Nhận định thị trường ngày 30/7: Nguy cơ điều chỉnh vẫn hiện hữu

Nhận định thị trường ngày 30/7: Nguy cơ điều chỉnh vẫn hiện hữu

(ĐTCK) Sau một nhịp hồi phục nhẹ, nguy cơ tiếp tục quay lại diễn biến điều chỉnh trong những phiên sắp tới vẫn hiện hữu.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 30/7.

Khó đi lên ngay sau nhịp điều chỉnh mạnh

(CTCK FPT - FPTS) 

Hiện tại, thị trường đang thiếu những thông tin vĩ mô tích cực, trong khi đó ở góc độ doanh nghiệp thì thông tin về kết quả kinh doanh và chia cổ tức cũng đã dần công bố và bão hòa, không còn yếu tố bất ngờ và kỳ vọng như trước đó.

Sẽ rất khó để thị trường có thể tiếp tục xu thế đi lên ngay sau nhịp điều chỉnh mạnh xuất hiện trên vùng đỉnh cũ nhưng từ dấu hiệu cung - cầu trên thị trường đã cân bằng hơn thì nhiều khả năng xu thế đi ngang, tích lũy sẽ là diễn biến chính trong thời gian tới.

Nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng, chờ đợi những tín hiệu chắc chắn hơn từ thị trường và khối ngoại; chiến lược giao dịch phù hợp vẫn là duy trì tỷ lệ cổ phiếu thấp trong danh mục; các trạng thái mua mới vẫn cần hạn chế, đặc biệt là mua đuổi giá cao trong các phiên hồi phục kỹ thuật.

Sẽ tăng điểm trở lại với biên độ tăng không lớn

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường chứng khoán hồi phục trở lại sau phiên giảm điểm đầu tuần khi chỉ số VN-Index vượt qua mốc 590 điểm nhờ lực cầu tốt trong phiên ATC. Thanh khoản giảm xuống mức thấp cho thấy áp lực cung đã không còn mạnh.

Xét trên đồ thị kỹ thuật, chỉ số VN-Index hình thành một cây nến xanh với bóng dưới dài, đóng cửa tại mốc cao nhất ngày (mẫu hình nến hammer) cho thấy đà giảm đã yếu đi. Trong phiên giao dịch ngày 30/7, thị trường sẽ tăng điểm trở lại với biên độ tăng không lớn. Chỉ số VN-Index trong phiên 30/7 có thể sẽ tiến hành kiểm tra lại mốc kháng cự 590 điểm.

Trong điều kiện thị trường hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch ngắn hạn; đồng thời việc giải ngân mua thêm cổ phiếu cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cao khó lường trước.

Kỳ vọng duy trì sắc xanh nhẹ

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Sự bão hòa về mặt vĩ mô trong khi nhiều mã có vốn hóa lớn chưa công bố KQKD quý II làm cho thị trường thiếu động lực tăng trưởng trong ngắn hạn.

Dù vậy, phiên tăng điểm tương đối tích cực ngày 29/7 giúp trấn an tâm lý nhà đầu tư sau cú sốc hôm 28/7, làm giảm mức độ rủi ro của thị trường vào lúc này. Bên cạnh đó, khối ngoại duy trì đà mua ròng liên tiếp trong 4 tháng gần đây cũng được xem là yếu tố hỗ trợ quan trọng.

Trong phiên ngày 30/7, nếu thanh khoản cải thiện, các chỉ số được kì vọng duy trì sắc xanh tăng nhẹ. Về cơ bản, các chỉ số chủ yếu vận động theo xu thế rung lắc đi ngang với các phiên tăng giảm xen kẽ.

Nhà đầu tư nói chung được khuyến nghị duy trì tỷ trọng tiền mặt nhất định. Việc trở lại hoạt động mua vào chỉ nên cân nhắc ở các nhịp giảm và ưu tiên các mã có nền tảng cơ bản tốt.

Diễn biến điều chỉnh vẫn hiện hữu

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Theo quan sát, diễn biến khá bất ngờ trong phiên 3 xuất phát chủ yếu từ lực cầu của khối ngoại, tập trung vào một số mã bluechips vốn hóa lớn trên cả hai sàn. Cách giao dịch này có nhiều điểm khá giống với động thái của các quỹ ETF và cũng phù hợp với thông tin phát hành thêm chứng chỉ quỹ của VNM trong tuần trước.

Mặc dù vậy, các hoạt động này chỉ có tác động trong ngắn hạn và thông thường thị trường sẽ có điều chỉnh lại những biến động này trong phiên giao dịch ngày 30/7.

Nhìn chung, sau phiên giảm điểm sâu ngày 28/7, đa số các nhà đầu tư đều đang có tâm lý thận trọng và giao dịch cầm chừng. Với tâm lý này và trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ mạnh, tín hiệu tăng điểm của một số trụ cột lớn sẽ khó có thể tạo hiệu ứng lan tỏa kéo dài và trên diện rộng. Sau một nhịp hồi phục nhẹ, nguy cơ tiếp tục quay lại diễn biến điều chỉnh trong những phiên sắp tới vẫn hiện hữu.

Các nhà đầu tư được khuyến nghị tranh thủ các nhịp hồi phục trong phiên để cân đối lại tỷ trọng nắm giữ hoặc tái cơ cấu danh mục. Các vị thế trung hạn có thể được duy trì ở mức trung bình thấp và chờ điểm tích lũy thêm đối với những mã cơ bản tốt, đã tạo đỉnh và điều chỉnh sớm hơn thị trường chung trong 2-3 tuần vừa qua.

