trung lập đối với IMP với giá mục tiêu 55.000 đồng/CP

Do vẫn còn trong giai đoạn đầu tư và phát triển nhà máy, cũng như cần sự hỗ trợ từ chính sách để giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm chất lượng cao của mình, chúng tôi tạm khuyến nghị NEUTRAL với mức giá mục tiêu là 55.000 VND/CP, tương đương với P/E dự phóng năm 2019 là 17,6x lần, +10% so với giá đóng cửa ngày 22/02/2019.

Tuần cuối cùng của tháng 2, cổ phiếu IMP tiếp tục duy trì trạng thái giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ cùng giao dịch nhỏ giọt. Thống kê với 2 phiên tăng, 1 phiên giảm ngày 26/2 và 2 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu IMP tăng 1.900 đồng/Cp (+3,8%) từ mức 50.000 đồng/Cp lên 51.900 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà BVSC đưa ra là 55.000 đồng/CP, giá hiện tại của IMP còn thấp hơn 5,64%.

* BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 28.910 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 28.910 đồng/cổ phiếu tương ứng với upside 25% so với giá đóng cửa ngày 25/02 theo phương pháp định giá FCFE.

Với kế hoạch kinh doanh năm 2019 khả quan và dự báo có thể hoàn thành một cách dễ dàng, cổ phiếu PC1 đã có phiên đầu tuần khởi sắc, tuy nhiên, sau đó cổ phiếu này chỉ biến động lình xình giằng co nhẹ. Thống kê với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 25/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 tăng 850 đồng/Cp (+3,69%) từ mức 23.050 đồng/Cp lên 23.900 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 28.910 đồng/CP, giá hiện tại của PC1 còn thấp hơn 17,33%.

* BSC khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu TPB

Trong năm 2019, chúng tôi dự báo TPB sẽ ghi nhận tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 6.355 tỷ đồng (tăng trưởng 12,9%) và 2.649 tỷ đồng (tăng trưởng 17,3%). Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu TPB với giá mục tiêu 21.567 đồng/cp, upside 2.5% theo phương pháp định giá P/B = 1.55x.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua hầu hết giao dịch khá trầm lắng. Trong đó, cổ phiếu TPB đã đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TPB giảm nhẹ 50 đồng/Cp (-0,24%) từ mức 21.000 đồng/Cp xuống 20.950 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu VPB, khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho HDB

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 1,5% lên 27.900 đồng và duy trì khuyến nghị MUA với tổng mức sinh lời dự phóng 31% cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), khi chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận lần lượt 6%/2%/4% cho các năm 2019/2020/2021. Dự báo lợi nhuận ròng 2019 của chúng tôi đạt 8,7 nghìn tỷ đồng (+19% YoY).

Bên cạnh đó, chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 2,6% lên 32.600 đồng/cổ phiếu và giữ khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDB) với tổng mức sinh lời 9,9% chủ yếu do chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận các năm 2019, 2020, và 2021 thêm lần lượt 11%, 14,4% và 12,4%, bù đắp cho việc áp dụng P/B mục tiêu 2019 thấp hơn, còn 1,5 lần so với 1,54 lần như trước đây

Trái với khuyến nghị của VCSC, cổ phiếu VPB cũng có tuần giao dịch thiếu tích cực. Thống kê với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VPB giảm 450 đồng/Cp (-2,1%) từ mức 21.350 đồng/Cp xuống 20.900 đồng/Cp.

Tương tự, HDB cũng đón nhận 3 phiên giảm vào giữa tuần và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDB tăng nhẹ 300 đồng/Cp (+1%) từ mức 30.100 đồng/Cp lên 30.400 đồng/Cp.

