Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/6

(ĐTCK)  Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng chú ý trước phiên giao dịch ngày 3/6 của các công ty chứng khoán.

HBC: Khuyến nghị NẮM GIỮ

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1/2014 thấp với doanh thu thuần hợp nhất đạt 606,8 tỷ đồng, giảm 39,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,5 tỷ, giảm 91,6% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động giảm đáng kể xuống 1,8% so với 4,0% trong cùng kỳ năm trước do doanh thu giảm trong khi chi phí bán hàng và quả lý doanh nghiệp không biến động nhiều so với cùng kỳ.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2014 thấp, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh từ nay đến cuối năm khả quan hơn với giá trị hợp đồng từ 2013 chuyển sang và hợp đồng mới ký khá lớn. Chúng tôi dự báo, doanh thu 2014 khoảng 3.840 tỷ, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Về các khoản phải thu, chúng tôi giảđịnh trích lập dự phòng ít hơn năm trước, giúp lợi nhuận biên hoạt động cải thiện lên 4,5% so với 3,8% năm 2013. Lợi nhuận ròng 2014 ước đạt 83 tỷ, tăng 3 lần so với 2013. Dự báo của chúng tôi thận trọng hơn so với kếhoạch lợi nhuận ròng 175 tỷ của HBC do tình hình kinh tế chung vẫn khó khăn.

Một số rủi ro cần lưu ý: (1) các khoản phải thu tính đến cuối quý I/2014 là 2.786,7 tỷ, tăng 7% so với cuối 2013 và chiếm 58,9% tổng tài sản; (2) rủi ro pha loãng cổ phiếu với kế hoạch phát hành tối đa 20 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, phát hành 1 triệu quyền mua và 800.000 cổ phiếu cho CBNV.  

Cổ phiếu HBC giao dịch với P/E dự phóng 9,6x so với trung bình ngành 12x. Nếu xét các rủi ro nêu trên thì mức định giá này không hấp dẫn. Khuyến nghị Nắm giữ.

PHR: Khuyến nghị GIỮ

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 với doanh thu hợp nhất 400 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ. lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹtăng 64,2% cùng kỳ lên 76,7 tỷđồng, hoàn thành 36,3% kế hoạch năm.

Tuy giá bán bình quân giảm 24,8% cùng kỳ xuống còn 48 triệu đồng/tấn nhưng sản lượng tiêu thụ quý I/2014 đã tăng 46,5% cùng kỳ, đạt 6.808 tấn. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp 3 điểm % còn 23,2% trong quý I/2014.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 64,2% cùng kỳ lên 76,7 tỷ đồng, hoàn thành 36,3% kế hoạch năm. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, cụ thể là tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu quý I/2014 ở mức 6,9%, giảm nhẹ so quý I/2013. Lợi nhuận khác quý I/2014 tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 15,3 tỷ đồng chủ yếu là do công ty đẩy mạnh hoạt động thanh lý vườn cây cao su già trong lúc giá mủ cao su còn rẻ. Ngoài ra, tỷ lệ thuế TNDN bình quân quý I/2014 giảm xuống chỉ còn 22% (từ28% Q1/13).

Cổ tức vẫn là điểm cộng của PHR với kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 20%-30% mệnh giá, tương đương với lợi tức cổ tức 7,3% và 11,1%, khá cao so với mặt bằng lãi suất ngân hàng. Chúng tôi cho rằng, kế hoạch cổ tức 30% là khả thi do tỷ lệ chi trả cổ tức (payout ratio) ước tính khoảng 75% là tương đối hợp lý, do PHR không phải đầu tư nhiều vào các dự án nữa, đặc biệt là dự án mở rộng diện tích Phước Hòa Kampong Thom (đã hoàn thành 99%). Ngoài ra, đến cuối quý I/2014, lượng tiền và tuơng đương tiền của PHR khá cao 325 tỷđồng (tương đương 4.000 VND/cp).

Với mức giá hiện tại, PHR đang được định giá hợp lý tại PE 2014 là 6,6x, cao hơn trung bình ngành là 5,4x. Duy trì khuyến nghịGIỮ.

HLD: Khuyến nghị MUA

CTCK APEC (APS)

CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản HUDLAND (HLD) là công ty bất động sản quy mô vừa và còn khá non trẻ. Tuy vậy, công ty đã tạo đựng được vị thế nhất định trong ngành. Các sản phẩm của công ty chủ yếu là các khu đô thị, khu dân cư với quy mô vừa và nhỏ, hướng tới đối tượng khách hàng tầm trung. Các dự án của công ty tiêu thụ khá tốt trong các năm qua bất chấp sự trầm lắng nói chung của thị trường bất động sản.

Có thể thấy, trong quý I/2014, công ty đã hạch toán phần doanh thu cuối cùng từ 2 dự án HH KĐT Việt Hưng và Dự án Lê Thái Tổ, Bắc Ninh. Theo thông tin từ phía công ty, trong năm 2014, công ty sẽ tập trung hoàn thiện, bàn giao và hạch toán dự án CT17 KĐT Việt Hưng. Dự án Khu B Bắc Ninh vừa bắt đầu triển khai, dự kiến là nguồn thu chính trong năm 2015.

Có thể thấy, sau khi đạt đỉnh vào năm 2011, doanh thu và lợi nhuận của HLD đã giảm nhẹ trong các năm 2012 và 2013. Tuy vậy, kết quả kinh doanh của công ty tương đối ổn định so với các công ty khác trong ngành bất động sản.

HLD sử dụng đòn bẩy tài chính thấp nhưng đạt hiệu quả lợi nhuận cao với ROA và ROE lần lượt là 12,52% và 20,79%.

Năm 2014, HLD đặt kế hoạch 472,5 tỷ đồng doanh thu và 81,71 tỷ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 4,5% và 3,9% so với cùng kỳ. Mặc dù kết quả kinh doanh quý I của công ty có sự giảm sút nhẹ so với cùng kỳ, chúng tôi đánh giá nhiều khả năng công ty sẽ đạt được kế hoạch đề ra dựa trên

cơ sở trữ lượng hàng tồn kho và việc công ty luôn hoàn thành kế hoạch trong các năm gần đây.

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu HLD với mức giá mục tiêu 28,000 đồng/cổ phiếu với tầm nhìn đầu tư 1 năm.

SDT: Khuyến nghị NẮM GIỮ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Mặc dù doanh thu thuần quý I/2014 của CTCP Sông Đà 10 (SDT) giảm nhẹ xuống 242,2 tỷ đồng (-2,2% so với cùng kỳ), nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng tốt, đạt 26,5 tỷ đồng (+43,2% so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính của SDT giảm mạnh so với cùng kỳ.

Kế hoạch 2014 của SDT không có nhiều sự bứt phá, doanh thu đạt 1.078,5 tỷ đồng (-10% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 108 tỷ đồng (+5% so với cùng kỳ). Doanh thu năm 2014 đến chủ yếu từ các dự án lớn đang triển khai như Thủy điện Huội Quảng (310 tỷ đồng), Thủy điện Lai Châu (110 tỷ đồng), hầm đường bộ đèo Cả (300 tỷ đồng) cũng như từ các công trình SDT vừa trúng thầu. Do vốn chủ sở hữu của SDT tăng mạnh (+44% so với cùng kỳ) trong năm 2014 do phát hành riêng lẻ để tăng sở hữu của Tổng công ty Sông Đà nên các chỉ tiêu ROA, ROE sẽ giảm. Sự cải thiện lợi nhuận chủ yếu đến từ việc giảm chi phí tài chính. Kế hoạch 2014 không có nhiều sự bứt phá

SDT là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thi công công trình ngầm tại Việt Nam, đặc biệt là công trình ngầm xuyên qua nền đá. Hiện SDT đang thi công các dự án trọng điểm như thủy điện Lai Châu, thủy điện Huội Quảng, hầm đường bộ đèo Cả, đèo Cổ Mã.

SDT có tỷ lệ trả cổ tức cao nhất trong Tổng công ty Sông Đà (15%). Ngoài ra, các chỉ số tài chính như tỷ suất sinh lời, thanh toán của SDT đều vượt trội so với các công ty khác trong Tổng công ty Sông Đà

Rủi ro từ các khoản phải thu gia tăng, hiện chiếm 55% TSNH của SDT. Chủ yếu công nợ từ Tổng công ty Sông Đà, tình hình tài chính của Tổng công ty Sông Đà vẫn gặp nhiều khó khăn.

KQKD trong 2 năm tới tiếp tục ổn định khi SDT tiếp tục thi công các gói thầu đèo Cả - đèo Cổ Mã với giá trị 2.500 tỷ đồng, hầm đường bộ Đà Nẵng – Quảng Ngãi và các dự án thủy điện khác.

Nguồn thu sau năm 2016 của SDT có thể giảm sút khi các dự án thủy điện lớn tại Việt Nam đã được xây dựng gần hết, các dự án hầm đường bộ trong quy hoạch cũng không còn nhiều. Khả năng mở rộng sang thị trường Lào và Campuchia tương đối khó khăn do cạnh tranh cao từ các nhà thầu Trung Quốc. Do đó ,SDT có kế hoạch chuyển hướng dần sang các lĩnh vực khác như: các công trình giao thông đô thị ngầm; sản xuất công nghiệp khác; thi công các dự án thủy điện tích năng.