VN-Index sẽ lùi dần về các mức hỗ trợ

(CTCK BIDV - BSC)

Thanh khoản ngày 29/7 cũng giảm hơn 50% so với phiên 28/7 cho thấy phiên phục hồi này phần nhiều mang yếu tố kĩ thuật. Đợt điều chỉnh lần này sẽ không “sốc” như lần điều chỉnh hồi nửa cuối tháng 4 do mức margin hiện tại không lớn như mức margin hồi đỉnh tháng 3 và không có nhiều thông tin tiêu cực trong giai đoạn này. Do đó, áp lực bán sẽ không lớn. Chính vì vậy, chúng tôi nhận định các chỉ số sẽ lùi dần về các mức hỗ trợ đã xác lập trong thời gian qua, trước mắt là vùng hỗ trợ 580.

Xin nhấn mạnh lại là, nhịp hồi phục nhẹ như phiên 29/7 chưa phải là cơ hội tốt để mở lại vị thế. Như đã đề cập, đợt điều chỉnh lần này sẽ kéo dài không dưới đơn vị tuần. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận thấy nhiều lý do tiêu cực để thị trường giảm sâu. Do đó, xu hướng trung hạn vẫn tích cực (dòng tiền vẫn duy trì ở mức khá, chưa phải mức cạn kiệt).

Những nhà đầu tư đang cầm nhiều tiền mặt nên kiên nhẫn chờ đợi thêm điểm mua tốt hơn. Còn với nhà đầu tư đang có nhiều cổ phiếu thì chưa cần thiết bán tháo bằng mọi giá, nên tận dụng nhịp hồi để hạ tỷ trọng cổ phiếu tại mức giá tốt, đặc biệt là những mã đầu cơ.

Sẽ có nhiều yếu tố tích cực hơn

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Với việc hút thêm được tiền vào quỹ, vì thế trong phiên 29/7 khối ngoại (quỹ ETF) đã mua ròng khá mạnh và đó là động lực lớn để chỉ số VN-Index tăng trở lại. Nhưng cho dù là áp lực bán đã yếu đi nhưng cũng phải nhìn nhận rằng phiên giảm mạnh hôm 28/7 đã gây áp lực tâm lý rất lớn. Vì thế không khó nhận ra rằng dòng tiền đang khá thận trọng, và nó khiến cho phiên giao dịch này trở nên nhạt và uể oải.

Như nhận định ở phiên trước, chúng tôi có nhắc đến rằng thị trường sẽ tìm cách giữ mốc 590 điểm và có thể thanh khoản sẽ co hẹp lại. Nếu điều này xảy ra thì phiên kế tiếp 30/7 sẽ có nhiều yếu tố tích cực hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là về mặt ngắn hạn, còn về xu thế thì nó sẽ không còn khuyến khích dòng tiền gia nhập trở lại như những lần trước nữa. Có thể, sự hồi phục ở những phiên tới sẽ không thực sự rõ ràng và điều đó lại mang đến bất an cho nhà đầu tư.

Chúng tôi cũng cho rằng, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp tăng này để hạ tỷ lệ cổ phiếu xuống hơn là gia tăng nó lên. Nếu như dòng tiền thực sự suy yếu thì sẽ không loại trừ thị trường sẽ lại diễn ra một nhịp bán mạnh lần nữa. Khi mốc 590 điểm bị mất, tâm lý của nhà đầu tư sẽ trở nên bất định hơn và đó là một lo lắng thực sự.

Khó chinh phục mốc 610

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Sau một phiên giảm mạnh vào đầu tuần, việc thị trường hồi phục nhẹ trở lại như phiên 29/7 được chúng tôi đánh giá là diễn biến bình thường.

Chúng tôi bảo lưu nhìn nhận có phần kém tích cực hơn trong ngắn hạn dành cho thị trường (dù vẫn rất tin tưởng vào triển vọng trung dài hạn), khả năng VN-Index mau chóng chinh phục thành công kháng cự 610 không được chúng tôi đánh giá cao.

Dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục ở lại thị trường

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Chúng tôi nghĩ rằng chỉ với một nhịp điều chỉnh 28/7 thì vẫn chưa đủ để tạo một mặt bằng hấp dẫn đối với nhiều cổ phiếu, tuy nhiên, có thể thông tin Moody’s nâng hạng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (từ B2 lên B1 - triển vọng ổn định) đã giúp tâm lý cải thiện đáng kể và cuối phiên.

VN-Index bật tăng vượt ngưỡng 590 điểm với những cổ phiếu dẫn dắt đà hồi phục là các trụ cột (BVH, MSN, VNM, VIC và VCB), trên sàn HNX nổi bật nhất vẫn là PVS.

Theo thống kê của hai sở giao dịch, đã có 388/661 doanh nghiệp niêm yết đã công bố KQKD quý II/2014. Câu chuyện KQKD bắt đầu trở nên cũ đối với nhà đầu tư trên TTCK những ngày gần đây và câu chuyện mới thì vẫn chưa hé lộ.

Dù vậy, chúng tôi kỳ vọng câu chuyện mới sẽ mang màu sắc tích cực vì tin rằng dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục “quẩn quanh” ở kênh đầu tư chứng khoán trong nửa thời gian còn lại của năm.

Do vậy, những nhà đầu tư đã chốt lời một phần và có tỷ trọng tiền mặt cao có thể tiếp tục quan sát để giải ngân trở lại vào những cổ phiếu có khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt trong nửa cuối năm 2014.

Tin bài liên quan