Nhận định thị trường ngày 5/9: Áp lực chốt lời vẫn lớn

Nhận định thị trường ngày 5/9: Áp lực chốt lời vẫn lớn

(ĐTCK) Áp lực chốt lời sẽ vẫn hiện hữu trong các phiên sắp tới, nhưng nhà đầu tư cũng nên tận dụng các nhịp giảm để tái cơ cấu danh mục.

ĐTCK lược trích nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 5/9.

Dấu hiệu rủi ro đang tăng cao

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)

Thị trường hiện tại đòi hỏi độ tinh nhạy, bản lĩnh cao của nhà đầu tư. VN-Index đang ở một tầm cao mới khi vượt qua đỉnh 5 năm 633 điểm. Để chinh phục đỉnh cao mới, VN-Index cần có sự điều chỉnh và hỗ trợ đồng loạt từ các nhóm cổ phiếu.

Hiện tại, dòng tiền đang là yếu tố tạo nên sự hứng khởi chung của thị trường. Thanh khoản cả hai sàn khá khá lớn, trung bình trong 7 phiên gần đây luôn duy trì trên 3.700 tỷ đồng.

Dòng cổ phiếu tài chính, bất động sản đã có sự bứt phá, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ khi thiếu thông tin hỗ trợ, vẫn còn những ẩn số chờ đợi trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Dòng cổ phiếu dầu khí đang cố bật lại sau 3 phiên điều chỉnh.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn các chỉ báo kỹ thuật cho thấy dấu hiệu rủi ro tăng cao, khả năng điều chỉnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chúng tôi giữ nguyên xu hướng tăng trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, tùy vị thế nắm giữ và mức độ chấp nhận rủi ro, nhà đầu tư cân nhắc giảm bớt tỷ lệ cổ phiêu để bảo vệ lợi nhuận đạt được.

Không nên quá mạo hiểm với đòn bẩy tài chính

CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam  (IVS)

Tiếp tục là một phiên mà bên bán tạo ra áp lực khá lớn lên thị trường tương tự với phiên 3/9. Tuy nhiên, có 3 điểm đáng lưu tâm trong phiên giao dịch này là: thứ nhất, thanh khoản có tín hiệu co hẹp lại cho thấy lực cung không còn quá mạnh nữa. Thứ hai là thanh khoản của nhiều cổ phiếu bluechips cũng có dấu hiệu giảm. Và cuối cùng là dòng tiền lại quay trở lại nhóm cổ phiếu dầu khí khi những mã như PXS, PVS, PVD... đều tăng giá trở lại.

Trong các yếu tố trên, chúng tôi vẫn quan ngại nhất là khối lượng giao dịch liên tục giữ ở mức cao, trong khi chỉ số không thể bứt phá sẽ dễ khiến thị trường đảo chiều. Việc bên bán có tín hiệu chậm lại đang là dấu hiệu tích cực nhất và nếu điều này tiếp tục diễn ra trong phiên ngày 5/9, thì coi như một đợt phân hóa đã xong. Nhóm Bluechips có thể sẽ lại tiên phong dẫn dắt thị trường tăng điểm trở lại và rất có thể điều đó sẽ đến ngay trong phiên chiều.

Đó chỉ là giả định, nếu như khối lượng giao dịch tiếp tục tăng cao điều đó vẫn đồng nghĩa là bên bán vẫn âm thầm thoát hàng và dòng tiền đang vào sẽ mang hiệu ứng margin rất lớn. Vì thế có thể rủi ro sẽ đến sớm hơn dự tính của nhà đầu tư. Do đó, hành động lúc này cần thật thận trọng và điều chúng tôi muốn nhắc nhở là không nên quá mạo hiểm với đòn bẩy tài chính vào lúc này.

Tận dụng nhịp giảm để mua cổ phiếu tốt

CTCP Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường đang gặp cản nhẹ khi các cổ phiếu đóng vai trò quan trọng trong nhịp tăng vừa qua như dầu khí, chứng khoán đã tăng khá mạnh và không còn nhiều động lực để đi lên tiếp. Tuy nhiên, với tâm lý chung trong ngắn hạn của thị trường vẫn ở mức khá tích cực, cũng như việc dòng tiền dồi dào sẽ giúp cho thị trường trụ lại tại vùng điểm hiện tại. Nếu tâm lý tích cực được duy trì, dòng tiền sẽ tìm kiếm và xoay vòng sang các nhóm cổ phiếu khác vẫn còn nhiều động lực tăng.

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư xem xét chốt lời dấn đối với các cổ phiếu đã tăng tốt trong thời gian qua và đang có dấu hiệu yếu dần. Đồng thời, nhà đầu tư có thể xem xét tận dụng các nhịp giảm như trong các phiên 4/9 để mua vào đối với các cổ phiếu có cơ bản tốt nhưng chưa tăng nhiều.

Sẽ chịu áp lực chốt lời mạnh

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Nhìn chung, tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư nội và sự trở lại mua ròng của khối ngoại giúp thanh khoản duy trì ở mức cao. Dù vẫn lạc quan về triển vọng thị trường trong trung hạn, chúng tôi cho rằng, các chỉ số vẫn sẽ chịu áp lực chốt lời mạnh mẽ trong vài phiên tới và thị trường cần điều chỉnh kỹ thuật nhằm thiết lập xu thế mới.

Vì vậy, nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay cần thận trọng trong việc mở rộng thêm vị thế mua mới trong khi tăng cường chốt lời ngắn hạn nhằm hạn chế rủi ro điều chỉnh kỹ thuật, đặc biệt ở các mã đang tăng nóng.

Áp lực chốt lời sẽ vẫn hiện hữu

CTCP Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC)

Áp lực chốt lời sẽ vẫn hiện hữu trong các phiên sắp tới khi chỉ số VN-Index tiếp cận ngưỡng kháng cự 650 điểm. Nhà đầu tư có thể tranh thủ các phiên thị trường rung lắc để tái cơ cấu danh mục hoặc tăng cường “trading” cho danh mục ngắn hạn trong khi vẫn duy trì một tỷ lệ cổ phiếu trên mức trung bình cho danh mục trung hạn.

Sẽ có nhịp tăng trong phiên 5/9

(CTCK Maritime Bank - MSBS)

Trong phiên giao dịch 4/9, thị trường đã điều chỉnh biên độ hẹp với thanh khoản lớn cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất tốt, các nhóm cổ phiếu tiếp tục phân hóa. Dựa trên các tín hiệu của đồ  thị kỹ thuật, chúng tôi dự báo rằng, VN-Index sẽ còn nhịp tăng tiếp trong phiên ngày 5/9, chỉ số  VN-Index vẫn sẽ tăng điểm để hướng tới mốc mục tiêu 650 điểm. Dòng tiền sẽ chảy mạnh vào nhóm cổ  phiếu dẫn dắt và cổ phiếu midcap cơ bản tốt. Một số cổ phiếu đáng chú ý là: FMC, HAP, OGC,…

Dư địa để các mã lớn tăng không còn nhiều

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC)

Diễn biến thị trường 4/9 không khác nhiều so với phiên 3/9 khi các nhịp rung lắc tiếp tục xuất hiện, nhưng với tần suất lớn hơn. Mặc dù vậy, chốt phiên, VN-Index vẫn đóng cửa trên mức 640 điểm. Vùng 636 - 640 sẽ đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ, và 650 là ngưỡng kháng cự cho VN-Index trong thời gian tới. Chúng tôi đã chờ đợi một sự điều chỉnh mạnh hơn, tuy nhiên điều đó không xảy ra trong phiên hôm nay.

Các cổ phiếu dẫn dắt, mặc dù đã có lúc giảm khá trong phiên, đã phục hồi khá tốt tại những nhịp tăng điểm, giúp các chỉ số không giảm mạnh. Điều đó cho thấy đà tăng của thị trường vẫn còn rất tốt. Dòng tiền tiếp tục tập trung vào các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản, xây dựng, chứng khoán và dầu khí. Chúng tôi cho rằng, các ngành trên sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền trong thời gian tới.

Nhịp rung lắc nhiều khả năng có thể tiếp tục xảy ra trong một vài phiên tới khi mà nguồn cung lớn xuất hiện tại những cổ phiếu dẫn dắt đã tăng khá trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, lực cầu trên thị trường hiện tại vẫn đủ để hấp thụ lực bán mạnh ở trên, chính vì thế, xu hướng tăng của các chỉ số vẫn chưa bị phá vỡ. Như đã nhận định, chúng tôi đánh giá sự xuất hiện của những nhịp rung này là bình thường trong một uptrend, tạo nền để thị trường tăng tốt hơn.

Mặc dù vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng giá hiện tại của các mã lớn đã không còn rẻ như trước nữa, do đó dư địa để tăng cũng sẽ không còn nhiều. Cơ hội trading sắp tới có thể sẽ đến từ những mã có vốn hóa trung bình và nhỏ. Tuy nhiên, với những diễn biến hiện tại, chúng tôi vẫn lạc quan về xu hướng tăng của thị trường với sự hỗ trợ từ những mã lớn kể trên.

Theo đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục, chưa cần vội vàng bán. Việc mở vị thế mua mới chỉ nên thực hiện với dòng cổ phiếu đang thu hút được sự chú ý của dòng tiền như ngành bất động sản, xây dựng, chứng khoán và dầu khí.

Khó giảm sâu

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Các nhóm cổ phiếu sẽ tích cực trở lại và hai chỉ số sẽ duy trì đà tăng về các mức cao hơn trong phiên giao dịch ngày 5/9, cho nên các cổ phiếu đã có nhịp điều chỉnh nhẹ trong các phiên giao dịch vừa qua thì có thể hồi phục trở lại trong phiên tới.

Các chỉ báo xung lượng ngắn hạn vẫn chưa xuất hiện các tín hiệu đảo chiều mạnh cho nên rủi ro ngắn hạn ở mức thấp. Đặc biệt, chỉ báo trạng thái xu hướng vẫn duy trì đà tăng mạnh cho thấy, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và áp lực giảm sâu vẫn được đánh giá thấp. Đồng thời, hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và nâng mức cắt lỗ lên mức 627 của chỉ số VN-Index và 85,53 của chỉ số HNX-Index. Do đó, vẫn tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng các nhịp rung lắc trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. 

Thị trường vẫn chưa có dấu hiệu phân phối

CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Hai chỉ số liên tục dao động trong biên độ hẹp quanh các vùng cản 640 điểm đối với VN-Index và 87,5 điểm đối với HNX-Index đi kèm với khối lượng được duy trì ở mức khá cao trên 3.000 tỷ/phiên trên cả 2 sàn. Dấu hiệu về sự phân phối xuất hiện tại một số mã đã tăng quá nóng trong thời gian qua. Tuy nhiê,n nhìn chung thị trường vẫn chưa có dấu hiệu phân phối trong vùng giá này.

Xét về trung và dài hạn, chúng tôi đánh giá đà tăng của thị trường sẽ tiếp tục được duy trì do hưởng lợi từ dòng vốn giá rẻ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn có khả năng sẽ diễn ra các phiên điều chỉnh vì nhiều mã đã lập đỉnh ngắn hạn và dòng tiền chốt lời đang diễn ra trên diện rộng.

Theo đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư duy trì trạng thái danh mục hiện tại. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index tăng điểm vượt quá mốc 644 điểm. Ở chiều hướng ngược lại, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu Vn-Index giảm xuống dưới channel tăng điểm, về dưới mốc 633 điểm.

Tin bài liên quan