Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/5

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị theo dõi DRC với giá mục tiêu 25.151 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Trong quý I/2019, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC) đã ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt mức 824 tỷ đồng (tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và 17 tỷ đồng (giảm 18,6%).

Sản lượng lốp bias tiếp tục kém khả quan, trong khi lốp Radial tăng trưởng ấn tượng nhờ đưa giai đoạn 2 vào hoạt động (tuy nhiên, lốp Bias chiếm 80% lợi nhuận gộp của DRC). Tổng lượng lốp bias tiêu thụ trong quý I/2019 đạt mức 147.030 lốp (giảm 9,73%), trong đó lốp ô tô tải nhẹ giảm 10,8%, lốp ô tô đặc chủng giảm 12,4%. Ngược lại, lốp Radial tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 100.719 lốp (tăng 38%), trong đó, thị trường nội địa tiêu thụ 30.163 lốp (tăng 23,63%), thị trường xuất khẩu đạt mức 70.556 lốp (tăng 45,21%).

Giá bán lốp bias giảm nhẹ, trong khi lốp Radial tăng nhẹ 0,73%. Cụ thể, giá lốp ô tô bias giảm nhẹ từ 1-2%, trong khi giá lốp Radial tăng nhẹ 0,73% so với cùng kỳ (giá bán radial nội địa tăng 8,34%, xuất khẩu giảm 2,2%).

Giá nguyên vật liệu có khả năng sẽ tăng trong năm 2019. Trong quý I/2019, giá cao su tự nhiên giảm 12,1%, giá cao su nhân tạo tăng nhẹ 0,38%, hóa chất giảm 19,06%, than đen giảm 3,02%. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá dầu đang phục hồi mạnh tạo áp lực tăng giá than đen + hóa chất, cao su nhân tạo. 

BSC dự báo, năm 2019, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DRC lần lượt đạt 3.624 tỷ đồng (tăng trưởng 2,1%) và 141 tỷ đồng, tương đương EPS 2019 là 1.068 VND/cp (P/E F 2019 = 20.9x, thấp hơn so với trung bình ngành Việt Nam hiện tại là 25x).

Dựa báo này dựa trên giả định (1) sản lượng tiêu thụ lốp bias giảm 5% so với năm 2018, sản lượng lốp Radial = 400.000 lốp (tăng 6,5%), (2) giá bán các loại săm lốp không thay đổi, (3) giá cao su tự nhiên không đổi, giá cao su nhân tạo tăng 5%, giá hóa chất và than đen tăng 10%. 

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DRC với giá mục tiêu 25.151 đồng/CP (tăng 12,8% so với mức giá đóng cửa ngày 14/05/2019) dựa trên 3 phương pháp định giá là FCFE, FCFF và PE. Chúng tôi đánh giá DRC là cổ phiếu thích hợp để đầu tư trung và dài hạn, tuy nhiên chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu giảm 7.5% so với báo cáo ngày 04/03/2019 do DN đang gặp vấn đề về tiêu thụ lốp Bias trong nước.   

Khuyến nghị tích cực đối với HBC

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Vào ngày 15/05/2019, vổ phiếu CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) đóng cửa tại mức 17.400 đồng/ cổ phần, giao dịch tại mức P/E pha loãng 2019 là 5,8 lần, khá hấp dẫn so với mức P/E trượt trung bình của các công ty cùng ngành là 7,3 lần.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu HBC với giá mục tiêu một năm ở kịch bản cơ sở là 21.600 đồng/ cổ phần, duy trì mức P/E mục tiêu năm 2019 của cổ phiếu này là 7,1 lần với dự phóng EPS pha loãng là 3.020 đồng/ cổ phần theo đó tiềm năng tăng giá đối với cổ phiếu này là 24%.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu POW

CTCK FPT (FPTS)

Trong tương quan với biến động thị trường 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã POW) có sức mạnh giá yếu hơn rõ rệt so với VN-Index. Tuy nhiên, trong một vài phiên trở lại đây, giá cổ phiếu POW đang cho thấy một sự hồi phục mạnh mẽ.

Sự tích cực xuất hiện ở các tín hiệu kỹ thuật cho thấy POW đang đảo chiều sang xu hướng tăng. Vì vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị mua với cổ phiếu POW cho chiến lược ngắn hạn.

Trong đó, mức sinh lời kỳ vọng của POW là 15,15%, rủi ro dừng lỗ tối đa 5,94%, thời gian nắm giữ kỳ vọng 15 phiên giao dịch.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu TNG

CTCK FPT (FPTS)

Trong tương quan với biến động thị trường chung, cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) được đánh giá là có sức mạnh giá tích cực khi liên tục duy trì xu hướng tăng kể từ tháng 7/2018 cho đến hiện tại.

