Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/6

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/6 của các công ty chứng khoán.

MBB nhiều khả năng sẽ kiểm tra ngưỡng kháng cự 22

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội đang nằm trong xu hướng tăng giá sau khi tạo mô hình 2 đáy tại ngưỡng giá 14 và 16. Thanh khoản cổ phiếu tăng mạnh vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và RSI đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá của cổ phiếu. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, MBB nhiều khả năng sẽ kiểm tra ngưỡng kháng cự 22. Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng giá 17-18, chốt lãi tại ngưỡng kháng cự 22 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 16.

FRT có chiến lược gia tăng độ phủ sóng của nhà thuốc Long Châu ra toàn quốc

CTCK MB (MBS)

Trước tác động của dịch Covid-19, FRT đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 khoảng 220 tỷ đồng, giảm 21% so với năm ngoái. Công ty thông qua kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt 2019 khoảng 1.000 đồng/CP, thời gian chi trả dự kiến trong quý III/2020.

Doanh thu trong quý II/2020 ước tính giảm 15-20% so với quý I do ảnh hưởng của dịch bệnh từ tháng 3 và nhu cầu mua sắm trong cư dân giảm.

Mảng ICT tiếp tục là hoạt động đóng góp chủ yếu trong cơ cấu doanh thu tỷ trọng khoảng 90%, dự kiến đạt tương ứng 13.820 tỷ đổng, giảm hơn 14% so với mức 16.100 tỷ đồng của năm ngoái do chủ động giảm doanh thu chương trình F.Friend và Subsidy. Trong năm 2019, FRT dự kiến sẽ trích lập dự phòng thêm khoảng 10-15 tỷ đồng cho F-Friends. Công ty kỳ vọng việc đưa vào bán kính mắt và đồng hồ theo hình thức shop-in-shop sẽ giúp tăng doanh thu của hệ thống.

Đối với mảng dược phẩm, chuỗi Long Châu dự kiến sẽ tăng mạnh doanh thu từ 500 tỷ đồng năm 2019 lên 1.500 tỷ đồng trong năm 2020 với quy mô lên 220 cửa hàng, trong đó mở mới thêm 150 cửa hàng trong năm. Danh mục sản phẩm được mở rộng, đặc biệt là nhóm sản phẩm private labels như thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, dược mỹ phẩm.

Trong quý I/2020, doanh thu của FRT tăng nhẹ ~2% nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn trong 2 tháng đầu năm, bù đắp lại phần doanh thu sụt giảm trong tháng 3 do tác động của dịch bệnh Covid19.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2020, việc áp dụng giãn cách xã hội khiến 170 cửa hàng đóng cửa, tương ứng 1/3 tổng quy mô FPT Shop toàn quốc, đã tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của FRT.

Mặc dù tháng 5 các cửa hàng đã mở lại, nhưng thu nhập bình quân trong cư dân giảm ảnh hưởng đến sức mua và nhu cầu chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu. Điều này đã tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của FRT trong quý II. Doanh nghiệp cho biết doanh thu trong quý II sẽ giảm khoảng 15-20% so với quý I/2020.

Tính đến tháng 5/2020, chuỗi Long Châu có khoảng 100 nhà thuốc và đã chốt được 40 địa điểm để mở cửa hàng trong quý II/2020, hướng tới mục tiêu đạt 200 nhà thuốc đến hết năm 2020. Đại diện doanh nghiệp cho biết, đầu tư vào Long Châu đang ở giai đoạn đầu với chi phí đầu tư cho 1 nhà thuốc dao động từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, thay đổi phụ thuộc vào diện tích và vị trí của cửa hàng. Biên lợi nhuận gộp hiện tại ước tính cao hơn khoảng 3% so với mảng ICT.

Một nhà thuốc Long Châu ước tính khoảng 6 tháng sẽ hòa vốn. FRT có chiến lược gia tăng độ phủ sóng của nhà thuốc Long Châu ra toàn quốc, chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 2- 3 năm tới.

Kế hoạch đến năm 2021, số cửa hàng dự tăng lên 420 với doanh thu 4.300 tỷ đồng và tăng lên 6.500 tỷ đồng doanh thu và 86 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022 với quy mô 620 cửa hàng. Doanh nghiệp ước tính thời gian hòa vốn dự kiến của Long Châu có thể sẽ rơi vào năm 2022, thay vì năm 2021 theo kế hoạch ban đầu.

Tin bài liên quan