Nhận định thị trường phiên 18/1: Không nên vội bắt đáy

Nhận định thị trường phiên 18/1: Không nên vội bắt đáy

(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư bi quan hơn khi áp lực bán tháo được kéo dài sang tuần giao dịch thứ hai liên tiếp. Chính vì vậy, tuần giao dịch mới sẽ tiềm ẩn rủi ro với xác suất cao đà giảm sẽ tiếp diễn và VN-Index sẽ phải tìm kiếm các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn tại vùng 530-535.

Rủi ro thị trường vẫn ở mức cao

CTCK Bảo Việt (BVSC)

VnIndex trải qua một tuần sụt giảm mạnh với 4/5 phiên giảm điểm. Chỉ số VnIndex mất 2,6% giá trị so với phiên cuối tuần trước đi kèm thanh khoản có xu hướng gia tăng trước áp lực bán lớn.

Sự bất ổn của thị trường chứng khoán thế giới mà “tâm bão” là thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn là nguyên nhân chính khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước hoang mang và thiếu ổn định. Đà giảm điểm diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là trong phiên cuối tuần khiến hầu hết các nhóm cổ phiếu từ dầu khí, ngân hàng, bất động sản… đều đóng cửa ở mức giá thấp nhất tuần.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nước ngoài có một tuần bán ròng với giá trị tương đối lớn (hơn 340 tỷ đồng trên sàn HSX) càng gia tăng áp lực lên đà giảm điểm chung của thị trường.

Về xu hướng thị trường, sau các phiên thị trường liên tục sụt giảm vừa qua, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào một tỷ trọng thấp các cổ phiếu cơ bản đã giảm sâu. Tuy nhiên, tỷ trọng cho danh mục tổng thể vẫn nên khống chế ở mức trung bình, chưa nên đẩy lên mức quá cao do rủi ro thị trường hiện vẫn ở mức khá cao.

VN-Index sẽ phải tìm kiếm các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

VN-Index dễ dàng đánh mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng gần đây vốn được xem là tín hiệu tiêu cực. VN-Index sẽ phải tìm kiếm các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn tại vùng 530-535, tuy nhiên, trong kịch bản xấu hơn, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo sẽ là 510-520. Dù vậy, RSI của VN-Index đã lùi về mức 30,5, cho tín hiệu thị trường đã tiệm cận vùng quá bán. Ngoài ra, hàng loạt mã cổ phiếu lớn cũng rơi vào trạng thái tương tự.

Các chỉ số vẫn đang trong quá trình tìm lại trạng thái cân bằng. Do đó, nhà đầu tư ngại rủi ro vẫn nên tiếp tục quan sát và chờ đợi thị trường có tín hiệu ổn định hơn.

Đối mặt với nguy cơ bán tháo trong ngắn hạn

CTCK FPT (FPTS)

Tuần giao dịch thứ hai của năm 2016 kết thúc với tâm lý bán đè nặng và những tín hiệu xác nhận xu hướng giá xuống quay trở lại trên các chỉ số chính của hai sàn HOSE và HNX. Trong đó, yếu tố ảnh hưởng bên ngoài thuộc về diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán quốc tế và biến động của giá dầu.

Nhóm các cổ phiếu trụ cột đồng loạt rơi sâu, độ rộng thị trường thu hẹp mạnh và khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng là những yếu tố ảnh hưởng bên trong góp phần tác động tiêu cực tới xu hướng thị trường chung.

Có thể thấy rằng tâm lý nhà đầu tư đang rất bi quan khi áp lực bán tháo được kéo dài sang tuần giao dịch thứ hai liên tiếp. Theo đó, tuần giao dịch tới sẽ tiềm ẩn rủi ro với xác suất cao đà giảm sẽ tiếp diễn. Các vị thế ngắn hạn sẽ tiếp tục phải đối mặt nguy cơ bán tháo sau khi ngưỡng hỗ trợ mạnh xuyên phá.

Theo đó, nhà đầu tư nên hết sức thận trọng với các quyết định giải ngân mới khi chỉ số chưa hoàn thành quá trình dò đáy mới. Các phiên hồi phục nếu có chỉ nên được tận dụng để cơ cấu lại danh mục thay vì đẩy mạnh các hoạt động bắt đáy có độ rủi ro cao.

Thị trường vẫn đối mặt với những rủi ro mang tính hệ thống khó lượng

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Với những diễn biến tiếp tục theo xu hướng tiêu cực của thị trường thế giới trong tuần qua (từ ngày 11-15/1), đặc biệt là những thông tin ghi nhận từ Trung Quốc, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn đang đối mặt với những rủi ro mang tính hệ thống khó lường.

Các con số thống kê cũng cho thấy áp lực bán lớn, trạng thái bán tháo đã xuất hiện thường xuyên hơn và khối ngoại tăng cường hoạt động bán ròng trở lại khiến dư địa suy giảm sâu hơn vẫn còn, nhất là trong bối cảnh hai chỉ số hiện đều đã phá vỡ các mốc hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn, đối với VN-Index là 550 điểm và HNX-Index là 76 điểm.

Theo đó chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư không nên vội vã tiến hành giải ngân bắt đáy trong giai đoạn này. Nên tiếp tục đứng ngoài theo dõi, chờ các động thái tích cực trở lại của dòng tiền.

Tin bài liên quan