Có thể mở vị thế đối với HAH tại ngưỡng giá 11
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu HAH của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã có một phiên bứt phá sau khi tạo ngưỡng hỗ trợ 10.0. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng của cổ phiếu.
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tích cực này. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.
Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng giá 11 chốt lãi tại ngưỡng giá 13.0 và cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 10.0.
Kế hoạch kinh doanh TNG đưa ra đầu năm là khá thách thức
CTCK MB (MBS)
Trong kỳ kinh doanh quý II/2020, TNG chứng kiến kêt quả kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu và chuỗi cung ứng của ngành hàng dệt may.
Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý II/2020 đạt 1.066 tỷ đồng, giảm 13,6% so với cùng kỳ do toàn bộ đơn hàng tháng 3,4, và 5 phải giãn thời giao hàng. Nhờ giá vốn giảm mạnh hơn doanh thu, biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhẹ từ 16% trong quý II năm ngoái lên mức 16,3% trong quý năm nay.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng mạnh 36% khiến lợi nhuận sau thuế trong kỳ giảm 42% còn 32 tỷ đồng. Đáng chú ý là trong kỳ doanh thu nội địa có sự cải thiện khá nhờ tiêu thụ khẩu trang, đặc biệt trong tháng 6 với tốc độ tăng 55% n/n, đạt tương ứng 167 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu đạt 1.840 tỷ đồng, giảm 10% n/n trong khi lợi nhuận sau thuế giảm gần 30% xuống còn 66 tỷ đồng. Với kế hoạch doanh thu 4.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 230 tỷ đồng, doanh nghiệp đã hoàn thành tương ứng 40% và 29%.
Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm, chúng tôi cho rằng 6 tháng cuối năm được cho là tương đối thách thức với TNG trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt tại nhiều quốc gia trên thế giới ảnh hưởng đến nhu cầu và triển vọng chung của ngành may mặc toàn cầu, nguy cơ giãn đơn hàng từ các đối tác vẫn có thể xảy ra trong thời gian này.
Xét về cơ cấu nguồn vốn, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2020, dư nợ chiếm 56% tổng tài sản, đạt tương ứng 2.183 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn tăng 58% so với thời điểm đầu năm. Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong cân đối vốn.
Để hoàn thiện hệ sinh thái dệt nhuộm tại miền Bắc nhằm giải quyết các vấn đề về xuất xứ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm nhằm hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do, TNG cho biết Công ty đang triển khai đầu tư Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm 1 với quy mô 70,5 ha và thời gian hoạt động là 50 năm.
Doanh nghiệp cho biết sẽ phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng việc huy động trái phiếu sẽ làm tăng dư nợ & áp lực trả nợ của doanh nghiệp trong dài hạn. Bài toán về cân đối cơ cấu nguồn vốn tiếp tục cần được khắc phục đối với doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh trong quý II/2020 của TNG chịu ảnh hưởng tiêu cực trước tác động sâu, rộng hơn của dịch Covid-19 với lợi nhuận sau thuế trong kỳ giảm mạnh 42% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được trong nửa đầu năm, việc hoàn thành kế hoạch đưa ra đầu năm được cho là khá thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có đấu hiệu được kiểm soát tốt tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho PVD
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2020, với doanh thu đạt 3,2 nghìn tỷ đồng (tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 85 tỷ đồng so với lợi nhuận ròng đạt 28 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019.
Kết quả kinh doanh này chủ yếu đến từ 1) giá thuê ngày giàn khoan tự nâng (JU) tăng 9%; 2) hiệu suất hoạt động của giàn JU cải thiện đạt 89% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với mức 86% trong 6 tháng đầu năm 2019; 3) lợi nhuận cao hơn từ mảng dịch vụ giếng khoan; và 4) đóng góp từ trung bình 2,4 giàn khoan cho thuê so với không có giàn khoan nào trong 6 tháng đầu năm 2019.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số sơ bộ 6 tháng đầu năm 2020 lần lượt hoàn thành 65,2% và 52,5% dự báo cả năm của chúng tôi và phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị phù hợp thị trường cho PVD với giá mục tiêu 10.600 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 2,4%).
