Nhận định thị trường phiên 20/11: VN-Index có thể thủng mốc 600

Nhận định thị trường phiên 20/11: VN-Index có thể thủng mốc 600

(ĐTCK) Phiên cuối tuần 20/11 thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm, VN-Index có thể thủng mốc 600 điểm, test lại ngưỡng hỗ trợ mạnh 590-595 điểm.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 20/11.

VNM sẽ giúp VN-Index tăng trở lại

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Chỉ số VN-Index có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp và nó đang gây cho nhà đầu tư những lo ngại nhất định. Nhìn vào đồ thị của chỉ số này, nhiều người liên tưởng tới kịch bản 2 đỉnh từng xảy ra. Khi nhà đầu tư  đang quan ngại một số vấn đề như: tỷ lệ Margin cao, cổ phiếu đầu cơ tăng giá trong khi chỉ số không vượt qua vùng đỉnh. Vì thế kịch bản bán mạnh có thể xảy ra nếu như chỉ số này không giữ được mốc 600 điểm trong một xu thế giảm rõ ràng.

Tuy nhiên, như đã nhắc đến trong bản tin trước về cổ phiếu VNM, áp lực chốt lời cổ phiếu này đã xuất hiện trong 3 phiên gần đây nhưng có dấu hiệu yếu dần ở phiên giao dich ngày (19/11). Kỳ vọng rằng cổ phiếu VNM sẽ được kéo giá tăng trở lại bởi tính tích cực của nó đối với thị trường là rất lớn.

Vì vậy ở phiên giao dịch ngày 20/11 nhiều khả năng VN-Index sẽ tăng trở lại sau khi giảm dưới ngưỡng 600 điểm nhờ vào sự tăng giá của VNM. Điều đó sẽ giúp thị trường tiếp tục duy trì tính thanh khoản và nhiều cổ phiếu khác có cơ hội tăng giá trở lại.

Ít có khả năng thị trường sẽ điều chỉnh giảm sâu

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Sau các phiên dòng tiền vào thị trường mạnh nhưng mức độ tập trung cao, không có sức lan tỏa cộng với tâm lý nhà đầu tư đang yếu do chịu tác động bởi các rủi ro thường trực bên ngoài như sự kiện Paris, diễn biến căng thẳng của tỷ giá… khiến xuất hiện hiện tượng tiền vào nhiều nhưng không đủ sức đẩy thị trường lên tầm giá cao mới.

Chính điều này khiến trạng thái điều chỉnh tích lũy trong biên độ hẹp của VN-Index liên tục diễn ra trong vài phiên gần đây sau khi cổ phiếu giữ nhịp cho thị trường là VNM chịu áp lực chốt lời ngắn hạn. Tuy vậy, rất ít có khả năng thị trường sẽ điều chỉnh giảm sâu do lực cầu bắt đáy trong các phiên điều chỉnh giảm hoạt động khá tốt và nhóm các mã vừa và nhỏ đang duy trì trạng thái phân hóa tăng điểm tích cực bất chấp diễn biến thị trường chung.

Áp lực điều chỉnh giảm điểm đang tiếp tục hiện hữu trong ngắn hạn. Nhà đầu tư do vậy xem xét tiếp tục hạ tỷ trọng các cổ phiếu có độ rủi ro cao, tranh thủ các phiên điều chỉnh mua vào các cổ phiếu tốt, có thông tin hỗ trợ và chưa tăng mạnh thời gian qua.

Hạn chế mua vào

(CTCK FPT - FPTS) 

Dựa trên tổng thể diễn biến thị trường, một số cổ phiếu có nhịp tăng điểm phiên 19/11 đều không có tính đại diện, chỉ là những điểm sáng đơn lẻ, còn lại các giao dịch chủ yếu tập trung ở khu vực giá giảm điều đó cho thấy bên bán không còn nhiều sự kiên nhẫn.

Trong phiên cuối tuần 20/11, khối lượng hơn 160 triệu cổ phiếu được khớp trong phiên 17/11 (phiên có lượng cổ phiếu giao dịch lớn nhất kể từ Tháng 10/2015) sẽ đứng trước áp lực phải cơ cấu lại nếu như chỉ số đột biến tiêu cực về xu hướng. Do đó, các hoạt động giao dịch theo chiều mua tiếp tục được cảnh báo nên hạn chế.

Đối với các tài khoản có lượng cổ phiếu lớn trên tổng tài sản được khuyến nghị hạ dần tỷ trọng về mức an toàn. Các nhịp hồi phục không đi kèm thanh khoản tích cực của chỉ số chính là thời điểm phù hợp cho các hoạt động cơ cấu lại danh mục. Nhóm nhà đầu tư có mức độ chịu rủi ro thấp được khuyến nghị đứng ngoài thị trường trong giai đoạn này.

VN-Index có thể thủng mốc 600

(CTCK Maritime – MSI)

Phiên cuối tuần 20/11 thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm, VN-Index có thể thủng mốc 600 điểm, test lại ngưỡng hỗ trợ mạnh 590-595 điểm. Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức trung bình, các hoạt động giao dịch mua vào chỉ nên ở các mã cơ bản thuộc các ngành như bất động sản, hưởng lợi từ TPP (với thông tin TPP sẽ được ký kết vào 4/2/2016) như dệt may, thủy sản, đồ gỗ,… với tỷ lệ vừa phải.

Dòng tiền đang dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu thị trường

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ yếu tố thông tin và đã tăng trưởng mạnh sang nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao, cơ bản tốt và chưa tăng nóng.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tranh thủ các phiên thị trường biến động để cơ cấu dần danh mục sang các mã cơ bản và đang giao dịch ở vùng giá hấp dẫn, thuộc các ngành bất động sản (hưởng lợi từ đà phục hồi của thị trường bất động sản) hay ngành chứng khoán (hưởng lợi từ đà phục hồi của thị trường cả về giá và thanh khoản).

Việc tăng giá đang khó khăn hơn

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

Nhìn chung biến động giảm nhẹ ở các phiên gần đây không có nhiều tác động đến nhìn nhận kỹ thuật dành cho thị trường. Xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index vẫn được đảm bảo, nhưng lưu ý hành trình tăng giá sẽ dần đối mặt với khó khăn lớn hơn, đặc biệt khi VN-Index vượt trên khu vực 615 điểm.

Nhà đầu tư vẫn có thể duy trì một tỷ trọng cổ phiếu lớn hơn tiền mặt trong bối cảnh hiện nay nhưng việc mở thêm các vị thế mua mới nên dần được hạn chế.

Có thể hồi phục trở lại nếu giảm sâu

(CTCK BIDV - BSC)

Lực cầu ở vùng giá thấp có xu hướng mạnh lên, gia tăng kỳ vọng về một phiên hồi phục nếu thị trường tụt xuống quá sâu. Phiên tới, các chỉ số tiếp tục trông đợi vào nhóm vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu bluechip. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể mở vị thế mua khi VN-Index về gần ngưỡng hỗ trợ 595-600 điểm, đồng thời cân nhắc cắt lỗ trong trường hợp vùng điểm trên bị phá vỡ với khối lượng lớn.

Tình trạng phân hóa sẽ tiếp diễn

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)         

Câu chuyện thoái vốn của SCIC có vẻ như đã hạ nhiệt và sự điều chỉnh của VNM đang làm cho khả năng phục hồi của VN-Index trở nên khó khăn hơn. Sự luân chuyển dòng tiền hiện nay đang cho thấy thị trường thiếu động lực dẫn dắt chính. Theo đó, tình trạng phân hóa tiếp diễn và phần lớn cổ phiếu đang vận động với những phiên tăng giảm xen kẽ.

Xu thế bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại cũng làm xói mòn triển vọng phục hồi của thị trường. Trong ngày 19/11, ngưỡng hỗ trợ 600 vẫn cho thấy sự tin cậy trong ngắn hạn và có thể được thử thách thêm trong phiên cuối tuần. Nói chung, VN-Index vẫn chưa thoát khỏi trạng thái củng cố cho đến khi thị trường đón nhận các thông tin mới, có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng tiền mặt nhất định trong danh mục.            

Tin bài liên quan