Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đang lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đang lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Nhận diện “vùng lõm” trong thương mại Việt - Trung

Chênh lệch trong cán cân thương mại với Trung Quốc cho thấy tính cấp thiết phải có kịch bản phòng ngừa và xa hơn nữa là tránh lệ thuộc vào quốc gia 1,4 tỷ dân này.

Nếu chỉ thuần túy xét về lượng, giả sử xuất nhập khẩu bị đình trệ, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được, nên họ không dễ gì trả đũa kinh tế Việt Nam. Không những vậy, trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, hàng hóa cũng như dòng nước, chỗ nào bị hạn chế, bị chặn, dòng nước sẽ chảy đến nơi khác.

Lý thuyết là vậy và thực tế cũng sẽ là vậy. Thế nhưng, trong “thế giới phẳng” thương mại hai chiều Việt - Trung hiện nay, thị trường này chính là “vùng lõm” của chúng ta, nên những lập luận như vậy cần được xem xét một cách thấu đáo.

Số liệu thống kê cho thấy, trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi thương mại với Trung Quốc mới được khai thông trở lại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4,9 tỷ USD, trong khi nhập khẩu chỉ đạt gần 4,3 tỷ USD, nên Việt Nam xuất siêu hơn 600 triệu USD, đạt tỷ lệ 14,5%.

Thế nhưng, ngay năm 2001, trong khi xuất khẩu chỉ đạt hơn 1,4 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt hơn 1,6 tỷ USD, nên Việt Nam nhập siêu gần 200 triệu USD (chiếm tỷ lệ 13,3%). Và từ thời điểm này trở đi, do nhập khẩu tăng phi mã 28,6%/năm và đạt gần 37 tỷ USD trong năm 2013, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 18%/năm, đạt hơn 13,2 tỷ USD, nên nhập siêu đạt kỷ lục 23,7 tỷ USD.

Điều đáng chú ý là, năm 2013, Việt Nam cân bằng được cán cân thương mại, tức là đã phải nhặt nhạnh từng đồng USD xuất siêu ở tất cả các thị trường khác để bù vào khoản thâm hụt khổng lồ với riêng thị trường Trung Quốc.  Khi căn bệnh nhập siêu đã trở nên rất khó chữa của nền kinh tế nước ta, mà gốc gác là hàng hóa “Made in China” ồ ạt tràn vào, thì ít nhất vào giữa thập kỷ trước, vấn đề này đã được đặt lên bàn nghị sự của lãnh đạo cao nhất giữa hai nước, nhưng thực tế nói trên cho thấy kết quả đã đạt được giữa hai bên không chỉ là con số 0 tròn trĩnh, mà còn ngày càng xấu thêm.

Trong điều kiện xuất 2,8 và chỉ nhập khẩu 1 như trên, nếu ngừng buôn bán với Việt Nam, thì trên lý thuyết, phần khó khăn và thua thiệt sẽ nghiêng về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn như vậy, bởi những lý lẽ sau đây:

Thứ nhất, nếu ngừng buôn bán với Việt Nam, Trung Quốc sẽ phải đẩy gần 37 tỷ USD hàng hóa sang thị trường khác. Lượng hàng hóa đó tuy khổng lồ đối với Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm vỏn vẹn 1,7% trong “rổ hàng xuất khẩu” 2.210 tỷ USD của Trung Quốc, trong khi gần 10,3 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm tới 10% “rổ hàng xuất khẩu” mới đạt 132 tỷ USD của Việt Nam.

Rõ ràng, chênh lệch về tỷ lệ lên tới gần 6 lần đó mới nói lên mức độ khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế mà Việt Nam phải đối mặt lớn hơn rất nhiều.

Thứ hai, trong 10,3 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, chỉ chiếm vỏn vẹn 0,68% “rổ hàng nhập khẩu” khổng lồ 1.950 tỷ USD của nước này, trong khi Trung Quốc không lệ thuộc vào thị trường Việt Nam, thì Việt Nam lại có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu lệ thuộc quá lớn, thậm chí hoàn toàn vào thị trường này.

Điển hình nhất là khi sắn và sản phẩm sắn trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đang “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” - thị trường Trung Quốc, bởi luôn có tới trên dưới 90% khối lượng nhằm vào thị trường này, trong khi tổng khối lượng nhập khẩu (quy sắn tươi) của Trung Quốc từ năm 2009 đến nay chỉ khoảng 17 - 19,4 triệu tấn. Bên cạnh đó, từ khi Việt Nam tăng tốc xuất khẩu than đá cách đây 10 năm, đó cũng chính là thời điểm Trung Quốc tăng vọt lượng nhập khẩu của Việt Nam lên gấp 2,1 lần (năm 2003 đạt 2,7 triệu tấn, năm 2004 tăng lên 5,8 triệu tấn), còn tỷ trọng than xuất khẩu sang riêng thị trường này trong 9 năm trở lại đây vẫn dao động trong khoảng 72,8 - 75,2%.

Ngoài ra, cao su cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng “bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ” - thị trường Trung Quốc trong vòng một thập kỷ trở lại đây.

Thứ ba, với gần 37 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Việt Nam năm 2013, Trung Quốc đã đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân 28,6%/năm trong 13 năm gần đây, cao gấp 1,56 lần nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu chung của nước này ra thị trường thế giới. Nhưng Trung Quốc sẽ ít gặp khó khăn khi phải tìm thị trường thay thế, bởi chỉ chiếm 1,7% “rổ hàng xuất khẩu” 2.210 tỷ USD của họ.  

Trong khi đó, do chiếm tới 28% “rổ hàng nhập khẩu” của Việt Nam, trong đó phần lớn lại là nguyên, nhiên, vật liệu và máy móc, thiết bị, nên việc tìm kiếm thị trường thay thế của Việt Nam chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều.

Trong đó, điều có lẽ đáng quan ngại nhất chính là hơn 7 tỷ USD hàng hóa là máy móc, thiết bị các loại không chỉ chiếm 30,5% “rổ hàng nhập khẩu” này của Việt Nam, mà chất lượng thường thường bậc trung và kém đã, đang và chắc chắn sẽ còn tiếp tục để lại những hệ quả vô cùng tai hại đối với môi trường. Thực trạng đất và nguồn nước tại vựa lúa lớn nhất nước của Trung Quốc là tỉnh Hồ Nam hiện đã bị ô nhiễm tới mức phải ngừng sản xuất lúa, trong khi an ninh lương thực đang là vấn đề ngày càng lớn của đất nước với dân số gần 1,4 tỷ dân này đủ nói lên điều đó.

Thứ tư, đối với không ít mặt hàng sản xuất với quy mô nhỏ rải rác trong cả nước không theo quy chuẩn nào được buôn bán tiểu ngạch như hiện nay, việc đóng cửa biên giới sẽ không khác gì đẩy những nông sản này đi vào ngõ cụt. 

Lịch sử ngàn năm cho thấy, chúng ta tất thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, nhưng nếu cuộc chiến thương mại xảy ra, dù đang sống trong “thế giới phẳng”, thì nếu có thắng, cũng là một chiến thắng gian nan, cho nên việc có kịch bản phòng ngừa và xa hơn nữa là tránh lệ thuộc là điều không thể không tính đến.

Tin bài liên quan