Bàn tròn chứng khoán: Thị trường không còn hấp dẫn, nhưng vẫn có nhóm cổ phiếu tiềm năng

Bàn tròn chứng khoán: Thị trường không còn hấp dẫn, nhưng vẫn có nhóm cổ phiếu tiềm năng

(ĐTCK) Hiện nay, chỉ số P/E bình quân của thị trường đang ở mức khoảng 16,6 lần - mức cao nhất từ năm 2008 và thị trường ở mức hiện tại không còn nhiều hấp dẫn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngành và nhóm cổ phiếu có mức tăng giá chưa tương xứng với tăng trưởng lợi nhuận. Đó là những nhóm ngành, nhóm cổ phiếu nào? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này.

Nhìn một cách tổng quan, các ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng TTCK trong tháng 8, nhất là khi thị trường đã trải qua chu kỳ tăng khá mạnh trong 7 tháng đầu năm và cũng sắp chào đón “tháng ngâu”?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kimeng

Theo tôi xu hướng chính vẫn là tích cực bất kể tháng ngâu khi những năm trước cũng nhiều năm vào tháng này thị trường vẫn tốt, đặc biệt là đà tăng của thị trường vẫn duy trì trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, ngoại hối, tiết kiệm đều yếu giúp dòng tiền duy trì ổn định trong chứng khoán.

Bên cạnh đó, với quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều chính sách tích cực như hạ lãi suất, Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu..., góp phần hỗ trợ thị trường.

Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán nhiều khả năng sẽ chậm lại trong tháng 8 này, xu hướng tích cực giảm đi.

Những dấu hiệu cho thấy điều này như khối ngoại dù vẫn mua ròng, nhưng mức độ giảm đi, số phiên bán gia tăng. Thanh khoản trung bình của thị trường trong tháng 7 giảm sẽ ảnh hưởng sang tháng 8.

Chỉ số VN-Index vẫn còn tích cực, nhưng phụ thuộc khá nhiều vào các cổ phiếu lớn và nếu ta tham chiếu sang chỉ số VN30 hay HNX-Index sẽ thấy những chỉ số này yếu hơn thấy rõ, thậm chí còn đánh mất vùng hỗ trợ ngắn hạn trong một khoảng thời gian ngắn.

Do thị trường tăng trưởng trong một giai đoạn khá dài, nên sự lo ngại của nhà đầu tư cũng lớn hơn, nhiều mã penny đầu lưỡi chạy với tốc độ cao (thường chỉ xảy ra thành xu thế khi các nhà đầu tư lo lắng khi thị trường tăng nóng khiến dòng tiền phân tán sang các mã nhỏ hơn).

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, CTCK Agriseco

Tôi nhìn nhận, thị trường sẽ không tích cực trong tháng 8 này, đặc biệt khi các câu chuyện hỗ trợ về kết quả kinh doanh không có nhiều và giá cổ phiếu đã đạt tầm cao mới.

Khả năng thị trường sẽ gặp áp lực chốt lời, đặc biệt khi kết quả kinh doanh các doanh nghiệp lớn được công bố.

Điểm lưu ý là sự vận động nội tại của bản thân doanh nghiệp đang chậm hơn tăng trưởng giá cổ phiếu.

Theo thống kê của tôi với các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính thì có tới 2/3 số doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn mức tăng giá từ đầu năm. Thị trường khả năng sẽ cần 1-2 tuần để hấp thụ áp lực chốt lời và sau đó sẽ tích lũy đi ngang, phân hóa vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện trong nửa cuối năm.

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Nghiên cứu, CTCK Maritime (MSI)

Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index và HNX-Index tăng lần lượt 16% và 24% là một trong thị trường tăng tốt nhất châu Á.

Bàn tròn chứng khoán: Thị trường không còn hấp dẫn, nhưng vẫn có nhóm cổ phiếu tiềm năng ảnh 1

 Ông Võ Văn Cường

Tôi cho rằng, mức tăng đã phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư trong năm 2017 và thị trường chung đang ở mức hợp lý, trong khi nhiều cổ phiếu đang ở mức khá cao, không còn rẻ và hấp dẫn để nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn hơn là tâm lý cho rằng “tháng ngâu” rơi vào tháng 8 sắp tới sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại.

Vậy theo các ông/bà, thị trường đang chịu chi phối bởi những yếu tố (tích cực và tiêu cực) nào?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kimeng

Những yếu tố tích cực và tiêu cực tôi đã nói ở câu trên. Ngoài ra, một số yếu tố tích cực khác có thể kể đến như thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là Mỹ liên tục lập đỉnh mới cũng hỗ trợ tâm lý thị trường trong nước, cũng nhưng dòng vốn ngoại.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh ra đời trong tháng 8 với khả năng mở được vị thế bán giúp nhà đầu tư phòng thủ rủi ro giá xuống, kiếm được lợi nhuận dù giá xuống cũng hỗ trợ cho tâm lý thị trường.

Cùng với đó, Chính phủ đưa ra chính sách huy động vàng và ngoại tệ trong dân để giải hỗ trợ nền kinh tế.

Trong khi đó, các yếu tố tiêu cực khác có thể tác động tới thị trường là các ngân hàng nước ngoài bán, chuyển nhượng, rút vốn khỏi các ngân hàng nội thời gian qua có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn ngoại, tâm lý nhà đầu tư. Ngoài ra, tiền ảo như bitcoin, etherium, ripple... nổi lên thời gian qua cũng thu hút phần nào sự quan tâm và dòng tiền của các nơi khác.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, CTCK Agriseco

Giai đoạn này, tôi cho rằng, thị trường vẫn có nhiều yếu tố tích cực. Thứ nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm của Chính phủ.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất ở mức thấp sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút thêm dòng tiền vào chứng khoán trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng đang dư thừa.

