Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/5

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua ACB với giá mục tiêu 27.000 đồng/CP

CTCP BIDV (BSC)

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – sàn HOSE) cho biết, lợi nhuận trước thuế trong quý I/2020 tăng 6,1% so với cùng kỳ, trong đó tín dụng tăng 1,8% ytd, NIM giảm 7 bps so với cuối năm 2019. ACB cũng ghi nhận 350 tỷ từ chứng khoán đầu tư. Chi phí hoạt động được tiết giảm, tuy nhiên chi phí tín dụng tăng mạnh do ảnh hưởng bởi COVID-19.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản suy giảm nhẹ do dịch bệnh. Kế hoạch 2020 của ACB với Tín dụng tăng 15% ytd, lợi nhuận trước thuế tăng 15% so với năm 2010.

BSC dự báo ACB sẽ ghi nhận tổng thu nhập hoạt động và nhuận trước thuế lần lượt ở mức 17.828 tỷ đồng và 8.484 tỷ đồng (giảm lần lượt 4% và 6.8% so với báo cáo trước). BVPS 2020 ở mức 16.190 đồng/CP.

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 27.000 đồng/CP, upsdide 33% với quan điểm (1) chất lượng tài sản tốt sẽ là điểm sáng trong tình hình nợ xấu gia tăng, (2) tăng trưởng vẫn có mức dương so với ngành, (3) Nhiều catalyst có thể xảy ra trong năm 2020.

MPC tiềm năng sẽ tăng đến khi tiếp cận vùng giá 30

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu MPC của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang ở trong trạng thái tăng giá sau khi đã tích lũy trung hạn trong khu vực giá 18- 22.

Phiên hôm nay 7/5, sự hưng phấn đã đẩy giá cổ phiếu tăng hơn 5% khá ấn tượng, qua đó đóng cửa tại ngưỡng 25.

Các chỉ báo kỹ thuật hầu hết đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của cổ phiếu. Bên cạnh đó, chỉ báo động lượng RSI đang tăng dần trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng vẫn còn nhiều.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại mốc 23. Theo đánh giá của chúng tôi, MPC tiềm năng sẽ tiếp tục tăng cho đến khi tiếp cận vùng giá xung quanh 30. 

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STK

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) trong khi nâng giá mục tiêu thêm 11% khi cập nhập mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2021, cũng như nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021-2022 thêm 2% do chi phí khấu hao thấp hơn dự kiến.

Các điều chỉnh này đã phần nào bị ảnh hưởng bởi mức tăng 1 điểm % chi phí vốn của chúng tôi lên 14,2% và điều chỉnh giảm 4% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020, chủ yếu đến từ lỗ tỷ giá chưa thực hiện từ nợ bằng USD.

Chúng tôi duy trì dự báo mức giảm 3% trong doanh thu 2020 do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến nhu cầu sợi và giá bán. Chúng tôi giả định tác động này sẽ đạt đỉnh trong quý 2/2020 trước khi dần trở lại mức bình thường trong nửa cuối 2020.

Dự báo hiện tại của chúng tôi tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu/EPS đạt 7,5%/15%. Bất chấp các trở ngại trong ngắn hạn, các yếu tố tăng trưởng cơ cấu cho STK vẫn duy trì, bao gồm:

(1) tập trung vào phân khúc cao cấp/ngách của công ty sẽ giúp các củng cố sự trung thành của khách hàng,

(2) chuyển đổi cơ cấu của ngành sang hướng tiêu thụ sợi tái chế có biên lợi nhuận cao;

 (3) các lợi ích của ngành được hỗ trợ từ quy định xuất xứ từ vải/sợi trở đi theo các Hiệp định Thương mại Tư do (FTA).

Giá cổ phiếu của STK đã phục hồi 19% kể từ cuối tháng 3. Dù vậy, chúng tôi cho rằng STK vẫn duy trì hấp dẫn với P/E trượt/dự phóng 2020 đạt 5,2 lần/5 lần trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng tích cực.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến nhu cầu dệt may; Trung Quốc tiếp tục bán phá giá sợi nguyên sinh; khả năng công ty mới tham gia vào thị trường sợi tái chế; mất đi đối tác Unifi - bên nhượng quyền thương hiệu và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sợi tái chế.

Khuyến nghị khả quan dành cho QNS

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) trong khi giảm giá mục tiêu 19%, phần lớn do (1) P/E mục tiêu thấp hơn cho mảng sữa đậu nành và các mảng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khác, phản ánh mức tăng 1 điểm phần trăm trong chi phí vốn của chúng tôi, đạt 14,2%;

(2) điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế các năm 2020/2021/2022 lần lượt 22%/21%/25% khi doanh thu từ mảng sữa đậu nành và khả năng sinh lời của mảng đường thấp hơn kỳ vọng trước đây của chúng tôi.

Chúng tôi cho rằng lợi suất cổ tức của QNS đang ở mức hấp dẫn. Khi công ty không có kế hoạch xây dựng cơ bản lớn trong trung hạn, chúng tôi dự phóng QNS sẽ ghi nhận dòng tiền mặt tự do trong khoảng 4.000-6.200 đồng/CP trong giai đoạn 2020-2022. Do đó, chúng tôi cho rằng công ty có khả năng duy trì cổ tức hiện tại là 3.000 đồng/CP mỗi năm.

Chúng tôi giảm dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu từ mảng sữa đậu nành trong giai đoạn 2019-2022 từ 7% còn 3% khi doanh thu quý 1/2020 (-8% YoY) không đạt kỳ vọng của chúng tôi. Tiêu thụ sữa đậu nành, cùng với các loại thức uống khác vốn không phải là lựa chọn ưu tiên khi khách hàng có nhu cầu dự trữ, đã chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chúng tôi cho rằng triển vọng giá đường toàn cầu kém tích cực sẽ ảnh hưởng khả năng sinh lời mảng đường của QNS trong trung hạn. Sản lượng sản xuất của mảng này cũng chịu tác động từ điều kiện thời tiết.

Trong năm 2020: Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế giảm 26% so với năm ngoái do doanh thu mảng sữa đậu nành thấp và khoản lỗ từ mảng đường, đến từ sản lượng sản xuất giảm (do điều kiện thời tiết bất lợi) và chi phí đầu vào cao hơn.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sẽ phục hồi sau năm 2020, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của mảng sữa đậu nành sau dịch COVID-19 và thu hẹp khoản lỗ từ các mảng liên quan đến đường (bao gồm điện sinh khối) – nhờ sản lượng đường trắng (RS) phục hồi và hiệu suất của dây chuyền sản xuất đường tinh luyện (RE) mới cao hơn.

Rủi ro: cạnh tranh gia tăng trong mảng sữa đậu nành; giá đường biến động.

Tin bài liên quan