Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/5

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/5 của các công ty chứng khoán.

Có thể mở vị thế đối với PHR trong trung và dài hạn

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu PHR của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa đang nằm tỏng nhịp tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng giá 45. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI đều đang ủng hộ tín hiệu tăng giá tích cực trong khi chỉ báo MACD vẫn cho thấy dấu hiệu tích lũy. Đường giá cổ phiếu cũng đang nằm trên dải mây ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành.

PHR nhiều khả năng sẽ kiếm tra lại ngưỡng cự 55 trong các phiên giao dịch tới. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 45, chốt lãi tại vùng giá 54-55 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ trung hạn 40.0.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG

CTCK ACB (ACBS)

Chúng tôi lập lại khuyến nghị mua cho mã cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát khi thị trường thép Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt trong bối cảnh giá nguyên liệu thép đang ở mức thấp và sự hỗ trợ từ việc tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong thời gian tới.

HPG đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 với các dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận đều có được sự tăng trưởng tốt.

Doanh thu Hòa Phát trong quý I/2020 đạt 19.232 tỷ đồng (tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 2.303 tỷ đồng (tăng trưởng 27,3%). Lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên mức 19,3% nhờ vào giá nguyên liệu giảm so với năm ngoái.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua đối với MWG với giá mục tiêu 107.800 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

Chúng tôi cho rằng MWG khó có thể cán mốc mục tiêu doanh thu năm 2020 là 122.445 tỷ đồng (tăng 20% so với năm ngoái), do tình hình dịch bệnh khá phức tạp và người dân vẫn cầm cự mua sắm dựa trên tiền dự trữ của mình.

Trong trường hợp, dịch bệnh kéo dài, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng thì nhu cầu mua sắm các sản phẩm như điện thoại, điện máy, điện lạnh sẽ giảm mạnh. Hơn nữa, thời điểm tháng 7-9 thường mùa bán thấp điểm của sản phẩm điện máy và điện thoại.

Ngoài ra, công ty sẽ mất đi cơ hội doanh thu bán TV khi giải bóng đá EURO được dời lại tới 2021.

Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng vượt bậc của Bách Hóa Xanh trong 2020 phần nào bù đắp cho sự sụt giảm này.

Do đó, mức tăng trưởng doanh thu của MWG mà chúng tôi dự phóng trong năm 2020 vẫn khá tích cực, khoảng 16% và đạt 118.256 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 ước tính đạt 3.073 tỷ đồng (giảm 20% ) do gia tăng chi phí vận hành từ việc mở cửa hàng mới với giả định BLG cải thiện ở mức 20%.

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, mức giá hợp lý cho cổ phiếu MWG được điều chỉnh xuống còn 107.800 đồng/cổ phiếu (+24% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho DXG với giá mục tiêu 17.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) công bố tài liệu cho ĐHCĐ sẽ được tổ chức vào ngày 30/05.

Ban lãnh đạo trình cổ đông thông qua kế hoạch năm 2020, bao gồm doanh thu đạt 4,9 nghìn tỷ đồng (giảm 16% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,0 nghìn tỷ đồng (giảm 15%).

Kế hoạch này lần lượt tương ứng 98% và 110% dự báo cả năm của chúng tôi cho năm 2020, gồm doanh thu đạt 5 nghìn tỷ đồng (giảm 14%) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 939 tỷ đồng (giảm 23%).

Ban lãnh đạo đề xuất không chia cổ tức cho năm tài chính 2019, diễn biến này phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Đối với kế hoạch cổ tức năm tài chính 2020, ban lãnh đạo đề xuất chia cổ tức với tỷ lệ 20% mệnh giá – với cổ tức tạm ứng đạt tối đa 10% mệnh giá – bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho DXG với giá mục tiêu 17.900 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 64%.

