Nhận định thị trường ngày 26/12: Hạn chế hoạt động trading

Nhận định thị trường ngày 26/12: Hạn chế hoạt động trading

(ĐTCK) Thanh khoản sẽ tiếp tục duy trì ở mức không cao như trước, chính vì thế, cơ hội trading trong giai đoạn này không thực sự nhiều.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 26/12.

Cơ hội trading không thực sự nhiều

CTCK BIDV (BSC)

Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo trước, đà tăng giá sẽ bị thử thách khi áp lực bán chốt lời mạnh dần hơn vào thời gian cuối tuần. Tuy nhiên, thị trường hiện tại cũng không chịu quá nhiều áp lực: (1) khối ngoại đã dừng bán, thậm chí liên tục mua ròng trong 4 phiên trở lại đây, (2) tình hình margin đã bớt căng thẳng lượng tiền vay ở các công ty chứng khoán đã giảm đáng kể, (3) giá dầu đã dừng đà rơi mạnh, và tâm lý nhà đầu tư phần nào quen với tin tức này. Phiên giảm điểm 25/12 chủ yếu bị tác động bởi sự giảm điểm của nhóm cổ phiếu dầu khí. Các cổ phiếu khác hầu như không biến động quá mạnh. Do đó, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục giằng co sideways trong vài phiên tới.

Thanh khoản sẽ tiếp tục duy trì ở mức không cao như trước do (1) sự thận trọng từ phía các bên tham gia, (2) nhà đầu tư nước ngoài sẽ nghỉ lễ và (3) dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ bị giảm bớt sau tác động của Thông tư 36. Chính vì thế, cơ hội trading trong giai đoạn này không thực sự nhiều.

Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể mở vị thế mua trong phiên giảm điểm như phiên 25/12. Lưu ý chung là duy trì sự cân bằng giữa tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu trong danh mục. Trong trường hợp nắm giữ quá nhiều cổ phiếu, nhà đầu tư nên tận dụng phiên tăng điểm để hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư giữ quan điểm thận trọng nên đứng ngoài quan sát thêm, chờ sự ổn định hơn từ thị trường.

Sẽ tiếp tục các phiên lình xình

CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS)

Biến động giá trong phiên 25/12 diễn ra khá tiêu cực khi lực cầu chốt lời ngắn hạn tăng cao sau khi hàng loạt cổ phiếu trụ cột có xu hướng xác lập đỉnh ngắn hạn sau các phiên tăng điểm khá tích cực vừa qua.

Xét về mặt chỉ số, VN-Index đã tăng liên tục từ vùng đáy 518 điểm tới mức 540 điểm trong khoảng thời gian khá ngắn và vì vậy, những phiên điều chỉnh như hôm nay là hết sức bình thường trong giai đoạn thị trường tìm lại sự cân bằng.

Các thông tin vĩ mô hỗ trợ liên tiếp được đưa ra trong thời gian gần đây sẽ giúp thị trường tránh khỏi đà lao dốc. Tuy vậy với thanh khoản yếu như hiện tại, chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tiếp tục có các phiên giao dịch lình xình tăng giảm xen kẽ trong thời gian tới.

Khả năng xu hướng điều chỉnh còn tiếp diễn

CTCK FPT (FPTS)

Như chúng tôi nhận định ở bản tin ngày hôm trước, áp lực điều chỉnh của thị trường sau khi tăng từ 513 lên 544 điểm là khá cao. Chỉ số VN-Index phiên 25/12 đã đảo chiều giảm điểm, đóng cửa ở 532,01 điểm, giảm 7,43 điêm, tương ứng giảm 1,38%.

Sự giảm điểm này bắt nguồn từ áp lực chốt lời của nhóm dầu khí và lan tỏa sang các nhóm khác như bất động sản, chứng khoán... Áp lực bán mạnh giúp thanh khoản cải thiện được phần nào so với ngày 24/12, nhưng vẫn ở mức thấp. Ngày 24/12 chỉ số VN-Index chính thức đóng cửa dưới SMA(5) là 534.87 điểm và chúng tôi cho rằng, khả năng xu hướng điều chỉnh này còn tiếp diễn. Ngưỡng hỗ trợ mạnh cho thị trường hiện tại chính là khoảng 513 - 518 điểm, là mức thấp nhất trong ngày 17/12. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có lực cầu vào hỗ trợ mạnh tại đây. Khối ngoại tiếp tục có phiên mua ròng thứ 4 liên tục với giá trị gần 49 tỷ đồng trên hai sàn là yếu tố tích cực cho thị trường trong trung dài hạn.

Hoạt động bắt đáy nên được hạn chế

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường có phiên điều chỉnh trên cả 2 sàn với thanh khoản duy trì ở mức thấp và độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về số mã giảm điểm. Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí tiếp tục là tác nhân chính tạo hiệu ứng tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư, trong đó có thể kể đến tín hiệu giảm điểm ngay từ đầu phiên của các mã GAS, PVS, PVD. Bên cạnh đó, các mã bluechips truyền thống như VNM, MSN, VIC, VCB... cũng đã có 1 phiên giao dịch gây thất vọng khi đồng loạt giảm điểm. Tính riêng trong rổ VN30, chỉ duy nhất DPM, DRC, EIB tăng điểm nhưng không đủ mạnh để hỗ trợ thị trường.

Với việc Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) công bố dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 19/12 bất ngờ tăng cao kỷ lục, trái với dự đoán của các chuyên gia, đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu.

Giá dầu WTI ngay lập tức diễn biến theo chiều hướng tiêu cực và đang giao dịch ở mức 55,84 USD/bbl, giảm đáng kể so với mức đỉnh 58,45 USD/bbl cách đây chỉ vài ngày. Đây là nguyên nhân chính khiến các mã cổ phiếu ngành dầu khí bị bán mạnh trong phiên hôm nay, tạo hiệu ứng tâm lý tiêu cực cho toàn thị trường bất chấp các thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên hai sàn. Điểm đáng lưu ý là trái ngược với trạng thái bán mạnh của nhà đầu tư nội trong các phiên gần đây, khối nhà đầu tư ngoại đã có phiên mua ròng trở lại thứ 4 liên tiếp trên sàn HoSE.

Chúng tôi tiếp tục đánh giá triển vọng TTCK Việt Nam trong trung và dài hạn ở mức tích cực. Mặc dù vậy, diễn biến khó lường của giá dầu trong ngắn hạn có thể tạo áp lực lớn đến diễn biến của thị trường. Nhà đầu tư với mức độ chịu đựng rủi ro cao có thể tăng cường hoạt động trading để tối ưu hóa lợi nhuận. Đối với nhà đầu tư thận trọng, hoạt động bắt đáy nên được hạn chế cho đến khi giá dầu ổn định trở lại và cho thấy xu hướng rõ rệt hơn.

NĐT bắt đầu phớt lờ thị trường

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Không như dự báo, nhóm LargeCap phiên này không chịu quá nhiều áp lực do chốt lời nên chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì một phiên tăng điểm nhẹ. Tuy nhiên, cây nến tăng điểm này thể hiện rõ sự khó khăn và giằng co bởi bên mua và bên bán. Trong khi đó, cổ phiếu GAS vẫn duy trì được sự tăng nhẹ nhưng mức tăng đang có dấu hiệu chững lại.

Sự đảo chiều của cổ phiếu này sẽ tác động rất lớn đến chỉ số VN-Index và có thể điều đó sẽ xảy ra vào phiên ngày mai 25/12. Thanh khoản ngày càng giảm đang cho thấy NĐT bắt đầu phớt lờ thị trường và có lẽ cho đến những ngày nghỉ lễ tết sắp tới sẽ khó có diễn biến đáng chú ý.

Dòng tiền có lẽ cũng sẽ chờ đợi một năm mới hơn là kỳ vọng vào lúc này. Tuy nhiên, một vài cổ phiếu nào đó với thông tin tích cực vẫn có thể tăng giá cho dù thị trường giảm điểm. 

Hoạt động Trading T+ vẫn nên thận trọng

CTCK Maritime Bank (MSBS)

Sau khi giao dịch cầm cự trong phiên sáng, sự vắng bóng của dòng tiền lớn đã khiến cho nguồn cung mất kiên nhẫn vào phiên chiều dẫn đến tình trạng bán ra cổ phiếu ở giá thấp khiến VN-Index mất 1,38% tiến sát ngưỡng hỗ trợ 530 điểm. Tâm lý chốt lời ngắn hạn của nhiều nhà đầu tư có thể vẫn sẽ tiếp tục xảy ra vào ngày 26/12, khi thị trường vẫn chưa có thông tin hỗ trợ.

