Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/6 của các công ty chứng khoán.

TCM: MUA với giá kỳ vọng 12 tháng tới là 39.600 đồng/cổ phiếu

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu TCM với giá kỳ vọng 12 tháng tới là 39.600 đồng/cổ phiếu (+19% so với thị giá ngày 24.06.2015) theo phương pháp FCFE và P/E.

TCM là doanh nghiệp niêm yết duy nhất có khả năng đáp ứng yêu cầu xuất xứ “từ sợi trở đi” của TPP. Theo đó, chu trình sản xuất của TCM khép kín theo chuỗi: nhập khẩu bông – xe sợi – dệt, đan – nhuộm – cắt, may. TCM có thể được áp dụng thuế suất ưu đãi ngay khi TPP có hiệu lực.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu tại ba thị trường chính Nhật Bản (35%), Mỹ (30%), Hàn Quốc (20%). Tỷ trọng thị trường dàn trải khá đều và đa dạng giúp TCM tận dụng ưu đãi từ TPP và VKFTA. Tuy nhiên, TPP sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu xuất khẩu của TCM nhiều hơn do hai thị trường lớn của TCM (Nhật Bản, Mỹ) đều nằm trong TPP. Kì vọng tăng trưởng doanh thu 15-20% sau khi TPP được thông qua là khả quan.

Cổ đông lớn E-land Asia Holdings Pte, Ltd là tập đoàn thời trang, bán lẻ Hàn Quốc có tiềm lực tài chính mạnh. Với tỉ lệ sở hữu 43.3%, E-land giúp TCM nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, công nghệ sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Tỉ trọng xuất khẩu tăng từ 55.6% năm 2009 lên 89% trong năm 2014. Từ năm 2012, TCM tham gia chuỗi sản xuất của tập đoàn E-land, nhận các đơn hàng do E-land Trung Quốc và Hàn Quốc chuyển sang, đảm bảo nguồn doanh thu ổn định.

Dự án xây dựng nhà máy tại Vĩnh Long giúp tăng cường năng lực sản xuất từ cuối quý II/2015. Dự án bao gồm 2 nhà máy may, 1 nhà máy đan và 1 nhà máy nhuộm. Nhà máy may số 1 có vốn đầu tư 165.5 tỉ đồng dự kiến sẽ giúp TCM tăng quy mô sản xuất lên 21.1 triệu sản phẩm may/năm từ cuối quý II/2015. Theo kế hoạch, nhà máy may số 2 công suất tương đương sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2016, hai nhà máy đan, nhuộm là từ quý II/2017.

Kết quả kinh doanh quý I/2015 không đạt kỳ vọng. Doanh thu thuần 609 tỷ đồng (-5% so với cùng kỳ) do kỳ nghỉ lễ dài ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, thêm vào đó chi phí bán hàng tăng 20% khiến lợ nhuận sau thuế chỉ đạt 33,3 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, do yếu tố mùa vụ, doanh thu và lợi nhuận của các công ty dệt may thường tập trung vào quý II và quý III. Tính đến hết tháng 5/2015, doanh thu thuần khoảng 1,093 tỉ đồng, bằng 40% kế hoạch, khả năng đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận 2015 vẫn khá khả quan.

FLC: khuyến nghị THEO DÕI

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi đánh giá FLC là một công ty có tham vọng với các dự án có quy mô đầu tư lớn. Chúng tôi đánh giá cao khả năng triển khai dự án của Công ty với việc hoàn thành và đưa vào khai thác vượt tiến độ Dự án FLC Samson Beach & Golf Resort, là một dự án có quy mô đầu tư lớn với nhiều hạng mục khác nhau.

FLC đã đầu tư một phần lớn nguồn lực của Công ty vào dự án này (khoảng trên 5.000 tỷ đồng), do đó triển vọng kinh doanh của Công ty phụ thuộc vào khả năng khai thác dự án một cách hiệu quả của FLC.

Chúng tôi đánh giá, trong năm 2015, phần lớn doanh thu và lợi nhuận của Công ty sẽ đến từ bán các căn biệt thự thuộc Quần thể Dự án FLC Samson Beach & Golf Resort và một số dự án bất động sản khác.

Trong đợt mở bán đầu tiên này, gần 300 căn thuộc khu The Luxury được chào hàng, có diện tích từ 200 - 500 m2/căn, với giá từ 12 - 14,5 triệu đồng/m2 chưa bao gồm tiền xây thô. Hiện tại, toàn bộ số lượng biệt thự mở bán đợt 1 đã được đăng ký mua hết. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục mở bán các căn biệt thự còn lại thuộc dự án này trong năm 2015, kế hoạch gần nhất là cuối tháng 6 đầu tháng 7/2015. Với tiến độ xây dựng như hiện nay, chúng tôi đánh giá khả năng hoàn thiện các căn biệt thự để bàn giao cho khách hàng trong năm nay của FLC là hoàn toàn khả thi.

Dự án FLC Complex Phạm Hùng của FLC hiện cũng đang được triển khai gấp rút. Giá bán căn hộ khoảng 26 - 31 triệu đồng/m2/m2 (chưa VAT). Hiện tại, dự án đã xong phầm hầm và đang thi côngtầng 1. FLC đã bán được 270 căn, phần còn lại 210 căn trong tổng số 480 căn hộ là loại hình căn hộ cho thuê. Dự kiến dự án được hoàn thành và bàn giao cho khách hàng vào Quý 3/2016 và sẽ đem lại lợi nhuận tốt cho FLC trong năm 2016.

Kết quả kinh doanh của FLC trong quý II/2015 dự kiến đạt 1.553tỷ doanh thu và 409 tỷ lợi nhuận trước thuế. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2015 FLC ước đạt 2.205 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 530 tỷ đồng, với việc tiếp tục mở bán dự án tại Sầm Sơn trong 6 tháng cuối năm 2015 thì chúng tôi dự phóngdoanh thu cả năm 2015 của FLC có thể đạt hơn 5,100 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 858.4tỷ đồng, EPS đạt 1.621 đồng/CP trên vốn 5.290 tỷ.

Tổng hợp 2 phương pháp định giá, chúng tôi nhận thấy giá trị hợp lý của FLC dựa trên giả định kết quả kinh doanh của FLC hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra theo mô hình dự báo của chúng tôi là 11.100 đồng/CP. Kết quả này chưa tính toán đến khả năng pha loãng cổ phiếu trong năm nay do đó chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu này.

PGS: Vẫn đánh giá cao nhờ thương hiệu

CTCK MB (MBS)

PGS công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu đạt mức 2.803 tỷ đồng, giảm 23,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 90 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, PGS đã hoàn thành 57% kế hoạch cả năm.

Doanh thu của Công ty giảm mạnh so với cùng kỳ do giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh, tác động tiêu cực đến giá bán CNG và PLG. Tuy nhiên, đại diện PGS cũng khẳng, định sản lượng tiệu thụ của PGS sẽ vẫn đạt kế hoạch đề ra.

Lợi nhuận của PGS vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, mặc dù giá bán đầu ra giảm do giá mua khí đầu vào đã được điều chỉnh theo phương pháp tính mới. Theo đó, giá khí đầu vào sẽ tham chiếu giá dầu FO, thay vì tính theo một mức giá cố định như trước đây. Điều này sẽ khiến PGS ổn định được biên lãi gộp qua đó ổn định hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chúng tôi vẫn đánh giá cao PGS nhờ thương hiệu mạnh, thị phần cao trong mảng kinh doanh LPG tại khu vực phía Nam và mảng kinh doanh khí CNG hiệu quả. Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của PGS đạt mức 185 tỷ đồng trong năm 2015.

FPT: Khuyến nghị MUA

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Từ đầu năm 2015, trong báo cáo ngày 11/3/2015, chúngtôi đã nâng khuyến nghị từ Nắm giữ lên Mua đối với cổ phiếu  FPT, với dự báo lợi nhuận Công ty sẽ trở lại mức tăng trưởng 2 con số sau 3 năm tăng trưởng thấp kể từ 2012 (báo cáo ngày 11/3/2015).

Thực tế, kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2015 đã củng cố nhận định của chúng tôi. Với doanh thu tăng 38% cùng kỳ, đạt 2.778 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20,% đạt 313 tỷ đồng.

Khối công nghệ ghi nhận tăng trưởng cao ở thị trường nước ngoài và dấu hiệu cải thiện ở thị trường trong nước.

Khối phân phối và bán lẻ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ấn tượng với doanh thu tăng 34% cùng kỳ, đạt 10.832 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 48%, đạt 317 tỷ đồng.

Khối viễn thông tăng trưởng chậm hơn với doanh thu tăng 5% cùng kỳ, đạt 2.067 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ viễn thông duy trì tăng trưởng tốt 28%, còn doanh thu từ nội dung số giảm 71% do không còn mảng trò chơi trực tuyến.