Khuyến nghị mua dành cho PNJ với giá mục tiêu 68.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 4/2020 với doanh thu đạt 501 tỷ đồng (giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái) và lỗ ròng 89 tỷ đồng so với khoản lãi ròng 53 tỷ đồng trong tháng 4/2019.

Kết quả kinh doanh kém tích cực này chủ yếu đến từ việc chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu suy giảm và các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng trong tháng 4, khiến PNJ có thời điểm đã phải tạm thời đóng cửa 86% số cửa hàng.

Trong tháng 4, doanh thu giảm mạnh trong tất cả các mảng kinh doanh – ngoại trừ mảng vàng miếng (tăng trưởng 42%), tăng mạnh so với cùng kỳ (YoY) từ mức cơ sở thấp. Doanh thu bán lẻ giảm mạnh 62% và chiếm 47% tổng doanh thu tháng 4/2020 so với 67% trong tháng 4/2019 và 59% trong quý I/2020.

Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của PNJ giảm từ 24,6% trong tháng 4/2019 còn 8,4% trong tháng 4/2020 do (1) đóng góp doanh thu thấp hơn từ mảng bán lẻ, vốn có biên lợi nhuận cao, (2) cơ cấu doanh thu bán lẻ kém tích cực hơn khi nhu cầu của người tiêu dùng chuyển sang trang sức có hàm lượng vàng cao, vốn thường có biên lợi nhuận thấp hơn so với trang sức đá quý thời trang, và (3) chi phí gia tăng cho việc xử lý và làm mới sản phẩm.

Trong 4 tháng 2020, doanh thu của PNJ đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ) trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỷ đồng (giảm 34%). Chúng tôi ước tính rằng doanh thu bán lẻ giảm 5% và đóng góp 58% cho tổng doanh thu 4 tháng 2020 so với 59% trong 4 tháng 2019.

Chúng tôi cho rằng mức giảm mạnh hơn trong lợi nhuận sau thuế so với doanh thu một phần là do biên lợi nhuận gộp giảm đã đề cập ở trên cũng như doanh số trung bình/cửa hàng thấp hơn. Biên lợi nhuận gộp 4 tháng 2020 giảm còn 19,8% so với 22,4% trong cùng kỳ 2019.

Về mặt mở rộng cửa hàng, trong 4 tháng 2020, PNJ đã mở 4 cửa hàng vàng mới (sau khi trừ đi các cửa hàng đã đóng cửa), đưa tổng số cửa hàng vàng lên 292 tính đến cuối tháng 4/2020 (349 cửa hàng nếu bao gồm các mô hình khác như Silver và CAO Fine). Chúng tôi kỳ vọng tốc độ mở cửa hàng của PNJ sẽ tăng tốc trong các tháng tới khi chúng tôi hiện đang dự phóng 20 cửa hàng vàng mới trong năm 2020.

Kết quả kinh doanh 4 tháng 2020 phần lớn phù hợp dự báo của chúng tôi khi doanh thu/lợi nhuận sau thuế đã đạt lần lượt 34%/31% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho PNJ với giá mục tiêu 68.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 9,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,8% dựa theo giá đóng cửa phiên 20/5.

Khuyến nghị mua dành cho VHM với giá mục tiêu 111.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Vinhomes (VHM) đã công bố tài liệu cho ĐHCĐ sẽ được tổ chức vào ngày 29/05. Sau đây là một số ghi nhận chính của chúng tôi.

Công ty trình cổ động thông qua kế hoạch năm 2020, bao gồm doanh thu đạt 97 nghìn tỷ đồng (tăng 87% so với năm ngoái – trong đó mảng bán bất động sản chiếm 90- 95%, theo ban lãnh đạo) và lợi nhuận sau thuế đạt 31 nghìn tỷ đồng (tăng 28%). Kế hoạch này lần lượt tương ứng 107% và 111% dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi chủ yếu cho rằng kế hoạch cao hơn kỳ vọng này đến từ doanh số bán buôn cao hơn dự báo tại các đại dự án Vinhomes. Kế hoạch này cũng phù hợp với thông tin đã được ban lãnh đạo công bố trong cuộc họp nhà đầu tư theo quý của công ty diễn ra vào cuối tháng 4/2020.

