Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/6

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/6 của các công ty chứng khoán.

NBB sẽ tăng về vùng giá 24.5-25

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB) vừa xác lập ngưỡng hỗ trợ tại ngưỡng giá 21.1 (Fibonacci 38.2%). Thanh khoản cổ phiếu trong phiên hôm nay vượt xa ngưỡng trung bình 20 phiên sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ 21.1.

Chỉ báo RSI đang ủng hộ xu hướng hồi phục trong khi chỉ báo MACD vẫn đang duy trì xu hướng tích lũy. Dải mây Ichimoku vẫn ủng hộ đà tăng cùng với xu hướng vận động tăng của 3 đường MA cho thấy cổ phiếu đang có động lực tăng giá trong trung hạn.

Như vậy, cổ phiếu NBB nhiều khả năng sẽ tăng trở về vùng giá 24.5-25 trong các phiên giao dịch tới.

Khuyến nghị theo dõi đối với GMD

CTCK FPT (FPTS)

Triển vọng về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam khoảng 10 – 12%/năm trong thời gian tới nhờ vào các Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam theo đánh giá của World Bank.

Bên cạnh đó, tổng công suất thiết kế các cảng biển dự kiến đạt 4,5 triệu TEU vào năm 2022 (tăng gấp đôi so với hiện tại) nhờ vào các dự án mới gồm cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2, giai đoạn 3 và cảng Gemalink giai đoạn 1.

CTCP GEMADEPT (mã GMD) ngừng đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng cây cao su tại Campuchia để tập trung vào hoạt động cốt lõi là cảng biển và logistics.

Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của GMD đạt 26.113 đồng/cp (tương đương giá cổ phiếu tại ngày 27/5/2019) dựa trên định giá mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi là cảng biển và logistics và giá trị sổ sách của các dự án ngoài ngành. Nhà đầu tư có thể xem xét mua cổ phiếu GMD tại mức giá 23.700 đồng/cp, tương ứng với mức sinh lời là 10%.

Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu GMD.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị bán dành cho DHG với giá mục tiêu 82.600 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) đã tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư và công bố tài liệu ĐHCĐ, theo đó HĐQT đề ra mục tiêu doanh thu 2019 đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2018 và lợi nhuận trước thuế đạt 706 tỷ đồng, giảm 3,5%. Các mục tiêu nói trên lần lượt tương đương 103% và 96% dự báo của chúng tôi.

Công ty cho biết, lý do đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm là do thay đổi việc ghi nhận đối với đóng góp cho quỹ khen thưởng – phúc lợi. Cụ thể, công ty cho biết, từ năm 2019, trong số 10% lợi nhuận trước thuế đóng góp cho quỹ này thì 7% sẽ được ghi nhận là chi phí hoạt động trong khi 3% còn lại sẽ nằm ngoài bảng kết quả lợi nhuận.

Trước đó, phần trích lập vào quỹ của DHG (10% lợi nhuận trước thuế) hoàn toàn nằm ngoài bảng kết quả lợi nhuận theo chuẩn kế toán Việt Nam. Nếu áp dụng cách ghi nhận trước đây, mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2019 của DHG sẽ là 745 tỷ đồng (tăng 3%), tương đương 102% dự báo của chúng tôi.

Về doanh thu, DHG dự kiến doanh thu từ các sản phẩm do công ty sản xuất sẽ đạt tăng trưởng 12%, cao hơn so với dự báo của chúng tôi hiện tại ở mức 6%. Trong quý I/2019, doanh thu mảng này chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái dù phần nào do thay đổi ghi nhận kế toán cho hàng đi đường để bán. Nếu điều chỉnh cho việc thay đổi hạch toán này, doanh thu từ sản phẩm do công ty sản xuất tăng 7% trong quý I/2019.

Hiện tại vẫn chưa có kế hoạch chiến lược và mục tiêu kinh doanh sau năm 2019. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết DHG đang hợp tác với Taisho để sản xuất 3 sản phẩm mới. Tuy nhiên, dự kiến các sản phẩm này sẽ chỉ đóng góp doanh thu từ năm 2021 trở đi.

Danh sách HĐQT nhiệm kỳ 2019-2023 theo đề xuất bao gồm 7 thành viên, tương tự nhiệm kỳ trước. Theo tài liệu ĐHCĐ, sẽ chỉ có một thành viên HĐQT điều hành, ông Đoàn Đình Duy Khương (thành viên hiện tại kiêm quyền Tổng giám đốc DHG).

Các thành viên còn lại là bà Đặng Thị Thu Hà (thành viên hiện tại/đại diện của SCIC), ông Jun Kuroda (thành viên hiện tại/Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Điều hành cấp cao của Taisho), ông Masashi Nakaura (thành viên mới/ Giám đốc Điều hành Taisho Pharmaceutical Indonesia), ông Maki Kamijo (thành viên mới/Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế của Taisho), ông Phan Minh Tiên (thành viên độc lập hiện tại/ Trưởng phòng Marketing của Vinamilk) và ông Đỗ Lê Hùng (thành viên độc lập mới/hiện là thành viên HĐQT độc lập của Vinamilk).

HĐQT cũng đề xuất thay đổi cơ cấu quản trị của DHG với việc thành lập Tiểu ban Kiểm toán mới, hoạt động dưới sự chỉ đạo của HĐQT và thay thế Ban Kiểm soát hiện nay. Cơ cấu này tương tự mô hình đã được áp dụng tại Vinamilk và Sabeco. Ông Đỗ Lê Hùng, với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán, được đề xuất làm trưởng ban kiểm toán mới. Chúng tôi cho rằng đây là một động thái tích cực của DHG trong việc cải thiện bộ máy quản trị vì Ban Kiểm soát thông thường khó tiếp cận HĐQT và các hoạt động kinh doanh nên còn chưa hiệu quả.

HĐQT đề xuất nâng tổng cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2018 từ 3.000 đồng/CP lên 3.500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 3,1%). DHG đã tạm ứng 3.000 đồng/CP. Số cổ tức bằng tiền mặt còn lại 500 đồng/CP (lợi suất 0,4%) dự kiến sẽ được trả sau khi diễn ra ĐHCĐ sắp tới ngày 11/06/2019. Cổ tức bằng tiền mặt 2019 theo mục tiêu là 3.000 đồng/CP (lợi suất 2,6%).

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị bán dành cho DHG với giá mục tiêu 82.600 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự báo là -24%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,1%).

Khuyến nghị mua dành cho PC1 với giá mục tiêu 29.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Dựa theo nghị quyết ĐHCĐ thường niên của CTCP Xây lắp Điện 1 (PC1), PC1 sẽ thanh toán cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 5:1 cho năm tài chính 2018, tương ứng với lượng cổ phiếu phát hành mới là 25,6 triệu cổ phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 20/06/2019, trong khi công ty có kế hoạch thực hiện thanh toán không muộn hơn quý 3/2019.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho PC1 với giá mục tiêu 29.800 đồng/CP (tổng mức sinh lới 28,7%) trong khi PC1 hiện đang giao dịch với P/E 8 lần dựa theo EPS dự phóng 2019 của chúng tôi.

Tin bài liên quan