Khả năng điều chỉnh tăng dự báo dành cho DHG
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Dược Hậu Giang (DHG) đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2020, trong đó doanh thu ròng đạt 820 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái) trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 186 tỷ đồng (tăng 6%). Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu ròng đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (giảm 4%) trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 363 tỷ đồng (tăng 16%).
Doanh thu hàng tự sản xuất (chiếm 90% doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của DHG) giảm 12% YoY trong quý 2/2020, chúng tôi cho rằng mức giảm này đến từ sự bình thường hóa sau khi các nhà thuốc và người mua tích trữ thuốc không kê đơn như thuốc tăng đề kháng và thuốc giảm đau trong quý 1/2020.
Biên lợi nhuận gộp chung tăng mạnh 5,5 điểm phần trăm YoY lên 50,3% trong 6 tháng đầu năm 2020 nhờ (1) giá nguyên liệu thô rẻ hơn so với 6 tháng đầu năm 2019, mức đã được chốt trong năm 2018 khi các luật bảo vệ môi trường tại Trung Quốc dẫn đến mức tăng mạnh đột ngột trong giá hoạt chất đầu vào (API); do đó, biên lợi nhuận gộp mảng hàng tự sản xuất tăng từ 51% trong 6 tháng đầu năm 2019 lên 55% trong 6 tháng đầu năm 2020; và (2) đóng góp doanh thu thấp hơn từ mảng phân phối có biên lợi nhuận thấp.
Do biên lợi nhuận gộp mảng hàng tự sản xuất vượt kỳ vọng của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo hiện tại, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Khả năng điều chỉnh tăng dự báo dành cho DPM
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2020, với doanh thu đạt 2,2 nghìn tỷ đồng (tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 308 tỷ đồng (gấp 8,5 lần so với quý 2/2019). Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu tăng 10,6% trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 408 tỷ đồng (gấp 5 lần so với 6 tháng đầu năm 2019).
KQKD mạnh mẽ này đến từ 1) tăng trưởng sản lượng bán urê mạnh mẽ đạt 60,1%– từ mức cơ sở thấp 6 tháng đầu năm 2020, do giai đoạn bảo trì kéo dài – và 2) chi phí khí đầu vào thấp hơn (giảm khoảng 30%) nhờ giá dầu thấp – dù giá urê giảm khoảng 17%.
Chúng tôi lưu ý rằng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng đầu năm 2020 chính thức của công ty cao hơn 16% so với con ước sơ bộ đã công bố tại ĐHCĐ diễn ra giữa tháng 6.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng đầu năm 2020 lần lượt hoàn thành 48,7% và 58,6% dự báo cả năm của chúng tôi. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 6 tháng đầu năm 2020 cao hơn nhẹ so với dự kiến của chúng tôi nhờ chi phí bán hàng và quản lý thấp hơn dự kiến, cho thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Khả năng điều chỉnh giảm nhẹ dự báo dành cho TDM
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2020 với doanh thu tăng mạnh 7,3% YoY đạt 96 tỷ đồng nhờ 2,2% trong sản lượng nước thương phẩm (theo ước tính của chúng tôi) và tăng 5% trong giá bán. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng mạnh 34,3% YoY đạt 47 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tăng trưởng biên lợi nhuận gộp và thu nhập tài chính cao hơn.
Trong 6 tháng 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế báo cáo đạt lần lượt 179 tỷ đồng (+8,8% YoY) và 78 tỷ đồng (+9,6% YoY) nhờ tăng trưởng sản lượng bán ổn định, thay đổi chính sách khấu hao, thu nhập từ lãi cao hơn và chi phí lãi vay thấp hơn.
Lợi nhuận sau thuế 6 tháng 2020 hoàn thành 33,3% dự báo cả năm của chúng tôi khi công ty không ghi nhận thu nhập cổ tức từ công ty liên kết (HSX: BWE) trong nửa đầu năm.
Chúng tôi lưu ý rằng nếu chúng tôi điều chỉnh cho thu nhập cổ tức, lợi nhuận sau thuế 6 tháng 2020 báo cáo hoàn thành 46,9% dự báo 2020 của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm nhẹ dự báo cả năm, dù cần đánh giá chi tiết hơn.