Lợi nhuận trước thuế của khối viễn thông tăng nhẹ 1% cùng kỳ, đạt 440 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận ở mảng dịch vụviễn thông internet duy trì bằng cùng kỳ năm trước do tiếp tục ghi nhận khấu hao nhanh ở dự án quang hoá.

Chúng tôi điều chỉnh dự báo kết quả kinh doanh 2015 so với báo cáo trước. Chúng tôi ước tính doanh thu 2015 tăng 20% đạt 39.208 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 2015 tăng 13,5%, đạt 1.852 tỷ đồng. EPS 2015 ước tính đạt 4.933 đồng/cp.

Định giá của cổ phiếu FPT ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng 2015 là 9,4x so với tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng 13,5%. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua với giá mục tiêu 54.000 đồng/cp dựa trên P/E 11x.

Ngoài các yếu tố cơ bản vững chắc, FPT cũng là cổ phiếu được quan tâm nhiều hơn trong thời gian gần đây do FPT là một trong số các cổ phiếu mà tỷ lệ sở hữu 49% dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã hết. Việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài qua Nghị định 60 vừa được thông qua kỳ vọng sẽ có tác động tâm lý tích cực đối với giá cổ phiếu FPT.

IMP: Duy trì khuyến nghị MUA

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Dược phẩm Imexpharm vừa công bố nghị quyết HĐQT ngày 25/06/2015 thông qua việc triển khai kế hoạch thực hiện dự án nhà máy sản xuất thuốc công nghệ cao.

Chủ trương xây dựng nhà máy này đã được ĐHCĐ TN 2015 thông qua. Theo đó, giai đoạn 2015-2017 IMP dự kiến đầu tư nhà máy thuốc công nghệ cao, thuốc đặc trị phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển ngành dược.

Hiện nay, tổng giá trị thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm gần ½ tổng chi tiêu thuốc cả nước. Trong khi đó, mục tiêu của chiến lược quốc gia về phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến 2020 là đưa tỷ lệ này lên mức 80%.

Thách thức sẽ là không nhỏ vì đặc thù ngành dược trong nước hiện chủ yếu chỉ sản xuất thuốc generic, giá trị thấp. Tuy nhiên, cũng có thể xem đây là cơ hội cho các công ty dược trong nước khi họ có thể tham gia sản xuất các loại thuốc đặc trị.

Nhà máy mới được xây dựng theo tiêu chuẩn EU-GMP với công nghệ hiện đại, tự động hoá. Dự kiến bắt đầu triển khai từ trong tháng 06/2015 đến tháng 12/2017 với vốn đầu tư dự kiến khoảng 100-150 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu và quỹ phát triển khoa học công nghệ. Chúng tôi sẽ có đánh giá cụ thể hơn về dự án này khi có thêm những thông tin chi tiết.

IMP cũng đang đồng thời tiến hành việc nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng của 2 nhà máy Penicillin và Cephalosperin tại Bình Dương từ GMP-WHO lên GMP-EU. Do đặc thù sản phẩm chỉ tiêu thụ qua kênh bệnh viện – kênh phân phối gặp khá nhiều khó khăn trong thời gian qua do ảnh hưởng của quy định đấu thầu mới nên mức hiệu suất hoạt động hiện tại của 2 nhà máy này khá thấp.

Với kỳ vọng việc nâng cấp tiêu chuẩn sẽ được hoàn tất trong tháng 6/2016, sản lượng sản suất từ 2 nhà máy này có khả năng gia tăng đáng kể nhờ các cơ hội trúng thầu cao hơn cũng như đẩy mạnh việc xuất khẩu và sản xuất nhượng quyền. Theo đó, công ty kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân cho giai đoạn 2016-2018 khoảng 20%/năm.

5T/2015 doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của IMP tăng 20,2% và 30,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt lần lượt 359,3 và 55,2 tỷ đồng, hoàn thành 34,2% và 42,5% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015. Kênh OTC vẫn tăng trưởng tốt, 34,4% n/n và đóng góp gần 70% tổng doanh thu của IMP, tương đương hơn 88% doanh thu hàng sản xuất của công ty.

Năm 2015, chúng tôi dự báo doanh thu và lãi ròng của IMP sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt khoảng 14% và 21% trong 2015, lên 1.019 và 104 tỷ đồng.

Theo đó, IMP đang giao dịch ở mức 12,7 lần PE 2015, so với mức hơn 20 lần bình quân các thị trường dược mới nổi của Châu Á (Emerging Asia pharmaceutical companies). Duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 57.000 đồng (cao hơn mức giá hiện tại khoảng 24%).

Tin bài liên quan