Bàn tròn chứng khoán: Bluechip sẽ bị chốt lời?

Bàn tròn chứng khoán: Bluechip sẽ bị chốt lời?

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch đầy hứng khởi với những phiên giao dịch tăng vọt, thậm chí đạt kỷ lục về mức tăng trưởng như trong phiên 6/4. Liệu nhóm cổ phiếu bluechip còn giữ được phong độ ấn tượng để tiếp sức thị trường tiếp tục tiến bước hay sẽ gặp áp lực chốt lời mạnh? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần mới.

Một cách tổng quan, TTCK đã có một tuần hồi phục và các chỉ số bắt đầu hướng đến ngưỡng kháng cự mới. Các ông/bà có cách tiếp cận như thế nào về xu hướng giao dịch trong tuần tới?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu VCBS

Áp lực bán ròng mạnh diễn ra liên tục trong tuần từ nhà đầu tư ngoại với tính chất cơ cấu lại danh mục vẫn đang hiện hữu đã góp phần gia tăng áp lực tâm lý lên nhà đầu tư nói chung và hạn chế triển vọng hồi phục của thị trường.

Mặt khác, áp lực chốt lời từ dòng tiền bắt đáy trong tuần trước cũng gia tăng đáng kể khi chỉ số VN Index vượt lên trên 750 điểm. Do vậy, chúng tôi cho rằng trong tuần tới, thị trường có thể trải qua một vài nhịp “rung lắc” và thậm chí là điều chỉnh giảm.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Tôi nghiêng về kịch bản đi ngang và không loại trừ rủi ro điều chỉnh của chỉ số trong tuần tới bởi (i) áp lực chốt lời sẽ gia tăng khi chỉ số và nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn đã tiến sát vùng kháng cự mạnh;

(ii) thị trường sẽ bắt đầu cảm nhận rõ rệt hơn những hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 1 cũng như những chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế;

(iii) áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ chưa thể lắng xuống do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp trong khi vẫn còn quá sớm để kết luận Việt Nam đã kiểm soát hoàn toàn tình hình dịch bệnh. 

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV

VN-Index có tuần tăng điểm mạnh 8%, có một số điểm hỗ trợ xu hướng hồi phục: (1) Các TTCK chủ chốt tăng điểm mạnh, điển hình TTCK Mỹ tăng 12%; (2) Nhiều thông tin hỗ trợ từ chính phủ các nước và Việt nam; (3) Dịch có dấu hiệu tạo đỉnh tại châu Âu và kiểm soát tại Việt Nam; (4) Các cổ phiếu chủ chốt giảm giá sâu kích thích hoạt động bắt đáy và mở vị thế mua và (5) Thị trường đón nhận dòng tiền mới từ khối nhà đầu tư trong nước thông qua hoạt động mở tài khoản giao dịch tăng mạnh trong tháng 3.

Bàn tròn chứng khoán: Bluechip sẽ bị chốt lời? ảnh 1

Ông Bùi Nguyên Khoa

Tuần tới, những yếu tố hỗ trợ mạnh sẽ không còn nhiều dư địa trong khi nhà đầu tư phải đối mặt với thực tế thông qua các số liệu tăng trưởng GDP và công bố kết quả kinh doanh quý I các công ty niêm yết trên bình diện quốc tế và trong nước.

Mặt khác, sự hồi phục nhanh của thị trường quốc tế và trong nước sẽ kéo theo hoạt động chốt lãi vị thế ngắn hạn. Thị trường sẽ diễn biến giằng co phân hóa hơn là khả năng tăng điểm mạnh như tuần này.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Chỉ số VN-Index đã giảm nhẹ 0,3% trong phiên cuối tuần, kết thúc chuỗi tăng điểm trong 7 phiên liên tiếp. Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index đã tăng 8% - mức tăng phần trăm theo tuần cao nhất kể từ tháng 1/2013.

Quan điểm kỹ thuật: Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn duy trì ở mức Tích cực đối với tất cả các chỉ số chứng khoán với các ngưỡng hỗ trợ gần nhất đối với VN-Index, VN30 và HNX-Index là 750 điểm, 692 điểm và 104 điểm. Mặc dù vậy, lực cầu giá cao vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy đà tăng điểm tiếp theo của thị trường.

Dự báo trong phiên tới, thị trường sẽ tiếp tục có những nỗ lực tăng điểm để VN-Index hướng lên vùng kháng cự tại 775-800 điểm, còn VN30 sẽ kiểm định kháng cự ngắn hạn tại 700 điểm. Sự giằng co mạnh có thể sẽ tiếp tục diễn ra khi mà lực cung được thúc đẩy từ kháng cự nói trên của VN-Index được chúng tôi đánh giá là khá vững chắc, trong khi đường MA5 tại 750 điểm của chỉ số này đang đóng vai trò hỗ trợ cho lực cầu. Nhiều khả năng thị trường sẽ xuất hiện thêm một vài phiên tăng/giảm nhẹ nữa vào đầu tuần tới, trước khi phát ra tín hiệu rõ ràng hơn về việc điều chỉnh giảm hoặc tạo đỉnh ngắn hạn.

Tăng trở lại sau một đợt giảm sâu, nhiều cổ phiếu đã đạt được mức hồi phục ấn tượng trong tuần, trong đó có khá nhiều bluechip. Trong ngắn hạn, liệu các cổ phiếu này có gặp áp lực chốt lời mạnh không?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu VCBS

Trong số các cổ phiếu đã tăng mạnh trong tuần qua, một số cổ phiếu đã bước vào trạng thái “quá mua” theo các chỉ báo kỹ thuật và nhiều khả năng sẽ gặp áp lực chốt lời ngắn hạn trong tuần sau từ những nhà đầu tư đã bắt đáy trước đó.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Nhịp phục hồi của thị trường thời gian vừa qua có sự đóng góp lớn của dòng tiền đầu cơ, “bắt đáy” những cổ phiếu đã giảm sâu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Bluechip. Với đặc tính ngắn hạn của dòng tiền đầu cơ, tôi cho rằng nhiều mã bluechip sẽ đối mặt với áp lực chốt lời mạnh trong thời gian tới, đặc biệt khi triển vọng kinh doanh ngắn hạn của nhóm này còn gặp nhiều thách thức trong khi những chính sách hỗ trợ chưa thể mang tới hiệu ứng tích cực ngay lập tức.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV

Các cổ phiếu chủ chốt giảm giá sâu là cơ hội cho dòng tiền quay lại thị trường khi tâm lý nhà đầu tư ổn định lại. Thời điểm hiện tại thị trường cũng chưa có đánh giá đầy đủ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến kết quả kinh doanh quý I cũng như điều chỉnh dự báo năm với các công ty niêm yết. Hay nói cách khác ở vùng trũng thông tin, các cổ phiếu hồi phục dễ dàng hơn từ vùng giá thấp và có thông tin hỗ trợ.

Các cổ phiếu hồi phục nhanh cũng sẽ đối mặt với áp lực chốt lãi ngắn hạn. Dù vậy, diễn biến giằng co và phân hóa sẽ trở lên rõ rệt hơn khi các công ty niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý I và điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng năm 2020 trong vài tuần tới.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Theo quan điểm của tôi, trong ngắn hạn, một số cổ phiếu sẽ gặp áp lực chốt lời ngắn hạn, đặc biệt các cổ phiếu tăng nhanh, đồng thời với đó là nhà đầu tư cũng chưa hoàn toàn tin tưởng vào việc thị trường hồi phục.

Bàn tròn chứng khoán: Bluechip sẽ bị chốt lời? ảnh 2

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Ngoài ra, số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 31.949 tài khoản chứng khoán trong tháng 3/2020, con số cao nhất trong vòng 2 năm qua. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 31.832 tài khoản và nhà đầu tư tổ chức mở mới 117 tài khoản. Điều này cho thấy, nhà đầu tư sô 0 bắt đáy thị trường khá nhiều và do vậy, tâm lý chốt lời ngắn hạn cũng nhiều.

