Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/11

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VHM với giá mục tiêu 110.400 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Để xác định giá trị hợp lý cổ phiếu Vinhomes, chúng tôi sử dụng mô hình RNAV (giá trị tài sản ròng) và mô hình định giá so sánh chỉ số P/E với các doanh nghiệp cùng ngành. Với đặc thù là một doanh nghiệp bất động sản , giá trị của Vinhomes phụ thuộc rất nhiều vào giá trị của quỹ đất và các dự án trong tương lai, do vậy KBSV cho rằng phương pháp RNAV là phù hợp để định giá chất lượng tài sản của Vinhomes.

Chúng tôi đã thực hiện đánh giá lại các dự án có đủ thông tin và có thể triển khai trong giai đoạn tới. Với những dự án chưa có đầy đủ thông tin về kế hoạch phát triển hoặc chưa tiến hành xây dựng, chúng tôi đánh giá lại dự án dựa trên giá trị đất. Những dự án chưa có kế hoạch phát triển, chúng tôi giữ nguyên giá trị sổ sách của dự án.

Theo đó, giá trị hợp lý của cổ phiếu Vinhomes theo phương pháp này là 110.400 đồng/cổ phiếu.

Vinhomes là chủ đầu tư bất động sản nhà ở hàng đầu Việt Nam với các quỹ đất lớn tại các vị trí đặc địa ở các thành phố lớn trải dài trên khắp cả nước cùng với khả năng phát triển dự án nhanh và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Vinhomes đã tạo dựng được thương hiệu Bất động sản uy tín với những lợi thế được cộng hưởng từ Tập đoàn mẹ Vingroup. Dựa trên kết quả kinh doanh và định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu Vinhomes với giá mục tiêu là 110.400 đồng/cp, cao hơn 18% so với giá đóng cửa ngày 22/11/2019.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu MWG

CTCK Phú Hưng (PHS)

Chúng tôi nhận định mục tiêu tăng trưởng 25% doanh thu của CTCP Đầu tư thế giới di động (MWG – sàn HOSE) trong năm 2019 khó có khả năng đạt được khi doanh số quý III/2019 sụt giảm so với 6 tháng đầu năm.

Hơn nữa, chuỗi BHX sẽ khó tăng trưởng mạnh trong 3 tháng cuối năm khi mùa mưa lũ kéo dài ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm tươi sống và rau quả xanh trong khi phân khúc này chiếm hơn 50% của chuỗi.

Chúng tôi dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của MWG trong năm 2019 lần lượt là 103.820 tỷ đồng (tăng 20% so với năm ngoái) và 3.718 tỷ đồng (tăng trưởng 29% ) với giả định MWG biên lợi lãi gộp ở mức 17,7%.

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu MWG khoảng 153,260 đồng/cổ phiếu trong năm 2020 (+37% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

>> Tải báo cáo

HDG có thể duy trì xu hướng giảm

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô vẫn đang trong quá trình vận động tích lũy trong khu vực 33-37 suốt hơn 4 tháng nay. Sau phiên giảm điểm hôm qua khiến giá cổ phiếu chạm ngưỡng hỗ trợ 33, hôm nay đã xuất hiện lực cầu bắt đáy giúp thanh khoản tăng mạnh đẩy HDG tăng hơn 3%.

Chỉ báo động lượng RSI cũng đã thoát khỏi vùng quá bán. Tuy vậy, các chỉ báo xu hướng vẫn đang ở trong trạng thái tiêu cực.

Trong trường hợp tích cực, đợt hồi phục này sẽ đưa HDG trở lại chinh phục ngưỡng kháng cự 37. Ngược lại, nếu cổ phiếu để thủng mốc 33, mô hình hai đỉnh sẽ được xác lập và xu hướng giảm có thể duy trì đến khi HDG chạm vùng giá xung quanh 30.

