Nhận định thị trường ngày 13/2: Khó đột biến

Nhận định thị trường ngày 13/2: Khó đột biến

(ĐTCK) Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch vào ngày 13/2, tâm lý nghỉ ngơi nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra nên thị trường khó có sự đột biến.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 13/2.

Khó đột biến

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch vào ngày 13/2, tâm lý nghỉ ngơi nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra nên thị trường khó có sự đột biến. Nhà đầu tư có thể tranh thủ các nhịp hồi phục để đưa danh mục về mức cân bằng nhằm giảm thiểu rủi ro trong kỳ nghỉ lễ. Các vị thế trung dài hạn vẫn có thể tiếp tục tích lũy hoặc nắm giữ đối với những mã cơ bản, ít chịu ảnh hưởng bởi rủi ro điều chỉnh của thị trường chung.

Sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Trong bối cảnh thị trường đang trong vùng trống thông tin vĩ mô hỗ trợ, sự giao dịch tích cực trở lại của khối ngoại cùng những diễn biến tích cực về kết quả kinh doanh 2014 của nhiều cổ phiếu riêng lẻ liên tiếp được đưa ra sẽ là động lực giúp thị trường tiếp tục tăng trưởng vững vàng trong thời gian sắp tới. Tuy vậy sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra. Nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm các cổ phiếu tốt thuộc lĩnh vực bất động sản và các ngành hỗ trợ như vật liệu xây dựng, thép…

Còn gặp nhiều giằng co

(CTCK BIDV - BSC)

Sau Tết, áp lực chốt lãi tại một số mã đã tăng khá sẽ tăng lên đáng kể. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên 13/2 cũng đã bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh. Do đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ còn gặp nhiều giằng co tại vùng kháng cự quanh 580 điểm trong ngắn hạn. Thị trường có thể diễn ra sự phân hóa nhất định tùy theo diễn biến dòng vốn ngoại.

Với hoạt động đầu tư ngắn hạn, giảm tỷ trọng tại vùng kháng cự quanh 580 điểm. Chốt lời dần các mã đã tăng khá, trong khi vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những mã chưa tăng nhiều. Với danh mục trung và dài hạn, tập trung vào những cổ phiếu cơ bản, tích lũy cổ phiếu trước và sau thời điểm nghỉ lễ tại các phiên giảm điểm.  

Chỉ số có thể chững lại hoặc giảm điểm

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Thị trường có tiếp một phiên tăng điểm, và nếu như nhóm Ngân hàng hỗ trợ thì mức tăng của VN-Index sẽ là rất mạnh. Tuy nhiên, sự hãm đà từ nhóm Ngân hàng khiến cho thị trường có nhiều cảm xúc hơn. Tuy nhiên, việc nhóm bank bất ngờ sụt giảm và nhìn đồ thị cho thấy tín hiệu khá xấu. Có thể những cổ phiếu như BID, CTG, VCB sẽ chịu áp lực bán mạnh khi mẫu hình đảo ngược đà tăng đã hình thành. Do đó, nhiều khả năng ở phiên ngày 13/2 nhóm Ngân hàng sẽ khiến chỉ số chững lại hoặc giảm điểm. Nếu như giảm, chỉ số VN-Index sẽ lại một lần nữa kiểm chứng ngưỡng 580 điểm được thiết lập nhưng nhiều khả năng chỉ số này sẽ duy trì mốc điểm trên trước kỳ nghỉ lễ.

Nhìn chung thị trường vẫn duy trì được sự tích cực nhất định cho dù phiên cuối cùng có thể giảm điểm. Có thể việc phiên cuối giảm điểm sẽ dẫn tới những phiên đầu năm không thuận lợi. Nó có thể là phản ứng theo một chuỗi của thị trường nhưng về tâm lý, nhiều nhà đầu t có xu hướng chốt lời lấy may trong khi bên mua thận trọng không muốn cái rủi về phía mình những ngày đầu tiên.