Tổng công ty Sông Đà nâng tỷ lệ sở hữu tại SDT lên 66,6% thông qua phương án phát hành 12,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Số tiền thu về từ đợt phát hành riêng lẻ sẽ được SDT sử dụng chủ yếu cho việc bổ sung nguồn vốn kinh doanh (118 tỷ đồng) và góp vốn vào công ty thủy điện Nậm He (29 tỷ). ĐHCĐ đã thông qua phương án sáp nhập CTCP Sông Đà 10.1 (SNG) vào SDT theo hình thức hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ 1 cổ phiếu SDT hoán đổi lấy 1,2 cổ phiếu SNG. SDT sẽ phát hành 2,8 triệu cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu SNG Tổng công ty Sông Đà nâng tỷ lệ sở hữu SDT lên 66,6% SNG sát nhập vào SDT.

SDT đang thi công các dự án thủy điện lớn và hầm đường bộ. Tổng công ty Sông Đà đã nâng tỷ lệ sở hữu của SDT lên 66,6%. Tuy nhiên, SDT sẽ phải dần chuyển hướng xây dựng các công trình giao thông đô thị ngầm và sản xuất công nghiệp khi các dự án thủy điện và hầm đường bộ sẽ hết dần sau 2016. EPS pha loãng theo kế hoạch 2014 là 2.109 đồng/CP, P/E forward đạt 7 lần, thấp hơn trung bình ngành xây dựng. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu SDT.

LAS: Khuyến nghị THEO DÕI

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh quý I/2014 không có nhiều biến động. Quý I là thời gian cao điểm tiêu thụ phân supe lân, kết quả kinh doanh quý I thường chiếm khoảng 30-40% kết quả kinh doanh cả năm của LAS. Doanh thu thuần đạt 1.825 tỷ đồng (-2,8% so với cùng kỳ, 35% KH), lợi nhuận sau thuế đạt 150,3 tỷ đồng (+1% so với cùng kỳ, 37% KH). Mặc dù sản lượng tiêu thụ trong quý I/2014 tiếp tục tăng so với cùng kỳ nhưng do giá bán giảm đã làm giảm doanh thu. kết quả kinh doanh quý I/2014 không có nhiều biến động.

Kế hoạch kinh doanh của LAS năm 2014 với doanh thu đạt 5.157 tỷ đồng (+8,1% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt 525 tỷ đồng (-11,7% so với cùng kỳ). Nguyên nhân kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm so với 2013 là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá lưu huỳnh đã tăng mạnh 150% trở lại vào đầu năm 2014 sau đợt giảm mạnh 2013. Ngoài ra, chi phí bán hàng, chi phí vận tải cũng gia tăng sau quy định siết tải trọng xe của bộ GTVT.

Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá LAS không thể hoàn thành kế hoạch năm 2014 do chi phí vận tải đã tăng lên mạnh sau quy định siết tải trọng có hiệu lực từ 1/4/2014. Sản phẩm phân bón của LAS có khối lượng lớn nhưng giá trị không cao nên dễ bị tác động bởi cước phí vận tải. Theo lãnh đạo LAS thì chi phí vận tải của LAS trong quý II đã tăng lên gần gấp 3 lần so với trước đây. Một số địa bàn truyền thống của LAS trước đây như Bắc Trung Bộ cũng bị đe dọa do  các đối thủ cạnh tranh sử dụng vận tải đường biển nên chi phí thấp hơn.

LAS là doanh nghiệp phân bón hàng đầu tại Việt Nam, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 1,3 triệu tấn phân bón. LAS chiếm vị trí chi phối thị trường supe lân tại Việt Nam (70%), đặc biệt tại thị trường miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, LAS đang ở trạng thái tăng trưởng chậm lại do nhu cầu phân supe lân và NPK hiện nay đã bão hòa nên LAS khó gia tăng sản lượng tiêu thụ và giá bán; sản phẩm NPK của LAS có hàm lượng P2O5 thấp nên sức cạnh tranh không cao; Công ty chưa tìm được sản phẩm mới để thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh.

Do nguồn tiền mặt lớn, dòng tiền từ HĐ sản xuất kinh doanh cao trong khi chưa có kế hoạch đầu tư nào lớn, nên tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt của LAS khá cao (40%), lợi suất cổ tức đạt khoảng 10% LAS đang ở giai đoạn chững lại.

LAS là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành phân bón, chiếm thị phần chi phối thị trường phân supe lân. Tuy nhiên LAS đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại và kết quả kinh doanh có xu hướng giảm. Nhu cầu phân supe lân và NPK hiện nay đã bão hòa nên LAS khó gia tăng sản lượng tiêu thụ và giá bán trong khi chi phí nguyên liệu và vận tải có xu hướng tăng. Mặc dù kế hoạch năm 2014 có giảm so với 2013 nhưng LAS khó có khả năng hoàn thành KH do chi phí vận tải tăng mạnh sau quy định siết tải trọng xe từ Q2.2014. EPS forward theo KH 2014 là 5.261 đ/cp, P/E forward 2014 đạt mức 7,7 lần. Lợi suất cổ tức của LAS ở mức 10%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu LAS.

Tin bài liên quan