Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/5

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/5 của một số công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/5

RAL: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh quý I/2014 của RAL tăng trưởng doanh thu nhưng lợi nhuận giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu đạt 701 tỷ đồng (+16,3% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận trước thuế đạt 18,2 tỷ đồng (-33,4% so với cùng kỳ năm trước). Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ là do không còn các khoản doanh thu tài chính đột biến từ khoản nợ của Cuba.

Kế hoạch 2014: Doanh thu vẫn có sự tăng trưởng nhẹ lên 2.356 tyr đồng (+2,7%) nhưng lợi nhuận trước thuế giảm mạnh xuống chỉ còn 65 tỷ đồng (-44,1% so với năm trước). Nguyên nhân chính do năm 2014 RAL không còn các khoản doanh thu tài chính đột biến: lãi bán hàng trả chậm và chênh lệch tỷ giá phát sinh từ khoản nợ của Cuba. Sau khi trừ đi khoản doanh thu tài chính đột biến và hoàn nhập thuế nhập khẩu thì lợi nhuận trước thuế từ hoạt động lõi năm 2013 của RAL chỉ đạt 73 tỷ đồng, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2014 thực chất chỉ giảm 11% so với năm trước.

Tỷ lệ cổ tức năm 2013 đạt 35%, tăng 5% so với Nghị quyết ĐHCĐ 2013, lợi suất cổ tức khoảng 7%. RAL chủ trương duy trì tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 30%, đây là mức cổ tức khá cao so với các doanh nghiệp niêm yết. RAL là công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đèn chiếu sáng và phích nước. Tốc độ tăng trưởng doanh thu khá đều trong nhiều năm, mặt hàng đèn compact vẫn là động lực chủ yếu tăng trưởng doanh thu của RAL. Công ty cũng đầu tư rất mạnh cho mở rộng sản xuất và R&D để chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do.

Mặc dù RAL có đội ngũ lãnh đạo và nhân viên rất tâm huyết với công ty nhưng số lượng lao động khá lớn và rất khó giảm. Cơ cấu cổ đông khá đậm đặc và chiến lược gia tăng sở hữu của công đoàn công ty đã làm cho cho thanh khoản của RAL ở mức rất thấp (~5000 cp/phiên giao dịch). Lợi nhuận sau thuế năm 2014 của RAL sẽ giảm khi không còn khoản doanh thu đột biến từ khoản nợ của Cuba. EPS forward theo kế hoạch 2014 là 4.400 đ/cp, P/E forward 2014 đạt mức 11,3 lần. Do đó, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu RAL.

PVC: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh quý I/2014 của PVC tăng trưởng tốt. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 854 tỷ đồng (+12% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận trước thuế đạt 66 tỷ đồng (+57% so với cùng kỳ năm trước). Trong năm 2014, PVC tập trung phát triển dự án nhà máy khai thác và chế biến Barit tại Lào để thay thế cho mỏ Barit của PVC hiện đang gần hết.

Dự kiến tháng 5/2014 nhà máy sẽ đưa vào hoạt động, công suất khai thác trung bình khoảng 30.000 tấn/năm, chủ yếu cung cấp cho nhu cầu nội bộ. Ngoài ra dự án căn cứ cung ứng tại cảng Vietsopetro sẽ đi vào hoạt động từ quý III/2014 sẽ thuận tiện cho PVC cung cấp dung dịch khoan ra các giàn khoan và cho lĩnh vực làm sạch các tàu chở dầu của PVN.

Sản phẩm xi măng G có khả năng được cấp chứng chỉ API Monogram và đưa vào tiêu thụ trong quý III/2014 Ngoài ra khi công ty con DMC-WS (công ty chủ lực trong lĩnh vực dịch vụ dung dịch khoan cùng MI-VN) chuyển thành chi nhánh của PVC thì kết quả kinh doanh của công ty mẹ sẽ được cải thiện đáng kể.

PVC và công ty con là MI-VN có lợi thế độc quyền trong lĩnh vực dịch vụ dung dịch khoan tại Việt Nam. Công ty cũng đang triển khai nhiều dự án đầu tư để nâng cao kết quả kinh doanh. Tuy nhiên kết quả kinh doanh hợp nhất của PVC phụ thuộc phần lớn vào kết quả kinh doanh của MI-VN. PVC cũng chưa làm chủ hoàn toàn được công nghệ pha chế hệ dung dịch khoan nên chưa thể cung cấp cho các giếng khoan xa bờ quan trọng. Ngoài ra DPM đang đăng ký bán 2,6 triệu cổ phiếu PVC từ 23/4 đến 21/5/2014. EPS forward theo KH 2014 là 2.448 đ/cp, P/E forward 2014 đạt mức 6,5 lần. Do đó, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu PVC.

TCM: Có thể xem xét mua vào

CTCP Bảo Việt (BVSC)

Đi cùng với diễn biến của thị trường, sau khi tăng trưởng mạnh 30% trong 3 tháng đầu năm 2014, giá cổ phiếu TCM đã điều chỉnh khá mạnh. Tuy nhiên đây được xem là cơ hội để các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn. Chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I ấn tượng và dự kiến quý II tiếp tục khả quan có thể là yếu tố hỗ trợ tích cực đến giá cổ phiếu TCM trong thời gian tới. Với đặc thù của ngành may mặc là thâm dụng lao động mà Việt Nam lại có lợi thế về giá nhân công rẻ, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Đối với TCM, hiện tại các đơn hàng từ Eland đã tăng lên mức 40% tổng sản lượng may mặc so với mức 30~35% trong năm 2013, với biên lợi nhuận cao hơn các đơn hàng từ Mỹ, Nhật, châu Âu v.v...

Đặc biệt, với lợi thế sở hữu mô hình khép kín, TCM hoàn toàn có cơ hội bứt phá khi hiệp định TPP được thông qua và thuế suất từ thị trường Mỹ giảm từ 17% về 0%. Ngoài ra, nếu dự thảo nới room được thông qua và room dành cho khối ngoại của TCM đã hết như hiện nay, cổ phiếu TCM sẽ dành được nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài. Rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý là sự biến động bất thường của giá bông và việc công ty ngày càng phụ thuộc vào cổ đông lớn – đối tác E-land, song chúng tôi cho rằng TCM là doanh nghiệp có triển vọng tốt và đáng để xem xét cho danh mục đầu tư giá trị. Báo cáo chi tiết sẽ được chúng tôi cập nhật trong thời gian sớm nhất.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan