Nhận định thị trường phiên 8/2: Rủi ro của áp lực bán tháo còn tiềm ẩn

Nhận định thị trường phiên 8/2: Rủi ro của áp lực bán tháo còn tiềm ẩn

(ĐTCK) Sau 2 phiên mất điểm mạnh thị trường đã trở lại mạnh mẽ. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán vẫn đang đánh giá rủi ro thị trường vẫn hiện hữu, áp lực bán tháo có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 8/2.

Rủi ro tiếp tục điều chỉnh vẫn được đánh giá ở mức cao

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Phiên tăng điểm ngày hôm nay, đi kèm thanh khoản thấp, mang tính chất một phiên hồi kỹ thuật và chưa xác nhận xu hướng điều chỉnh của thị trường chung đã kết thúc.

Rủi ro tiếp tục điều chỉnh của thị trường vẫn được đánh giá ở mức cao, đi kèm biến động mạnh trong phiên của 2 chỉ số.

Thị trường trong tuần vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro

(CTCK BIDV - BSC)

Ngân hàng và chứng khoán cùng với một số mã cổ phiếu ngành bất động sản được một lượng lớn dòng tiền đổ vào và tăng khá mạnh.

Tuy thị trường hồi phục nhưng thanh khoản chưa thực sự tăng cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá dè dặt.

BSC nhận định thị trường trong tuần vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch ở thời điểm này.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể theo dõi chuyển động của các thị trường chứng khoán lớn của khu vực cũng như thi trường chứng khoán Mỹ khi đó có thể là cơ sở để nhà đầu tư xác định xu hướng thị trường.

Giảm tỷ trọng ở các mã đang có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn xu hướng trung – dài hạn

(CTCP FPT - FPTS)

Rủi ro của áp lực bán tháo còn tiềm ẩn và tâm lý nhà đầu tư đang cho thấy sự nhạy cảm với những biến động của chứng khoán thế giới.

Do đó, chúng tôi vẫn bảo lưu khuyến nghị thận trọng, nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu và không “bắt đáy” khi chưa có cơ sở chắc chắn hơn về xu hướng kế tiếp.

Với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hơn thì chúng tôi cũng khuyến nghị tận dụng diễn biến hồi phục của thị trường để thực hiện cơ cấu danh mục, giảm tỷ trọng ở các mã đang có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn xu hướng trung – dài hạn.

Duy trì quan điểm hạn chế giải ngân trong giai đoạn hiện tại

(CTCK Phú Hưng - PHS)

Chỉ số đã tăng trở lại nhờ vào dòng tiền bắt đáy xuất hiện từ phiên trước đó. Đà tăng được duy trì xuyên suốt phiên với việc các cổ phiếu vốn hóa lớn hầu như tăng gần hết biên độ.

Tuy nhiên dòng tiền vẫn duy trì sự thận trọng với thanh khoản có phần sụt giảm, chỉ số cần một vài phiên ổn định nữa để xác định lại xu hướng trong ngắn hạn.

Do đó, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm hạn chế giải ngân trong giai đoạn hiện tại.

Sớm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất: thị trường đảo chiều giảm

(CTCK KB Việt Nam - KBSV)

Rủi ro toàn phần tiếp tục ở mức báo động cao. Quan điểm thận trọng quan sát và kiểm soát chặt chẽ rủi ro margin tiếp tục được đề xuất.

Và có thể chúng ta phải sớm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất: thị trường đảo chiều, đi vào xu hướng giảm giá.

Về mặt kỹ thuật, chỉ số chứng khoán Mỹ có thể phục hồi nhẹ trở lại nhưng với đà giảm giá kỷ lục 2 phiên qua thì việc dự báo kịch bản phục hồi rất khó chính xác.

VN30 gặp khá nhiều khó khăn khi phục hồi và tiếp cận vùng kháng cự tiêu 1.033 – 1.055 điểm.

Thị trường vẫn có thể có thêm một phiên hồi phục nữa

(CTCK Sài Gòn  Hà Nội - SHS)

cầu tốt từ đầu phiên và lực cung khá hạn chế đã tạo nên một phiên thanh khoản thấp.

Mặt khác, mẫu hình doji trong phiên hôm nay cũng thể hiện sự cân bằng cung cầu sau khi chỉ số không thể vượt qua được đỉnh của khoảng gap giữa hai phiên 5/2 và 6/2 tại 1.048 điểm.

Chúng tôi cho rằng, thị trường vẫn có thể có thêm một phiên hồi phục nữa trước khi chịu áp lực cung thực sự trong phiên 9/2 khi lượng hàng bắt đáy T+3 về tài khoản nhà đầu tư.

Trong phiên giao dịch ngày 8/2, VN-Index có thể tiếp tục đà hồi phục để hướng đến ngưỡng tâm lý gần nhất tại 1.050 điểm.

Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục theo dõi thị trường và nếu có tỷ trọng cổ phiếu cao thì có thể tận dụng các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng về mức an toàn.

Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018.

Tin bài liên quan