Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/6

VCS: Khuyến nghị bán ra

CTCK Vietcombank (VCBS)

Trong quý I/2014, doanh thu thuần tăng nhẹ, đạt 287 tỷ đồng (+11% cùng kỳ) nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ, đạt 13 tỷ đồng (-4,4% cùng kỳ). Nguyên nhân chính do biên lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ khi giá nguyên liệu đầu vào gia tăng. Doanh thu tăng trưởng do VCS đẩy mạnh bán, áp dụng hình thức thanh toán trả chậm, tạo điều kiện cho các đại lý mở rộng thị trường. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của VCS là Mỹ (53%), Australia (28%), và Châu Âu (16%).

Doanh thu giảm mạnh, đạt 1.106,5 tỷ đồng (-16,5% cùng kỳ) nhưng lợi nhuận trước thuế không biến động nhiều, đạt 72 tỷ đồng (+2% cùng kỳ). Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh doanh thu do dây chuyền Bretonstone phải dừng để đại tu. Ngoài ra sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường đá thạch anh cũng làm giảm doanh thu của công ty, thị trường lớn nhất của VCS là Mỹ bắt đầu có sự cạnh tranh từ 2014. Kế hoạch doanh thu 2015 tăng trưởng mạnh trở lại khi dây chuyền Bretonstone 1 đi vào hoạt động trở lại.

Năm 2014 VCS đầu tư xây dựng tòa nhà cho CBCNV. Mức đầu tư dự kiến trên 200 tỷ đồng với khoảng 310 căn hộ. VCS sẽ phối hợp với một ngân hàng cho vay ưu đãi CBCNV để mua trả góp trong 10 năm.

Giai đoạn 2014-2018 sẽ là giai đoạn khó khăn của VCS khi nhu cầu thị trường có xu hướng giảm. Sự cạnh tranh gay gắt tại các thị trường xuất khẩu do các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc với mức giá chỉ bằng 50% giá thị trường gây khó khăn cho việc tiêu thụ của VCS. Ngoài ra sản phẩm đá gốc thạch anh của VCS có nguy cơ đe dọa bởi sản phẩm thay thế là đá ceramic với nhiều ưu điểm vượt trội khi sử dụng ngoài trời.

Trong khi đó tại Việt Nam, CTCP Phenikaa đã xây dựng nhà máy sản xuất đá thạch anh với công suất GĐ1 là 600.000 m2/năm, ngay gần địa điểm của VCS. Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền mua thiết bị và chuyển giao công nghệ với Breton, đồng nghĩa với việc VCS sẽ không được mua thiết bị của Breton trong thời gian trên. Nhà máy của Phenikaa dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sản xuất từ tháng 12/2014. Đây là một nguy cơ rất lớn của VCS khi Phenikaa có tiềm lực tài chính mạnh, địa điểm gần với VCS nên rất dễ lôi kéo nhân lực kỹ thuật cao của VCS.

Giai đoạn trước đây các cổ đông lớn nước ngoài như quỹ Red River Holding và Beira (đại diện cho hơn 35% cổ phần tại VCS) liên tục có những mâu thuẫn với ban lãnh đạo VCS về đường lối hoạt động của công ty. Điều này đã làm VCS tăng trưởng chậm lại trong mấy năm gần đây, gần như không có hoạt động đầu tư để mở rộng sản xuất và tăng sức cạnh tranh. Ngày 11/6, ngay trước ngày ĐHCĐ, Nhóm cổ đông nước ngoài đã chuyển nhượng hoàn toàn 19 triệu cổ phiếu cho nhóm cổ đông trong nước, kết thúc giai đoạn căng thẳng giữa các nhóm cổ đông như trước đây. Nhóm cổ đông mới ủng hộ hoàn toàn các chính sách của ban lãnh đạo nên tờ trình hủy niêm yết của VCS dễ dàng được thông qua. VCS cho biết kế hoạch hủy niêm yết để tái cấu trúc lại công ty khi thị trường tiêu thụ ngày càng cạnh tranh.

Theo ban lãnh đạo công ty việc hủy niêm yết sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Giá mua lại từ các cổ đông nhỏ là trung bình giá giao dịch 2 tháng gần nhất.

VCS là doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực trong lĩnh vực sản xuất đá ốp lát cao cấp gốc thạch anh. Tuy nhiên VCS đã qua giai đoạn tăng trưởng, bắt đầu bị cạnh tranh gay gắt tại các thị trường xuất khẩu và sản phẩm thay thế có nhiều đặc điểm nổi trội hơn. Đặc biệt, tại Việt Nam đã xuất hiện đối thủ cạnh tranh trực tiếp (Phenikaa) có tiềm lực tài chính mạnh. ĐHCĐ 2014 của VCS đã thông qua việc hủy niêm yết sau khi nhóm cổ đông NN đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần. Việc hủy niêm yết sẽ gây bất lợi lớn cho các cổ đông nhỏ.

Chúng tôi cho rằng sẽ có một đợt tăng giá để một số nhà đầu tư bán cổ phiếu. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư BÁN VCS trong đợt tăng giá cổ phiếu này.

MBB: Khuyến nghị mua vào

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi dự báo tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế của MBB trong quý II/2014 dự báo đạt 2.020 tỷ đồng và 670 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,6% và 6,9% so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, MBB hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tín dụng khởi sắc nhưng vẫn tăng trưởng chậm hơn huy động. Trong quý II/2014, đà phục hồi của nền kinh tế đang tiếp diễn với dấu hiệu khởi sắc từ khu vực sản xuất và khu vực bán lẻ với các chỉ số PII, PMI, kim ngạch xuất nhập khẩu và tổng mức bán lẻ đều tăng trưởng tốt. Chúng tôi cho rằng đây là những tín hiệu tích cực cho thấy đà phục hồi của nhu cầu sản xuất. Do đó, chúng tôi kỳ vọng rằng tăng trưởng tín dụng trong kỳ sẽ có nhiều cải thiện, ước tính tăng trưởng tín dụng và tiền gửi khách hàng của MBB lần lượt đạt 6-7% và 10% tính đến thời điểm cuối quý II/2014.

NIM dự báo giảm trong quý 2/2014 xuống mức 3,6%. Trên cơ sở đó, chúng tôi ước tính thu nhập lãi thuần của MBB trong kỳ đạt 1.519 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ 2013.

Chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng ở mức cao. MBB tiếp tục mở rộng mạng lưới với việc khai trương 2 điểm giao dịch tại Gia Lai, Đồng Nai trong tháng 4/2014 và khai trương chi nhánh Phú Thọ vào tháng 5/2014. Do đó, chúng tôi giả định tỷ lệ CIR của MBB đạt 36%, tương đương với tỷ lệ CIR trong quý I/2014 và chi phí hoạt động đạt 727 tỷ đồng (+8,4% cùng kỳ). Chi phí dự phòng rủi ro dự báo đạt 443 tỷ đồng (+10,1% cùng kỳ).

BVSC cho rằng kết quả hoạt động kinh doanh của MBB trong năm 2014 sẽ thuận lợi hơn 2013. Dự kiến cả năm 2014, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế của MBB trong năm 2014 dự báo đạt 8.094 và 2.397 tỷ đồng, tăng trưởng 6% và 5% so với 2013 trên cơ sở giả định tăng trưởng dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng đạt lần lượt 16% và 14%.

MBB hiện là một trong những ngân hàng có hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời tốt nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Đồng thời, ngân hàng cũng có quan điểm thận trọng trong việc phân loại và trích lập dự phòng nợ xấu thể hiện qua tỷ lệ NPL, LLC và tài sản thế chấp/dư nợ tín dụng đều ở mức tốt so với bình quân ngành. Rủi ro từ nợ xấu khi áp dụng Thông tư 02 đối với MBB không quá cao. Hiện nay, MBB đang được giao dịch tại mức P/E và P/B 2014 là 6,6 và 1,0 lần, khá thấp so với trung bình các ngân hàng đang niêm yết. Do đó, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu MBB với mức giá kỳ vọng vào khoảng 17.460 đồng/cổ phần.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan