Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/2

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/2 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị theo dõi AAA với giá mục tiêu 15.000 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Năm 2019, Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AAA – sàn HOSE) ghi nhận tổng doanh thu 9.239,8 tỷ (tăng 15,3% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 501,7 tỷ (gấp 2,4 lần cùng kỳ). Kết quả này tương ứng hoàn thành lần lượt 92,4% và 98,4% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2019.

Như vậy, ước tính của BSC trong báo cáo cập nhật gần nhất khá sát với lợi nhuận 2019 của AAA (99%) nhưng chỉ tiêu doanh thu lại cao hơn khoảng 5,7% so với số thực hiện do giả định về tăng trưởng mảng sản xuất bao bì và thương mại của chúng tôi cao hơn lần lượt khoảng 4.5% và 8% với số thực tế.

Kế hoạch kinh doanh 2020 của AAA với sản lượng bao bì tiêu thụ 100.000 tấn (tăng 5% so với năm ngoái), tỷ lệ khai thác khu công nghiệp 100%. Doanh thu 10.000 tỷ (tăng trưởng 8%), lợi nhuận sau thuế 550 tỷ (tăng trưởng 9,6%).

BSC dự báo doanh thu thuần năm 2020 của AAA đạt 9.838 tỷ (tăng trưởng 6,5%) với giả định sản lượng bao bì tiêu thụ 100.516 tấn (tăng trưởng 5,6% so với năm trước), tỷ lệ khai thác khu công nghiệp đạt 100%. Lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 509 tỷ (tăng trưởng 8,7%), tương đương EPS = 2.676 đồng/CP (giả định trích quỹ khen thưởng phúc lợi 10%), P/E fw = 4.8 lần (nếu loại trừ lợi nhuận ước tính từ bất động sản thì P/E với mảng nhựa là 8,5 lần).

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu AAA với giá mục tiêu 15.000 đồng/CP (Upside +19%) dựa trên phương pháp định giá so sánh P/E với P/E mục tiêu cho mảng bao bì nhựa là 10 lần và cho hoạt động chuyển nhượng đất KCN là 1 lần.

Khuyến nghị mua cổ phiếu BSR với giá mục tiêu 11.650 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi đánh giá khả quan đối với hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR – UPCoM) trên cơ sở chính sách giảm thuế nhập khẩu dầu thô từ 5% xuống 0% từ tháng 11/2019.

Bên cạnh đó, BSR gia tăng sử dụng dầu thô nguyên liệu nhập từ năm 2020, giúp giảm chi phí nguyên liệu và gia tăng hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, BSR là nhà máy có thể sản xuất dầu sản lượng lớn 2,6 triệu tấn dầu DO hàm lượng lưu huỳnh thấp và 192 nghìn tấn MFO đạt tiêu chuẩn mới, đáp ứng quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Đây là tín hiệu tích cực trong tiến trình gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy trong những năm tới.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BSR với giá mục tiêu 12 tháng 11.650 đồng. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 13,2 lần (theo EPS dự phóng 2020 khoảng 884 đồng).

Khuyến nghị mua dành cho MBB với giá mục tiêu 32.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố đã nhận được hồ sơ từ Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) liên quan đến đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của ngân hàng số 55/BC-MBHĐQT.

Đợt chào bán riêng lẻ này sẽ được thực hiện tương ứng với kế hoạch ĐHCĐ năm 2019. Cổ đông đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ tối đa 10% vốn bao gồm 211,3 triệu cổ phiếu mới và 47,1 triệu cổ phiếu quỹ. HĐQT cam kết sẽ mở room nước ngoài cho đợt phát hành riêng lẻ này.

Trong tháng 1/2020, MBB đã mở room khối ngoại 0,9% để bán 21,4 triệu cổ phiếu quỹ (0,9% cổ phiếu lưu hành) cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Theo bản công bố thông tin hôm nay, MBB hiện đang nộp đơn nới trần FOL lên 22,99% so với 20,90% trong tháng 1/2020 và 20,0% trong năm 2019. Do đó, chúng tôi kỳ vọng ngân hàng sẽ thực hiện đợt phát hành riêng lẻ khoảng 2,1% vốn bao gồm 25,6 triệu cổ phiếu quỹ (1,1% cổ phiếu lưu hành) và khoảng 25 triệu cổ phiếu mới (1,0 % cổ phiếu lưu hành).

Tổng lượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho đợt chào bán kế hoạch này và đợt chào bán trong tháng 1/2020 tương ứng khoảng 3% so với con số tối đa 10% thông qua trong ĐHCĐ 2019.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho MBB với giá mục tiêu 32.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 57,2% dựa theo giá đóng cửa hôm nay, bao gồm lợi suất cổ tức 2,9%.

Khuyến nghị mua dành cho TDM với giá mục tiêu 30.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Theo văn bản ĐHCĐ của TDM, TDM vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với tăng trưởng sản lượng nước thương phẩm đạt 15% so với năm 2019 (66,6 triệu m3), tăng trưởng doanh thu đạt 20% (417 tỷ đồng), tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 10% (223,9 tỷ đồng).

Dựa theo dự báo của chúng tôi, sản lượng nước thương phẩm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ sẽ lần lượt tăng 17,3% (68 triệu m3), 23% (426 tỷ đồng), 16,5% so với năm trước (237 tỷ đồng). Chúng tôi cho rằng kế hoạch của TDM là thận trọng hơn so với dự báo của chúng tôi.

Ngoài ra, TDM cũng công bố kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn 2020-2024. Cụ thể, doanh thu mục tiêu đạt trung bình 598 tỷ đồng (cao hơn 10,3% so với dự báo của chúng tôi) chủ yếu đến từ kế hoạch sản lượng bán cao hơn 9% so với giả định của chúng tôi trong giai đoạn 2020- 2024.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ mục tiêu đạt trung bình 334 tỷ đồng, thấp hơn 9,3% so với dự báo của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng kế hoạch này chủ yếu đến từ quan điểm thận trọng của TDM về chi phí, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Ngoài ra, trong năm 2019, TDM đề xuất chi trả cổ tức tiền mặt ở mức 1.000 đồng/CP (lợi suất 4,4%), phù hợp với dự báo hiện tại của chúng tôi. Trong năm 2020, TDM cũng lên kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt ở mức 1.200 đồng/CP (lợi suất 5,3%), cao hơn 9% so với giả định của chúng tôi là 1.100 đồng/CP (lợi suất 4,8%).

Đối với kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu, TDM có kế hoạch phát hành 4,3 triệu cổ phiếu ESOP (4,5% cổ phiếu lưu hành hiện tại) ở mức 15.000 đồng/CP (thấp hơn 33% so với giá thị trường hiện tại). Đề xuất này nhằm tài trợ cho việc mở rộng công suất cung cấp nước của nhà máy Bàu Bàng (từ mức 30.000 m3/ngày lên 60.000 m3/ngày).

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho TDM với giá mục tiêu 30.900 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 42,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,9%).

Khuyến nghị kém khả quan dành cho DHG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị kém khả quan khi PER dự phóng năm 2020 của DHG đạt 20,5 lần (cao hơn 29% so với trung vị PER trượt của các công ty cùng ngành) tỏ ra kém hấp dẫn trong bối cảnh chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 4% trong giai đoạn 2019-2022. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng giá mục tiêu 3% chủ yếu nhờ vòng quay tiền mặt tốt hơn kỳ vọng của DHG.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 1% trong khi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021-2022, chủ yếu do lo ngại dịch virus corona (CoV) có thể sẽ ảnh hưởng hoạt động sản xuất hoạt chất đầu vào (API) tại Trung Quốc, từ đó giảm biên lợi nhuận gộp của các sản phẩm tự sản xuất của DHG trong năm 2020.

Chúng tôi duy trì dự báo CAGR sản lượng bán ra của các sản phẩm tự sản xuất giai đoạn 2019-2022 đạt 3% trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng ở kênh nhà thuốc và sản phẩm ít sự khác biệt của DHG. Tăng trưởng Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tiếp tục được hỗ trợ bởi giá bán trung bình (ASP) tăng và thu nhập tài chính ròng, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Yếu tố hỗ trợ tăng giá cổ phiếu: cổ đông Taisho hiện đang nắm giữ 51% tiếp tục mua thêm cổ phần, hỗ trợ kinh doanh từ Taisho có kết quả, đặc biệt về mặt sản phẩm.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu POW

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho Tổng công ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (POW) khi chúng tôi giả định tác động tích cực từ sản lượng cam kết cao hơn sẽ giúp bù đắp cho tác động tiêu cực từ mức giảm mạnh sản lượng tại nhà máy Nhơn Trạch 1 (NT1).

Chúng tôi điều chỉnh giảm 2,4% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 do giả định mức giảm 50% sản lượng của nhà máy NT1 (do thiếu hụt khí) lấn áp tác động tích cực từ sản lượng cao hơn của nhà máy Vũng Áng và giá khí thấp hơn.

Chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số điều chỉnh giai đoạn 2021-2024 thêm 1,8%, chủ yếu do sản lượng cam kết cao hơn cho các nhà máy nhiệt điện.

POW là một cơ hội đầu tư hấp dẫn trong ngành điện Việt Nam do triển vọng thiếu hụt điện của đất nước có tăng trưởng kinh tế cao, khối tài sản lớn, chất lượng tài sản cao và cơ hội mở rộng công suất thêm 35% trong ngắn hạn. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2020-2025 đạt 12,1%.

Định giá của POW là hấp dẫn khi hiện đang giao dịch với 2020F EV/EBITDA đạt 5,6 lần và P/E 8,6 lần, thấp hơn lần lượt 41% và 23% so với các công ty cùng ngành trong khu vực.

Yếu tố hỗ trợ/rủi ro: dự phòng cao hơn cho khoản phải thu qúa hạn từ EVN hoặc hoàn nhập dự phòng; mức giảm giá PPA của nhà máy Cà Mau cao hơn/thấp hơn dự kiến.

Tin bài liên quan