Nhận định thị trường ngày 8/5: Chưa thể lạc quan

Nhận định thị trường ngày 8/5: Chưa thể lạc quan

(ĐTCK) Dù thị trường đã hồi phục trở lại sau phiên bán tháo nhóm cổ phiếu nóng trước đó, nhưng với thanh khoản thấp khiến các công ty chứng khoán có cái nhìn thận trọng với xu hướng của thị trường.

Thiên về hướng thị trường giảm điểm

CTCK Maritime Bank (MSBS)

Như vậy đây là lần thứ 2 VN-Index chinh phục mốc 555 điểm bất thành, mọi nỗ lực của thị trường gần như đã bị phá vỡ vào gần cuối phiên chiều khi áp lực bán mạnh hơn và dòng tiền mới không vào. Chúng tôi thiên về hướng thị trường giảm điểm và đưa ra chiến lược đầu tư thận trọng là giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu và đứng ngoài thị trường, không tham gia bắt đáy. Phiên ngày 8/5 thị trường có xu hướng test lại mốc hỗ trợ 550 điểm vào cuối phiên, đầu phiên thị trường tăng nhẹ, thanh khoản thấp.

Cơ hội để giảm tỷ trọng cổ phiếu

CTCK BIDV (BSC)

Như đã nhận định ngày 6/5, chúng tôi cho rằng, thị trường hiện đang ở trạng thái không tốt do (1) trong những phiên tăng điểm (như phiên 7/5), lực cầu vẫn yếu do thanh khoản thấp, (2) trong những phiên giảm điểm, thanh khoản ở mức cao cho thấy lực cung bán ra vẫn khá mạnh. Phiên 7/5, thị trường tăng điểm không đi kèm thanh khoản. Nhiều khả năng, thông tin tăng tỷ giá của NHNN đã phần nào gây nhiễu đến thị trường, bởi lẽ thông tin này giúp giải tỏa tâm lý chờ đợi của các nhà đầu tư sau khi chứng kiến áp lực tăng tỷ giá trong suốt thời gian qua.

Về giao dịch khối ngoại, chúng tôi cho rằng, các ETF nhiều khả năng chỉ mua theo đà trong phiên 7/5 và sẽ sớm dừng mua trong thời gian tới do trạng thái của các quỹ chỉ ở mức discount/premium nhẹ. Nếu các khối ngoại khác (trừ ETF) tiếp tục mua vào, nhiều khả năng thị trường sẽ còn duy trì được mặt bằng giá hiện tại. Ngược lại, nếu lực cầu của khối ngoại giảm sút, thị trường có thể sẽ điều chỉnh 1-2 nhịp nữa để đưa mặt bằng giá về mức thấp hơn.

Chúng tôi cho rằng, với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, những phiên hồi yếu như 7/5 là cơ hội để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục để có vị thế trong những phiên tăng điểm như 7/5, đồng thời giảm thiểu tổn thất nếu thị trường diễn biến không tích cực.

Phân hóa diễn ra mạnh hơn

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Tăng rồi giảm, giảm rồi tăng khiến nhà đầu tư cảm thấy chóng mặt và rối trí. Nhưng cuối cùng thì nhóm cổ phiếu đầu cơ mới chính là nhóm khiến nhà đầu tư thiệt hại nhất. Nhiều người vẫn cố gắng theo đuổi nhưng rõ ràng khi khối lượng giao dịch kiểu này không phải là môi trường của dạng cổ phiếu trên. Nhiều cổ phiếu đã giảm khá sâu nhưng để có thể tạo sóng tăng điểm, chúng tôi cho rằng nó cần một khoảng thời gian đủ dài để tích lũy mà điều này chưa xảy ra.

Thị trường tăng nhẹ trở lại trong khi khối lượng giao dịch tụt giảm cho thấy cổ phiếu rẻ để bán chốt lời 1-2 phiên trước không còn. Vì thế, mạo hiểm đẩy giá lên cao hơn là điều không diễn ra nhiều cổ phiếu đặc biệt là nhóm có khối lượng giao dịch lớn. Chúng tôi vẫn tiếp tục cho rằng sự phân hóa diễn ra mạnh hơn và các cổ phiếu đang có kết quả kinh doanh khả quan, thuận lợi tiếp tục tăng giá. Ngược lại, nhóm cổ phiếu giảm giá vẫn chiếm số lượng lớn mà ở đó nhóm đầu cơ dẫn đầu.

Duy trì tỷ trọng tiền mặt cao

CTCK MB (MBS)

Cả hai chỉ số đều lấy lại điểm số đã mất trong phiên 6/5, tuy nhiên thanh khoản lại suy giảm mạnh so với phiên trước.

Đóng góp cho sự tăng điểm ngày 7/5 có thể phải kể đến sự khơi mào của nhóm cổ phiếu ngân hàng và lan tỏa sang các cổ phiếu vừa và nhỏ  khác như HQC, ITA, KBC… Thực tế này cho thấy tác động về việc tăng tỷ giá và tăng giá xăng có thể đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong các phiên trước và do đó trong phiên này nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn khi đón nhận công bố chính thức.

Chúng tôi vẫn khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục, các hoạt động mua tăng tỷ trọng chỉ nên xem xét khi các chỉ số thực sự vượt qua các ngưỡng kháng cự ngắn hạn nêu trên.

Cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường có phiên hồi phục khá tốt với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là các mã ngành ngân hàng. Tuy vậy, khối lượng giao dịch chưa thật sự thuyết phục khi giảm xuống mức thấp nhất trong bốn phiên trở lại đây (chỉ đạt 65 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE). Khối ngoại tiếp tục có một phiên mua ròng, tuy giá trị thấp hơn khá nhiều so với ba phiên đầu tuần nhưng vẫn đạt 90 tỷ đồng.

Về chỉ số ngành, ngành bao bì và đóng gói có mức tăng tốt nhất trong phiên 7/5 (+3,59%) trong khi ngành thiết bị và dịch vụ y tế có mức giảm mạnh nhất (-1,49%).

Tin tức vĩ mô đáng chú ý nhất trong ngày hôm nay là quyết định tăng tỷ giá thêm 1% của NHNN. Chúng tôi đánh giá đây là phản ứng khá nhanh và bất ngờ vì trên thực tế tỷ giá mới chỉ căng thẳng trở lại trong ba phiên (niêm yết gần kịch trần tại các NHTM) sau kỳ nghỉ lễ. Sức ép điều chỉnh tỷ giá ngoài lý do VND tăng giá mạnh so với EUR và JPY thì nguyên nhân quan trọng là cán cân thương mại của Việt Nam đang xấu đi rõ rệt trong bốn tháng đầu năm (thâm hụt 3,3 tỷ USD) trong khi cả năm 2014 hầu như các tháng đều ở trạng thái thặng dư.

Như vậy, hạn mức điều chỉnh tỷ giá 2% mà NHNN đặt ra kể từ đầu năm đã sử dụng hết.. Tuy nhiên, để giữ vững niềm tin của thị trường vào chính sách, nếu buộc phải điều chỉnh tiếp tỷ giá trong thời gian tới, nhà điều hành nhiều khả năng sẽ khéo léo chọn thời điểm điều chỉnh vào thời điểm ngay đầu năm 2016 (thực tế thời điểm này là cận Tết Âm lịch nên sức ép tăng tỷ giá thường lớn).

Các phiên thị trường bật tăng được xem là cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục, hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn. Quản trị rủi ro vẫn nên được coi là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện tại.

Đánh giá thấp triển vọng của thị trường

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng cho ngày 07/5/2015 từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (tương ứng mức tăng 1%). Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù mức độ điều chỉnh không quá lớn, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là phù hợp và giúp giải tỏa áp lực tỷ giá trong ngắn hạn, đồng thời sẽ kích thích xuất khẩu, giảm thâm hụt thương mại.

Thanh khoản cả hai sàn tiếp tục sụt giảm trong phiên 7/5, trong khi khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái mua ròng, mặc dù vậy lực mua giảm dần.

Sự thiếu vắng dòng tiền là nguyên nhân chính khiến chúng tôi đánh giá thấp triển vọng của thị trường trong ngắn hạn.

Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng với tiền mặt trong giai đoạn này.

Nên tiếp tục kiên nhẫn

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Thị trường có phản ứng khá tích cực với thông tin NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD lên thêm 1%. Tại các bài đánh giá trước, chúng tôi cũng đã có nhận định NHNN sẽ sớm phải sử dụng công cụ này trong khoảng thời gian quý II nếu tình hình tỷ giá tiếp tục có diễn biến căng thẳng.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn trước và sau kỳ nghỉ lễ, tỷ giá liên tục tăng mạnh và luôn ở trạng thái khá căng thẳng, đẩy giá USD trên thị trường tự do tăng cao khiến NHNN buộc phải tiến hành tăng biên độ tỷ giá thêm 1% - kịch room  2% theo như định hướng  điều hành tỷ giá trong năm nay của NHNN.

Có thể thấy, đây là tín hiệu khá tích cực đối với TTCK Việt Nam mà cụ thể là tác động trực tiếp tới dòng vốn ngoại. Việc điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ giúp cổ phiếu của Việt Nam rẻ đi tương đối, hoạt động giải ngân của khối ngoại vì thế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh giúp hỗ trợ cho diễn biến thị trường chung.

Phiên tăng điểm diễn ra đồng loạt và khá tích cực, tuy vậy lượng giao dịch tiếp tục không có sự cải thiện do sự thận trọng của khối nội vẫn ở mức cao sau phiên giảm điểm bất thường ngày 4/5 vừa qua. Chúng tôi duy trì quan điểm thị trường sẽ tiếp tục dao động quanh vùng giá này để thiết lập sự cân bằng trước khi có những diễn biến tích cực hơn. Nhà đầu tư nên tiếp tục kiên nhẫn chờ các tín hiệu rõ ràng hơn trong các phiên sắp tới. Tuy vậy nhà đầu tư trung hạn có thể bắt đầu tìm kiếm các cổ phiếu tốt để tiến hành giải ngân dần tại vùng giá này.

Tin bài liên quan