Nhận định thị trường ngày 12/8: Bi quan

Nhận định thị trường ngày 12/8: Bi quan

(ĐTCK) Đa số các công ty chứng khoán đều có cái nhìn tiêu cực với thị trong trong phiên 12/8 và các phiên sắp tới. Khuyên nghị được đưa ra là tăng tỷ trọng tiền mặt, giảm tỷ trọng cổ phiếu và chỉ tập trung vào các cổ phiếu cơ bản.

Đầu tư Chứng khoán lược trích nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 11/8.

Tăng tỷ trọng tiền mặt trong tài khoản

CTCK FPT (FPTS)

Diễn biến hồi phục trong các phiên gần đây chưa đi kèm với các tín hiệu có độ tin cậy cao đặc biệt là thanh khoản trên thị trường đang hình thành xu hướng giảm. Do đó, các hoạt động giao dịch nên thu hẹp theo hướng tăng tỷ trọng tiền mặt trong tài khoản.

Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên tận dụng các nhịp hồi phục kỹ thuật để cơ cấu lại danh mục theo hướng tập trung vào nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt. Các hoạt động giải ngân mới và có sử dụng margin nên hạn chế và kiên nhẫn chờ các tín hiệu tin cậy của chỉ số khi xác lập một chân sóng mới.

Cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu

CTCK BIDV (BSC)

Nhóm cổ phiếu bảo hiểm và nhóm ngân hàng tăng điểm tốt trong ngày 11/8. Ở chiều ngược lại, một loạt các cổ phiếu “nới room” đều đóng cửa trong giá đỏ. Không có nhiều cổ phiếu tăng đột biến cả về giá và khối lượng trong phiên 11/8.

Thị trường chung có lẽ sẽ chưa thể sớm bứt phá khỏi đỉnh ngắn hạn 640 điểm trong thời gian ngắn sắp tới. Về mặt kỹ thuật, ngưỡng 600 điểm đã được kiểm định liên tục trong thời gian gần đây và chúng tôi kỳ vọng, VN-Index sẽ không dễ dàng để phá thủng ngưỡng hỗ trợ trên. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên cân nhắc các phiên tăng điểm để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư thận trọng vẫn nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và quan sát thêm.

Duy trì danh mục hiện tại

CTCK MB (MBS)

Hai chỉ số cùng điều chỉnh giảm trở lại, VN-Index giảm 1,48 điểm (-0,24%) xuống còn 613,05 điểm, HNX-Index giảm 0,57 điểm (-0,68%) xuống mức 83,83 điểm. Thanh khoản tăng trên HOSE với giá trị giao dịch đạt 2.573,2 tỷ đồng (+38,4%)  tương đương 119,7 triệu cổ phiếu, trên HNX giá trị giao dịch đạt 522,7 tỷ (-7,6%) tương đương 42,9 triệu cổ phiếu.

Giá KDC giảm mạnh do điều chỉnh kỹ thuật ngày hưởng cổ tức 200% đã tác động đáng kể đến chỉ số VN30 Index. Do đó, có lúc dù đa số các mã lớn tăng giá, nhưng VN30 Index vẫn giảm mạnh. Nhóm cổ phiếu bảo hiểm lại tăng giá mạnh trở lại giúp thị trường khởi sắc giữa phiên, nhưng về cuối phiên, áp lực bán tăng cao khiến đa số các cổ phiếu bluechip quay đầu giảm điểm sau khi đã tăng giá mạnh trong phiên trước và đầu phiên 11/8, có thể kể đến như HCM, SSI, VNM, TCM, REE, HPG, FPT…

Sự suy giảm này là nguyên nhân chính khiến các chỉ số đóng cửa giảm điểm sau khi đã duy trì trạng thái tăng điểm trong phần lớn thời gian giao dịch. Số mã tăng giá mã tăng giá/mã giảm giá trên HOSE là 78/117 còn trên HNX là 78/105.

Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư duy trì danh mục hiện tại và theo dõi diễn biến các phiên tiếp theo để có hành động phù hợp, có thể xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường thất bại trong việc kiểm nghiệm các vùng hỗ trợ nêu trên.

Tạm ngừng các hoạt động trading T+

CTCK Maritime Bank (MSBS)

Áp lực bán mạnh vào cuối phiên của hàng loạt các cổ phiếu đã kéo thị trường giảm điểm, đặt biệt ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như SSI, REE, PVD… Kết phiên, VN-Index dừng ở mốc 613,05 điểm (giảm 1,48 điểm).

Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá dè dặt, thanh khoản thị trường chưa thực sự tích cực. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm điểm quanh ngưỡng 610 - 615 trong ngắn hạn, trong phiên giao dịch ngày 12/8, VN-Index nhiều khả năng sẽ giằng co giảm điểm.

