Bàn tròn chứng khoán: Tạm thời giảm tỷ trọng cổ phiếu thị trường

Bàn tròn chứng khoán: Tạm thời giảm tỷ trọng cổ phiếu thị trường

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này, các chuyên gia có những khuyến nghị đầu tư trái chiều nhau, nhưng đều thống nhất rằng, giai đoạn tới, nhà đầu tư nên tập trung quan sát thị trường để thích nghi với hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" đang xảy ra và tự tạo cơ hội cho chính mình với các nhịp uptrend mới.

Với mức tăng trần và khối lượng giao dịch lập kỷ lục (9,27 triệu đơn vị), cổ phiếu VNM đã góp phần đưa chỉ số VN-Index lên đỉnh mới (868,21 điểm). Thị trường tăng liên tiếp trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư là điều đáng mừng, hay có gì đó đáng lưu ý không, theo ông?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng

Lưu ý lớn nhất đó chính là thị trường vẫn lên nhờ các Big-Caps (BCs) trong suốt hơn 2 tháng qua.

Lúc đầu thị trường tăng điểm chủ yếu nhờ ROS và SAB, nay 2 mã đó suy yếu thì VNM, VCB, GAS, VIC nổi lên trong bối cảnh các mã giảm vẫn áp đảo mã tăng.

VNM tăng trần chủ yếu nhờ thông tin đấu giá với giá trúng thầu cao hơn thị giá, làm các nhà đầu tư hào hứng.

Vì vậy, nhìn bên ngoài thấy thị trường tăng như vũ bão, nhưng các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận không nhiều, thậm chí nhiều người con thua lỗ.

Nếu tính trong tháng 9 và tháng 10 ở những mã có thanh khoản, phải 70-80% số mã là giảm điểm với thanh khoản thấp, khối ngoại bán ròng.

Mặc dù vậy, bước sang tháng 11, thanh khoản có được cải thiện, khối ngoại mua ròng trở lại với thị trường tăng điểm đều hơn dù số mã giảm vẫn áp đảo nhưng cũng là điều tích cực.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc CTCK MBS
Với hiện tượng VNM tăng trần kéo mạnh chỉ số trong phiên cuối tuần vừa qua, tôi có 2 suy nghĩ trái ngược như sau:

Dòng tiền hiện nay đang đổ rất mạnh vào TTCK, đặc biệt là dòng vốn từ nước ngoài cho thấy tiềm năng của TTCK Việt Nam là rất lớn trong trung và dài hạn.
Với tốc độ dòng tiền đổ vào thị trường hiện nay, thì mốc VN-Index 1.000 điểm sẽ không khó để vượt qua vào cuối 2018 - đầu 2019.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, với hiện tượng mã VNM là mã vốn hóa lớn cuối cùng tham gia vào quá trình đẩy chỉ số trong thời gian vừa qua và giá VNM còn cách giá đấu thành công là 13 giá, thì tôi cho rằng, thị trường đang đứng trước khả năng điều chỉnh ngắn hạn khoảng 2 tháng là khá lớn.
Bàn tròn chứng khoán: Tạm thời giảm tỷ trọng cổ phiếu thị trường ảnh 1

 Ông Dương Văn Chung

Các mã vốn hóa lớn hiện nay như ROS, MSN, VIC, GAS... đều đã tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua và đã chạm các vùng kháng cự mạnh, trong khi thị giá VNM chỉ còn cách giá đấu thành công là 13 giá, nên tôi cho rằng động lực kéo chỉ số bằng các mã vốn hóa lớn đang đi vào đoạn kết.
Do đó giai đoạn này nhà đầu tư nên thận trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC đang được cho là yếu tố nâng đỡ thị trường trong tuần qua, nhưng điều thị trường quan tâm là tác động về mặt dài hạn. Theo ông, thị trường chứng khoán kỳ vọng gì sau sự kiến lớn này?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Kỳ vọng tiếp tục tăng điểm bước lên 900 điểm, nhưng điều đáng nói đó chính là sự bền vững chứ không phải "xanh vỏ đỏ lòng".

Điều này cũng sẽ phụ thuộc vào những hiệp định, văn bản ký kết, những ý tưởng từ APEC 2017 đi vào hiện thực, các chính sách của Việt Nam cũng tận dụng được tối đa lợi thế này và các doanh nghiệp Việt Nam đón đầu được xu thế đó. 

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc CTCK MBS

Trong thời gian vừa qua, thị trường tăng điểm cũng nhờ vào một phần yếu tố tâm lý APEC.  

Đó cũng là lý do dòng tiền trong thời gian vừa qua chỉ tập trung vào các mã vốn hóa lớn chứ không đổ vào các mã thông thường.

Nay kỳ họp APEC đã qua và kết thúc tốt đẹp, nên theo tôi yếu tố kỳ vọng đã hết.

Khi các mã vốn hóa lớn đã hoàn thành sứ mệnh thì tôi cho rằng, xác suất giảm điểm trong ngắn hạn khoảng 1 - 2 tháng tới là khá cao.

Điều đặc biệt là thị trường đang vẽ nên bức tranh đối lập. Trong khi nhiều cổ phiếu lập đỉnh mới, thì cũng có những cổ phiếu lập đáy trong lịch sử. Cần lý giải như thế nào về hiện tượng này, theo ông?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Đây là điều đáng buồn khi tôi chứng kiến nhiều nhà đầu tư mua đúng những mã giảm (số lượng nhiều hơn mã tăng) trong giai đoạn này, kể cả các BCs sừng sỏ như HBC, HPG, HSG, BMP, QNS, CSM... đều bị thua lỗ nặng.

Mức độ thua lỗ thậm chí còn nhiều hơn cả những mã PNs vốn tăng giảm với biên độ lớn do nhóm BCs lúc nào cũng được hưởng margin rất cao.

Bàn tròn chứng khoán: Tạm thời giảm tỷ trọng cổ phiếu thị trường ảnh 2

 Ông Phan Dũng Khánh

Hiện tượng này trong lịch sử TTCK cũng đã xảy ra khá nhiều lần. Nếu cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả hay do sàn đi xuống đôi khi không hợp lý như thời điểm này sàn vẫn đi lên và nhiều doanh nghiệp vẫn đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng. 

Lý do hợp lý hơn do dòng tiền chuyển hướng sang nhóm khác, vd VNM, GAS, VCB...vốn im hơi lặng tiếng quá lâu.

Các mã BCs khác bị cắt margin khi giá giảm đến mức độ nào đó khiến những mã này bị bán mạnh hơn và do nhiều nhà đầu tư có lợi nhuận lớn từ các mã trên (kể cả PNs) từ đầu năm nên giai đoạn này cũng là thời điểm chốt lời.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới miền Bắc CTCK MBS

Đây chính là hiện tượng phân hóa mạnh trên thị trường đã diễn ra trong vài năm nay.

Tôi cho rằng, đây là dấu hiệu đáng mừng của thị trường vì nó cho thấy thị trường đang ngày càng chuyên nghiệp hơn khi không còn hiện tượng tăng giảm đồng loạt theo tâm lý bầy đàn nữa.

Những mã có hoạt động kinh doanh tốt và tăng trưởng mạnh sẽ thu hút được dòng tiền còn kinh doanh sa sút hoặc không minh bạch trong kinh doanh thì chắc chắn dòng tiền sẽ ra.

Tôi cho rằng, nhà đầu tư cần phải liên tục trau dồi kiến thức và cập nhật thông tin để thích nghi với hiện tượng này. 

Ở góc độ đầu tư, ông sẽ chọn chiến lược nào ở giai đoạn hiện tại?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Dĩ nhiên dòng tiền vào nhóm nào cần phải đầu tư theo hướng đó, hiện các mã hút được dòng tiền mạnh bao gồm: VNM, VCB, GAS, VIC, VCS, PNJ, ACV, VJC, FPT...

Các nhóm ngân hàng, công nghệ, dầu khí đang được hưởng lợi nhờ giá dầu và hiệu ứng APEC 2017. 

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc CTCK MBS

Với dự báo thị trường chuẩn bị bước vào 1 nhịp điều chỉnh chỉ số trong khoảng 2 tháng tới, tôi cho rằng, giai đoạn này nhà đầu tư nên tạm thời giảm tỷ trọng cổ phiếu trên tài khoản trong 1 tháng tới, đặc biệt là các mã có tính thị trường cao.

Nhưng trong 1 -2 tháng tới, khi thị trường giảm cũng là cơ hội để sàng lọc cổ phiếu có cơ bản tốt chuẩn bị cho uptrend mới vào 2018.

Với những nhà đầu cơ nhạy bén với thị trường có thể cân nhắc Short VN30 khi VNM tiệm cận 186 - 190 (động lực tăng giá cuối cùng của thị trường).

Tin bài liên quan