Xu hướng tích cực vẫn tiếp diễn

(CTCK MB - MBS)

Thị trường tiếp tục hồi phục tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp vượt lên trên vùng kháng cự mạnh MA200 ngày tương ứng vùng 581 điểm nhờ đà hồi phục của nhóm cổ phiếu lớn trong VN30 mà phần lớn tập trung vào nhóm cổ phiếu Bất động sản và Chứng khoán. Diễn biến hồi phục trong phiên 13/2 đa phần được củng cố bởi lực mua ròng mạnh từ khối ngoại, trong đó tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 như: VIC, DPM, SSI, FLC, STB, BVH, HAG, HPG… đã tác động khá tích cực tới chỉ số chung. Diễn biến này đang tạo ra hiệu ứng khá tích cực trong xu hướng dòng tiền ngoại đầu năm 2015. Quan sát số liệu từ quỹ VNM ETF, chúng tôi nhận thấy trong hai phiên giao dịch ngày 9-10/2, quỹ huy động thêm được 5,59 triệu USD (tương ứng giá trị 114 tỷ đồng).

Về phân lớp cổ phiếu, nhóm cổ phiếu Chứng khoán (SSI, BVS, KLS…) và Bất động sản (HLD, HAG, FLC, VIC…), dệt may (TNG, TCM), Sông đà (SD6, SD9, SDT…) và nhóm được hưởng lợi tỷ giá (NT2, HT1, BCC…) hồi phục tăng khá tốt so với mặt bằng chung. Riêng nhóm ngân hàng về cuối phiên chịu áp lực chốt lời khá mạnh khiến các mã dẫn đầu trong nhóm này như CTG, BID, MBB… giảm trở lại về cuối phiên.

Nhìn chung, giao dịch thị trường diễn ra tiếp tục trong xu hướng tích cực. Mặc dù áp lực chốt lời có xu hướng tăng khi giá hồi phục nhưng xu hướng tăng của điểm số và sự lan tỏa dòng tiền đang tiếp tục củng cố cho đà hồi phục ngắn hạn của thị trường.

Chinh phục mốc 585 điểm

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Việc chỉ số VN-Index có phiên tăng điểm vượt MA200 đã củng cố cho quan điểm thị trường đang giao dịch tích cực mặc dù thanh khoản vẫn đang ở mức thấp. Nhóm cổ phiếu cơ bản vẫn đang thu hút được sự quan tâm của dòng tiền, trong khi đó cổ phiếu ngân hàng đang chịu áp lực chốt lãi ngắn hạn.

Các tín hiệu kỹ thuật đều củng cố cho xu hướng tăng điểm, vì vậy ngày 13/2 thị trường vẫn sẽ tiếp tục tăng điểm. Tuy nhiên mốc 585 đã từng là một mốc kháng cự mà VN-Index chinh phục bất thành trong nhịp tăng trước đó nên sẽ có hiện tượng rung lắc mạnh quanh mốc này, áp lực chốt lời ngắn hạn ở nhiều cổ phiếu có thể diễn ra trong phiên giao dịch buổi sáng nhưng đến chiều tâm lý nhà đầu tư ổn định lại, thị trường tăng điểm nhẹ và đóng cửa trên 585 điểm. Nhà đầu tư vẫn nắm giữ cổ phiếu và hạn chế mua đuổi cổ phiếu giá cao.

Thị trường sẽ khép lại năm Giáp Ngọ trong sắc xanh

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Chúng tôi tin rằng thị trường sẽ khép lại năm Giáp Ngọ trong sắc xanh tăng điểm, tạo tiền đề tốt đẹp cho giai đoạn đầu năm Ất Mùi.

Với các nhà đầu tư thận trọng và không muốn chịu rủi ro, một tỷ trọng cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt sẽ là lựa chọn hợp lý để hạn chế những biến động thông tin khó kiểm soát trong thời gian nghỉ lễ kéo dài. Với các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro lớn hơn, việc duy trì một tỷ trọng cổ phiếu lớn hơn và nắm giữ qua tết có thể tạo ra lợi thế ngắn hạn (nhưng cũng đi kèm với rủi ro cao hơn).

Tin bài liên quan