Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/6

FPT: Tiếp tục khuyến nghị MUA

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

FPT công bố KQKD 5 tháng 2014 với doanh thu hợp nhất đạt 12.320 tỷ, tăng 26% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 615 tỷ, tăng 4% so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất tiếp tục tăng mạnh nhờ mảng phân phối sản phẩm và bán lẻ với doanh thu tăng lần lượt 25% và 86%. Doanh thu từ các mảng hoạt động khác cũng duy trì tăng trưởng hai con số. Duy nhất mảng tích hợp hệ thống ghi nhận doanh thu giảm 6% so với cùng kỳ.

Sau 5 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất đã tăng trưởng tốt hơn so với luỹ kế các tháng trước (+4% trong 5T2014 so với +1% trong quý 1/2014 và +2% trong 4T2014). Tỷ suất lợi nhuận tuy vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng đã tăng đôi chút so với các tháng trước đó; tỷ suất lợi nhuận trước thuế 8% trong 5T14 so với 7,8% trong 4T14 nhờ sự cải thiện ở các mảng hoạt động như nội dung số, tích hợp hệ thống, phát triển phần mềm.

Ngoài ra, hôm qua FPT mới ký thoả thuận với Tập đoàn RWE để mua lại Công ty RWE IT Slovakia. Tập đoàn RWE là tập đoàn hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực hạ tầng tiện tích (điện, gas), có trụ sở chính ở Đức và hoạt động ở 29 quốc gia với thị trường chính là châu Âu. RWE hiện đứng thứ 3 về phân phối điện và đứng thứ 5 về phân phối gas trên toàn châu Âu, phân phối điện tới hơn 20 triệu khách hàng và phân phối gas tới hơn 10 triệu khách hàng. RWE IT Slovakia là một công ty thành viên của Tập đoàn RWE chuyên cung cấp các giải pháp SAP và Smart Home. Cùng với việc mua lại RWE IT Slovakia, Tập đoàn RWE đã trở thành khách hàng của FPT với một hợp đồng dài hạn 5 năm và có giá trị lớn (con số cụ thể chưa được công bố). Theo chúng tôi được biết hợp đồng này được thực hiện ngay sau khi ký, theo đó sẽ có thể đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của FPT trong các tháng cuối năm. Thương vụ M&A này và hợp đồng dài hạn với một khách hàng lớn tại thị trường châu Âu là thành công ấn tượng của FPT trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu hoá, đồng thời sẽ giúp đẩy mạnh tên tuổi của FPT ở thị trường nước ngoài cũng như tăng trưởng lợi nhuận từ thị trường nước ngoài.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu 2014 tăng 12,5% so với cùng kỳ đạt 30.414 tỷ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 1.720 tỷ. Cổ phiếu FPT giao dịch với P/E dự phóng 9,2x. Tiếp tục khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 55.000 đồng/cp.

DPR: P/E xấp xỉ mức trung bình ngành

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 5 tháng đầu năm 2014 với doanh thu sản xuất kinh doanh cao su ước giảm 12,6% so với cùng kỳ, xuống còn 215,5 tỷ đồng, hoàn thành 26,2% kế hoạch năm. Mặc dù sản lượng tiêu thụ tăng 15,7% so với cùng kỳ lên 4.649 tấn, giá bán cao su bình quân 5 tháng 2014 giảm 25,5% so với cùng kỳ chỉ còn 45,5 triệu đồng/tấn, xấp xỉ giá bán bình quân theo kế hoạch của DPR. Lợi nhuận trước thuế ước giảm 24% so với cùng kỳ, còn 73,7 tỷ đồng.

Trong ngắn hạn, giá mủ cao su thế giới đang chịu áp lực dư cung. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), trong năm 2014, sản lượng cao su thế giới tiếp tục tăng nhanh hơn nhu cầu tiêu thụ khiến cho dư cung cao su tăng cao nhất trong lịch sử qua đó gây áp lực lên giá bán mủ cao su trên thế giới. Tuy sản lượng cao su của Thái Lan năm 2014 được dự báo giảm 80.000 tấn so với 2013 xuống còn 4,06 triệu tấn nhưng sản lượng cao su tại 2 nước là Việt Nam và Indonesia được dự báo tăng 94.000 tấn so 2013 lên 4,13 triệu tấn. Năm 2013 mức dư cung là 714.000 tấn. Năm 2014, IRSG dự báo dư cung sẽ cao hơn 2013. Trước áp lực đó giá cao su được dự báo tiếp tục giảm trong 2014.

Doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng 2014 ước giảm 18,7% so với cùng kỳ 2013, còn 328 tỷ đồng. Trong đó giá bán ước giảm 24,6% so với cùng kỳ xuống còn 45 triệu đồng tấn. Sản lượng tiêu thụ ước tăng 6,3% so với cùng kỳ lên 5.700 tấn. Lợi nhuận trước thuế ước giảm 25% so với cùng kỳ, còn 132 tỷ đồng.

DPR đang được giao dịch tại P/E 6,1x, xấp xỉ trung bình ngành 6,2x.

ICG: Khuyến nghị mua vào

CTCK APEC (APS)

Kết quả kinh doanh 2013 và quý I/2014 của CTCP Xây dựng Sông Hồng (mã ICG) nhìn chung vẫn ở mức thấp so với kế hoạch đề ra. Tuy vậy, dòng tiền của công ty thực sự được cải thiện thể hiện ở khoản mục người mua trả tiền trước, tiền mặt, đầu tư tài chính ngắn hạn và dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty cũng trả được cổ tức 10% trong các tháng đầu năm 2013 và trả được khoản vay ngân hàng 50 tỷ đồng. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của ICG thực sự được cải thiện.

Năm 2014, ICG đặt kế hoạch 190.29 tỷ đồng doanh thu và 16.57 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mặc dù hiện tại ICG vẫn đang gặp khó khăn trong công tác thu tiền đợt cuối và bàn giao nhà dự án B4 Kim Liên, chúng tôi cho rằng kế hoạch này hoàn toàn khả thi vì doanh thu tương ứng với phần hàng tồn kho còn lại của dự án B4 Kim Liên và tỷ suất lợi nhuận biên kế hoạch của ICG thấp hơn mức lợi nhuận biên của Quý I/2014 và Quý IV/2013 (Điều này cho thấy kế hoạch kinh doanh đã được ICG lập một cách thận trọng).

ICG sở hữu nhiều dự án tại địa bàn thủ đô Hà Nội không phải công ty bất động sản nào cũng có đủ khả năng tiếp cận. Các dự án này có là nguồn doanh thu và lợi nhuận đột biến trong tương lai, khi thị trường bất động sản hồi phục. Ngoài ra, ICG cũng bước đầu triển khai dự án Trung tâm Du lịch Văn hóa Sông Hồng, chuyển hướng sang mảng bất động sản du lịch. Chúng tôi cho rằng đây là bước đi phù hợp của công ty trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại.

Khuyến nghị: Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu ICG với mức giá mục tiêu 20,500 đồng/cổ phiếu, tầm nhìn đầu tư 2 năm.

>> Tải báo cáo

PVS: Khuyến nghị mua vào

CTCK MaritimeBank (MSBS)

PVS được thành lập từ năm 1993, trải qua hơn 20 năm hoạt động và phát triển, PVS đã trở thành đơn vị dịch vụ kỹ thuật hàng đầu của ngành Dầu khí Việt Nam và đang từng bước mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài. Năm 2013, PVS đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất.

Năm 2013, kết quả kinh doanh tăng mạnh, doanh thu thuần đạt 25.419 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với năm 2012, nhưng do kiểm soát tốt chi phí giúp lợi nhuận sau thuế của PVS tăng 35%, đạt 1.576 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Năm 2014, PVS đặt kế hoạch doanh thu là 25.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 825 tỷ đồng, chỉ bằng 52% kết quả năm 2013. Kế hoạch đầu tư mới là 1.422 tỷ đồng.