* MBS và VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu ACB

Theo MBS, trong quá trình hướng đến giá mục tiêu ngắn và trung hạn, ACB sẽ gặp thử thách ở ngưỡng cản 30.700 đồng. Nếu vượt qua ngưỡng kỹ thuật này, ACB có khả năng hoàn thành mô hình tam giác cân bằng hoặc cờ đuôi nheo với mức giá kỳ vọng trong ngắn hạn 37.600 đồng, mức giá kỳ vọng trung hạn ở 40.600 đồng và dài hạn ở 49.300 đồng. Đồng thời, khuyến nghị mua cổ phiếu ACB.

Trong khi đó, VCSC giữ nguyên giá mục tiêu 35.500 đồng/cổ phiếu dành cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với việc điều chỉnh giảm dự báo ROE 2019-2020 do điều chỉnh loại bỏ phương án chia cổ tức bằng tiền mặt. Bù lại, chúng tôi điều chỉnh P/B mục tiêu 2019 từ 1,4 lần lên 1,5 lần nhờ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đã được cải thiện đáng kể.

Trái với khuyến nghị của MBS và VCSC, cũng giống như những thành viên khác cùng ngành, tuần qua, cổ phiếu ACB cũng có 3 phiên giảm vào giữa tuần và 2 phiên tăng còn lại. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB giảm 500 đồng/Cp (-1,64%) từ mức 30.500 đồng/Cp xuống 30.000 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường cổ phiếu HVN, khuyến nghị mua VJC

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị của Tổng CT Hàng không Việt Nam (HVN) thành phù hợp thị trường từ mua trong khi duy trì giá mục tiêu 40.600 đồng/CP, khi giá cổ phiếu đã tăng 19% trong vòng 3 tháng qua.

Mặt khác, chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Hàng không VietJet (VJC) đồng thời điều chỉnh giảm 12% giá mục tiêu xuống 149.200 VND/cổ phiếu.

Có thể thông tin được tiết lộ từ Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành về tham vọng trong 5 năm nữa sẽ đưa VNA trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Đông Nam Á sau Singapore Airlines và sẽ bay thằng chuyến đầu tiên đến Mỹ trong năm 2022, đã giúp cổ phiếu HVN có phần tích cực hơn các cổ phiếu khác trong ngành.

Thống kê với 2 phiên tăng khá mạnh và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HVN tăng 1.400 đồng/Cp (+3,58%) từ mức 39.100 đồng/Cp lên 40.500 đồng/Cp.

Tương tự, VJC cũng đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm vào giữa tuần, tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VJC giảm 1.500 đồng/Cp (-1,23%) từ mức 121.500 đồng/Cp xuống 120.000 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu AST

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho AST với giá mục tiêu 84.500 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 24,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,3%.

Tuần qua, AST đã thông báo chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, thông tin này không hỗ trợ nhiều cho đà tăng tốc của cổ phiếu. Thống kê với 4 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm ngày 28/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu AST chỉ tăng 1.100 đồng/Cp (+1,59%) từ mức 69.400 đồng/Cp lên 70.500 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu mà  VCSC đưa ra là 84.500 đồng/CP, giá hiện tại của AST còn thấp hơn 16,57%.

* BVSC khuyến nghị trung lập đối với ACV

Chúng tôi đánh giá mức EV/EBITDA hợp lý của ACV tương đương với EV/EBITDA trung bình ngành là 13,9 lần tương ứng với mức giá mục tiêu là 83.100 VND/CP (thấp hơn 5,9% so với mức giá đóng cửa ngày 22/02/2019 là 88.300 VND/CP). Do đó, BVSC tiếp tục duy trì đánh giá NEUTRAL đối với cổ phiếu ACV.

Mặc dù ACV đã hồi phục trong phiên đầu tuần nhưng ngay sau đó cổ phiếu này đã quay đầu điều chỉnh trở lại và có những phiên giao dịch thiếu tích cực. Thống kê với 1 phiên tăng duy nhất ngày 25/2, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 3/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACV giảm 400 đồng/Cp (-0,45%) từ mức 88.300 đồng/Cp xuống 87.900 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị theo dõi VHC

Năm 2019, chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu đạt mức 10.217 tỷ (tăng 8% so với năm trước) và tăng thêm 8% lợi nhuấn au thuế so với dự báo trước, lên 1.315 tỷ (giảm 9,4% so với năm trước) do giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Biên lợi nhuận gộp dự kiến đạt 19,8%. EPS dự phóng 2019 đạt 14.193 VND/cp. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/2/2019, VHC đóng cửa ở mức giá 94,500 VND; tương đương với mức P/E trailing là 6.1, bằng với mức P/E trung vị của ngành. Đồng thời, khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VHC.

Sau những phiên điều chỉnh trong tuần trước, cổ phiếu VHC đã giao dịch khởi sắc trong tuần cuối cùng của tháng 2. Thống kê với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 28/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHC tăng 4.400 đồng/Cp (+4,8%) từ mức 91.600 đồng/Cp lên 96.000 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu STK

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu STK với giá mục tiêu 2019 là 23.200 đồng/CP (+27.5%) dựa trên phương pháp định giá P/E với mức P/E mục tiêu là 7x (tương đương với mức P/E trung vị của ngành, mức P/E trung bình 1 năm của STK là 8x). Chúng tôi đánh giá định giá hiện tại của STK tương đối rẻ so với mức EPS dự báo của chúng tôi năm cho năm 2019. 

Sau khi liên tiếp điều chỉnh và thậm chí giảm sàn trong phiên giữa tuần ngày 27/2, cổ phiếu STK đã hồi phục và có 2 phiên tăng mạnh vào cuối tuần, giúp cổ phiếu này nhanh chóng lấy lại những gì đã mất trước đó. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK tăng 850 đồng/Cp (+4,63%) từ mức 18.350 đồng/Cp lên 19.200 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu HPG

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đồng thời điều chỉnh giảm nhẹ 1% giá mục tiêu xuống 47.200VND/cổ phiếu vì việc điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kép hàng năm lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2018-2023 từ 15% xuống 13% do giả định biên lợi nhuận thận trọng hơn được gần như bù đắp nhờ việc cập nhật chu kỳ định giá dự báo mô hình chiết khấu dòng tiền.

Những tưởng đà tăng sẽ tiếp tục được kéo dài nhưng chỉ sau phiên khởi sắc đầu tuần, cổ phiếu HPG đã quay đầu điều chỉnh do chịu thêm áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, HPG đã lấy lại thăng bằng và đảo chiều tăng trong phiên cuối tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu này đã tăng 350 đồng/Cp (+1,03%) từ mức 33.900 đồng/Cp lên 34.250 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 47.200 đồng/Cp, giá hiện tại của HPG còn thấp hơn 27,44%

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu BMP

Định giá theo phương pháp DCF của chúng tôi đang cho mức upside là 23% so với giá thị trường, mức giá hợp lý là 59.340 đồng/cp. Từ những nhận định trên, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với BMP cho thời gian đầu tư 12 tháng.

Cổ phiếu BMP đã có tuần giao dịch cuối tháng 2 khá bùng nổ cả về giá và thanh khoản sau những phiên giảm liên tiếp trong tuần trước đó. Thống kê với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày đầu tuần 25/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP tăng 5.000 đồng/Cp (+10,02%) từ mức 49.000 đồng/Cp lên 54.000 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà BVSC đưa ra là 59.340 đồng/CP, thì giá hiện tại của BMP còn thấp hơn gần 9%.

* BSC khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VGC

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VGC với giá mục tiêu cho năm 2019 là 18,510 đồng dựa trên kết quả định giá từng phần cho 2 mảng hoạt động chính là vật liệu xây dựng (phương pháp P/E, P/E mục tiêu là 9x) và bất động sản - khu công nghiệp (phương pháp P/B, P/B mục tiêu là 1x).

Tuần qua, cổ phiếu VGC đã có những phiên giao dịch đột biến khi bị khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh hàng trăm tỷ đồng và chỉ trong 2 phiên 26-27/2, cổ phiếu này đã bị bán ròng tới hơn 592 tỷ đồng, tuy nhiên giao dịch chủ yếu thực hiện thỏa thuận và không tác động nhiều tới diễn biến giá cổ phiếu. Chính vì vậy, tuần qua, cổ phiếu VGC vẫn được nhịp tăng. Cụ thể, thống kê với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm ngày 28/2 và 1 phiên đứng giá ngày 27/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VGC tăng 1.000 đồng/Cp (+4,85%) từ mức 20.600 đồng/Cp lên 21.600 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với CTI

BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với CTI với giá mục tiêu 33.300 đồng/cp trong dài hạn, tương ứng mức premium là 33%.

Không nằm ngoài khuyến nghị của BVSC, cổ phiếu CTI đã có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm vào giữa tuần ngày 26/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTI tăng 800 đồng/Cp (+3,23%) từ mức 24.800 đồng/Cp lên 25.600 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu là 33.300 đồng/CP, giá hiện tại của CTI còn thấp hơn 23,12%.

* MBS và VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MWG

MBS khả quan đối với cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới Di động với giá mục tiêu 105.700 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu tương ứng với P/E forward khoảng 12,7 lần.

Bên cạnh đó, VCSC cho rằng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế sẽ thấp hơn trong các tháng tới. Nhìn chung, kết quả này phù hợp với dự báo của chúng tôi. Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho MWG với giá mục tiêu 162.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời 84,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,7% theo giá đóng cửa phiên hôm nay là 89.000 đồng/cổ phiếu.

Trái với khuyến nghị của 2 công ty chứng khoán trên, cũng như nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, cổ phiếu bluechip MWG đã đón nhận 3 phiên giảm vào giữa tuần và 2 phiên tăng nhẹ còn lại, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG đã giảm 1.500 đồng/Cp (-1,69%) từ mức 89.000 đồng/Cp xuống 87.500 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị theo dõi VNM

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Theo Dõi đối với cổ phiếu VNM với giá hợp lý trong năm FY2019E là 142.400 đ/cp dựa trên phương pháp P/E với P/E hợp lý là 26x (P/E trung vị khu vực Asia =32.89x). Giá VNM 22/02/2019 = 148.900 VND/cp – P/E = 28.1x – P/B = 9.8x.

Là một trong những “nhân vật” chính khiến thị trường đón nhận 2 phiên giảm sâu trong tuần qua, cổ phiếu VNM cũng đã có những phiên lao dốc khá mạnh. Cụ thể, thống kê với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm sâu ngày 26/2 và 28/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM giảm 7.500 đồng/Cp (-5,04%) từ mức 148.900 đồng/Cp xuống 141.400 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MSN

Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan dành cho CTCP Tập đoàn MaSan (MSN) đồng thời điều chỉnh tăng giá mục tiêu 4% vì định giá cao hơn dành cho Masan Consumer Holding (MCH, chiếm 54% tổng định giá của chúng tôi dành cho MSN) bù đắp được cho việc định giá giảm đối với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB), CTCP Tài nguyên Masan (MSR) và Masan Nutri-Science (MNS).

Cũng nằm trong xu hướng chung của các cổ phiếu lớn trên sàn HOSE, cổ phiếu MSN đã có 3 phiên điều chỉnh vào giữa tuần và 2 phiên tăng còn lại, tuy nhiên phiên tăng khá tốt ngày đầu tuần 25/2 đã giúp cổ phiếu này không bị mất giá trong tuần cuối tháng 2. Cụ thể, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN tăng nhẹ 600 đồng/Cp (+0,68%) từ mức 88.400 đồng/Cp lên 89.000 đồng/Cp.

Tin bài liên quan