Khuyến nghị mua dành cho VHC với giá mục tiêu 102.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

VHC công bố giá trị xuất khẩu đạt 28 triệu USD trong tháng 10/2019 (+27% so với tháng 9/2019 nhưng giảm 28% so với tháng 10/2018). Nhìn chung, giá trị xuất khẩu của VHC giảm 13% trong 10 tháng 2019.

Công ty cho rằng nguyên nhân do động thái giảm hàng tồn kho của các khách hàng Mỹ trong năm 2019, dẫn đến sản lượng lượng bán ra và giá đều giảm. Theo VHC, tình trạng thiếu hụt nguồn cá tra nguyên liệu năm trước đã thúc đẩy các khách hàng Mỹ tăng hàng tồn kho, trong khi nguồn cung ổn định trong năm này khiến họ giảm hàng tồn kho.

Mức phục hồi so với tháng trước (MoM) nói trên trong tháng 10/2019 phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi rằng sản lượng xuất khẩu của VHC sẽ tăng 26% QoQ trong quý 4/2019 nhờ nhu cầu gia tăng trong dịp lễ. Chúng tôi cũng kỳ vọng nhu cầu cá tra tại Mỹ sẽ tiếp tục trở về bình thường khi quá trình giảm hàng tồn kho kết thúc.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu 102.900 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 38,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,9%, dựa trên giá chốt phiên ngày hôm nay.

Khuyến nghị khả quan dành cho ACV với giá mục tiêu 87.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho Tổng CT Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nhưng giảm giá mục tiêu 3,3% còn 87.100 đồng, dẫn đến tổng mức sinh lời dự phóng 16,7% (bao gồm lợi suất cổ tức 1,2%).

Giá mục tiêu của chúng tôi chủ yếu bị ảnh hưởng tiêu cực từ giả định vốn xây dựng cơ bản tăng cho dự án trọng điểm sân bay quốc tế Long Thành (LTA) và việc loại bỏ giả định thu phí cho việc quản lý đường bay của chúng tôi, điều này phần nào được bù đắp bởi việc điều chỉnh mô hình định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) đến cuối năm 2020.

Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2019 tăng trưởng 11% so với năm ngoái, đạt 18 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng trưởng 20%, đạt 7,3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ (1) tăng trưởng lượng hành khách quốc tế của ACV đạt 0,3%; (2) thu phí nhượng quyền 12% từ nhà ga quốc tế Đà Nẵng (DAD) và Cam Ranh (CXR) vốn tăng trưởng nhanh và (3) biên lợi nhuận gộp tăng 1,3 điểm phần trăm YoY.

Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2020 đạt 20 nghìn tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2019) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 8,4 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 14%), chủ yếu nhờ tỷ lệ phí nhượng quyền dự kiến tăng lên 25% tại cảng quốc tế DAD và CXR. Điều này phần nào bù trừ bởi việc bảo trì đường băng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) và Nội Bài (HAN).

Chúng tôi cho rằng ACV sẽ là công ty được hưởng lợi chính trong sự bùng nổ du lịch và hàng không của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng kế hoạch vốn đầu tư XDCB lớn của ACV sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền tự do dài hạn của công ty.

Rủi ro: vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng nhiều hơn dự kiến, chậm trễ trong việc mở rộng công suất sân bay có thể ảnh hưởng tăng trưởng lưu lượng hành khách, lượng hành khách Trung Quốc giảm, lỗ tỷ giá từ nợ JPY.

Khuyến nghị mua dành cho PC1 với giá mục tiêu 26.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho PC1 và tăng giá mục tiêu 6,5% lên 26.100 đồng/cổ phiếu dựa trên tác động của việc gia hạn giá mục tiêu đến cuối năm 2020 và tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2019-2023F.

Chúng tôi tăng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2019-2023 thêm 2,8% khi thay thế dự án điện mặt trời Trung Thu – Điện Biên (công suất 100MW) bằng dự án điện gió Liên Lập (công suất 48MW) (chúng tôi ước tính dự án này có hiệu suất lợi nhuận cao hơn), theo kế hoạch công bố gần đây của PC1.

Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020F đạt 40,5%, chủ yếu nhờ dự án bất động sản Thanh Xuân và hoạt động trong cả năm của 2 nhà máy thủy điện mới (tổng công suất 48MW).

PC1 hưởng lợi từ kế hoạch gia tăng công suất điện gấp 3 lần tại Việt Nam trong 15 năm tiếp theo và là một công ty bất động sản nhỏ nhưng có uy tín đã được khẳng định. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2019-2022F đạt 16,2%, nhờ công suất điện tăng gấp đôi và đóng góp của 3 dự án bất động sản.

Yếu tố hỗ trợ: triển khai trở lại dự án điện mặt trời hoặc công bố dự án thủy điện mới, thành công thâu tóm quỹ đất mới và kế hoạch chi tiết cho mảng kinh doanh mới thông qua thương vụ M&A.

Rủi ro: tiến độ chậm hơn dự kiến tại các dự án điện và dự án bất động sản mới.

Chúng tôi cho rằng định giá của PC1 là hấp dẫn với PEG dự phóng giai đoạn 2019-2022F là 0,5; P/E và P/B năm 2020F lần lượt là là 5,3 và 0,7 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Khuyến nghị mua dành cho PTB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho PTB từ khả quan lên mua khi tăng giá mục tiêu 19% nhờ gia hạn định giá đến cuối năm 2020 và tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021F2022F, dù giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020F 3%, chủ yếu do chi phí lãi vay và SG&A gia tăng.

Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021F-2022F trung bình 11% khi (1) bổ sung mảng kinh doanh thạch anh mới vào dự báo của chúng tôi và (2) giá bán dự án bất động sản của PTB vượt dự phóng của chúng tôi khoảng 25%.

Chúng tôi kỳ vọng mảng thạch anh sẽ bắt đầu đóng góp cho lợi nhuận của công ty từ giữa năm 2020 và đóng góp 8% cho lợi nhuận gộp trong năm 2022F, phần nào hổ trợ cho dự báo tốc độ tăng trưởng kéo giai đoạn 2020F-2022F đạt 17% cho mảng đá.

Ngoài đóng góp gia tăng từ mảng thạch anh, dự báo tăng trưởng EPS tăng tốc trong giai đoạn 2020F-2021F của chúng tôi dựa trên (1) EPS năm 2019 pha loãng theo đợt phát hành 5:1 diễn ra trong quý 2/2018 và (2) đóng góp dự phóng từ dự án bất động sản trong năm 2021.

Định giá của PTB tỏ ra hấp dẫn với PER năm 2020F là 6,9 lần so với mức PER trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 10,7 lần. Do đó, chúng tôi giữ giá mục tiêu tại mức chiết khấu 20% cho phương thức định giá Tổng của từng phần (SOTP), dựa trên cơ cấu kết hợp của PTB, kế hoạch thâm nhập mới vào mảng bất động sản, dòng tiền mặt tự do ít và nguồn thông tin chi tiết hạn chế.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: hoạt động xây dựng trong nước chững lại, mức thuế mới cho đồ nội thật gỗ Việt Nam, thị trường bất động sản biến động và rủi ro kinh doanh mảng thạch anh.

Khuyến nghị mua dành cho PVS

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho PVS trong khi giảm giá mục tiêu 0,4% khi giảm dự báo lợi nhuận giai đoạn 2020-2024F trung bình khoảng 5% do khả năng một số dự án bị trì hoãn; điều này được bù đắp bởi tác động tích cực từ việc gia hạn giá mục tiêu đến cuối năm 2020F.

Ngoài ra, chúng tôi tăng dự báo cổ tức tiền năm năm 2019F và 2020F khoảng 42,9% đạt 1.000 đồng/cổ phiếu dựa trên lượng tiền mặt dồi dào hơn dự kiến được ghi nhận trong quý 3/2019 với tỷ lệ đòn bẩy ròng đạt -78%.

Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng EPS cốt lõi năm 2020F đi ngang, được hổ trợ bởi mảng Cơ khí dầu khí (M&C). Đáng chú ý, chúng tôi cho rằng năm 2020F là năm thuận lợi cho mảng M&C nhờ khoản lợi nhuận ghi nhận cuối cùng của dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt (SV-ĐN) (thông thường, khoản lợi nhuận ghi nhận từ dự án M&C thường lớn tại giai đoạn cuối của dự án).

Chúng tôi dự báo tăng trưởng EPS báo cáo năm 2020F mạnh mẽ, đạt 52,2% khi kỳ vọng khoản dự phòng phát sinh cho kho dầu nổi (FPSO) Lam Sơn trong năm 2019F sẽ được hoàn nhập trong năm 2020F, đồng thời không ghi nhận chi phí dự phòng bất thường nào khác trong năm 2020F.

Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực cho triển vọng của PVS và kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS cốt lõi đạt 8,3% trong giai đoạn 2019-2024F, nhờ giá trị hợp đồng chưa thực hiện mảng M&C đạt 3,4 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2019F và mảng FSO tăng trưởng ổn định.

PVS hiện được giao dịch tại EV/EBITDA dự phóng năm 2019F là 2,6 lần, tỏ ra hấp dẫn so với trung vị P/E của 1 công ty cùng ngành là 8,7 lần khi PVS có ROE và đòn bẩy ròng vượt trội so với các công ty cùng ngành. PVS sở hữu năng lực tài chính mạnh với lượng tiền mặt đạt 10,7 nghìn tỷ đồng sau 9 tháng 2019, hỗ trợ mở rộng công suất và cải thiện vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế của PVS trong khi không có rủi ro pha loãng.

Rủi ro: rủi ro địa chính trị tại biển Đông, khoản dự phòng cao hơn dự kiến cho FPSO Lam Sơn.

Khuyến nghị mua dành cho VEA

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua cho VEA khi duy trì quan điểm tích cực cho tăng trưởng tiêu thụ xe hơi dài hạn của tại Việt Nam cũng như thị trường xe máy rộng lớn và sinh lời.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu 2% khi đưa định giá về cuối năm 2020. Điều này có tác động cao hơn so với mức điều chỉnh giảm trung bình 5% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2019- 2022F khi chúng tôi hạ tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự phóng của ngành ô tô từ 20% xuống 17%, bên cạnh lỗ từ các mảng kinh doanh cốt lõi của VEA cao hơn dự kiến của chúng tôi.

Trong năm 2019F, chúng tôi cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của VEA sẽ bị ảnh hưởng do khoản truy thu thuế bất thường ước tính đạt 245 tỷ đồng và việc suy giảm sản lượng 3% của ngành xe máy.

Chúng tôi dự báo CAGR EPS của VEA trong giai đoạn 2019-2022F đạt 10% khi kỳ vọng Honda, Toyota và Ford lần lượt ghi nhận CAGR lợi nhuận ròng là 6%, 17% và 16%.

Với PER năm 2019F là 8,9 lần, VEA hiện được giao dịch tại mức chiết khấu 38% so với PER trượt của các công ty cùng ngành trong khu vực, chúng tôi cho rằng định giá này là hấp dẫn mặc dù VEA không có quyền kiểm soát đối với các công ty liên kết ô tô, xe máy. Ngoài ra, lợi suất cổ tức năm tài chính 2018 (dự kiến được chi trả trong quý 4/2019) ở mức hấp dẫn 8,0%.

Rủi ro: nhu cầu chững lại ngoài dự kiến và cạnh tranh gia tăng trên thị trường ô tô và xe máy, lỗ từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi cao hơn dự kiến.

Tin bài liên quan