Bàn tròn chứng khoán: Dư địa tăng trưởng của nhóm bluechip

Bàn tròn chứng khoán: Dư địa tăng trưởng của nhóm bluechip

(ĐTCK) Các mã bluechip là điểm tựa chính giúp VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ trong tháng 8 trước bối cảnh thị trường chịu tác động bởi khá nhiều thông tin tiêu cực từ quốc tế. Liệu nhóm cổ phiếu này còn nhiều dư địa tăng trưởng để thị trường chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm trong tháng 9? Cùng Báo Đầu tư chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

 TTCK tháng 8 có có diễn biến khá “giật cục” khi chỉ số VN-Index ghi nhận biến động rất mạnh trong cùng một phiên, dù vậy chốt tháng 8, chỉ số VN-Index chỉ ghi nhận giảm hơn 1%, đạt 984,06 điểm, thanh khoản vẫn ghi nhận ở mức thấp. Với những yếu tố hiện tại, ông bà dự báo như thế nào về xu hướng TTCK trong tháng 9, đặc biệt trong tuần đầu tiền sau ngày lễ?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng

Thị trường hiện mang tính tiêu cực nhiều hơn, đặc biệt diễn biến phụ thuộc nhiều vào tin quốc tế như thương chiến, cuộc chiến tiền tệ... chứ không chỉ đơn thuần là tin tức trong nước.

Ngoài ra, khối ngoại có xu hướng bán ròng hơn là mua ròng trong những tuần gần đây cũng làm áp lực lên thị trường, bên cạnh đó, thanh khoản kém cũng cho thấy thị trường giao dịch trầm lắng. Do đó, nhiều khả năng thị trường vẫn tiếp tục duy trì xu thế này nếu những yếu tố trên không được cải thiện.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường tháng 8 năm nay có lẽ không còn ảnh hưởng nhiều từ mùa vu lan âm lịch mà chủ yếu từ thị trường quốc tế nhiều hơn. Dưới biến động khó lường của cuộc thương chiến Mỹ Trung cũng tác động đáng kể đến dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường.

Với gần 2.000 tỷ bán ròng trong tháng 8 rõ ràng đã gây một chút hoang mang cho nhà đầu tư trong nước và trong bối cảnh ấy việc chỉ số VN-Index giữ được giá cũng là một thành công lớn. Những ngày cuối tháng trước nghỉ lễ dù thanh khoản thấp nhưng tình hình giao dịch chung đã cho thấy sự ổn định trở lại và khối ngoại đã ngưng chuỗi bán ròng.

Tháng 9 là tháng kết thúc quý III và cũng là tháng có nhịp kinh doanh sôi nổi chuẩn bị vào giai đoạn nước rút cuối năm, vì vậy thị trường dự báo sẽ nhộp nhịp hơn. Hiện tại, khá nhiều cổ phiếu lớn đang ở vùng giá hỗ trợ khá tốt và vì vật khi nhóm cổ phiếu này hồi phục sẽ thúc đẩy dòng tiền đầu cơ trở lại thị trường.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Theo tôi, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam phần nào vẫn tích cực hơn của thị trường chứng khoán quốc tế trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế hỗn loạn và bất ổn.

Các thị trường chứng khoán quốc tế liên tiếp có các phiên giảm mạnh, giá vàng tăng mạnh, đồng USD mạnh lên và giá hàng hóa lao dốc. Điều này tạo ra tâm lý bất ổn cho giới đầu tư toàn cầu và dòng tiền có xu hướng tiếp tục rút khỏi các thị trường chứng khoán để tìm kênh trú ẩn an toàn như vàng, đồng USD, trái phiếu chính phủ...

Bàn tròn chứng khoán: Dư địa tăng trưởng của nhóm bluechip ảnh 1

Ông Nguyễn Trung Du

Thanh khoản của thị trường Việt Nam trong tuần gần đây sụt giảm đáng kể và sự sôi động cũng dần mất đi thay vào đó là các phiên giao dịch ảm đạm với phần nhiều cổ phiếu chịu áp lực giảm. Hiện thị trường cũng không có nhiều thông tin hỗ trợ đủ mạnh để lấn át đi nỗi lo suy thoái. Do đó, tôi cho rằng, chưa có nhiều hy vọng cho một tháng 9 tươi đẹp vào lúc này và kỳ vọng tích cực nhất là thị trường sideway và cổ phiếu duy trì được sự phân hóa nhất định khi mùa báo cáo tài chính quý III đang dần hé lộ

Liệu sau nhiều lần thử thách với mốc 1.000 điểm, xác suất VN-Index chạm mốc này trong tháng 9 có cao không, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng

Xác suất này theo tôi là vẫn còn nhưng điều quan trọng hơn là chinh phục được có đứng vững được trên mốc đó không hay là sẽ quay đầu đi xuống. Hiện nay, thông tin trong nước không có sự đột phá, thị trường quan tâm nhiều đến tin thế giới như thương chiến, lãi suất, chiến tranh tiền tệ... vẫn chưa có diễn biến tích cực.

Nếu trong thời gian tới những thông tin có tích cực hơn nhưng để giải quyết được những lo ngại này cho nhà đầu tư rõ ràng không thể diễn ra trong ngắn hạn được mà cần thời gian dài. Dòng tiền lớn trên thế giới vẫn đang tập trung vào các kênh như vàng, trái phiếu chính phủ thì TTCK vẫn khó có sự hỗ trợ mạnh được lúc này.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Thị trường đã từng rơi vào điểm đáy thấp nhấp 940 vào giữa tháng 6 và từ đó đến nay chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu hướng đi lên. Dù có vài nhịp điều chỉnh nhưng mỗi nhịp giảm đều không quá sâu và các ngưỡng hỗ trợ thấp đang dần được nâng lên từ 940, 960 và hiện tại là 970.

Dòng tiền vẫn duy trì ở mức khá và vẫn đang chờ cơ hội tham gia thị trường nhiều hơn. Tôi cho rằng ngưỡng 1000 điểm có lẽ không là mục tiêu quá xa và xác suất rất cao thị trường sẽ sớm chinh phục ngưỡng này ngay trong tháng tới.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Nếu nhìn các yếu tố nội tại của thị trường Việt nam thì việc thử thách lại mốc kháng cự 1000 điểm của VN-Index không khó bởi vẫn có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đang có xu hướng tích cực.

Tuy nhiên, việc tăng đơn thuần về điểm số chỉ là điều kiện cần trong khi một xu hướng cần hội tụ nhiều yếu tố như thanh khoản, sự sôi động và các kỳ vọng đủ lớn để tạo ra sóng tăng.

Trong bối cảnh như hiện tại thật khó để kỳ vọng về một sóng tăng bởi những bất ổn vẫn còn tồn tại và những khó khăn với thị trường chứng khoán đang ngày một nhiều hơn

Dòng tiền lớn vẫn cố gắng tạo ra sự tích cực ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn để giúp tâm lý thị trường bình ổn. Với xu hướng này, nhóm bluechips, đặc biệt nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 còn nhiều dư địa tăng trưởng không?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng

Chính vì điều này mới là điều đáng lo bởi vì thị trường giữ được chỉ số chủ yếu phụ thuộc vào một số mã. Như vậy, xu hướng sẽ không bền và lực đỡ cũng khó mà kéo dài mãi nếu thị trường chung, các cổ phiếu khác không tích cực hơn.

Bên cạnh đó, việc những cổ phiếu lớn vẫn giữ giá tốt nghĩa là ở mức cao so với thị trường chung có thể sẽ dẫn tới áp lực bán trong thời gian tới. Nếu điều này xảy ra có thể kéo lùi thị trường hơn nữa. Do vậy, nhìn chung các cổ phiếu khác, ngành nghề và lĩnh vực khác cần phải khởi sắc trong thời gian tới để xu hướng tích cực mới có thể trở nên bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Trong hoạt động giao dịch năm nay thì chỉ số VN30 mang tính điều hướng thị trường rất rõ nét và gần như di chuyển đồng pha đến 95% với VN-Index. Nếu không tính những cổ phiếu có PE quá khác biệt thì PE trung bình trên nhóm cổ phiếu VN30 vẫn ở mức chấp nhận được là gần 16, So với bình quân chung thị trường thì lợi nhuận của nhóm cổ phiếu VN30 đang có hiệu quả gấp đôi với lợi nhuận 6 tháng năm 2019 tăng trung bình 10% so với cùng kỳ.

Có khá nhiều cổ phiếu trong nhóm Vn30 vẫn đang có vùng giá khá hấp dẫn đặc biệt là nhóm ngân hàng nên khả năng khi các tín hiệu kinh tế khởi sắc trở lại thì những cổ phiếu này sẽ chạy rất nhanh.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Mặc dù quan điểm về thị trường chung đang dần thận trọng trở lại, nhưng rõ ràng điều tích cực vẫn là sự phân hóa trên thị trường còn được duy trì. Khi các cổ phiếu dẫn dắt giai đoạn qua như FPT; MWG; PNJ; VCB... tạm dừng đà tăng, thì BID; MBB; VHM; VPB; TCB... lại đóng vai trò mới hỗ trợ điểm số và tâm lý cho thị trường.

Tuy nhiên, trong nội tại thị trường mức độ sôi động giảm đi đáng kể khi dòng tiền có xu hướng chốt lời khỏi các nhóm ngành đã tăng mạnh như bất động sản khu công nghiệp; nhóm cổ phiếu Viettel; thủy sản; dệt may...

Cơ hội mặc dù đang ít dần đi bởi số ít cổ phiếu còn duy trì được đà tăng giá nhưng các cơ hội riêng rẽ hiện vẫn có khi mùa báo cáo tài chính quý 3 đang tới gần và lộ trình thoái vốn của một số doanh nghiệp lớn trong năm 2019 đang tới thời hạn quyết định.

Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng như thế nào trong những tháng cuối năm và có thể tác động như thế nào đến thị trường theo quan điểm của ông/bà? Liệu có quá sớm để đón đầu những cổ phiếu kỳ vọng đạt hiệu quả kinh doanh tốt trong năm 2019?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng

Nhà đầu tư luôn kỳ vọng các doanh nghiệp luôn có kết quả kinh doanh tốt để cổ phiếu cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, nếu đón đầu quá sớm nhất là trong xu thế hiện nay có thể mang lại hậu quả nhiều hơn.

Bàn tròn chứng khoán: Dư địa tăng trưởng của nhóm bluechip ảnh 3

Ông Phan Dũng Khánh

Lý do là kinh tế toàn cầu đang đi xuống, trong nước tăng trưởng cũng chậm hơn, các yếu tố quốc tế như thương chiến, lãi suất đều mang màu sắc tiêu cực ảnh hưởng xấu đến tình hình doanh nghiệp trong nước. Do đó, nếu chỉ đơn thuần là đón đầu mà không xem xét kỹ các yếu tố khác, không có đủ thông tin để phân tích tình hình doanh nghiệp có tăng trưởng được như kỳ vọng không thì sẽ là một rủi ro lớn do năm nay thị trường khó khăn hơn các năm trước nên sự thận trọng là cần thiết.

Vì vậy, các nhà đầu tư nên phân tích kỹ hơn, đắn đo nhiều hơn, cân nhắc hơn trước khi xuống tiền, nhất là trong giai đoạn người cầm tiền có ưu thế hơn người cầm hàng nên không việc gì phải vội vã sợ mất cơ hội, mà có khi cơ hội đến sau lại tốt hơn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Năm nay có nhiều biến số bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của doanh nghiệp, vì vậy lợi nhuận chung của thị trường chỉ tăng trung bình 5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần nhất và thậm chí số doanh nghiệp báo lỗ chiếm đến 15% và thêm 1/3 các doanh nghiệp có lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ.

Những công ty thuộc các nhóm ngành ngân hàng, bán lẻ và bất động sản là thuộc top tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất trên 15% và điều này cũng đã phản ảnh vào giá trị cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm ở hàng loạt cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, nhóm bán lẻ mà đã tạo nên những đợt sóng tăng ấn tượng vừa qua.

Những nhóm ngành này lại có chu kỳ kinh doanh tăng trưởng mạnh vào 6 tháng cuối năm vì vậy đây là cơ hội tốt nhất để nhà đầu tư lựa chọn doanh nghiệp tăng trưởng và tiếp tục còn dư địa phát triển những năm sau đó.

Một số cổ phiếu đã tăng giá quá nhanh và đã phản ánh hết kỳ vọng cả năm vào giá trị và vì vậy nhà đầu tư nên ưu tiên chọn những cổ phiếu còn tiềm năng tăng trưởng cho năm sau và giá đang tích lũy sẽ hiệu quả hơn. 

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Tôi cho rằng mặc dù triển vọng thị trường vẫn khá khiêm tốn trong giai đoạn này và ngay cả năm 2019 thì bức tranh riêng lẻ của nhiều doanh nghiệp vẫn rất tốt. Nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, thép có kết quả kinh doanh kém tích cực so với 2018, nhưng các nhóm ngành công nghệ thông tin; bán lẻ; bất động sản khu công nghiệp; hay một số doanh nghiệp đơn lẻ khác...vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh.

Thông thường, việc đón đầu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hay không tùy thuộc vào phương pháp của nhà đầu tư thiên về đầu cơ ngắn hạn hay đầu tư dài và cũng tùy vào việc giá cổ phiếu đã phản ánh hết kỳ vọng của doanh nghiệp hay chưa. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì cơ hội đủ tốt chỉ xuất hiện ở những nhóm ngành và doanh nghiệp tăng trưởng nên dòng tiền vẫn sẽ tập trung chủ yếu ở nhóm ngành này để tìm kiếm cơ hội.

Do đó, nếu muốn kiếm lợi nhuận và hạn chế rủi ro thì vẫn nên tập trung vào các nhóm ngành ấy bởi các nhóm ngành mạnh nhất thị trường luôn có mức tăng tốt nhất khi thị trường tích cực và cũng có mức giảm thấp khi thị trường chung có rủi ro đi xuống.

Tin bài liên quan