Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội đầu tư đã đến?

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội đầu tư đã đến?

(ĐTCK) Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch khá thảm hại khi hầu hết các cổ phiếu giao dịch đều giảm sâu. Liệu cơ hội sẽ sớm đến với nhóm cổ phiếu không chịu nhiều tác động từ dịch bệnh hay nhóm cổ phiếu nào? Cùng Báo Đầu tư chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

Tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index ghi nhận giảm mạnh nhất trong lịch sử khi đã “bốc hơi” hơn 130 điểm, tương ứng giảm 14%. Vốn hóa thị trường ước tính giảm  gần 25 tỷ USD. Nhà đầu tư có đang phản ứng “thái quá” với thị trường không, theo các ông/bà?  Sau những cam kết hỗ trợ từ Chính Phủ, từ những trấn an của UBCK, diễn biến của thị trường trong tuần tới có chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn?

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách nghiên cứu thị trường, CTCK Vietinbank

Chắc chắn đây là phản ứng có phần thái quá của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đây là điều dễ hiểu trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ và diễn biến của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, phần nhiều nhà đầu tư vẫn mang tâm lý đám đông (một điều khá phổ biến ngay cả với những thị trường chứng khoán đã rất phát triển như Mỹ) và không phải ai cũng có khả năng bình tĩnh để đánh giá tình hình và hành động một cách lý tính trước những biến đổi hoặc sự kiện bất ngờ như vậy.

Mặt khác, qua diễn biến của phiên giao dịch cuối tuần 13/3/2020, chỉ số VN-Index đã hồi phục khá tốt nhờ dòng tiền bắt đáy đã tham gia một cách tự tin hơn. Do đó, chúng tôi cho rằng, ít nhất đà rơi của chỉ số sẽ tạm thời chững lại và cũng không loại trừ kịch bản thị trường chứng khoán sẽ có một nhịp hồi phục ngắn hạn tương đối khả thi.

Tuy vậy, để có thể đánh giá và nhận định thị trường một cách toàn diện hơn cần phải tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch bệnh cũng như “mức độ hiệu quả” mà những chính sách hỗ trợ thị trường được áp dụng.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

VN-Index trên biểu đồ của tôi đã đi vào vùng quá bán, cũng tức là nhà đầu tư đã phản ứng thái quá (theo quan điểm cá nhân). Tuy nhiên, không thể vì thế mà trách nhà đầu tư theo kiểu “anh bán tháo như thế ảnh hưởng đến cả chúng tôi, đến cả thị trường”, bởi vì có lẽ không ít người bị áp lực margin call mà phải bán, hay bị ai đó “dọa” theo kiểu index sẽ về 600.

Thậm chí, theo quan sát thì tôi nghĩ có thể có cả tổ chức, thậm chí quỹ đầu tư nước ngoài đang bán mạnh cổ phiếu, chứng tỏ họ vẫn e ngại về diễn biến giá cổ phiếu trong tương lai.

Ngoài ra, có 1 yếu tố lớn đang chi phối tâm lý nhiều nhà đầu tư, đó là tình trạng bán tháo đang diễn ra trên khắp các sàn chứng khoán thế giới. Tuần qua, chúng ta có trải nghiệm lớn trong đời là được chứng kiến TTCK Mỹ và nhiều nơi khác phải sử dụng công cụ “ngắt mạch”, tạm ngưng giao dịch.

Những phiên VN-Index giảm mạnh trong tuần qua cũng là những phiên các chỉ số chứng khoán thế giới giảm mạnh, thậm chí còn giảm mạnh hơn. Nói cách khác, VN-Index giảm vậy là còn khiêm tốn, do cổ phiếu trên HOSE chịu biên độ giá có 7% thôi. Tuy vậy, chừng nào chứng khoán thế giới còn giảm, tôi nghĩ VN-Index khó mà đi ngược lại.

Hiện nay, bên cạnh việc Chính phủ đưa ra những gói hỗ trợ doanh nghiệp, thì UBCKNN cũng bắt đầu đưa ra những cam kết hay đề xuất các giải pháp hỗ trợ TTCK lên Bộ Tài chính. Điều này là rất cần thiết, tuy nhiên để tác động ngay lên tâm lý nhà đầu tư thì có lẽ chưa đủ. Bởi vì như tôi nói ở trên, diễn biến chứng khoán Việt Nam còn chịu ảnh hưởng theo diễn biến chứng khoán thế giới. Tôi chỉ kỳ vọng những giải pháp của UBCKNN sẽ giúp ngăn các phiên bán tháo.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường trong thời gian vừa qua đã thử thách lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư quá lâu qua nhiều đợt hồi phục ngắn nhưng chỉ được vài phiên rồi lại nhún sâu hơn. Các tin xấu liên tục xuất hiện từ Trung Quốc rồi đến Hàn Quốc và hiện tại đã lan sang châu Âu với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Việc nhà đầu tư bán tháo có nhiều nguyên nhân trước tiên là việc rút ròng quá mạnh của các nhóm nhà đầu tư nước ngoài là hụt dòng tiền thị trường và buộc nhà đầu tư phải cắt lỗ để bảo toàn danh mục.

Khi giá cổ phiếu rơi trên 30% thì tất yếu dẫn việc xử lý margin hàng loạt. Thị trường chỉ đảo chiều sau khi hoạt động xử lý margin đã tăng cường vào buổi sáng và thông tin các quốc gia châu Âu bắt đầu mạnh tay hơn trong việc chống dịch.

Trong thời gian qua, nhà đầu tư cũng khá theo sát diễn biến của chứng khoán Mỹ và chỉ số DJ futures vì vậy hay có động thái hành động trước khi nhận thấy tín hiệu có thể hồi phục từ thị trường Mỹ. Với những thông tin cuối tuần có vẻ lạc quan hơn tý nhờ thái độ ứng phó dịch bệnh của Mỹ và các nước châu Âu quyết liệt hơn cùng các gói kích thích kinh tế lớn sẽ giúp thị trường quốc tế hồi phục trong ngắn hạn.

Thị trường Việt Nam cũng sẽ chung xu thế này, tuy nhiên cũng cần biết rằng những tín hiệu lạc quan này chỉ trong ngắn hạn và thị trường sẽ còn thêm vài đợt rung lắc nữa cho đến khi thế giới kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt 

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Quan điểm kỹ thuật: Tín hiệu kỹ thuật ngắn và trung hạn của thị trường vẫn duy trì ở mức Tiêu cực. Ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-Index, VN30 và HNX-Index là vùng 790 điểm, 745 điểm và 103,5 điểm. Trong khi đó, các hỗ trợ của 3 chỉ số này lần lượt nằm tại 760 điểm, 715 điểm và 101 điểm.

Dự báo trong tuần tới, dấu hiệu đảo chiều trong quan hệ cung – cầu tại vùng hỗ trợ, được tạo nên bởi sự mạnh lên của lực mua giá thấp có thể giúp thị trường xuất hiện sự hồi phục. Chúng tôi đưa ra hai kịch bản với VN-Index: 1) Kịch bản trung bình: VN-Index hồi phục nhanh từ 1-2 phiên lên vùng quanh 810 điểm sau đó sẽ giảm trở lại; 2) Kịch bản tích cực: VN-Index sẽ có những nhịp ổn định vào đầu tuần, trước khi hồi phục mạnh hơn về phía cuối tuần lên vùng quanh 860 điểm. 

Ngoài ra, khối ngoại bán ròng 28,9 triệu USD cổ phiếu trên sàn HOSE – phiên bán ròng thứ 24 liên tiếp. đây cũng là lực cản tâm lý lớn đối với nhà đầu tư, tuy nhiên với việc giá đã giảm quá sâu thì lực cầu bắt đáy xuất hiện tạo nên tâm lý ổn định trở lại cho nhà đầu tư.

Không phân biệt ngành nghề tác động, không phân biệt bluechips hay penny, cổ phiếu dường như đang bị “đánh đồng” như nhau. Nhìn về giá trị giao dịch, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm chuyển nhượng. Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội đối với các nhóm cổ phiếu không chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, nhưng vẫn giảm giá theo đà giảm của thị trường, và đó là nhóm cổ phiếu nào?

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách nghiên cứu thị trường, CTCK Vietinbank

Các nhóm cổ phiếu cung cấp nhu yếu phẩm, dịch vụ thiết yếu như bán lẻ, cung cấp điện nước, y tế và thiết bị y tế nhìn chung sẽ là những nhóm cổ phiếu phòng thủ, có tác dụng “tránh bão” khá tốt.

Tuy nhiên, thực thế lại cho thấy khi thị trường rơi vào tình trạng hoảng loạn bán tháo thì phần lớn tất cả cổ phiếu (kể cả những cổ phiếu thuộc nhóm trên) cũng khó mà không bị ảnh hưởng tiêu cực theo, mặc dù tác động tiêu cực có thể khống quá lớn.

Dù sao thì đây cũng là lựa chọn không tồi cho tầm nhìn trung dài hạn cho những nhà đầu tư trường vốn và có tính nhẫn nại cao.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ cổ phiếu đã giảm mạnh không phân biệt nhóm ngành, không phân biệt vốn hóa thì cơ hội cũng không có phân biệt gì cả. Đối với những nhà đầu tư thích bắt đáy ngắn hạn, thì có lẽ họ sẽ tìm các cổ phiếu giảm sâu, với kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ bật mạnh (như hiệu ứng quả bóng nảy lên sau khi rơi chạm đất). Cổ phiếu rơi vào vùng quá bán cũng được họ chú ý. Còn đối với nhà đầu tư giá trị, thì nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp chịu thiệt hại từ dịch bệnh, cũng giảm quá sâu, nên trở nên hấp dẫn theo lối suy nghĩ “đã phản ánh vào giá”.

Ngân hàng, có lẽ trong con mắt nhiều người, là nhóm ngành chịu thiệt hại gián tiếp từ dịch bệnh, nên cổ phiếu cũng giảm giá. Tuần qua có không ít mã giảm mạnh như BID, VPB, TCB, MBB, HDB hay STB. Tuy nhiên nếu tính từ Tết âm lịch đến nay, thì ngân hàng không có nhiều mã giảm sâu so với những largecap của những nhóm ngành khác, trừ BID, hay HDB. Thống kê như vậy cho thấy ngân hàng vẫn là nhóm rất được chú ý, và dự báo sẽ bật mạnh khi TTCK hồi phục.

Tương tự như ngân hàng, có những nhóm ngành khác không chịu thiêt hại trực tiếp từ dịch bệnh, ví dụ như bảo hiểm, dược, thực phẩm thiết yếu, điện nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ online… hay chứng khoán. Giá cổ phiếu những nhóm này cũng giảm thời gian qua, do đó cũng tạo ra rất nhiều cơ hội, dù có lẽ không bằng ngân hàng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Khi thị trường chung giảm điểm thì nhiều cổ phiếu dù về mặt cơ bản hoạt động vẫn tăng trưởng, không ảnh hưởng nhiều về dịch bệnh nhưng vẫn xu hướng giảm do nằm trong rổ danh mục đầu tư chung của nhà đầu tư phải thu hẹp.

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội đầu tư đã đến? ảnh 2

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Một số lớn các cổ phiếu thuộc nhóm dược phẩm, điện, bất động sản hay đầu tư khu công nghiệp đều bị tác động theo thị trường bất chấp kết quả kinh doanh triển vọng thế nào.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng đang hoạt động hiệu quả, có tin tốt cũng chịu áp lực bán ra ngắn hạn nhưng nhìn chung những cổ phiếu đóng vai trò chủ đạo và các ngành xương sống của kinh tế như bất động sản và phát triển khu công nghiệp sẽ sớm phục hồi sau đợt thanh lọc mạnh của thị trường. Sẽ còn vài đợt điều chỉnh ngắn nhưng cho đến lúc này khá nhiều cổ phiếu đã đi vào vùng giá hấp dẫn để tích lũy.

Có thể thấy, doanh nghiệp đang là chủ thể chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch Covid 19. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ cụ thể hoá bằng việc tung ra gói hỗ trợ kép, đó là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng. Hai gói “cứu trợ” được cho là có tác dụng san sẻ rủi ro giữa các thành phần kinh tế, thay vì bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Ông/bà đánh giá như thế nào về động thái này?

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách nghiên cứu thị trường, CTCK Vietinbank

Những hành động hỗ trợ từ phía ngân hàng sẽ giúp giảm tải áp lực đối với các doanh nghiệp khi hầu hết gặp phải tình trạng ngưng trệ sản xuất do nguồn cung bị cắt đứt trong khi vẫn phải gánh các chi phí trả lương nhân viên, chi phí lãi và các loại phí duy trì hoạt động khác.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn có sử dụng nguồn vốn đi vay lớn, các biện pháp hỗ trợ này giúp các doanh nghiệp giảm được một lượng thâm hụt đáng kể cũng như giảm thiểu được những đánh giá tiêu cực về khả năng thanh toán.

Mặt khác, hỗ trợ các khoản vay hiện tại còn tác động tích cực lên chính hệ thống ngành ngân hàng. Với việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ tránh được việc phải ghi nhận thêm nhiều khoản nợ xấu trong ngắn hạn, nguyên nhân khiến cho các chỉ tiêu đánh giá của cổ phiếu ngân hàng xấu đi đáng kể.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Như đã nói ở trên, tôi nghĩ là chưa đủ, bởi vì nhà đầu tư còn chịu tác động tâm lý từ diễn biến chứng khoán thế giới.

Tuần qua các chỉ số chứng khoán thế giới dao động với biên độ quá lớn, nên ảnh hưởng át hết các yếu tố khác. Ít nhất thì những chỉ số đó phải bớt đà giảm mạnh trong tuần sau thì nhà đầu tư mới nhớ đến những yếu tố khác, đến các gói kích thích, hỗ trợ của Chính phủ hay UBCKNN.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Gói cứu trợ kinh tế vừa rồi của chính phủ hiện tại là một liều oxy cần thiết để cứu cho nền kinh tế đang rất khó khăn hiện tại. Hiện chưa rõ ràng là các gói cứu trợ có liên quan đến khoản tín dụng mới được bơm vào các ngân hàng thương mại để đưa vào nền kinh tế hay không.

Có thể các gói hỗ trợ sẽ tập trung vào việc giãn nợ, tạm dừng thu các khoản thuế như GTGT, giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp và một phần dành cho các gói tín dụng đặc biệt cho các ngành nghề cần hỗ trợ đặc biệt. Các quốc gia hiện nay đều đưa các gói cứu trợ kinh tế khác nhau và Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó và có thể về dài hạn cần thêm nhiều gói hỗ trợ bổ sung khác.

Tình hình chung hiện nay là cả nền kinh tế đang chững lại với tổng cầu đang giảm mạnh do hạn chế chi tiêu lo ngại dịch bệnh vì vậy ngoài các biện pháp kích cầu nhà nước sẽ tăng cường hoạt động đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng bù đắp.

Ở thời điểm này, ông/bà nghiêng về chiến lược đứng yên hay tìm cơ hội đối với những cổ phiếu đã giảm sâu?

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phụ trách nghiên cứu thị trường, CTCK Vietinbank

Với nhận định thận trọng thì tôi vẫn ưu tiên duy trì phần lớn tiền mặt và chọn lựa đứng ngoài thị trường cho đến khi đã xác định được việc thị trường tạo đáy (phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh) trước khi quyết định tham gia trở lại.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ đối với nhà đầu tư lướt sóng, hôm thứ Sáu đã là 1 cơ hội bắt đáy và đánh cược T3. Nếu thị trường hồi, họ sẽ chuyển sang T4, T5… và lời nhiều hơn nữa.

Nếu thị trường còn xuống, họ sẽ cắt lỗ, thoát ra và chờ cơ hội T3 tiếp theo. Điều căn bản là họ chấp nhận rủi ro lỗ, và thích tìm cơ hội trong nguy cơ. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư giá trị, nhất nếu là những người sợ lỗ, thì nên ngồi im.

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội đầu tư đã đến? ảnh 3

Ông Hoàng Thạch Lân

Dù mua bây giờ cũng có thể được (nếu có tư duy như 1 nhà đầu tư tổ chức), bởi vì nhiều cổ phiếu cũng đã rất rẻ, nhưng nếu sợ lỗ, muốn an toàn thì nên theo dõi trong những phiên đầu tuần sau. Không phải tôi nói khích tướng, nhưng rõ ràng mua khi cổ phiếu đang vào trend tăng thì an toàn hơn khi cổ phiếu chưa rõ có tạo đáy hay không. Ở giai đoạn này, yếu tố căn bản giúp TTCK hồi phục trở lại là vắc xin ngăn dịch.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Hoạt động doanh nghiệp năm nay sẽ khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nợ vay lớn trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ quá lâu. Ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực có độ an toàn cao như giáo dục cũng lâm vào tình cảnh ngặt nghèo.

Theo mức định giá hiện tại thì giá cổ phiếu đã khá rẻ nhưng nếu dự phóng cho kết quả kinh doanh năm nay sụt giảm từ 10%-30% thì có lẽ nhiều doanh nghiệp sẽ cần mức giá rẻ hơn nữa. Dĩ nhiên có nhiều doanh nghiệp miễn nhiễm với dịch bệnh vì vậy khi thị trường bán tháo như vừa rồi là cơ hội tốt để mua vào. Làn sóng bán cổ phiếu của các dòng P-note sẽ hạ nhiệt dần trong giai đoạn tới giúp thị trường cân đối dòng tiền tốt hơn.

Theo quan sát của tôi, tình hình dịch bệnh sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp khi nhiều quốc gia đang ở trong tình trạng bùng phát mạnh. Tại Hàn Quốc, dịch đạt đỉnh và giảm dần trong 2 tuần lễ và kịch bản này có thể lặp lại với Mỹ và châu Âu trong 10 ngày tới.

Lạc quan nhất là trong đầu tuần thị trường sẽ hồi phục khá trong vài ngày nhưng khả năng vẫn còn nhiều đợt rung lắc mạnh trong vài tuần tới vì vậy nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rơi mạnh để tích lũy dần cổ phiếu mục tiêu. 

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt 

Với việc VN-Index đã chạm vào vùng hỗ trợ mục tiêu cùng với diễn biến đảo chiều như dự tính, chúng tôi mở khuyến nghị mua ngắn hạn dành cho các nhà đầu tư mạo hiểm, tuy vậy chỉ với một tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải.nha đầu tư thận trọng nên đứng yên.

Tin bài liên quan