Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/1

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/1

(ĐTCK)  Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích các cổ phiếu đáng quan tâm như LSS, TCM, SBT, VNE của một số công ty chứng khoán.

LSS: Vẫn bị tác động của nhiều yếu tố tiêu cực

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Kết thúc quý III, doanh thu của LSS tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt1.410 tỷ đồng. Tuy nhiên do giá đường trong năm 2013 giảm mạnh nên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 27 tỷ, chỉ bằng hơn 36% cùng kì.

Giảm lợi nhuận gộp để giải phóng hàng tồn. Đây là vấn đề chung của ngành đường trong năm 2013. Với LSS, tỉ lệ này giảm nhẹ từ 14% cùng kì năm 2012 xuống 12% trong 9 tháng đầu năm 2013. Việc chấp nhận giảm lợi nhuận gộp cũng giúp LSS giải phóng hơn 200 tỉ hàng tồn kho từ quý II.

Hoạt động tài chính khó khăn. Lũy kế 9 tháng đầu năm, trong khi doanh thu tài chính của LSS giảm 50% xuống mức 5 tỉ đồng so với cùng kỳ 2012 thì chi phí tài chính lại tăng mạnh hơn 48%, từ 55,5 tỷ đồng lên 82 tỷ đồng, chủ yếu do lãi vay cao cho khoản trái phiếu chuyển đổi 200 tỉ và lỗ từ việc thanh lí các khoản đầu tư.

Điều này đã ảnh hưởng mạnh tới lợi nhuận sau thuế của LSS. Dự báo cả năm. Quý IV/2012, LSS bán hàng dưới giá vốn dẫn tới khoản lỗ sau thuế hơn 38 tỷ đồng. Dự kiến quý IV/2013 LSS sẽ tránh được tình trạng này, duy trì và cải thiện được biên lợi nhuận nhờ nhu cầu đường tăng cao phục vụ sản xuất dịp cuối năm.

Mới đây LSS đã giảm kế hoạch lợi nhuận 2013 từ 75 tỷ đồng xuống 50 tỷ đồng. BVSC cho rằng kết quả hoạt động kinh doanh của LSS trong cả năm 2013 có sự cải thiện nhẹ. Ước tính LSS có thể đạt 1.913 tỷ đồng doanh thu, tăng 1% so với năm 2012. Lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng, tăng 13%.

Khuyến nghị. Mặc dù dự kiến lợi nhuận 2013 của LSS sẽ cải thiện nhưng nhiều yếu tố tiêu cực vẫn sẽ tác động tới cổ phiếu LSS như tình trạng cung vượt cầu của ngành mía đường trong nước và nguy cơ pha loãng cổ phiếu khi lượng trái phiếu chuyển đổi của công ty đáo hạn và chuyển đổi thành cổ phiếu vào 10/10/2014. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu LSS với mức giá kỳ vọng là 11.600 đồng/cổ phần

TCM: Khuyến nghị MUA đầu tư dài hạn

(CTCK FPT - FPTS)

Chúng tôi tiến hành định giá lần đầu cổ phiếu TCM, ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt khoảng 128,2 tỷ đồng tương ứng với EPS 2.610 VND/cổ phiếu. Cùng với kết quả kinh doanh tốt, TCM đang kỳ vọng rất lớn vào hiệp định TPP nếu được thông qua trong thời gian tới, các sản phẩm dệt may của TCM có thể xuất sang các nước thành viên TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ với thuế suất nhập khẩu giảm từ 17% về 0%.

Về dài hạn, dựa trên cơ sở định giá FCFF, với giả định Hiệp định TPP được thông qua và có hiệu lực bắt đầu từ năm 2015, mức giá mục tiêu cho 12 tháng tới là 30.500 VND, cao hơn giá thị trường hiện tại 41,86%. Trong trường hợp Hiệp định TPP không được ký kết, mức giá mục tiêu cho 12 tháng tới là 23.700 VND, cao hơn giá thị trường hiện tại 10,23%. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA đầu tư dài hạn đối với cổ phiếu này. Rủi ro chính của TCM là biến động giá bông và tỷ giá USD/VND. Chi phí nguyên liệu bông chiếm khoảng 40% giá vốn hàng bán nên giá bông tăng sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của công ty. Hầu hết các khoản vay của công ty bằng USD nên biến động tỷ giá USD/VND sẽ dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá và ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

TCM là doanh nghiệp lớn nhất trong các doanh nghiệp dệt may niêm yết về tổng tài sản và doanh thu. Doanh thu liên tục tăng trong giai đoạn 2008-2012 với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 24,5%/năm. Từ năm 2010, với sự điều hành của cổ đông chiến lược E-Land, hiệu quả kinh doanh và giá trị xuất khẩu của TCM đã cải thiện rõ rệt. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 68,1%; trong đó, doanh thu xuất khẩu tăng 127% so với năm 2009.

Cổ đông lớn nhất là tập đoàn hàng đầu về thời trang, bán lẻ và có tiềm lực tài chính mạnh. E-Land Asia Holdings Pte, Ltd (nắm giữ 43,3% vốn cổ phần) không chỉ tham gia điều hành mà còn hỗ trợ về mặt đầu ra cho sản phẩm và các chuyển giao công nghệ, quy trình khác như ERP, BSC,...

TCM là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có chu trình sản xuất khép kín (xe sợi, dệt, đan, nhuộm, hoàn tất, cắt, may). Điều này giúp công ty giảm sự phụ thuộc vào biến động nguồn nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm và biên lợi nhuận. Việc đáp ứng yêu cầu “từ sợi trở đi” cũng sẽ giúp TCM hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu khi Hiệp định TPP được thông qua.

Theo đại diện công ty, TCM đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp công suất các nhà máy may, đan và nhuộm trong giai đoạn 2014-2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD. Hiện tại, công ty đang làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long để hoàn thành thủ tục xin giấy phép đầu tư.

Chúng tôi ước tính doanh thu năm 2014 đạt 2.810 tỷ VND, tăng 9,4% so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế đạt 158 tỷ VND, tương ứng EPS forward 2014 là 3.215 VND/cổ phiếu. Biên lợi nhuận thuần năm 2014 sẽ cao hơn năm 2013 và đạt khoảng 5,8% do công ty kỳ vọng vào việc giảm giá bông do chính phủ Trung Quốc sẽ giảm lượng bông dự trữ bắt đầu từ năm 2014 và hiệu quả sản xuất tăng do hệ thống ERP được đưa vào vận hành.

Hiện tại công ty có 4 dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư tại thời điểm 30/09/2013 là 119 tỷ đồng. TCM đang đầu tư vào 2 công ty con và 4 công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực y tế, chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng, giải trí,…Trong đó, giá trị đầu tư vào công ty liên kết tại thời điểm 30/09/2013 là 121 tỷ đồng.

SBT: Vẫn gặp nhiều khó khăn trong trung hạn

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Bước vào quý IV/2013 cũng là thời điểm đầu niên vụ 2013/2014, chúng tôi đánh giá tình hình kinh doanh của SBT dự kiến có nhiều cải thiện do nhu cầu đường phục vụ sản xuất dịp cuối năm.

Hiện tại, thị trường đường thế giới và trong nước hiện đều trong tình trang cung vượt cầu. Dự báo sản lượng tiêu thụ quý IV của SBT đạt 45.300 tấn. Sản lượng cả năm đạt 133.000 tấn, tăng 30% so với năm 2012.

Trong quý IV/2013, giá bán đường của SBT đạt khoảng 15.700.000 đồng/tấn, tăng so với mức trung bình 14,7 triệu đồng/tấn so với 3 quý trước, nhưng vẫn giảm mạnh so với mốc 17 triệu đồng/tấn năm 2012.

Giá mía nguyên liệu quý IV/2013 không có nhiều biến động do công ty thực hiện bao tiêu mía thu hoạch với giá thỏa thuận trước với nông dân.

Dự báo cả năm 2013, BVSC ước tính kết quả kinh doanh của SBT dự kiến đạt 2.244 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 14% so với năm 2012. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 189 tỷ đồng, giảm 47%. Với kết quả này, chúng tôi cho rằng mức cổ tức mục tiêu 20% của SBT sẽ khó có thể thực hiện. Nhiều khả năng Công ty sẽ chỉ có thể chi trả mức cổ tức 10%-15% cho năm tài khóa 2014.

Khuyến nghị. Mặc dù SBT đã có nhiều cải thiện trong khâu bán hàng, giải phóng tồn kho và cải thiện doanh thu trong nửa cuối năm 2013, chúng tôi vẫn đánh giá SBT các doanh nghiệp mía đường nói chung vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong trung hạn do năng lực sản xuất và giá thành kém cạnh tranh cũng như sự mất cân đối trong cung cầu của ngành đường.

Về ngắn hạn, lợi nhuận của SBT năm 2013 sụt giảm khá lớn. Tuy vậy, công ty vẫn duy trì khả năng sinh lãi và trả cổ tức đều đặn với tỉ suất cổ tức trên 10% thị giá. Trên cơ sở đó, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu SBT, mức giá kỳ vọng đối với cổ phiếu SBT chúng tôi đưa ra là 12.200 đồng/cổ phần.

VNE: Cổ tức tiền mặt 10% là khó có thể thực hiện

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Chiến lược phát triển trung và dài hạn. VNE là công ty có lớn và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp các công trình ngành điện (đường dây truyền tải điện, trạm biến áp, nhà máy thuỷ điện, …) với phạm vi hoạt động trên toàn quốc và khách hàng chính là Tập đoàn Điện lực. Ngoài ra, VNE mở rộng sang kinh doanh BĐS với dự án khu đô thị mới ở Thừa Thiên Huế, và phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch, BĐS du lịch với hệ thống khách sạn tại Huế, Nghệ An và Đà Nẵng.    

Khó hoàn thành kế hoạch 2013. Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2013 của VNE kém khả quan với doanh thu giảm 5,4% cùng kỳ đạt 428,6 tỷ, trong đó doanh thu xây lắp tăng nhẹ 3,7% cùng kỳ còn doanh thu dịch vụ và bán hàng hoá giảm lần lượt 48% n/n và 28,2% cùng kỳ. Giá vốn tăng 10% n/n, chủ yếu do giá vốn xây lắp tăng 28,6% n/n, theo đó lợi nhuận hoạt động SXKD chính giảm 46,4% cùng kỳ xuống 58,9 tỷ. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 8,8 tỷ, giảm 82,4% cùng kỳ. VNE đặt kế hoạch 2013 với doanh thu 716,4 tỷ và Lợi nhuận sau thuế 59,2 tỷ. Với kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2013 không khả quan, chúng tôi cho rằng VNE khó có thể hoàn thành kế hoạch 2013.  

Tình hình tài chính được cải thiện dần. Tỷ lệ vay nợ ròng/vốn chủ sở hữu cuối quý 3/2013 là 75,5%, đã giảm so với tỷ lệ 110% cuối quý II/2013 nhờ lượng tiền mặt tăng đáng kể gần 200 tỷ so với hai quý đầu năm do thu thu được tiền từ khách hàng. Trong số nợ vay của VNE có 350 tỷ trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 10/2012 với lãi suất 14%/năm. Theo thông tin trao đổi với công ty, VNE sẽ thu xếp đủ nguồn vốn để trả khoản trái phiếu này khi đến hạn vào tháng 10/2014. Nếu trả hết khoản trái phiếu này, tỷ lệ vay nợ ròng/vốn chủ sở hữu sẽ giảm xuống còn khoảng 50%.

Kế hoạch cổ tức 2013. Sau hai năm 2011-2012 không chi trả cổ tức tiền mặt, VNE dự kiến sẽ chi trả cổ tức tiền mặt 2013 với tỷ lệ 10%. Như vậy, VNE sẽ cần khoảng 60 tỷ nếu chi trả 10% cổ tức. Với tình hình sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn trong năm 2013, chúng tôi cho rằng tỷ lệ cổ tức tiền mặt 10% là khó có thể thực hiện được.

Định giá. EPS 9 tháng năm 2013 chỉ đạt 141 đồng/cp. Cổ phiếu VNE đang giao dịch với PE hơn 40x và PB 0,6. Cổ phiếu VNE đã tăng 38% trong 6 tháng vừa qua.

STB: Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh

(CTCK Sài Gòn - SSI)

Năm 2013, HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (STB) dự kiến lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 105% so với năm trước. Nguồn thu nhập chính là thu nhập từ lãi (~86% tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh) và thu nhập từ phí dịch vụ. Tăng trưởng tín dụng ổn định và dự kiến sẽ đạt 14% cho cả năm.

Ngân hàng dự báo sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu từ 2,3% trong 9 tháng đầu năm 2013 xuống dưới 1,5% vào cuối năm do họ đã bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Tại ngày 3/1/2014, STB đang được giao dịch với PE 2013 9,8x và PB 2013 1,2x.

MPC: Trở về công ty gia đình

(CTCK Sài Gòn – SSI)

CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) đã tổ chức ĐHCĐ để bàn về việc hủy niêm yết và kế hoạch mua lại cổ phiếu. Tất cả các đề xuất của HĐQT đã được ĐHCĐ thông qua. Mục đich của việc hủy niêm yết là để tạo điều kiện cho việc phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược.

MPC dự định sẽ mua lại tất cả số cổ phiếu đang được các cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% nắm giữ. Giá mua lại cổ phần sẽ trong khoảng từ 20.000 - 30.000 đồng/cổ phần. Thời gian mua lại sẽ kéo dài 30 ngày và sẽ được thực hiện trên thị trường chứng khoán. Mục đích cuối cùng của MPC là để không còn là công ty đại chúng, tức là có ít hơn 100 cổ đông.

Tin bài liên quan