Không chia cổ tức cho năm tài chính 2019. Công ty đề xuất không chia cổ tức cho năm tài chính 2019 so với dự báo trước đây của chúng tôi là chia cổ tức tiền mặt ở mức 1.500 đồng/CP (lợi suất 2%).

Kế hoạch kinh doanh năm 2020. Các đại dự án Ocean Park, Smart City và Grand Park sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2020 đối với diễn biến hợp đồng bán, doanh thu và lợi nhuận.

Đối với hoạt động bán hàng, VHM sẽ triển khai chuyển đổi từ mô hình đại lý phân phối sang bán hàng trực tiếp tại một số dự án lớn và cho ra mắt nền tảng sàn giao dịch bất động sản trực tuyến.

Tiềm năng đầu tư phát triển khu công nghiệp. VHM có kế hoạch đầu tư vào các khu công nghiệp tại Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh, và mở rộng danh mục bất động sản văn phòng tại các khu đô thị Vinhomes trong vòng 3 đến 5 năm tiếp theo.

Ban lãnh đạo kỳ vọng chiến lược phát triển bất động sản khu công nghiệp và văn phòng sẽ trở thành yếu tố dẫn dắt chính giúp công ty có nguồn thu nhập cốt lõi ổn định trong dài hạn.

Khi kế hoạch chi tiết liên quan đến mô hình kinh doanh cũng như kế hoạch thâu tóm chưa được công bố, chúng tôi hiện chưa ghi nhận mảng phát triển bất động sản khu công nghiệp tiềm năng này trong dự báo và định giá hiện tại của chúng tôi. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VHM với giá mục tiêu 111.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 46%.

Khuyến nghị mua dành cho HPG với giá mục tiêu 33.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với giá mục tiêu không đổi 33.500 đồng/CP khi chúng tôi điều chỉnh tăng 4% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 của HPG và P/E mục tiêu cao hơn, bị ảnh hưởng bởi tỷ lê WACC cao hơn và số dư tiền mặt thấp hơn vào cuối quý 1/2020.

Chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 thêm 4% đạt 8,8 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với năm ngoái) khi chúng tôi điều chỉnh tăng lợi nhuận mảng nông nghiệp thêm 33% lên 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 113%) trong khi nâng nhẹ dự báo lợi nhuận từ các mảng khác (chủ yếu là thép) thêm 1% đạt 7,2 nghìn tỷ đồng (tăng 10%).

Trong năm 2020, chúng tôi kỳ vọng việc đi vào hoạt động thương mại trong giai đoạn 1 và 2 của Khu phức hợp Gang thép Dung Quất (DQSC), giá quặng sắt ổn định sau một năm 2019 đầy biến động và thị phần gia tăng (đặc biệt là tại miền Nam và miền Trung) sẽ là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng cho HPG. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 15% giai đoạn 2020-2024 nhờ CAGR 10%.

Chúng tôi cho rằng HPG có vị thế tốt để tận dụng thị trường cơ cấu của Việt Nam trong dài hạn do vị thế dẫn đầu của công ty cho phép hưởng lợi từ tăng trưởng xây dựng trong nước trong tương lai, cũng như mở rộng công suất và danh mục sản phẩm tại DQSC.

Chúng tôi cho rằng định giá hiện tại của HPG với P/E 2020/2021 đạt 8,9/7,4 lần (dựa theo dự báo của chúng tôi) so với P/E trượt trung vị 9 lần của trung bình các công ty cùng ngành là hấp dẫn, so với triển vọng tăng trưởng và khả năng sinh lời vượt trội của HPG.

Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: biên lợi nhuận giảm cao hơn dự kiến do giá quặng sắt biến động cao.

Tin bài liên quan