Trong quý I/2020, giá trị dòng vốn ETF rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên tại khu vực Đông Nam Á đạt 283 triệu USD, chiếm khoảng 3,7% so với tổng giá trị bán ròng của khối ngoại tại các thị trường này. Trong đó, ước tính quỹ ETF VN30 và 3 quỹ ETF ngoại gồm VNM ETF, FTSE VN ETF và Premia VN ETF đã rút ròng 47,4 triệu USD. Ngược lại, các nhà đầu tư trong nước dường như đóng vai trò lực đỡ của thị trường khi thực hiện mua ròng 1.850 tỷ đồng trong quý đầu năm. Có thể nhìn thấy được điều gì từ con số thống kê này, theo các ông/bà (dòng tiền này có tính bền vững không hay mang tính đầu cơ nhiều hơn)?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu VCBS

Trái ngược với những giai đoạn trước, chúng tôi cho rằng dòng vốn nội mua ròng cổ phiếu không phải là dòng tiền nóng như thường thấy trước đây mà mang tính đầu tư trung – dài hạn nhiều hơn.

Cần nhìn nhận rằng chỉ số VN-Index đã trở về giai đoạn năm 2017 (trước khi tạo đỉnh trong nửa đầu năm 2018) với nhiều cổ phiếu có mức giá giảm sâu hơn chỉ số chung rất nhiều bất kể tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặc dù sẽ cần thời gian để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng vào triển vọng của khối doanh nghiệp Việt Nam và cho rằng sự đình trệ đầu tư – sản xuất đang diễn ra chỉ là mang tính gián đoạn tạm thời và đà phục hồi sẽ trở lại hơn trong nửa cuối năm nay. Do vậy, tôi cho rằng dòng tiền mang tính “nội lực” thực sự đang xuất hiện sẽ giúp thị trường có diễn biến tích cực hơn trong nửa cuối năm nay.

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Với một môi trường biến động tiêu cực và tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự phân hóa giữa dòng tiền ETF và khối nội là khó tránh khỏi. Áp lực bán ròng ETF ở Việt Nam chịu sự ảnh hưởng mạnh từ xu hướng rút ròng chung ở các thị trường mới nổi do những lo ngại của nhà đầu tư toàn cầu về sự kéo dài của dịch bệnh Covid-19 có thể đẩy kinh tế thế giới rơi vào vòng xoáy suy thoái.

Ông Lê Anh Tùng

Trong khi đó, lực mua ròng trong nước được xem là sự kết hợp giữa dòng tiền mang tính trung/dài hạn với những kì vọng vào gói kích cầu kinh tế mạnh mẽ của chính phủ; và dòng tiền mang tính đầu cơ, bị thu hút bởi việc nhiều cổ phiếu đã lùi về những vùng hỗ trợ hấp dẫn.

Dù vậy, tôi chưa đánh giá cao tính bền vững của dòng tiền trong nước khi nhóm đầu cơ có thể sớm rút lui, chốt lời những cổ phiếu tiếp cận vùng kháng cự ngắn hạn; trong khi dòng tiền nắm giữ trung/dài hạn tỏ ra khá thận trọng trước những rủi ro, bất ổn cao của thị trường.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV

Nhà đầu tư nước ngoài luôn đóng vai trò ổn định thị trường ở những nhịp biến động giảm mạnh. Ở những thời điểm này, khối ngoại luôn đóng vai trò mua vào trước hoạt động bán tháo của khối nhà đầu tư trong nước.

Trong quý I/2020, khối ngoại duy trì đà bán rất mạnh ngay cả khi thị trường đã giảm rất sâu. Điều này có thể đến từ: (1) Xu hướng chung dòng vốn quốc tế rút vốn từ các thị trường mới nổi và thị trường biên; (2) Nhà đầu tư nước ngoài hiện chiếm quy mô lớn và các quỹ tổ chức dưới dạng quỹ mở và quỹ ETFs nên hoạt động rút vốn linh hoạt hơn.