Khuyến nghị, nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng trong giai đoạn này, tạm ngừng các hoạt động trading T+, chỉ nên tiến hành mua vào ở một số cổ phiếu có thông tin tốt hỗ trợ cho mục tiêu trung và dài hạn.

Thị trường nhìn chung vẫn khá tích cực

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Thị trường mở cửa trong sắc xanh, nối theo đà hưng phấn ở phiên trước đó. Dù vậy kết quả tăng điểm không thật sự lớn và hai chỉ số sau đó chủ yếu xoay quanh mức tham chiếu. Bên bán hoạt động mạnh lên rõ rệt trong khoảng 30 phút cuối cùng của phiên và khiến hai chỉ số đóng cửa trong sắc đỏ.

VN-Index chốt ngày tại 613,05 điểm (-0,24%) trong khi HNX-Index giảm mạnh hơn, về 83.83 điểm (-0,68%). Thanh khoản tiếp tục tăng trong hôm nay, cụ thể HSX có 102 triệu đơn vị khớp lệnh với giá trị đạt 2.012 tỷ đồng (+17,5%) còn HNX có 39,8 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng ghi nhận giá trị 495 tỷ đồng (+9,3%).

 “Nới room” tiếp tục là câu chuyện được quan tâm nhiều trong phiên 11/8. Dù vậy diễn biến đã có phần cân bằng hơn khi sự hưng phấn tại nhóm các cổ phiếu có kỳ vọng tăng room chỉ tăng nhẹ trong buổi sáng và bắt đầu chịu áp lực chốt lời mạnh hơn sau đó. Như chúng tôi đã lưu ý trước đó, Nghị định 60 sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 9 và các thông tư hướng dẫn cho NĐ 60 hiện đã hoàn tất và sẽ sớm được phổ biến đến nhà đầu tư trong thời gian ngắn tới đây.

Điểm sáng lớn nhất cần nói đến phiên 11/8 là kết quả mua ròng mạnh của khối ngoại. Tính riêng khớp lệnh tại HSX, khối ngoại đã mua ròng gần 8,6 triệu cổ phiếu với giá trị đạt 188 tỷ đồng(!), cao đột biến nếu so với mức hoạt động trung bình một tháng qua của khối này. Các mã được mua ròng mạnh nhất là: SSI (+89,1 tỷ đồng), DPM (+16,0 tỷ đồng), BID (+14,2 tỷ đồng) và HPG (+13,2 tỷ đồng).

Vẫn lập lại quan điểm cũ, chúng tôi cho rằng thị trường nhìn chung vẫn khá tích cực trong trung hạn đến cuối năm. Xét ngắn hạn hơn, vùng hỗ trợ 600 đã phát huy tốt vai trò nâng đỡ dành cho đường giá, dù vậy triển vọng ngắn hạn vẫn chỉ ở mức trung bình do động lực tăng mạnh của thị trường hiện không rõ ràng.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ngang bằng tiền mặt trong ngắn hạn để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Nhà đầu tư trung hạn có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân

CTCK SHS

Áp lực điều chỉnh nhanh chóng xuất hiện trở lại ngay sau phiên bật tăng kỹ thuật từ mốc 600 điểm của VN-Index. Tuy vậy đà điều chỉnh diễn ra không sâu và nhiều mã Bluechips có giao dịch intraday khá mạnh mẽ, đặc biệt là các mã có thông tin hỗ trợ tích cực mặc dù không còn sự đồng thuận như trong phiên trước đó.

Khối ngoại giao dịch tích cực trở lại là một trong các nguyên nhân đẩy thanh khoản cải thiện trở lại. Tuy vậy, hoạt động giao dịch của khối này chủ yếu tập trung vào một số mã quen thuộc nên không tạo được hiệu ứng tích cực lên diễn biến thị trường chung.

Trong ngắn hạn, kỳ vọng về những thông tin tích cực sẽ xuất hiện trong cuộc hội thảo vào thứ Năm tuần này được tổ chức bởi UBCK vẫn đang tiếp tục chi phối giúp áp lực điều chỉnh tạm thời chấm dứt. Thị trường sẽ không còn giảm sâu, tuy vậy trạng thái giao dịch tích lũy tiếp tục xuất hiện nhằm tạo động lực cho quá trình tăng trưởng mới.

Nhà đầu tư trung hạn có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân vào các mã có thông tin tích cực tại các vùng giá hợp lý trong các phiên điều chỉnh. Hoạt động mua bán ngắn hạn hoặc mua đuổi không được khuyến khích trong giai đoạn này.

Tin bài liên quan