Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/11

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu DHT

CTCK MB (MBS)

Dự kiến mức EPS 2017 của CTCP Dược phẩm Hà Tây (mã DHT) có thể đạt được quanh mức 5.500 đ/cp, hiện tại DHT đang giao dịch ở mức giá 75.500 đ/p, tương ứng mức P/Ef khoảng 13,7 lần, thấp hơn mức bình quân ngành dược 14,72 lần và bình quân thị trường khoảng 16,9 lần.

Chúng tôi cho rằng với quá trình tăng trưởng kết quả kinh doanh khá tốt trong năm 2017 thì P/Ef 14.2 lần là mức phù hợp đối với DHT khi so sánh quy mô vốn, Kết quả kinh doanh và hiệu quả hoạt động của DHT so với các doanh nghiệp khác trong ngành, do đó mức giá hợp lý của DHT theo phương pháp so sánh P/E là khoảng 78.100 đ/cp

Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền của chủ sở hữu (FCFE) với giả định DHT tiếp tục tăng trưởng KQKD 15% năm 2018, 10% năm 2019 và duy trì tốc độ tăng trưởng tối thiểu 5% trong dài hạn. Kết hợp với các giả định khác về lợi suất chiết khấu dài hạn như bảng bên dưới thì mức giá hợp lý của DHT theo phương pháp FCFE là khoảng 84.200 đ/cp.

Tổng hợp hai phương pháp định giá so sánh P/E và chiết khấu dòng tiền của chủ sở hữu với tỷ trọng 50% cho mỗi phương pháp, chúng tôi đưa ra mức định giá phù hợp đối với DHT là 81.000 đ/cp, cao hơn 7,3% so với thị giá hiện tại 75.500 đ/cp. Do đó chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với DHT.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HT1

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho CTCP Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1) vì chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu đã rơi vào vùng định giá thấp khi dòng tiền ổn định và lành mạnh. HT1 tỏ ra hấp dẫn với EV/EBITDA 2018 là 4,7 lần.

Sản lượng xi măng bán ra trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi của toàn ngành giảm 2,5%.

Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh hơn so với dự báo do hoạt động gia công và lỗ từ chênh lệch tỷ giá khiến lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số 9 tháng đầu năm 2017 giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 319 tỷ đồng.

Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số 2017 xuống 454 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2016 vì chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo biên lợi nhuận gộp cả năm 2017 từ 17,3% xuống 16,3%. Lợi nhuận sau thuế thường xuyên 2017 dự báo sẽ giảm 23% so với năm 2016.

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 33.300VND/cổ phiếu dành cho CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) (giá đã điều chỉnh theo đợt phát hành quyền mua cổ phiếu tỷ lệ 5:1 sắp tới với giá 20.000VND/cổ phiếu).

Bàn giao sản phẩm tại các dự án Fuji và Kikyo Residence trong Quý 4/2017 sẽ hỗ trợ lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số đạt 503 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2016.

Lợi nhuận sau thuế từ chuyển nhượng dự án Hoàng Nam ước đạt 240 tỷ đồng và bàn giao mạnh hơn sẽ hỗ trợ lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số 2018 đạt 662 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2017.

Triển vọng bán hàng hứa hẹn tại các dự án Mizuki Park, Nguyễn Sơn và Hoàng Nam sẽ hỗ trợ tổng giá trị hợp đồng 2018 đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017. Giá cổ phiếu tiếp tục tỏ ra hấp dẫn với P/B 2018 là 1,1 lần và P/E là 7,3 lần.

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA và điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 5,5% lên 58.000VND/cổ phiếu, tỷ lệ tăng 42,5% dành cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB). NIM cải thiện, bảng cân đối kế toán tăng trưởng và chi phí tín dụng hợp lý có thể giúp lợi nhuận và định giá tăng đáng kể trong năm 2018.

Vì NIM tăng trong 9 tháng đầu năm, chúng tôi dự báo NIM của VPB sẽ đạt 8,9% trong năm 2017, tăng nhẹ 109 điểm cơ bản từ 7,8% năm 2016. Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo thu nhập lãi thuần 2017 thêm 1,2% lên 20.500 tỷ đồng, tăng trưởng kép hàng năm 27% từ 2016-2019, nhờ tín dụng gộp tăng trưởng kép hàng năm 2016-2019 đạt 18% và lợi suất tài sản tăng.

Thu nhập ngoài lãi cải thiện đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2017, với thu nhập từ phí dịch vụ và hoa hồng chiếm 23% lợi nhuận của VPB. Nhờ có sự cải thiện mạnh mẽ này, chúng tôi cho rằng thu nhập ngoài lãi cả năm sẽ đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 35%.

Với tăng trưởng hoạt động cốt lõi tốt và tỷ lệ chi phí/thu nhập được khống chế tại mức 39% năm 2017, lợi nhuận của VPB dự báo sẽ đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 68,3% so với năm 2016. Dự báo lợi nhuận ròng 2017 và 2018 được điều chỉnh tăng 21% và 14%.

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu CII

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) công bố kết quả hợp nhất quý III/2017 với mức lỗ 66 tỷ đồng so với lợi nhuận ròng 600 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, nhưng kết quả này đã được dự báo trước do trong quý này không ghi nhận lãi tài chính lớn và chi phí quản lý doanh nghiệp cao hơn so với cùng kỳ do phân bổ lợi thế thương mại gia tăng.

Theo đó, lợi nhuận ròng hợp nhất 9 tháng năm 2017 đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ vào lãi tài chính trong 6 tháng đầu năm đến từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư trước đây tại CTCP Đầu tư Cầu đường CII (LGC) và CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (CEE) khi CII lần lượt hợp nhất hai công ty này.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của CII thường biến động do sự ghi nhận lãi tài chính, điều này không ảnh hưởng đến quan điểm cơ bản của chúng tôi đối với cổ phiếu. Do kết quả quý này phù hợp với kỳ vọng trước đó của chúng tôi nên trong báo cáo cập nhật tiếp theo chúng tôi dự đoán sẽ không thay đổi đáng kể dự báo EPS năm 2017 tăng trưởng 80%.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu CII với giá mục tiêu 39.300 đồng/cổ phiếu dựa trên mô hình định giá theo phương pháp tổng giá trị thành phần.

Tin bài liên quan