Sau gần 02 tháng hiệu chỉnh, nền hỗ trợ tại vùng giá 20.000 đã được kiểm định thành công và kèm theo đó là dấu hiệu bứt phá sau tích lũy

Theo đó, TNG được kỳ vọng sẽ quay lại xu hướng tăng giá trong một vài tuần kế tiếp. Nhà đầu tư được khuyến nghị mua cổ phiếu cho kỳ vọng ngắn hạn: Mức sinh lời kỳ vọng 12,67%, Rủi ro dừng lỗ tối đa 5,29%, Thời gian nắm giữ kỳ vọng 15 phiên giao dịch.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FRT

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT). Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh giảm 14% giá mục tiêu khi áp dụng mức chiết khấu 30% cho định giá DCF/PER chung của mảng điện thoại di động của chúng tôi, do FRT quyết định ngừng phát triển quy mô của chương trình trợ giá nhà mạng đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trung hạn của FRT, theo quan điểm của chúng tôi.

Chúng tôi nâng dự phóng lợi nhuận sau thuế 2019 thêm 2%, chủ yếu nhờ chi phí quản lý dự báo thấp hơn. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế 2020-2021 thêm 4-5% do doanh số thấp hơn dự báo từ chương trình trợ giá nhà mạng.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sẽ cải thiện sau khi đi ngang trong quý 1/2019 do biên lợi nhuận từ iPhone phục hồi và tăng trưởng mạnh về doanh số cũng như biên lợi nhuận gộp của mảng phụ kiện.

Trong giai đoạn 2020-2021, chúng tôi dự phóng biên lợi nhuận gộp của iPhone phục hồi, cùng với đóng góp cao hơn từ doanh số bán phụ kiện và chi phí lãi vay thấp hơn sẽ hỗ trợ lợi nhuận.

PEG 3 năm của FRT khá hấp dẫn với dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS của chúng tôi trong giai đoạn 2018-2021 là 14%.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Biên lợi nhuận iPhone phục hồi chậm hơn dự kiến.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho PVS

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu dành cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) thêm 7% với việc điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận báo cáo 2019 thêm 24,2% sau khi lợi nhuận từ kho nổi (FSO/FPSO) Ruby II trong quý I/2019 vượt dự báo, đồng thời giữ nguyên dự báo cho năm 2020-2023. Tuy nhiên, chúng tôi hạ khuyến nghị cho PVS từ khả quan xuống phù hợp thị trường vì giá cổ phiếu đã tăng 25% từ tháng 2 đến nay, nên không còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Chúng tôi cho rằng tăng trưởng EPS cốt lõi 2019 sẽ đạt 4,5% do giải thể mảng khảo sát địa chấn năm 2018, trong khi lợi nhuận từ FPSO Ruby II tăng. Chúng tôi cũng cho rằng triển vọng mảng cơ khí dầu khí năm 2019 sẽ tươi sáng hơn với dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt và dự án Gallaf tại Qatar bước đầu mang lại doanh thu.

Tuy nhiên, chúng tôi dự báo tăng trưởng EPS báo cáo 2019 sẽ đi ngang do trong năm 2018 có lợi nhuận bất thường từ việc định giá lại tài sản của kho nổi FSO Orkid do thay đổi phương pháp thuê.

Chúng tôi dự báo EPS cốt lõi 2019-2023 sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 9.0% nhờ các dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt, Gallaf, Lô B và Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2 và mảng FSO ổn định.

PVS hiện đang giao dịch tại mức P/E 2019 là 12 lần, phù hợp với trung vị các công ty khác trong ngành là 12,9 lần.

Khả năng điều chỉnh tăng: Ký được hợp đồng cho dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn – Giai đoạn 2 trị giá 800 triệu USD.

Rủi ro: Tiến độ dự án Lô B chậm hơn so với dự kiến.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho VCB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 1% lên 64.850 đồng/CP cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) khi điều chỉnh tăng lần lượt 2%/5%/4% lợi nhuận dự phóng cho các năm 2019/2020/2021 trong khi duy trì P/B mục tiêu 2019 đạt 2,7 lần. Do đó, chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường cho VCB.

Điều chỉnh dự phóng lợi nhuận của chúng tôi chủ yếu được dẫn dắt bởi mức thay đổi dự phóng +3%/4%/4% cho thu nhập lãi ròng (NII) và phần nào bị ảnh hưởng từ mức điều chỉnh +4%/- 4%/+0% cho chi phí dự phóng trong giai đoạn 2019-2021.

Chúng tôi dự phóng tăng trưởng EPS lần lượt 20,7% và 13,6% trong các năm 2019 và 2020, cũng như ROAA và ROAE dự báo là 1,60% và 24,9% cho năm 2019, 1,76% và 22,6% cho năm 2020.

VCB công bố phát hành 340 triệu cổ phiểu (khoảng 6,5% lượng cổ phiếu lưu hành sau khi phát hành cổ phiếu thưởng 40%) được chúng tôi giả định sẽ được thực hiện trong tháng 1/2020 và ghi nhận trong báo cáo này. Ảnh hưởng từ pha loãng từ phát hành 3,1% cho GIC và Mizuho cũng như đợt phát hành kể trên cũng được phản ánh lần lượt trong EPS dự phóng 2019 và 2020.

Tin bài liên quan