Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/6

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/6 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DGC với giá mục tiêu là 43.200 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC – sàn HNX) là doanh nghiệp đầu ngành với chuỗi giá trị hoàn chỉnh trong ngành nghề có rào cản gia nhập lớn (i) Chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ nguyên liệu đầu vào (nội địa, tự chủ); công suất lớn nhất (50% sản lượng) và xuất khẩu vào các thị trường khó tính (Hàn Quốc, Nhật Bản) (ii) Hóa chất là ngành nghề có rào cản gia nhập lớn

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh năm 2020 được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực: (i) Nhu cầu phục hồi tại thị trường xuất khẩu (ii) Biên lợi nhuận được cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm.

Công ty đặt kế hoạch năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 6.084 tỷ (tăng 19,5% so với năm ngoái) và 600 tỷ (tăng 5,1%). Tuy nhiên, trong buổi Đại hội cổ đông, ban lãnh đạo dự kiến kế hoạch mới đạt 700 tỷ (tăng 22,5%) nhờ tình hình kinh doanh thuận lợi.

BSC dự báo năm 2020 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DGC lần lượt đạt 6.282 tỷ (tăng 23,4% so với năm ngoái) và 842 tỷ (tăng trưởng 47,4%). EPS dự phóng 2020 đạt 6.121 VND/cp, mức P/E fw là 6.4, P/B fw là 1.1

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DGC với giá mục tiêu là 43.200 đồng/cổ phiếu – tương đương với upside là 11% dựa trên hai phương pháp FCFF và P/E với tỷ lệ 60/40. Tuy DGC được nhiều yếu tố hỗ trợ trong năm 2020, giá cổ phiếu đã tăng nhanh trong thời gian gần đây khiến upside không còn quá hấp dẫn. 

Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu MSN với giá mục tiêu là 70.821 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Masan (MSN – sàn HOSE) trong quý I đạt lần lượt 17.637,6 tỷ đồng (tăng 116,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và âm 216.3 tỷ đồng (giảm 121,6%) nguyên nhân chủ yếu do việc sát nhập với chuỗi bán lẻ VinCommerce (VCM) trong cuối năm 2019. Cơ cấu tập đoàn MSN hiện tại hoạt động trong 4 lĩnh vực chính:

Hòa vốn: Mục tiêu quan trọng trong tái cấu trúc VinCommerce: (1.1) doanh thu thuần Chuỗi bán lẻ VCM tăng trưởng 40% trong Q1/2020 nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng; (1.2) Tối ưu hóa chi phí để cải thiện biên lợi nhuận để đạt mục tiêu biên EBITDA từ (3%) tới hòa vốn.

Tăng tốc ngành hàng tiêu dùng MCH trong giai đoạn dịch COVID-19: (2.1) Tiêu dùng MCH với doanh thu đạt 4,625 tỷ đồng (+22.4% YoY) nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịch COVID-19; (2.2) Biên lợi nhuận giảm nhẹ do đóng góp tỷ trọng lớn các dòng sản phẩm tiện lợi.

MeatDeli duy trì tăng trưởng trong giai đoạn thịt heo tăng nóng trong quý I/2020: (3.1) Doanh thu MML tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ mảng thịt tăng 6% và mảng thức ăn chăn nuôi ("TANC") tăng 6,5% trong quý I/2020; (3.2) Giá thịt heo tăng trong Q1/2020 lên 90,000-100,000 VND/kg, tuy nhiên Chính phủ đang muốn hạ nhiệt giá heo về 70,000 vnd/kg; (3.3) Cải thiện biên lợi nhuận nhờ giá bán tăng và tối ưu chi phí nhờ mở rộng chuỗi.

MSR kỳ vọng M&A với công ty H.C.Starck: (4.1) Doanh thu thuần của MSR giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán khoáng sản đều giảm trong bối cảnh hoạt động thương mại và sản xuất đình trệ do dịch COVID-19; (4.2) Kỳ vọng vào sự cộng hưởng từ M&A với H.C.Starck.

BSC dự báo kết quả kinh doanh MSN với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 2020F lần lượt đạt 78.534 tỷ đồng (tăng 102% so với năm ngoái) và 1.583 tỷ đồng (giảm 71,5%), tương đương, EPS FW 2020F đạt 1.354 đồng/CP, P/E FW = 47x và P/B FW = 1.6x.

Catalyst: (1) VCM biên EBITDA đạt mức (-3%) tới hòa vốn; (2) Giá thịt heo tiếp tục tăng cao 90-100k/kg do nguồn cung thiếu và nhu cầu cao.

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu MSN với giá mục tiêu là 70.821 đồng/CP dựa theo phương pháp tổng giá trị từng phần. Giá mục tiêu này thấp hơn 14.4% so với giá mục tiêu cũ 82.770 đồng/CP do điều chỉnh của việc sát nhập VinCommerce.

Mục tiêu chốt lãi của DGW tại xung quanh ngưỡng 35

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu DGW của Công ty cổ phần Thế giới số đang ở trong trạng thái tăng giá từ đầu tháng 4 đến nay đồng thuận với đà hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Phiên hôm nay 4/6, sự hưng phấn đã đẩy giá cổ phiếu tăng kịch trần, qua đó chính thức vượt qua ngưỡng cản tại khu vực giá 28-28.5. Các chỉ báo xu hướng hầu hết đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của DGW.

Chỉ báo động lượng RSI đang tiệm cận vùng quá mua nên cổ phiếu có thể sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DGW nằm tại mốc 27. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh ngưỡng 35, cắt lỗ nếu mốc 25 bị xuyên thủng.

Điều chỉnh giá mục tiêu của CTD xuống 52.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngày 02/06/2020, Kustocem – cổ đông lớn của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) với 17,55% cổ phần – đã công bố thông cáo báo chí về việc triệu tập ĐHCĐ bất thường (EGM) của CTD với mục đích thay thế HĐQT hiện tại và thực hiện kiểm toán đặc biệt cho các hoạt động kinh doanh của CTD liên quan đến các vấn đề xung đột lợi ích và giao dịch của các bên liên quan – đặc biệt là giữa CTD và các công ty còn lại của nhóm “Coteccons Groups”, bao gồm Ricons (nhà thầu xây dựng mà CTD sở hữu 14,3% cổ phần).  

Ngày 03/06/2020, CTD đã công bố thông cáo báo chí, trong đó công ty đã phản đối các ý kiến của Kustocem và tái khẳng định sự minh bạch của ban lãnh đạo trong việc điều hành công ty. CTD cũng tái khẳng định kế hoạch tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2020 vào ngày 30/06.

Các tranh cãi giữa ban lãnh đạo của CTD và Kustocem đã diễn ra trong hơn 2 năm qua và dẫn đến việc phải hủy bỏ kế hoạch M&A được kỳ vọng từ lâu thông qua hoán đổi cổ phiếu nhằm sở hữu 100% cổ phần của Ricons trong ĐHCĐ căng thẳng năm 2019.

Theo quan điểm của chúng tôi, các tranh cãi kéo dài này – cùng với công bố các thông tin chính hạn chế (cụ thể như giá trị backlog cập nhật và các tiến độ xây dựng tại các dự án lớn) từ CTD trong 6 quý gần nhất – càng làm gia tăng lo ngại của chúng tôi về tình hình quản trị doanh nghiệp của CTD.

Chúng tôi phản ánh lo ngại này thông qua mức chiết khấu định giá 15% cho CTD – thông tin chi tiết có thể xem trong báo cáo cập nhật gần nhất CTD ngày 22/04/2020 của chúng tôi.

Chúng tôi hiện có giá mục tiêu 52.100 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng -23%, không bao gồm lợi suất cổ tức 5%.

Khuyến nghị khả quan dành cho VIC với giá mục tiêu 114.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 4% còn 114.000 đồng/CP đối với cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, chủ yếu do (1) điều chỉnh giảm dự phóng 2020 của mảng khách sạn - nghỉ dưỡng và cho thuê bán lẻ trong bối cảnh dịch COVID-19 và (2) cán cân tiền mặt thấp hơn tính đến cuối 12. Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị từ mua thành khả quan khi giá cổ phiếu đã tăng 12% trong 2 tháng qua.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 đạt 7,5 nghìn tỷ đồng (đi ngang so với năm ngoái), được hỗ trợ bởi dự báo lãi tài chính 8,6 nghìn tỷ đồng từ quyền mua cổ phiếu VinCommerce (VCM).

Dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 là thấp hơn 8% dự báo trước đây của chúng tôi chủ yếu do dự phóng chi phí tài chính cao hơn, phần nào được bù đắp bởi dự báo lợi nhuận cao hơn từ bán bất động sản.

Chúng tôi nhìn chung duy trì dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 2019-2022 với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 58% khi chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận và dòng tiền ổn định từ bán và cho thuê bất động sản – cộng với cải thiện trong mảng khách sạn nghỉ dưỡng – sẽ giúp bù đắp cho khoản lỗ đến từ mảng bất động sản khu công nghiệp.

Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: doanh số bán ôtô thấp hơn dự kiến; chu kỳ bất động sản giảm; dịch COVID-19 kéo dài hơn dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mảng khách sạn - nghỉ dưỡng và cho thuê.

Tin bài liên quan