Cơ hội đầu tư 6 tháng cuối năm

(ĐTCK) VN-Index đang dao động trong vùng 620 - 645 điểm, mà suốt 5 năm qua, VN-Index luôn thất bại trong việc bứt phá lên trên vùng giá này. Năm nay, dựa trên các yếu tố cơ bản, bà Lê Nguyệt Ánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, VN-Index có thể đạt 680 - 720 điểm vào cuối năm.
Cơ hội đầu tư 6 tháng cuối năm ảnh 1

Bà Lê Nguyệt Ánh 

Theo nhiều nhận định, triển vọng tăng điểm của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn vẫn đang ở mức tích cực, nhưng trong ngắn hạn đang tiềm ẩn rủi ro. Bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội của thị trường từ nay đến cuối năm?

VN-Index đang dao động trong vùng giá 620 - 645 điểm (đóng cửa cuối tuần qua tại 621,88 điểm), mà suốt 5 năm qua, VN-Index luôn thất bại trong việc bứt phá lên trên vùng giá này. Đây là nguyên nhân khiến nhiều ý kiến đánh giá rủi ro ngắn hạn của thị trường ở mức cao.

Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản của thị trường liên tục được cải thiện trong 5 năm qua và nhìn từng nhóm cổ phiếu, rủi ro điều chỉnh sâu là không quá lớn. Thậm chí, một số nhóm cổ phiếu mới chỉ bắt đầu tăng điểm.

Về triển vọng thị trường từ nay tới cuối năm, tôi đánh giá là khá tích cực. Việc giá hàng hoá tăng giúp các doanh nghiệp sản xuất có triển vọng lợi nhuận khả quan hơn nhờ hàng tồn kho giá rẻ, trong khi khối doanh nghiệp bất động sản dự kiến có lợi nhuận tích cực từ quý III. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng dự kiến sẽ có diễn biến tích cực, với rủi ro giảm dần…

Do vậy, chúng tôi kỳ vọng, VN-Index sẽ vượt vùng đỉnh 5 năm, đạt 680 - 720 điểm vào cuối năm nay.

Cụ thể, triển vọng của nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn phụ thuộc vào giá dầu, nhưng rủi ro giá dầu giảm sâu là không cao ở thời điểm hiện tại. Ngoài PVD, GAS và một số cổ phiếu dầu khí nhỏ hơn vẫn đang có mức giá khá hấp dẫn. Nhóm cổ phiếu bất động sản nhỏ và vừa thì hầu như chưa tăng giá trong giai đoạn vừa qua. Nhóm cổ phiếu hàng hoá và vật liệu xây dựng dù đã tăng giá khá mạnh, nhưng kết quả kinh doanh các quý cuối năm dự kiến vẫn sẽ hỗ trợ đà tăng của thị trường. Nhìn chung, vẫn có nhiều cơ hội đầu tư chứng khoán ở thời điểm hiện tại.

Liệu thị trường có phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt, cùng với động thái mua bán ròng của khối ngoại, như đã diễn ra trong thời gian qua?

Do dòng vốn của khối nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, nên tác động của dòng vốn ngoại đến thị trường là không thể tranh cãi. Ngoài ra, đây cũng là dòng vốn mới quan trọng trong bối cảnh việc huy động vốn trong nước vào thị trường vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, với từng cổ phiếu cụ thể, nhất là các cổ phiếu không thuộc nhóm vốn hoá lớn nhất, việc mua bán của khối ngoại không hẳn có thể dẫn dắt thị trường.

Theo dõi dòng vốn ngoại trong giai đoạn vừa qua có thể thấy, dòng vốn này phân bổ chủ yếu vào các cổ phiếu “dễ đầu tư”, với tiêu chí là vốn hoá lớn, thanh khoản cao, “room” dồi dào và cả các cổ phiếu đặc thù như HHS, DXG, VSH.

Các quỹ đầu tư, cả quỹ đầu tư huy động vốn từ nước ngoài và quỹ nội địa huy động vốn trong nước, có hoạt động giải ngân khá ổn định. Trong một diễn biến khác, việc khối ngoại mua trái phiếu Chính phủ cũng khá tích cực trong giai đoạn gần đây. Như vậy, dòng vốn ngoại hiện tại khá ổn định và đa dạng, sẽ hỗ trợ cho thị trường trong giai đoạn tới.

Nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn đang có vị thế quan trọng trong việc duy trì và nâng đỡ thị trường. Theo bà, cơ hội nào cho nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ trong thời gian tới?

Nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa chưa tăng giá mạnh trong đợt tăng điểm vừa qua của VN-Index. Nhiều cổ phiếu nhóm này vẫn đang được định giá ở mức hấp dẫn, nên sẽ có cơ hội tăng giá.

Cụ thể hơn, nhóm cổ phiếu dầu khí có vốn hóa nhỏ và vừa, nhóm bất động sản có vốn hóa trung bình và các cổ phiếu vốn hoá nhỏ hơn có hoạt động kinh doanh chính ổn định, có thể phục hồi tốt hơn mặt bằng chung của thị trường.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp. Khả năng giảm lãi suất và mức độ tác động đến thị trường chứng khoán như thế nào, theo bà?

Việc giảm lãi suất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất thách thức cho Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, khi lạm phát cao đang có tín hiệu quay trở lại, lãi suất huy động thấp khiến người dân tăng đầu tư vào các kênh khác và biến động tỷ giá hiện phức tạp hơn. Hiện tại, chính sách tiền tệ vẫn đang rất cẩn trọng, dù thanh khoản tăng mạnh và lãi suất ngắn hạn giảm.

Lãi suất giảm sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp bất động sản và sản xuất, tuy nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ bị thu hẹp. Nhìn chung, hạ lãi suất là thông tin có tác động tích cực đến thị trường, nhưng khả năng giảm lãi suất vẫn khá thấp trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan