Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/6

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/6 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua mã cổ phiếu DBC với giá mục tiêu 71.275 đồng/CP 

CTCK BIDV (BSC)

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Dabaco (DBC – sàn HNX) trong quý I/2020 đạt lần lượt là 2.386,76 tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái) và 348,7 tỷ đồng (tăng 1.638%). Qua đó, DBC hoàn thành 18,1% kế hoạch doanh thu và 76,3% kế hoạch lợi nhuận.

Động lực tăng trưởng doanh thu chính của Dabaco tới từ các mảng kinh doanh 3F: (1.1) Mảng Thức ăn-Chăn nuôi-Chế biến ("3F"): doanh thu đạt 2.112 tỷ đồng (tăng 33,5%) chiếm tỷ trọng 85,6%. (1.2) Mảng thương mại dịch vụ, siêu thị, khách sạn và nhà hàng ("HORECA"): doanh thu đạt 219 tỷ đồng (tăng trưởng 8,9%) và chiếm tỷ trọng 20%. (1.3) Mảng dịch vụ bất động sản và hợp đồng xây dựng: doanh thu đạt 136.2 tỷ đồng, tăng tăng 2.849%.

Bên cạnh đó, DBC cải thiện biên lợi nhuận nhờ giá thịt lợn tăng và giảm tỷ lệ thuế TNDN: (2.1) Biên gộp DBC tăng lên 25.1% trong quý I/2020 (quý I/2019: 12,9%) nhờ lợi nhuận mảng 3F cải thiện do giá thịt heo tăng mạnh. (2.2) lợi nhuận sau thuế tăng đột biến lên 348.72 tỷ đồng (tăng 1.639%) nhờ tối ưu hóa chi phí SG&A và tỉ lệ thuế TNDN giảm do ưu đãi thuế.

Về kế hoạch tăng trưởng trong 2020-2025: DBC đạt kế hoạch 2020 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 13.203 tỷ đồng và 457 tỷ đồng.

BSC dự báo kết quả kinh doanh DBC doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế &CDTT 2020F lần lượt đạt 9.868 tỷ đồng (tăng 37,3% so với năm ngoái) và 1.466 tỷ đồng (tăng 381%), tương đương, EPS FW 2020F (đã trừ Quỹ khen thưởng và phúc lợi) đạt 15.839 đồng/CP, P/E FW = 3.35x.

Chúng tôi lưu ý lợi nhuận sau thuế năm 2021 có thể sẽ điều chỉnh còn 500-600 tỷ đồng do nguồn cung thịt lợn tăng lên khiến giá heo giảm về 50-70 ngàn/kg.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua mã cổ phiếu DBC với giá mục tiêu 71.275 đồng/CP cho năm 2020 dựa theo phương pháp PE với PE mục tiêu là 4.5x (mức trung bình PE 6 năm trong giai đoạn giá heo ổn định khoảng 40.000-50.000 đồng/kg). Hiện tại, DBC đang giao dịch với mức PE TTM là 7.93x thấp hơn mức PE trung vị ngành 3F là 19.45x.

Mục tiêu chốt lãi của SBT tại xung quanh ngưỡng 17.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa đang ở trong trạng thái tăng giá trở lại từ cuối tháng 3 đến nay đồng thuận với đà hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây duy trì giá trị tốt và ổn định.

Phiên hôm nay 8/6, sự hưng phấn đã đẩy giá cổ phiếu tăng kịch trần, qua đó chính thức vượt qua khu vực tích lũy xung quanh ngưỡng 15.

Các chỉ báo xu hướng hầu hết đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của SBT. Chỉ báo động lượng RSI đã ở trong vùng quá mua nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy cổ phiếu sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn.

Ngưỡng kháng cự gần nhất của SBT nằm tại mốc 16.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh ngưỡng 17.5, cắt lỗ nếu vùng giá 14 bị xuyên thủng.

PV OIL sẽ tiếp tục khó khăn trong 2 quý cuối năm

CTCK MB (MBS)

Trong bối cảnh tác động từ dịch Covid-19 tác động mạnh hơn đến hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2020, sản lượng kinh doanh trong quý II ước tính giảm 12% so với cùng kỳ. PV Oil (OIL) đặt kế hoạch doanh thu 2020 giảm 35% tuy nhiên lợi nhuận sau thuế ước tăng 8% so với năm ngoái.

Hoạt động tái cấu trúc và thoái vốn vẫn được Công ty đẩy mạnh, trong đó thương vụ mua lại cổ phần PETEC từ PV OIL của GAS vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Trong quý I/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hoạt động giãn cách xã hội được triển khai mạnh mẽ khiến sản lượng kinh doanh xăng dầu của PVOil tại các thành phố giảm mạnh đến 60%, thậm chí có cây xăng giảm đến 80%. Tuy nhiên, nhờ mảng công nghiệp bù đắp giúp cho sản lượng trong quý I chỉ giảm 4%. Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức lỗ 423 tỷ đồng trong quý I.

Tuy nhiên, tác động từ dịch sẽ rõ ràng hơn trong quý II/2020. Trong tháng 4, giãn cách xã hội được áp dụng rộng rãi với quy mô lớn hơn, giao thông dừng toàn bộ khiến sản lượng của Công ty giảm 18% so với kế hoạch. Giãn cách nới dần trong tháng 5 giúp cho hoạt động kinh doanh tích cực hơn nhưng sản lượng vẫn giảm 7% so với kế hoạch. PVOil cho biết sản lượng trong quý II/2020 ước tính giảm 12%.

OIL đã thông qua kế hoạch doanh thu 52.200 tỷ đồng giảm 35% so với thực hiện 2019. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 8%, đạt tương ứng 376 tỷ đồng.

Nếu không có dịch bệnh Covid-10, tăng trưởng của toàn thị trường xăng dầu có thể đạt mức tăng 4-5%. Với sự hiện diện của dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đang kích cầu du lịch nội địa, cùng với tình hình dịch thế giới tốt thì khả năng sản lượng 2020 của PVOil sẽ giảm khoảng 8-10%.

Tuy nhiên trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần 2 trên thế giới, đại diện doanh nghiệp cho biết sản lượng PV OIL dự kiến cho năm 2020 thì sụt giảm 18%, trong đó toàn thị trường ước tính giảm 10%.

Tình hình kinh doanh trong 2 quý cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn đối với PVOil.

Đối với thương vụ thoái vốn tại PETEC – đơn vị chủ yếu bán buôn với 90% tỷ trọng doanh thu, do đó số cay xăng bán lẻ không nhiều nhưng sở hữu các kho xăng rất lớn, ví dụ kho ở Thị Vải, Vũng Tàu… DN cho biết sẽ thoái vốn khỏi PETEC và GAS hiện muốn mua lại cổ phần PETEC của PV OIL. Hiện tại, 2 bên vẫn đang trong quá trình thỏa thuận, chưa có kết quả cuối cùng.

PV OIL đang trình Nhà nước trước mắt tái cấu trúc bằng cách gộp các công ty con lại thành đơn vị lớn hơn. Thông qua đó, giảm đầu mối từ 21 về 13 đầu mối – giảm hơn một nửa, có thể phát huy được nguồn lực của Tổng công ty.

Khuyến nghị tích cực dành cho PC1 với giá mục tiêu 24.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) là công ty đầu ngành trong lĩnh vực xây lắp điện nên dường như thị trường đang nhìn vào mảng xây lắp điện để đánh giá PC1. Tuy nhiên, trong những năm gần đây công ty đã liên tục đưa vào vận hành những nhà máy thủy điện mới có hiệu quả hoạt động cao.

Năm 2020, lợi nhuận gộp của sản xuất điện chiếm 40% tổng giá trị lợi nhuận gộp. Đến năm 2021, mảng sản xuất điện đóng góp lên tới 62% tổng lợi nhuận gộp của PC1.

Mức đóng góp của mảng năng lượng trong tổng lợi nhuận tiếp tục tăng lên từ năm 2022 khi các dự án điện gió vận hành thương mại tròn năm.

Tính riêng mảng sản xuất điện, giá trị định giá của mảng này cao hơn 8,8% so với mức giá đang giao dịch của PC1.

PC1 hiện tại có thể xem là công ty sản xuất điện đang được định giá rẻ và sở hữu thêm mảng xây lắp điện có vị thế đầu ngành cũng như sở hữu mảng phát triển bất động sản hiệu quả, vì vậy chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu PC1 với mức giá mục tiêu là 24.000 đồng/CP (tiềm năng tăng giá 31,8% so với mức giá đóng cửa ngày 04/6/2020 là 18.200 đồng/CP).

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan