Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/8 của các công ty chứng khoán.

Mục tiêu chốt lãi của LCG nằm tại xung quanh giá 11.2

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu LCG của Công ty cổ phần LICOGI 16 đang ở trong trạng thái tăng giá ngắn hạn với sáu phiên tăng điểm liên tiếp, và dễ dàng vượt qua mốc 8.0.

Thanh khoản cổ phiếu trong phiên hôm nay có sự cải thiện đáng kể, và đã vượt lên trên khối lượng giao dịch trung bình của 20 phiên gần nhất.

Các chỉ báo kỹ thuật đều đang ở trong trạng thái tích cực.

Hôm nay 6/8, chỉ báo MACD vừa xuất hiện Golden Cross, đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn trong xu hướng tăng, nhưng chưa đạt tới vùng quá mua nên cổ phiếu được kỳ vọng có thể duy trì đà tăng trong những phiên tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của LCG nằm tại khu vực 8.0-8.1. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 11.2, cắt lỗ nếu ngưỡng 7.4 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho HVN với giá mục tiêu 25.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) đã công bố tài liệu ĐHCĐ năm 2020, trong đó công ty đặt kế hoạch ghi nhận khoản lỗ ròng trị giá 15 nghìn tỷ đồng (giảm 498% so với năm ngoái) và doanh thu đạt 41 tỷ đồng (giảm 60%).

Doanh thu giảm chủ yếu đến từ mức giảm 37% trong số lượng hành khách dự phóng. Sản lượng vận tải hành khách (RPK) và sản lượng vận tải hàng hóa (RTK) mục tiêu cũng lần lượt giảm mạnh 57% và 56%, do các chuyến bay quốc tế phục hồi chậm.

Kế hoạch của HVN dựa trên kịch bản các tuyến bay quốc tế đến Úc và EU sẽ không hoạt động trở lại trong năm 2020 và các tuyến bay giữa các quốc gia Châu Á sẽ bắt đầu hoạt động trở lại từ tháng 12/2020 với hiệu suất thấp từ 3 đến 5 chuyến bay/tuần. HVN đã mở 13 tuyến bay nội địa mới trong năm 2020 nhằm tận dụng sự phục hồi của thị trường trong nước.

HVN sẽ không chia cổ tức cho năm 2019, thay vào đó công ty sẽ sử dụng nguồn lực để ứng phó với các khó khăn trong năm 2020. Chúng tôi lưu ý rằng khoản lỗ trong kế hoạch của HVN cho năm 2020 chiếm 83% tổng vốn chủ sở hữu của công ty tính đến cuối năm 2019.

Ngoài ra, kế hoạch này được đặt ra dựa theo các số liệu công bố trong 5 tháng đầu năm 2020, từ đó có thể chưa ghi nhận tình trạng dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam hiện tại.

Theo tài liệu ĐHCĐ này, HVN công bố các tỷ lệ tài chính với giả định công ty sẽ nhận được khoản vay 12 nghìn tỷ đồng từ Chính phủ và không phát hành cổ phiếu mới. Hãng hàng không này đề xuất bán 9 máy bay A321; 6 máy bay đã được phê duyệt bởi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CSCM) trong khi 3 máy bay được đề xuất bán thông giao dịch thông thường hoặc các điều khoản bán và thuê lại.

HVN tiếp tục trình phê duyệt cho kế hoạch mua 50 máy bay thân hẹp trong giai đoạn 2021- 2025 và tăng đầu tư cho hãng hàng không giá rẻ, Pacific Airline.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị phù hợp thị trường cho HVN với giá mục tiêu 25.900 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 7,9%).

Khuyến nghị mua cho DXG với giá mục tiêu 14.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) trong khi giảm giá mục tiêu thêm 22% còn 14.000 đồng/CP, chủ yếu đến từ (1) ghi nhận tác động từ việc thoái vốn khỏi LDG và (2) chiết khấu 25% cho mô hình định giá RNAV so với mức 10% trước đây.

Chúng tôi duy trì dự báo của chúng tôi cho mảng dịch vụ môi giới và đầu tư bất động sản khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 nhìn chung phù hợp với dự báo của chúng tôi trong khi diễn biến bán trước theo hợp đồng tại dự án Gem Sky World phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Chúng tôi duy trì dự báo giá trị bán trước theo hợp đồng đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (-26% YoY) trong năm 2020, trong đó dự án Gem Sky World chiếm khoảng 70%.

Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 thêm 63% còn 348 tỷ đồng và giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021/2022 thêm lần lượt 21%/23%, chủ yếu do thoái vốn khỏi LDG gần đây dẫn đến (1) khoản lỗ tài chính trị giá 526 tỷ đồng trong năm 2020 và (2) không có đóng góp lợi nhuận từ LDG từ 6 tháng cuối năm 2020.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (+29% YoY so với con số dự phóng năm 2020 nếu không bao gồm khoảng lỗ từ thoái vốn khỏi LDG), đến từ sự phục hồi trong mảng dịch vụ môi giới, tiếp tục bán sản phẩm tại dự án Gem Sky World và kế hoạch bàn giao tại dự án Opal Boulevard.

Tâm lý thị trường đối với cổ phiếu DXG trong các tháng qua là khá biến động – từ xu hướng phục hồi trong bối cảnh tiến độ bán trước theo hợp đồng tích cực trong đợt mở bán đầu tiên của dự án Gem Sky World (như chúng tôi dự kiến) đến trạng thái quá bán sau khi bất ngờ thực hiện thoái vốn khỏi LDG.

Chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu hiện tại của DXG là hấp dẫn trong ngắn hạn trong bối cảnh kỳ vọng tiếp tục ghi nhận giá trị bán trước và tiến độ xây dựng tại các dự án chính là Gem Sky World và Opal Boulevard tích cực.

Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: tiến độ bán hàng thấp hơn dự kiến tại dự án Gem Sky World do dịch COVID-19 kéo dài tại Việt Nam; tiếp tục trì hoãn xây dựng tại dự án Gem Riverside.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu STK

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan dành cho CTCP Sợi Thế kỷ (STK) dù giảm giá mục tiêu 12% vì giá cổ phiếu đã giảm 13% trong 6 tuần qua. Mức giảm giá mục tiêu của chúng tôi đến từ điều chỉnh giảm 10% trong lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020-2022 của chúng tôi.

Điều chỉnh dự báo lợi nhuận kể trên chủ yếu đến từ dự phóng sản lượng bán vì doanh số sợi tái chế trong quý 2/2020 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi, một phần được bù đắp bởi diễn biến tích cực của sợi nguyên sinh so với dự phóng của chúng tôi. Dù vậy, chúng tôi duy trì kỳ vọng rằng đóng góp doanh thu từ sợi tái chế có biên lợi nhuận cao sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2020 và sau đó.

Dựa theo giả định của chúng tôi rằng tiêu thụ may mặc toàn cầu sẽ dần phục hồi (dù khó có khả năng phục hồi theo mô hình chữ V), chúng tôi dự báo lợi nhuận phục hồi trong giai đoạn 2021-2022.

Chúng tôi cho rằng vị thế tài chính và dòng tiền lành mạnh sẽ giúp STK có thể duy trì cổ tức tiền mặt hấp dẫn 1.500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 10,3%).

Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: dịch COVID-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dệt may; Trung Quốc tiếp tục bán phá giá sợi nguyên sinh; các đối thủ tiềm năng mới trong mảng sợi tái chế; mất đi đối tác là công ty nhượng quyền sợi tái chế và cũng là nhà cung cấp hạt nhựa tái chế đầu vào của STK là Unifi.

Tin bài liên quan