5 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của toàn công ty đạt 9.985 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 675 tỷ đồng, tăng 31%. Cổ đông chính của PVS là những tập đoàn, tổ chức tài chính lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam,…

Khối lượng giao dịch lớn, trung bình 22 phiên gần đây là 1.346.760 CP/ngày.

Là một cổ phiếu tiềm năng và phù hợp với chiến lược đầu tư ngắn và trung hạn. PVS được xếp vào danh sách cổ phiếu đầu tư giá trị hơn là cổ phiếu đầu cơ.

Cổ phiếu PVS đang tạo nền tảng cốc tay cầm với mức độ tích lũy giá rất tốt. Các tín hiệu MA 20 và MA50 đang cho tín hiệu mua vào.

Tín hiệu RSI, VMACD cũng đang phát tín hiệu tăng điểm trong ngắn hạn.

Khối lượng tích lũy vùng “Hand” khá thấp và áp lực bán ra đã cạn kiệt cùng với xu hướng TT đang hỗ trợ là điểm mua vào hợp lý cổ phiếu PVS trong giai đoạn hiện nay.

>> Tải báo cáo

SJD: Khuyến nghị mua vào

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM cổ phiếu SJD với giá mục tiêu 32.900 đồng/cổ phiếu theo phương pháp định giá FCFF.

SJD có một số điểm nhấn đầu tư chính:

- Cổ phiếu SJD hiện đang giao dịch ở mức P/E forward 2014 là 4,97 lần, thấp hơn nhiều so với mức P/E trung bình ngành khoảng 8 lần và P/E trung bình của VNIndex là 14,54 lần.

- Suất cổ tức khá hấp dẫn. Liên tục các năm gần đây, SJD chia cổ tức ở mức 1500 – 2000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với suất cổ tức 7,3% – 9,7%. Với việc thanh toán 100 tỷ trái phiếu trong năm 2014, tiền mặt dự báo tiếp tục tăng kể từ năm 2015, SJD hoàn toàn có thể đảm bảo mức cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu hoặc có thể tăng lên trong thời gian tới.

- Cấu trúc tài chính an toàn với tỷ lệ nợ vay/ VCSH chỉ 0,39 lần tính đến cuối 2013. Dự kiến sau khi thanh toán khoản trái phiếu mệnh giá 100 tỷ đáo hạn cuối năm 2014 thì tỷ lệ này chỉ còn 0,26 lần. Khi đó, SJD chỉ còn khoản vay dài hạn USD từ Ngân Hàng Phát Triển Châu Á với lãi suất khá thấp 1,25%/năm.

- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhờ các chính sách ưu đãi, SJD chịu mức thuế doanh nghiệp tương đối thấp: 5% giai đoạn 2010-2016, 10% giai đoạn 2017-2018 và 20% giai đoạn 2019-2029. Đây là lợi thế các doanh nghiệp thủy điện nói chung và của riêng SJD nói riêng khi mà mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở các ngành khác phổ biến mức 22%.

- Hiệu suất kinh doanh tăng trong thời gian tới nhờ nợ vay giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm, doanh thu hoạt động tài chính tăng.

- Quy mô doanh nghiệp dự kiến tăng 6 lần so với hiện tại sau khi sáp nhập xong một số doanh nghiệp thủy điện thuộc Tổng Công Ty Sông Đà. Khi đó tổng công suất của SJD sẽ lên đến 514,4 MW, gấp 6 lần so với công suất hiện tại (85,7 MW).

Nhìn chung, SJD khá thích hợp với nhà đầu tư giá trị trong dài hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý một số rủi ro của doanh nghiệp như rủi ro đến từ thời tiết không thuận lợi, xu hướng bị chiếm dụng vốn bởi Tổng Công Ty Sông Đà và rủi ro cổ phiếu bị pha loãng do chủ trương tái cơ cấu của Tổng công ty Sông Đà.

Tin bài liên quan