Nhận định thị trường ngày 9/1: Nhà đầu tư trading T+ nên tạm thời đứng ngoài

Nhận định thị trường ngày 9/1: Nhà đầu tư trading T+ nên tạm thời đứng ngoài

(ĐTCK) Nhà đầu tư trading T+ nên tạm thời đứng ngoài thị trường quan sát diễn biến trong những phiên tới trước khi tiếp tục giải ngân. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiến hành mua gom trong những phiên giảm điểm.  

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 9/1.

Tiếp tục nâng tỷ trọng cổ phiếu

(CTCK FPT - FPTS)

Một cây nến doji xuất hiện ở 2 sàn với bóng ngắn cho thấy quá trình mua bán xảy ra khá cân bằng trong phiên ngày 8/1. Xu thế trước đó là tăng, do vậy, phiên giao dịch này là điều tất yếu trong quá trình đi lên chứ không phải là phiên tiêu cực.

Chúng tôi vẫn giữ nguyên bậc tăng của các chỉ số, và tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư nên tham gia nâng tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên điều chỉnh của thị trường chung nếu như sự điều chỉnh vẫn nằm trên các đường MA22 của mỗi chỉ số.

Thị trường đang trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

VN-Index đóng cửa ở tình trạng xanh vỏ – đỏ lòng khi áp lực bán diễn ra mạnh tại rất nhiều mã trong khi nhiều mã trụ vẫn giữ được đà tăng điểm tới cuối phiên giúp VN-Index vững vàng trên mốc 550 điểm. Hiện tại thị trường đang trong bối cảnh xuất hiện khoảng trống thông tin hỗ trợ trong ngắn hạn trong khi những tranh cãi về việc liệu Thông tư 36 có được hoãn hay không lại diễn ra cùng diễn biến bán ròng trở lại của khối ngoại đã khiến tâm lý thận quay trở lại và hoạt động bán chốt lời ngắn hạn trở nên quyết liệt hơn.

Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư tiến hành chốt lời ngắn hạn các mã đã được chúng tôi khuyến nghị mua vào liên tục trong thời gian gần đây. Chờ những diễn biến tích cực trở lại của thị trường. Cũng cần lưu ý sóng kết quả kinh doanh chưa xuất hiện, do vậy nhà đầu tư trung hạn chưa mở vị thế thời gian qua có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh hiện tại để tiến hành giải ngân dần các mã có kỳ vọng tích cực về kết quả kinh doanh trong năm 2014.

Thị trường có thể sẽ giảm 

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì thêm một phiên tăng điểm nhẹ nhưng phía sau nó sự hỗ trợ của một loạt các mã lớn VNM, VCB, VIC, GAS... Trong khi ở nhiều mã khác, sự điều chỉnh đang tiếp tục diễn ra và đôi khi chỉ số tăng giá khiến nhà đầu tư cảm thấy hưng phấn.

Chốt phiên 8/1, cả hai chỉ số đều hình thành một cây nến đảo chiều và biên độ dao động của nó cho thấy sự giằng co lớn giữa bên bán và bên mua. Cho dù khối lượng giao dịch có xu hướng giảm nhưng khi cầu mua chưa có dấu hiệu đẩy mạnh lên, và đặc biệt là dòng tiền lớn chưa xuất hiện thì thị trường có thể sẽ giảm trong một vài phiên tới. 

Nhà đầu tư cần lưu ý tương quan giảm của chỉ số với các các mã vốn hóa lớn bởi có thể nhóm này sẽ gây ra tác động tâm lý nhưng về cơ bản thì từng cổ phiếu sẽ không giảm quá nhiều nữa. Không nên quá vội vàng bán ra trước áp lực kiểu như vậy bởi nếu như trụ vững, thị trường sẽ sớm tăng giá trở lại. Chúng tôi cho rằng tâm lý nhà đầu tư khá ổn định và có phần hứng khởi, đặc biệt phiên 7/1 khi giá dầu cũng như TTCK thế giới sụt giảm rất mạnh nhưng diễn biến giao dịch vẫn ổn định. Do đó những nhịp giảm tới đây (nếu có) theo chúng tôi là cơ hội để gia tăng dần cổ phiếu hơn là bán ra bằng mọi giá.

Diễn biến điều chỉnh là bình thường

(CTCK MB - MBS)

Đúng như dự báo, hoạt động chốt lời đã diễn ra phổ biến trong phiên này và tạo áp lực điều chỉnh lên thị trường, sự thận trọng của lực cầu trong bối cảnh lượng cung tăng lên đã khiến thanh khoản chung suy giảm trên cả hai sàn và các chỉ số đóng cửa với diễn biến tăng giảm trái chiều.

