Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/11

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu NLG

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Diễn biến thị trường chứng khoán có sự phân hoá, và sự điều chỉnh đối với nhóm cổ phiếu bất động sản trong thời gian qua đã ảnh hưởng đáng kể lên giá cổ phiếu CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG).

Trong khi đó, triển vọng trong trung hạn của Công ty được đánh giá là vẫn còn tiềm năng. Cụ thể là, kết quả kinh doanh sẽ hoàn thành kế hoạch 2017 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong 2018. Hoạt động bán hàng ghi nhận giá trị hợp đồng ở mức cao, và công ty vẫn tiếp tục gia tăng quỹ đất để phát triển dự án mới.

Do đó, theo quan điểm của BVSC, sự sụt giảm về giá cổ phiếu trong thời gian qua cũng đã tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn và an toàn cho nhà đầu tư trong trung - dài hạn. Hiện tại, giá thị trường của NLG đang chiết khấu 28% so với giá trị hợp lý của Công ty.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu NLG với mức lợi nhuận kỳ vọng là 28%. Mục tiêu nắm giữ trung hạn với thời gian khoảng 6 – 12 tháng.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu CTG

CTCK BIDV (BSC)

Xu hướng hiện tại của cổ phiếu Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG – sàn HOSE) là bứt phá. Chỉ báo xu hướng MACD phân kỳ, chỉ báo RSI là quá mua.

Nhận định: Bật lên khỏi đáy từ cuối năm 2016, CTG rung lắc mạnh và hiện tại đang có dấu hiệu bứt phá khỏi nền cũ. Nhờ sự hỗ trợ của thanh khoản và giá hợp lý, BSC tin rằng nhiều khả năng CTG sẽ biến ngưỡng Fibonacci 78.6 (giá 21.1) trở thành ngưỡng hỗ trợ cứng trong thời gian ngắn tới đây.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể nắm giữ CTG và chờ những tín hiệu tiếp theo.

Khuyến nghị chốt lời VIC, VCG, theo dõi HSG và mua vào DCM

CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinbankSC)

Trong giai đoạn hiện tại, VIC đang tiếp tục nằm trong xu hướng tăng. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa cho dấu hiệu bán tuy nhiên nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời trong giai đoạn này nếu đã đạt vùng giá kỳ vọng.

Hiện tại VCG đã vượt qua ngưỡng kháng cự gần vì vậy nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ trong các phiên tiếp theo tuy nhiên biểu đồ của VCG trông khá là xương vì vậy vẫn nên cân nhắc đến việc chốt lời nếu đã đạt vùng giá kỳ vọng.

Trong giai đoạn hiện tại, xu hướng của HSG đang có dấu hiệu giảm trong ngắn hạn. Các chỉ báo kỹ thuật hiện tại đang cho tín hiệu bán mạnh đối với HSG vì vậy chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với HSG.

Xu hướng của DCM không thực sự rõ ràng tuy nhiên trong ngắn hạn nhà đầu tư có thể tiếp tục giải ngân bởi các chỉ báo kỹ thuật hiện đang bắt đầu cho tín hiệu mua trong ngắn hạn.

Cổ phiếu LSS sẽ vượt mệnh giá

CTCK Sacombank (SBSC)

Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã LSS) vừa dự kiến mua 6 triệu cổ phần là cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu liên tục rớt trong thời gian qua. Thời gian mua dự kiến từ 1/12 đến 31/12/2017 ngay khi được UBCKNN chấp thuận. Nguồn vốn mua vào lấy từ thặng dư vốn cổ phần, Quỹ đầu tư phát triển của công ty.

Về lý do cổ phiếu LSS giảm mạnh là do hoạt động kinh doanh năm nay sụt giảm mạnh. LSS kết thúc kỳ niên độ kế toán với doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng 18% và 38% vượt 16% và 34% kế hoạch năm. Bước sang chu kỳ kính doanh mới từ ngày 1/7 thì ngành đường đang đối mặt nhiều khó khăn mới từ sức ép cạnh tranh và một phần do thời tiết. Quý I theo niên độ (từ ngày 1/7 – 30/9), LSS chỉ đạt 213,8 tỷ doanh thu, giảm hơn 50% so với cùng kỳ và lợi nhuận 12,2 tỷ, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ. Giá đường chung với một số đơn vị cùng ngành giảm trung bình hơn 12%. Ngoài ra do thời tiết bão lũ liên tục trong đợt vừa qua đã ảnh hưởng mạnh đến LSS với hơn 30% diện tích mía đến kỳ thu hoạch bị ngập lụt. Trước thông tin này giá cổ phiếu LSS đã lao dốc liên tục từ 14.000 về còn 8.000 chỉ sau 3 tháng.

LSS hiện đang có 5 mảng kinh doanh chính là mía đường, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo, dự án tre và thương mại xuất nhập khẩu. Dù vậy mảng mía đường vẫn đóng góp góp chính vào doanh thu của LSS. Với mục tiêu doanh số năm sau đạt 2.300 tỷ đồng và lợi nhuận 125 tỷ đồng. LSS có một đặc điểm lượng cổ phiếu lưu hành ở mức thấp chỉ có 70 triệu vì vậy EPS đạt khá trên 1.500 đồng/CP. Với thị giá hiện tại quanh giá 9 thì PE của LSS trở nên rất rẻ so với các công ty cùng ngành.

Với việc mở rộng các dự án mới và đang dạng hoạt động kinh doanh thì LSS đang cần một lượng vốn lớn. Một số dự án mà LSS đang triển khai như: Nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu đóng góp vào doanh thu 30% - 35% với năng suất cung cấp 70.000 tấn giống và hơn 50.000 tấn rau quả đến năm 2020. Dự án ứng dụng công nghệ cao vào tre với mục tiêu đưa vào sản xuất năm 2020 với công suất 20.000m3/năm.

Dự án cam vàng xứ Thanh với mục tiêu 2020 đạt 150.000 tấn và cùng với đó là dự án nhà máy năng lượng điện tái tạo loại nhỏ công suất 120 triệu kw/năm. Dự án công viên, sinh thái và tâm linh với vốn đầu tư hơn 500 tỷ.

Một số dự án trên đang triển khai nhưng mức độ đầu tư vẫn ở mức thấp và nhìn chung đây là kế hoạch nhìn xa khá tham vọng của Công ty. LSS đang chuẩn bị lộ trình huy động vốn thông qua cổ phiếu hoặc trái phiếu khoảng 40% và sử dụng vốn vay khoảng 60%. Tuy nhiên với mức giá cổ phiếu như hiện tại thì công ty cần nỗ lực trong lĩnh vực cốt lõi để có thể nâng thị giá cổ phiếu mới có thể dễ dàng tăng vốn hơn.

Thông tin mua vào cổ phiếu quỹ có thể hỗ trợ giá LSS trong ngắn hạn ít nhất là đưa giá LSS vượt qua mệnh giá. 

Tin bài liên quan