Đỉnh điểm của quá trình giảm điểm có thể xảy ra vào giữa phiên 2 ngày 27/12 khi VN-Index đánh mất mốc 530 điểm và tiến về vùng hỗ trợ 520-527 điểm. Đến phiên chiều chỉ số sẽ hồi lại, nhưng kết thúc vẫn là một phiên giảm điểm.

Chúng tôi duy trì quan điểm mua vào những cổ phiếu cơ bản tốt trong những phiên giảm mạnh và tiến hành nắm giữ. Hoạt động Trading T+ vẫn nên thận trọng trong giai đoạn hiện nay.

Xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu

CTCK MB (MBS)

Thanh khoản thị trường phiên này vẫn duy trì ở mức thấp chưa cho thấy tín hiệu tích cực nào của dòng tiền hiện nay, sự hạn chế của yếu tố này đang là nguyên nhân chính khiến thị trường chỉ hồi phục yếu thời gian gần đây và đã giảm trở lại trong phiên này, chúng tôi cũng nhận thấy tâm lý nghỉ ngơi của đa số nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ dương lịch.

Khối ngoại phiên này tiếp tục có phiên mua ròng, tuy nhiên lượng mủa ròng giảm đáng kể so với các phiên trước với giá trị mua ròng chỉ hơn 41 tỷ đồng, trong đó hơn 37 tỷ mua qua giao dịch khớp lệnh và hơn 4 tỷ đồng mua qua giao dịch thỏa thuận.

Giảm điểm mạnh nhất trong phiên này là nhóm cổ phiếu dầu khí và nhóm cổ phiếu bluechip trong VN30, HNX 30. Đây là các nhóm cổ phiếu có sự hồi phục lớn nhất trong 3 phiên đầu tuần, thực tế này cho thấy lực lực bán mạnh có thể đến từ chính các nhà đầu tư đã bắt đáy thành công trong các phiên cuối tuần trước do nhận thấy thị trường thiếu động lực tăng tiếp, áp lực này khiến thị trường giảm nhiều hơn so với nhiều dự báo trước đó.

Với thực tế đó, chúng tôi khuyến nghị mà đầu tư xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu trong các thời điểm thị trường tăng điểm trong phiên, duy trì tỷ lệ tiền mặt cao và tiếp tục quan sát diễn biến sắp tới để chọn điểm mua phù hợp.

Xu hướng giảm sẽ kết thúc nếu VN-Index không xuyên thủng 510

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Thị trường có phiên giảm mạnh đầu tiên kể từ đầu tuần. Xác lập sắc đỏ ngay từ những phút đầu của phiên giao dịch, đà giảm mở rộng dần theo thời gian sau đó và đóng cửa tại vùng thấp nhất trong ngày.

Thanh khoản vẫn nằm ở vùng thấp trong hôm nay. HOSE có 67,6 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị 954,6 tỷ đồng (-1,2%), trong khi HNX có 34,1 triệu đơn vị khớp lệnh với giá trị 410 tỷ đồng (-28%). Thanh khoản thấp đột ngột một phần do hiệu ứng từ kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, nhưng quan trọng hơn có lẽ xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau một giai đoạn suy giảm mạnh trước đó.

Kết quả giảm mạnh hơn cùa VN-Index có ảnh hưởng không nhỏ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa cao trên HSX. Thống kê cho thấy hầu hết các cổ phiếu vốn hóa cao tại HSX đã suy giảm trong hôm nay, điển hình như: GAS (-4,2%), VIC (-1,71%), VCB (-0,99%), HPG (-0,97%), MSN (-1,2%),…

Khối ngoại vẫn duy trì việc mua ròng nhưng giá trị mua ròng có suy giảm (một phần bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ lễ).

Thị trường đang giảm trở lại sau khi đã hồi phục tương đối tính từ đầu tuần, đợt điều chỉnh này có ý nghĩa quan trọng trong nhìn nhận của chúng tôi về triển vọng sắp tới của thị trường.

Nếu pha điều chỉnh không sâu dưới mức 510 để tạo ra đáy thấp hơn, xu hướng giảm mạnh trước đó có khả năng kết thúc và thị trường có thể tìm đến các kịch bản sáng sủa hơn. Ngược lại, tình hình sẽ trở về mức bi quan.

Tin bài liên quan