Chúng tôi nhận thấy hiện tượng điều chỉnh diễn ra rõ nét ở các nhóm cổ phiếu đã tăng khá trong những phiên hồi phục trước đó, có thể kể đến như nhóm bluechip (KBC, HVG, HAG, FPT, PPC, REE...), nhóm cổ phiếu thị trường (FIT, KLF, FLC, DIC, DLG...). Ngoài ra, đáng chú ý là diễn biến giảm mạnh với lượng dư bán sàn lớn ở cổ phiếu OGC, thông tin OGC bị cơ quan điều tra đề nghị phòng tỏa tài khoản tại Oceanbank là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu này.

Về giao dịch khối ngoại, phiên này họ tiếp tục bán ròng gần 45,5 tỷ đồng tại HOSE. Đây là phiên bán ròng  thứ 2 liên tiếp của họ tại HOSE đưa tổng mức bán ròng trong 2 phiên gần đây lên mức 140,3 tỷ đồng, động thái này phần nào hạn chế đà tăng của VN-Index. Trái ngược với sàn HOSE, khối ngoại lại mua ròng hơn 21,3 tỷ đồng trên HNX, từ đầu năm 2015 đến nay họ đã mua ròng 4 phiên liên tiếp với giá trị gần 40 tỷ đồng tại HNX. Về cơ bản, diễn biến điều chỉnh của thị trường trong phiên này diễn ra lành mạnh.

Nhiều khả năng sẽ là một phiên điều chỉnh giảm điểm

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường tiếp tục có một phiên điều chỉnh khi phần lớn các mã chứng khoán trên cả 2 sàn đều giảm điểm trước áp lực chốt lời khá mạnh vào cuối phiên. Tuy nhiên, lực đỡ từ nhóm cổ phiếu dầu khí và một số cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VCB, VIC… đã khiến VN-Index kết thúc phiên vẫn tăng điểm.

Các lực đỡ của thị trường ngày 8/1 đã bắt đầu có dấu hiệu suy yếu về cuối phiên, thanh khoản có sự suy giảm, đồng thời 2 sàn có diễn biến trái ngược nhau. Nhiều khả năng phiên giao dịch cuối tuần sẽ là một phiên điều chỉnh giảm điểm. Nhà đầu tư trading T+ nên tạm thời đứng ngoài thị trường quan sát diễn biến trong những phiên tới trước khi tiếp tục giải ngân. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiến hành mua gom trong những phiên giảm điểm.  

Nắm giữ cổ phiếu trong xu hướng tăng

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Chúng tôi duy trì nhìn nhận xu hướng tăng ngắn hạn cho thị trường. Dù vậy với việc VN-Index đang tiến vào vùng kháng cự quan trọng, khả năng xảy ra “rung lắc” trong các phiên tới khá cao.

Lời khuyên chủ đạo nhất vẫn là nắm giữ cổ phiếu trong xu hướng tăng, tuy nhiên với các nhà đầu tư có nhu cầu nâng cao hơn tỷ trọng cổ phiếu, có lẽ nên chờ đợi pha điều chỉnh nhẹ trong thời gian tới.

Xu hướng ngắn hạn kế tiếp chưa thực sự rõ ràng

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Sau một nhịp hồi phục từ đáy ngắn hạn, áp lực chốt lời dần tăng lên trong 2 phiên gần đây. Tuy nhiên thanh khoản ở mức thấp cho thấy áp lực phân phối không quá mạnh, và đa số lệnh bán vẫn chỉ tập trung ở các vùng giá cao trong phiên. Theo quan sát, thị trường đang giao dịch ở trạng thái cầm chừng khi xu hướng ngắn hạn kế tiếp của thị trường chưa thực sự rõ ràng. Các hoạt động mua bán ở thời điểm hiện tại đa phần mang tính trading ngắn với tỷ trọng thấp kết hợp với mục tiêu tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục tích lũy cố phiếu cơ bản tốt, hưởng lợi từ các yếu tố chính sách vĩ mô cho danh mục trung hạn với một tỷ trọng trung bình ở những phiên thị trường chùng xuống. Bên cạnh đó, các hoạt động trading ngắn có thể được kết hợp trong những phiên thị trường biến động mạnh để gia tăng hiệu quả đầu tư cho danh mục.

Tình trạng giằng co có khả năng kéo dài

(CTCK BIDV - BSC)

Tâm lý thị trường 8/1 khá giằng co, thể hiện qua cây nến doji trên đồ thị cả hai chỉ số Index, cùng với đó là khối lượng khớp lệnh sụt giảm khoảng 20 - 30%. Có thể thấy áp lực chốt lời của bên bán không quá mạnh, trong khi bên mua cũng không vội vàng và đa số chỉ chấp nhận mua mức giá quanh tham chiếu. Tình trạng giằng co này có khả năng kéo dài thêm một số phiên nữa trước khi xuất hiện thông tin mới giúp xu thế thị trường trở nên rõ ràng hơn.

Nhà đầu tư nên cân nhắc giữ tỷ trọng danh mục tiền/cổ phiếu ở mức hợp lý (không nên đứng ngoài hoàn hay giữ 100% cổ phiếu). Giữ nguyên vị thế để quan sát thêm diễn biến & thông tin thị trường trong các phiên tới.

Tin bài liên quan