Hiện tại, nhà đầu tư trong nước tranh thủ nhịp giảm điểm để đẩy mạnh mua vào và đặc biệt khả năng có dòng tiền mới từ việc tài khoản mở mới được đẩy mạnh trong tháng 3 là điều khá thú vị. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư trong nước đã có bước trưởng thành, theo đó không chỉ chạy theo xu hướng tăng nóng mà đã biết lựa chọn các cơ hội đầu tư khi thị trường giảm mạnh.

Dù vậy, dòng tiền nhà đầu tư trong nước chưa bao giờ được đánh giá cao ở tính bền vững và kỷ luật đầu tư. Hoạt động đầu cơ hay đầu tư của nhà đầu tư trong nước cần thời để đánh giá đầy đủ.

Khó có thể cảm nhận rõ ràng về sự hồi phục của một nhóm ngành riêng khi cơ hội và rủi ro đang chia đều cho nhiều nhóm cổ phiếu. Chiến lược nào phù hợp ở giai đoạn này, theo các ông/bà?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu VCBS

Chúng tôi đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực hơn trên thị trường so với giai đoạn tháng 3. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì triển vọng hồi phục của thị trường chung vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó dự đoán từ cả bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.

Do đó, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể chốt lời những cổ phiếu đã đạt lợi nhuận kỳ vọng để bảo vệ thành quả, và chỉ nên xem xét giải ngân với tỉ trọng vừa phải vào một số cổ phiếu vốn hóa trung bình với yếu tố cơ bản tốt và mức định giá thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường.

Bàn tròn chứng khoán: Bluechip sẽ bị chốt lời? ảnh 4

Ông Trần Minh Hoàng

Ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Tôi cho rằng nhịp phục hồi bền vững của thị trường chỉ xuất hiện vào giai đoạn nửa cuối quý II với kì vọng tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ chạm đỉnh vào cuối tháng 6. Bởi vậy, thị trường có thể sẽ diễn biến lình xình với xu hướng giảm điểm chiếm vai trò chủ đạo.

Trước mắt, nhà đầu tư chỉ nên tham gia thị trường ở một tỷ trọng vừa phải và vẫn nên tập trung danh mục ở nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ cao. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể giải ngân ngắn hạn ở những cổ phiếu có những yếu tố hỗ trợ riêng, bao gồm những cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt được doanh nghiệp đăng kí mua cổ phiếu quỹ; những cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ những ưu tiên đẩy mạnh đầu tư công trong chính sách mở rộng tài khóa; hay những cổ phiếu nhóm dầu khí trước những tín hiệu lạc quan của đàm phán OPEC.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV

Thông thường sau đợt giảm điểm mạnh, mức hồi phục sẽ diễn ra đều khắp và những cổ phiếu giảm điểm mạnh có cơ bản sẽ có mức hồi phục vượt trội so với thị trường. Tuy nhiên, sau nhịp hồi phục ban đầu, các cổ phiếu sẽ bắt đầu có sự phân hóa. Một số cổ phiếu dẫn dắt sau nhịp chững giá, sẽ tiếp tục tăng giá và dòng tiền sẽ vận động sang các nhóm cổ phiếu chưa bắt kịp thị trường.

Thời điểm tại thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do vậy nhà đầu tư chỉ nên giữ một tỷ trọng hợp lý, không nên mua đuổi và hạn chế sử dụng margin. Điều này giúp nhà đầu tư có thể chủ động trước biến động không như mong muốn.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể cân nhắc những cổ phiếu thuộc nhóm hưởng lợi từ chính sách kích cầu và những nhóm cổ phiếu không bị ảnh hưởng quá lớn từ dịch bệnh để cân bằng danh mục.

Tin bài liên quan