Mục tiêu chốt lãi của SZC tại xung quanh giá 25.5
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu SZC của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức thời gian qua đã tiếp tục trạng thái tăng giá trung hạn sau khi có sự điều chỉnh trong tháng 6. Thanh khoản cổ phiếu tiếp tục duy trì ở mức cao đã giúp SZC đóng cửa ở mức trần.
Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo động lượng RSI đã tăng trở lại và còn cách khá xa vùng quá mua nên động lực tăng có thể được duy trì trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của SZC nằm tại mốc 22.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 25.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 21 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCB
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Mặc dù triển vọng nền kinh tế đang trở nên bi quan hơn hơn do sự trở lại của dịch COVID-19 trong cuối tháng 7 nhưng chúng tôi cho rằng thu nhập của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) vẫn được đảm bảo nhờ quỹ dự phòng tín dụng dồi dào và thu nhập bất thường lớn vào nửa cuối năm 2020.
Chúng tôi lặp lại khuyến nghị giữ cho VCB với mức P/B forward 2020 là 2.9x, khá hợp lý với vị thế dẫn đầu trong ngành Ngân hàng.
Đối với đầu tư dài hạn, cơ hội mua sẽ xuất hiện khi giá cổ phiếu giảm sâu xuống dưới mức P/B 2.7x (tương đương -1 lần độ lệch chuẩn so với P/B bình quân 3 năm).
>> Tải báo cáo
Đánh giá cao triển vọng của DGW
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi tiếp tục đánh giá cao triển vọng của DGW nhờ (i) kinh nghiệm thành công trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) đối với các sản phẩm thiết bị công nghệ và hàng tiêu dùng,
(ii) ngành hàng di động tiếp tục cải thiện nhờ cung cấp MES cho Xiaomi và đối tác mới Huawei & Apple trong bối cảnh thị trường di động kỳ vọng tăng trưởng nhờ xu hướng sử dụng 5G,
(iii) công nghệ số và IoTs ngày càng được áp dụng mạnh mẽ trong hệ thống các doanh nghiệp, tạo tiền đề cho tăng trưởng ngành thiết bị văn phòng,
(iv) mảng FMCG mặc dù đóng góp nhỏ trong cơ cấu doanh thu nhưng dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ hợp đồng mới ký với Nestlé và các đối tác mới.
Khả năng điều chỉnh giảm đáng kể dự báo lợi nhuận của DXG
CTCK Bản Việt (VCSC)
Ngày 27/7/2020, CTCP Đầu tư Long Điền (LDG) công bố rằng CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) và công ty con của DXG là Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Dịch vụ Hà Thuận Hùng đã hoàn tất bán 88 triệu cổ phiếu – tương ứng 36,7% cổ phần tại LDG – từ ngày 22/7 đến ngày 24/7.
Theo quan sát giao dịch trên thị trường trong giai đoạn này, 88 triệu cổ phiếu LDG đã được giao dịch thông qua phương pháp thỏa thuận với giá 6.160 đồng/CP – tương ứng tổng giá trị giao dịch 542 tỷ đồng. Công bố này phù hợp với dự kiến của chúng tôi, như đã đề cập trong bản tin hàng ngày ngày 22/07/2020.
Như đã được chúng tôi đề cập trong báo cáo kết quả kinh doanh ngày 20/07 của DXG, giá trị của khoản đầu tư vào LDG tính đến cuối quý 2/2020 là 1,1 nghìn tỷ đồng – tương ứng 12.130 đồng/CP. DXG sẽ ghi nhận khoản lỗ thoái vốn 526 tỷ đồng.
Trong khi đó, chúng tôi dự báo LDG sẽ đóng góp 259 tỷ đồng lợi nhuận – tương ứng 28% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 của chúng tôi cho DXG là 939 tỷ đồng, như đã đề cập trong báo cáo cập nhật ngày 27/04 của chúng tôi.
Do đó, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm đáng kể dự báo lợi nhuận của chúng tôi cho DXG khi chúng tôi chưa ghi nhận tác động từ diễn biến thoái vốn khỏi LDG.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DHC
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) nhờ khả năng tận dụng xu hướng gia tăng tiêu thụ giấy bao bì gia tăng của công ty, được hỗ trợ bởi mở rộng công suất.
Chúng tôi giữ dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 của chúng tôi, nhưng chúng tôi điều chỉnh giảm 5% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021-2022 khi chúng tôi giả định nhà máy bao bì mới sẽ bắt đầu hoạt động trong năm 2022 (thay vì 2021 trong báo cáo trước đây) – một phần do tiến độ mua máy móc thiết bị chậm hơn do dịch COVID-19.
Chúng tôi nâng dự phóng tổng sản lượng giấy bán ra giai đoạn 2020-2022 thêm 5% khi kết quả kinh doanh 6 tháng 2020 vượt dự phóng của chúng tôi. Trong khi đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 90 điểm cơ bản biên lợi nhuận gộp trung bình 2020-2022 do giá bán trung bình của giấy/bao bì hạ nhiệt và giá thùng carton cũ (OCC) đầu vào tăng trong năm 2020. Các trở ngại này phần lớn xuất hiện trong 6 tháng 2020, nhưng đã dần giảm kể từ tháng 6, theo DHC.
Củng cố bởi tăng trưởng công suất, các ưu đãi thuế, dòng tiền tự do dương và việc kinh doanh bình thường hoá sau các gián đoạn do dịch COVID-19, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 24% trong giai đoạn 2019-2022.
Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với P/E dự phóng 2020 của DHC là 10,6 lần, phần lớn phù hợp với P/E trượt trung vị trượt 5 năm các công ty cùng ngành là 10,9 lần. DHC cũng ghi nhận lợi suất cổ tức 2020 là 6,3%.
Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: giá bán giấy thấp hơn do tình hình kinh tế chững lại tại Trung Quốc; giấy OCC tiếp tục thiếu hụt do dịch COVID-19 tại các quốc gia phát triển.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PPC
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi giảm giá mục tiêu thêm 1% trong khi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) nhờ vị trí đắc địa cho việc phát điện và kinh nghiệm hoạt động dồi dào trong bối cảnh thiếu hụt điện dự phóng của Việt Nam trong các năm tiếp theo.
Chúng tôi giảm giá mục tiêu chủ yếu do số dư tiền mặt ròng của PPC trong quý 2/2020 thấp hơn so với quý 1/2020, tác động nhẹ đến mô hình định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của chúng tôi trong khi dự báo lợi nhuận và dòng tiền tự do trong dài hạn của chúng tôi duy trì không thay đổi.
Chúng tôi tăng 7% dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2020 trong khi giảm 4% dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 khi chúng tôi dự báo thu nhập cổ tức từ HND và QTP cao hơn 28% trong năm 2020. Trong khi đó, chúng tôi cho rằng không có thu nhập cổ tức từ QTP trong năm 2021 (thu nhập cổ tức dự phóng năm 2021 thấp hơn 17% so với con số trước đây).
PPC hiện được giao dịch với định giá hấp dẫn tại P/E dự phóng năm 2020 là 8,8 lần so với trung vị P/E trượt của các công ty cùng ngành là 14,1 lần. Ngoài ra, PPC có mức lợi suất cổ tức ổn định 10.8%.
Yếu tố hỗ trợ: thu nhập bất thường; chi phí bảo trì thấp hơn dự kiến trong năm 2020; khả năng ghi nhận đóng góp từ nhà máy điện Phả Lại 3 (600 MW) trong năm 2026.
Rủi ro: giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) thấp hơn dự kiến; sự cố kỹ thuật ngoài dự kiến.