Chiến lược nắm giữ hiệu quả hơn lướt sóng thời gian tới

Chiến lược nắm giữ hiệu quả hơn lướt sóng thời gian tới

(ĐTCK) Chiến lược nắm giữ theo đó sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn chiến lược giao dịch ngắn hạn ở những cổ phiếu có sự tham gia của dòng tiền đầu cơ.

Tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu là tài sản rủi ro thể hiện tốt nhất trong số các lớp tài sản gồm trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa. Trọng tâm của sự lạc quan là các thị trường phát triển, bao gồm Mỹ, Nhật và châu Âu.

Kết thúc phiên giao dịch thứ Năm, chỉ số S&P 500 của thị trường Mỹ tăng 0,7% so với mức đóng cửa tuần trước, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,67% và chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,42%. Điều đáng nói là các chỉ số này đều xác lập mức cao nhất trong lịch sử.

Giá cổ phiếu tăng liên quan tới dữ liệu tăng trưởng của công nghiệp chế tạo cũng như kỳ vọng tăng trưởng số việc làm mới của nền kinh tế Mỹ trong tháng 5.

Theo logic của giới đầu tư, các dữ liệu này đều hàm ý nền kinh tế đang tăng tốc và đây là thời điểm an toàn để đổ tiền vào cổ phiếu.

Các nhóm ngành có cổ phiếu tăng tốt nhất trong tuần qua là hàng tiêu dùng thiết yếu (XLP, tăng 1,16%), dịch vụ tiện ích (XLU, tăng 1,68%), hàng tiêu dùng lâu bền (XLY, tăng 1,42%), công nghiệp (XLI, tăng 0,89%), vật liệu cơ bản (XLB, tăng 1,67%) và chăm sóc sức khỏe (XLV, tăng 1,52%).

Cổ phiếu ngân hàng (KBE), xây dựng (ITB) và bất động sản (XLRE) nằm trong nhóm tăng yếu, trong khi cổ phiếu năng lượng (XLE) giảm 0,92%, mất giá theo diễn biến giá dầu thô.

Sự dịch chuyển của nhóm ngành cho thấy dòng tiền dù ưa thích tài sản rủi ro, nhưng giới đầu tư bắt đầu lựa chọn những nhóm ngành có khả năng phòng thủ, tức là hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ. Đây là biểu hiện ban đầu cho thấy giới đầu tư đang nhận thấy rủi ro tăng dần.

Các thị trường phát triển ở châu Âu như Anh, Đức và Pháp phản ứng tích cực theo sức khỏe của nền kinh tế đầu tàu là Mỹ, bởi quan hệ đối tác thương mại rất lớn giữa hai khu vực. Một diễn biến rất được mong đợi trong tuần tới là cuộc bầu cử tại Anh diễn ra vào 8/6.

Cuộc đua giữa Đảng Lao động và Đảng Bảo thủ trở nên khó đoán hơn vì uy tín của Đảng Bảo thủ, lãnh đạo bởi bà Theresa May đã đi xuống sau cuộc khủng bố ngày 22/5 tại thành phố Manchester.

Nếu ứng viên Jeremy Corbyn của Đảng Lao động chiến thắng, đó sẽ là bất ổn lớn cho nền kinh tế Anh, theo đó là thị trường cổ phiếu.

Cũng trong tuần qua, thị trường hàng hóa chịu áp lực giảm giá lớn dù đồng USD vẫn giữ ở mức thấp. Chỉ số Goldmand Sachs Commodity Index giảm 2,02% do mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất là dầu thô mất giá tới 3,98%.

Giới đầu tư đang thực sự bi quan khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu trong cuộc gặp mặt tại Paris tuần qua.

Họ lo ngại đây là bước đi của Mỹ trong việc đẩy mạnh khai thác dầu và điều này chắc chắn làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung trên toàn cầu. Giá dầu thô và thị trường cổ phiếu Nga là nạn nhân trực tiếp của quyết định này khi nền kinh tế quá phụ thuộc vào khai thác và xuất khẩu dầu thô.

Các thị trường trong khu vực mới nổi và cận biên cũng tăng giá trong tuần qua, theo hiệu ứng của thị trường phát triển. Chứng khoán Việt Nam tuần qua điều chỉnh nhẹ 0,61% và số lượng cổ phiếu trao tay giảm còn 1 tỷ cổ phiếu. Cổ phiếu vốn hóa lớn mất động lực nên chỉ số trung bình khó tăng điểm.

Trong khi đó, thực chất, có nhiều nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ tiếp tục bứt phá như cổ phiếu thép (tăng 3,63%), đường (tăng 3,59%), khoáng sản (tăng 2,37%), phân bón (tăng 1,18%) và bất động sản (tăng 0,27%).

Chúng tôi thiên về chiến lược phòng thủ trong giai đoạn tới, nghĩa là ưu tiên những cổ phiếu có tăng trưởng và lịch sử trả cổ tức ổn định để thêm vào danh mục.

Chiến lược nắm giữ theo đó sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn chiến lược giao dịch ngắn hạn ở những cổ phiếu có sự tham gia của dòng tiền đầu cơ.

Tin bài liên quan