Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/10

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/10

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với HPG

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Với dữ liệu hiện tại, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng quý III/2019 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) lần lượt ở mức 14.098 tỷ đồng (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và 1.696 tỷ đồng (giảm 29,6%).

Chúng tôi cũng điều chỉnh ước tính cho năm 2019 và 2020. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt được điều chỉnh ở mức 62.442 tỷ đồng và 7.111 tỷ đồng trong năm 2019; 79.805 tỷ đồng và 9.381 tỷ đồng cho năm 2020.

Do đó, chúng tôi định giá cổ phiếu của HPG ở mức 28.000 đồng vào cuối năm 2020. Duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu HPG.

>> Tải báo cáo

HVN sẽ tăng trở lại ngưỡng 39-40

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP đang hình thành xu hướng tăng giá sau khi tích lũy ngắn hạn tại ngưỡng đáy 33.4. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên trong phiên tăng điểm mạnh hô mnay, cho thấy tín hiệu khởi đầu của xu hướng tăng giá.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt lên dải mây ichimoku cho thấy nhịp tăng giá trong trung hạn đã hình thành.

Như vậy, HVN nhiều khả năng sẽ tăng trở về ngưỡng kháng cự cũ tại ngưỡng giá 39-40 trong các phiên giao dịch tới.

Khuyến nghị khả quan dành cho PAC với giá mục tiêu 34.300 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Giá kẽm thế giới giảm bù đắp cho tăng trở lại của giá chỉ, tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của CTCP Pin Ắc quy Miền Nam (mã PAC). Đây là 2 nguyên vật liệu chính sử dụng trong sản xuất của doanh nghiệp.

Trong quý II/2019, nhờ giá kẽm và chì giảm mạnh, biên lợi nhuận gộp của PAC tăng mạnh từ 14% trong quý II/2018 lên 17,9%, cao hơn mức 12,7% trong quý I/2019. Tuy nhiên, hiện tại, biến động trái chiều từ 2 nguyên vật liệu này khiến biên lợi nhuận gộp của PAC khó có thể duy trì ở mức cao như quý II/2019.

Cụ thể: Giá kẽm tiếp tục giảm do dư thừa nguồn cung trong khi nhu cầu giảm đi trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc cũng như các chỉ số sản xuất công nghiệp của Mỹ cũng đang đi xuống. Còn giá chì tăng trở lại sau khi chứng kiến giảm mạnh hồi đầu năm do thiếu hụt về dự trữ.

Trên thực tế, biên lợi nhuận gộp của PAC phản ứng khá nhạy đối với biến động của giá chì và giá kẽm. Với biến động trái chiều từ giá nguyên vật liệu, chúng tôi dự phóng biên lợi nhuận gộp năm 2019 của PAC khoảng 15%.

Bên cạnh đó, trong cơ cấu doanh thu của PAC, ắc quy cho ô tô là sản phẩm đóng góp chủ yếu trong cơ cấu doanh thu với tỷ trọng ~85%. Ắc quy được sản xuất chủ yếu sử dụng cho ô tô tại thị trường trong nước.

Trong bối cảnh thu nhập trong dân cư ngày càng được cải thiện trong khi tỷ lệ sở hữu ô tô/người tại Việt Nam còn thấp, thị trường tiêu thụ xe ô tô được dự báo duy trì tích cực hơn trong tương lai. Do đó, sẽ tác động tích cực tới nhu cầu sử dụng ắc quy trong nước, từ đó làm gia tăng lượng sản phẩm tiêu thụ của PAC trong bối cảnh (i) nhà máy ắc quy Đồng Nai 2 đi vào hoạt động ổn định sau khi di dời Xí nghiệp Ắc quy Sài Gòn, tiến hành sáp nhập với Đồng Nai 2 & tăng 10-15% công suất, và (ii) dây chuyền số 5 CMF đưa vào vận hành đầu năm 2019 giúp tăng công suất CMF lên 30%, đạt tương ứng 400.000 kWh, giúp bổ sung sản phẩm trong bối cảnh chuyển dịch nhanh từ ắc quy ít bảo dường (MF) sang CMF (miễn bảo dưỡng hoàn toàn)

Nhà máy mới tại Khu công nghiệp An Phước – Đồng Nai vẫn đang trong quá trình chờ phê duyệt. Theo kế hoạch, Nhà máy Ắc quy Đồng Nai tại Khu công nghiệp Biên Hòa dự kiến đến cuối năm 2022 phải trả mặt bằng, tiến hành di dời sang Khu công nghiệp An Phước, Đồng Nai. Nhà máy mới có công suất thiết kế 3,6 triệu kWh, cao hơn 80% so với công suất hiện tại.

Hiện tại, PAC đã đầu tư mua 8,7ha đất tại Khu công nghiệp An Phước để xây dựng Nhà máy ắc quy mới cũng như phục vụ Nhà máy ắc quy Đồng Nai di dời theo kế hoạch. Hiện tại dự án vẫn đang chờ Vinachem phê duyệt kế hoạch đầu tư. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là động lực tăng trưởng của PAC trong dài hạn khi nhà máy được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Trên cơ sở đó chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PAC với giá mục tiêu 34.300 đồng/cp.

Khuyến nghị mua cổ phiếu POW và NT2

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) công bố sản lượng điện thương phẩm quý 3/2019 cao đạt 4,9 tỷ kWh, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo Ban lãnh đạo, dù đang là mùa mưa nhưng lượng mưa trong quý 3/2019 thấp hơn so với các năm trước, qua đó giúp sản lượng của các nhà máy nhiệt điện tăng mạnh.

Đáng chú ý, sản lượng điện thương phẩm của nhà máy Vũng Áng đã tăng 44,2% trong quý 3/2019, khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cung cấp đủ than cho nhà máy điện mới này.

Vì sản lượng từ các nhà máy thủy điện thấp, chúng tôi nhận thấy giá trung bình trên thị trường cạnh tranh đã tăng mạnh 64,7% trong quý 3/2019. Trong lúc chờ đợi kết quả kinh doanh sơ bộ từ công ty, chúng tôi dự báo rằng lợi nhuận sau thuế của POW trong quý 3/2019 sẽ tăng đáng kể.

Sản lượng bán ra 9 tháng đầu năm 2019 của nhà máy Cà Mau cao hơn kỳ vọng của chúng tôi nhưng chúng tôi lưu ý rằng lợi nhuận của nhà máy này sẽ bị ảnh hưởng bởi sản lượng nhờ được hưởng cơ chế giá bán đặc biệt.

Sản lượng bán ra 9 tháng năm 2019 của nhà máy Nhơn Trạch 1 và NT2 lần lượt đạt 78,0% và 77,5% dự báo năm 2019 của chúng tôi, tương ứng với khả năng điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận cho POW và NT2, dù cần đánh giá chi tiết hơn. Trong khi đó, sản lượng của các nhà máy điện khác của POW phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho POW (giá mục tiêu 17.700 đồng/cổ phiếu và mức sinh lời dự phóng 39,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,3%) và NT2 (giá mục tiêu 29.200 đồng/cổ phiếu và mức sinh lời dự phóng 31,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 9,2%).

Tin bài liên quan