Bàn tròn chứng khoán: Thị trường không còn hấp dẫn, nhưng vẫn có nhóm cổ phiếu tiềm năng ảnh 2

 Bà Nguyễn Ngọc Lan

Bên cạnh đó, Nghị định 71 về quản trị công ty có hiệu lực từ đầu tháng 8 sẽ cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, giúp tiệm cận các chuẩn mực thế giới. Đây là điều được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm, qua đó hỗ trợ tích cực cho thị trường trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, điểm tiêu cực là thị trường đã tăng giá mạnh từ đầu năm, khiến khó có dư địa tăng trưởng tiếp khi nhiều mã cổ phiếu, thậm chí giá đã tăng vượt xa tăng trưởng lợi nhuận.

Sắp tới, các thương vụ IPO, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn có thể khiến dòng tiền trên sàn bị hút vào, nhiều quỹ ngoại có thể tái cơ cấu danh mục và bán các mã trên sàn hiện tại.

Thị trường phái sinh đi vào hoạt động trước mắt cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới yếu tố dòng tiền và định giá lại các mã trên sàn, các hoạt động short sell tại thị trường phái sinh có thể gây áp lực giảm giá tại thị trường cơ sở.

Tổng quan lại, tôi nhìn nhận thị trường hiện nay đang nhiều rủi ro hơn là cơ hội.

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Nghiên cứu, CTCK Maritime (MSI)

Theo tôi, các yếu tố tích cực là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2017 của các ty niêm yết là khá tích cực do giảm chi phí lãi vay từ chủ trương giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, thêm nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường, thoái vốn nhà nước tại các công ty lớn cũng tạo tâm lý tích cực và thu hút thêm nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn nước ngoài dự báo tiếp tục mua ròng và hỗ trợ tích cực cho thị trường trường.

Tuy nhiên, thị trường cũng sẽ chịu các tác động tiêu cực như định giá chung thị trường theo P/E vượt mức 16.6 lần là không còn rẻ và áp lực chốt lời cơ cấu lại danh mục.

Tâm lý chờ đợi cái mới (sản phẩm mới, tin tức mới, kết quả kinh doanh quý tới…) của các nhà đầu tư cũng làm cho dòng tiền kém sôi động và thanh khoản giảm cũng sẽ tác động làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Hiện nay, chỉ số P/E  bình quân của thị trường đang ở mức khoảng 16 - so với quá khứ thì không còn rẻ. Theo quan điểm của các ông/bà, lựa chọn nhóm cổ phiếu, nhóm ngành nào phù hợp ở giai đoạn hiện tại?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kimeng

Một số cổ phiếu bluechip thậm chí nay cũng không an toàn như BMP biến động thời gian qua gây nhiều thua lỗ cho các nhà đầu tư. Vì vậy, việc chọn lựa được nhóm cổ phiếu đang hút tiền, tiềm ẩn tiềm năng tăng giá như câu nói cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng giá là quan trọng trong mọi thời điểm. Đặc biệt, trong lúc này khi PE thị trường cao hơn trước nhiều, rủi ro tăng lên, cổ phiếu cũng bớt rẻ.

Bàn tròn chứng khoán: Thị trường không còn hấp dẫn, nhưng vẫn có nhóm cổ phiếu tiềm năng ảnh 3

 Ông Phan Dũng Khánh

Hiện các cổ phiếu có thông tin về M&A, bán vốn nhà nước, các penny đang hút được dòng tiền. Nhà đầu tư nên quan sát các nhóm này để kiếm được lợi nhuận và theo dõi chuyển động của tiền trên thị trường trong từng giai đoạn để có thể sớm nhận ra các ngành nghề tiềm năng tăng giá.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng phòng môi giới, CTCK Agriseco

Giai đoạn hiện tại, dòng tiền lớn đang tập trung vào ngành ngân hàng và khả năng sẽ tiếp diễn trong các phiên tới. Hiện nay, mặt bằng P/E của VN-Index đang khá cao so với quá khứ, tuy nhiên đâu đó vẫn còn nhiều ngành và nhóm cổ phiếu có mức tăng giá chưa tương xứng với tăng trưởng lợi nhuận.

Mức định giá của nhóm ngành thép là khá rẻ so với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ và mức định giá trung bình toàn thị trường.

Nhóm cổ phiếu ngành đá xây dựng và hạ tầng khu công nghiệp vẫn còn dư địa tăng trưởng ở phía trước và hiện có mức định giá khá hấp dẫn khi chưa lên giá nhiều kể từ đầu năm.

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Nghiên cứu, CTCK Maritime (MSI)

Như tôi đề cập ở trên, P/E chung thị trường hiện lên mức 16.6, cao nhất kể từ năm 2008 và thị trường ở mức hiện tại không còn nhiều hấp dẫn để thu hút dòng vốn đầu tư mới vào thị trường. Thậm chí, có nhiều cổ phiếu ở mức định giá quá cao trong khi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cho những cổ phiếu điều này rát hạn chế.

Ngoài ra, hầu như kỳ vọng việc tăng trưởng trong năm 2017 đã phản ánh hầu hết vào giá trị trong nửa đầu năm 2017, do đó việc tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn của các nhà đầu tư không còn nhiều.

Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, tôi kỳ vọng nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhóm ngành phân phối bán lẻ, nhóm ngành thực phẩm và đồ uống, lĩnh vực tài chính-bảo hiểm và các công ty thuộc lĩnh vực tiện ích sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nửa cuối 2017 và đầu năm 2018.  

Tin bài liên quan