Nhận định thị trường ngày 9/6: Áp lực chốt lời gia tăng

(ĐTCK) Hầu hết các công ty chứng khoán đều cho các cổ phiếu đang tăng khá nóng và dòng tiền chốt lời đang lên cao khiến thị trường sẽ có những phiên rung lắc trong vài phiên tới.
Nhận định thị trường ngày 9/6: Áp lực chốt lời gia tăng

Dấu hiệu phân phối đỉnh

CTCK APEC (APS)

Lực bán ra mạnh, thị trường có dấu hiệu phân phối đỉnh.  Khối lượng giao dịnh tăng mạnh cao nhất trong những tháng gần đây chứng tỏ lực chốt lời gia tăng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên. Tuy nhiên chưa cần vội vàng chốt lời nhà đầu tư có thể  chờ  các phiên tiếp theo  và không nên mua đuổi trong thời gian này.

Khả năng rung lắc cao

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Dòng tiền tiếp tục có sự luân chuyển lớn, giúp cả hai sàn có một phiên giao dịch sôi động. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán lấy lại đà tăng tốc, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trên toàn thị trường. Tuy nhiên, áp lực cung cổ phiếu có xu hướng gia tăng dần về cuối phiên, khiến đà tăng điểm của hai chỉ số có phần thu hẹp. Điểm đáng chú ý là sự đuối sức này đi kèm khối lượng giao dịch ở mức cao kỷ lục kể từ đầu năm đến nay (gần 300 triệu cổ phiếu trên cả hai sàn) khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về khả năng phân phối tạo đỉnh của cả hai chỉ số. Ngành công nghiệp đa ngành có mức tăng tốt nhất (+2,77%) trong khi ngành đồ uống có mức giảm mạnh nhất (-4,9%).

Về các tin tức vĩ mô, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 13,5 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng 4/2015. Tính chung 5 tháng đầu năm nay thì xuất khẩu mới tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục yếu thế trong hoạt động xuất khẩu với mức giảm 2,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), tăng 12,2%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2014. Do vậy, cán cân thương mại tháng vừa qua thâm hụt 900 triệu USD, đưa mức nhập siêu kể từ đầu năm đến nay đạt 3,47 tỷ USD. Xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng mạnh trong khi nhập khẩu vẫn đang tăng tốc qua từng tháng khiến tình trạng nhập siêu ngày càng trầm trọng. Tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu hiện đã vượt quá 5%, tuy chưa phải mức quá đáng lo ngại nhưng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra trong các tháng tới thì sẽ tạo ra thách thức không nhỏ cho cam kết giữ nguyên tỷ giá của NHNN từ nay cho đến cuối năm.

Về xu hướng thị trường, cả hai chỉ số đang tiếp cận các vùng điểm kháng cự (580-585 điểm đối với VnIndex và 87,5-88 điểm đối với HnxIndex) nên khả năng rung lắc được đánh giá cao trong một vài phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì một tỷ trọng cổ phiếu cân bằng, tránh các quyết định mua đuổi giá đưa tỷ trọng cổ phiếu lên mức cao.

Thị trường sẽ điều chỉnh trở lại

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Với một phiên tăng mạnh cuối tuần, nhiều người đều tin rằng thị trường bứt phá qua 580 điểm và chính thức thoát khỏi kênh giảm giá dài hạn là quá đơn giản. Tuy nhiên điều này lại không hề như mong đợi khi thị trường chịu áp lực bán mạnh. Dù cho vẫn giữ được sắc xanh nhưng áp lực bán đẩy KLGD gia tăng mạnh như vậy rõ ràng khiến NĐT cảm thấy lo lắng. Điều đó sẽ sớm được rõ hơn trong phiên giao dịch ngày mai. Chúng tôi cho rằng phiên ngày mai (9/6) áp lực bán ra sẽ sớm xuất hiện và đẩy thị trường điều chỉnh trở lại trong thời gian đầu. Nhưng chưa hẳn điều xấu nhất sẽ đến như mọi người lo sợ bởi có thể những cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ lại được đem ra hỗ trợ thị trường.

Tuy nhiên, dù là điều chỉnh thì đó là câu chuyện đối với thị trường, không phải bất cứ CP nào cũng sẽ phải chịu áp lực lớn như vậy. NĐT không nên quá bi quan nếu như điều chỉnh có diễn ra bởi thực tế không phải tất cả các cổ phiếu đều tăng quá nóng và đã đạt đến độ hưng phấn nhất. Sự phân hóa sẽ diễn ra theo kiểu tăng nóng thì sẽ chịu áp lực nóng hơn. Nhưng một điểm khá quan trọng mà NĐT nên để ý đó chính là KLGD. Trong một điều kiện chịu áp lực rủi ro giảm giá, KLGD vẫn tốt cho thấy dòng tiền mua vào vẫn tốt thì nhịp điều chỉnh sẽ sớm qua. 

Xuất hiện dòng tiền chốt lời

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Tốc độ giao dịch tiếp tục được giữ ở mức lớn với lượng tiền đổ rất mạnh vào thị trường trong cả phiên giao dịch đầu tuần. Thanh khoản trên 2 sàn lên tới hơn 283 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt được gần 4 nghìn tỷ đồng – cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây. Lực bán tung ra bất chợt về giai đoạn cuối phiên khiến lượng mua đuổi bị hấp thụ hết, đẩy hầu hết các mã tăng nóng trong phiên sáng lùi xuống mức thấp nhất trong ngày.

VN-Index tiếp tục test không thành công ngưỡng kháng cự 580 điểm khiến sự lo ngại về kịch bản của phiên phân phối đỉnh ngày 4/3 vừa qua đang lặp lại. Tuy vậy bối cảnh trong giai đoạn hiện tại rất khác so với thời điểm đó khi tâm lý nhà đầu tư đang rất tích cực, khả năng chấp nhận rủi ro được duy trì ở mức cao khiến tốc độ xoay vòng của dòng tiền diễn ra rất nhanh giữa các nhóm cổ phiếu. Thanh khoản cũng vì vậy được duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng dần trong 3 tuần gần đây – điều mà giai đoạn tăng trong suốt tháng 2 vừa qua không có được.

Áp lực điều chỉnh kỹ thuật có thể tiếp tục diễn ra trong một vài phiên tới do nhiều mã tăng nóng đang có dấu hiệu xuất hiện dòng tiền chốt lời. Tuy vậy chúng tôi đánh giá các phiên điều chỉnh kỹ thuật sẽ là cơ hội tốt để nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Tin bài liên quan