Hiện trạng Fintech Việt
Năm 2014, thương vụ đầu tư 28 triệu USD từ Quỹ đầu tư tư nhân Standard Chartered và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs vào Công ty cổ phần M_Service, đơn vi ̣cung cấp dịch vụ ví điện tử MoMo, đã làm “nóng” thị trường.
Thực tế, các công ty fintech trong lĩnh vực thanh toán mới xuất hiện vào năm 2008, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của lĩnh vực fintech. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài không ngừng đổ bộ vào fintech Việt.
Chẳng hạn, WeChat, sản phẩm của Tập đoàn Tencent, nhà phát triển ứng dụng lớn của Trung Quốc cũng như ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam từ tháng 4/2012, nhưng bị tẩy chay vào cuối năm 2013.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư khác của Tencent ở Việt Nam thông qua việc mua cổ phần doanh nghiệp lại rất thành công. Đó là việc “chống lưng” cho Garena (trụ sở ở Singapore, nay đổi tên thành Sea), nhà phân phối nhiều tựa game lớn ở Việt Nam và mua cổ phần tại VNG, “cha đẻ” của 2 ứng dụng Fintech Zalo Pay và 123Pay.
Trong báo cáo cổ đông năm 2011, Tencent công bố có vốn tại một công ty game trực tuyến chưa niêm yết ở Đông Nam Á, với tỷ lệ sở hữu là 31,25%, tăng so với mức 30,02% trong năm 2010. Báo cáo này không nêu tên doanh nghiệp, nhưng theo những dữ kiện và con số doanh thu, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định, đó là VNG.
Gần đây nhất, nhiều khoản đầu tư vào các doanh nghiệp finetch Việt đã được hiện thực hóa. Cuối tháng 11/2016, Tập đoàn truyền thông VMG cho biết, sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần (62,25%) tại Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay) cho Quỹ đầu tư UTC của Hàn Quốc, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2017. Cuối năm 2016, Công ty cổ phần Credit China Fintech (CCF) công bố chi 12,73 triệu USD để sở hữu 51% cổ phần phát hành thêm của Công ty cổ phần Công nghệ Bằng Hữu (Amigo Technologies).
Theo thống kê của Tropica Founder Institute, trong năm 2016, tổng giá trị các thương vụ đầu tư liên quan đến các doanh nghiệp khởi nghiệp fintech tại Việt Nam là 129 triệu USD, chiếm 63% tổng giá trị các thương vụ startup ở các lĩnh vực khác nhau.
Thông tin từ Ban chỉ đạo về lĩnh vực fintech của Ngân hàng Nhà nước, trên thị trường đang có hơn 40 công ty fintech hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán (chiếm gần 60%). Hiện có 2/3 các doanh nghiệp khởi nghiệp fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến (như 123Pay, MoMo), cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS (như iBox, Moca), chuyển tiền (như Matchmove, Cash2vn).
Ngoài ra, thị trường fintech Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn cộng đồng (ví dụ FundStart, Firststep), dịch vụ cho vay trực tuyến (LoanVi, Tima), quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (Moneylover, Mobivi), quản lý dữ liệu khách hàng (CircleBi, Trusting Social), ngân hàng kỹ thuật số (Timo), so sánh dịch vụ tài chính (BankGo, GoBear), cầm đồ online (F88)...
Hấp dẫn, nhưng rủi ro cao
Hiện tại, khuôn khổ pháp lý và quản lý của Việt Nam về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực fintech trong thanh toán, chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực tài chính khác như cho vay ngang hàng (P2P Lending); chuyển tiền, thanh toán, tài trợ thương mại; gọi vốn từ cộng đồng (Crowd-funding).
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, khuôn khổ pháp lý hiện hành về fintech còn nhiều “khoảng trống”, nhất là khung pháp lý cho các dịch vụ tài chính công nghệ mới. Hoạt động của các công ty fintech còn chứa đựng nhiều rủi ro đối với hệ thống tài chính cũng như người sử dụng dịch vụ tài chính.
Về nguyên tắc, việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về fintech cần dựa trên cơ sở nhận diện được các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của các công ty fintech và đưa ra được quy định, biện pháp để quản lý hiệu quả các rủi ro đó.
Nhận diện về những rủi ro mà fintech có thể đem lại, quan điểm từ Ban chỉ đạo về lĩnh vực fintech của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hoạt động của fintech là đổi mới, sáng tạo nên đôi khi chưa thể được quy định đầy đủ trong các văn bản pháp lý hiện hành, đặc biệt trong bối cảnh fintech đang có nhiều hoạt động hỗ trợ cho thị trường tài chính.
Đa số các lĩnh vực fintech hiện chưa được quản lý bởi các cơ quan quản lý nhà nước nên thiếu sự kiểm soát, giám sát về mặt quy trình hoạt động (về yêu cầu kỹ thuật, vốn, các rủi ro khi hoạt động…). Bởi vậy, việc thiếu chắc chắn về trách nhiệm pháp lý đối với những tổn thất mà fintech gây ra có thể gây ra tổn hại về niềm tin vào hệ thống.
Bên cạnh đó, do fintech được ứng dụng trên nền tảng công nghệ nên nguy cơ gặp phải các rủi ro công nghệ là rất cao. Chính việc sử dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ và kỹ thuật số trong việc truyền tải dữ liệu khách hàng (đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán) làm gia tăng nguy cơ bị tấn công công nghệ. Nếu không có giải pháp công nghệ hiện đại để phòng chống các rủi ro công nghệ, sẽ làm gia tăng khả năng ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Một vài hoạt động của fintech có thể làm gia tăng mức độ lệ thuộc vào bên thứ ba của hệ thống tài chính. Chẳng hạn, công nghệ robot tư vấn và các công ty fintech trong lĩnh vực cho vay phải dựa hoàn toàn vào một bên cung ứng dịch vụ dữ liệu thứ ba, hay như việc các tổ chức tài chính đang dần lệ thuộc vào các công ty điện toán đám mây để thực hiện các hoạt động tài chính liên quan đến công nghệ này (thay cho việc phải tự đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết). Việc này có thể dẫn đến rủi ro hệ thống khi cả thị trường hoặc nhiều tổ chức lớn trong thị trường phụ thuộc vào một số ít các công ty cung ứng dịch vụ.
Đồng thời, rủi ro về danh tiếng cũng là một vấn đề lớn đối với các công ty fintech, nhất là khi lĩnh vực hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình và công ty. Ví dụ, một tổn thất lớn và không lường trước của một nền tảng cho vay ngang hàng nhất định có thể dẫn đến tổn thất nghiêm trọng về lòng tin của người sử dụng đối với tất cả các công ty trong nền tảng này, gây nên tổn thất trên thị trường tài chính.
“Các dịch vụ của fintech được thiết kế để có thể hoạt động với tốc độ xử lý giao dịch cao, tuy nhiên điều này có thể làm tăng mức độ biến động trong toàn hệ thống. Trong môi trường cạnh tranh với tốc độ giao dịch cao, khả năng dễ dàng chuyển đổi giữa các bên cung ứng dịch vụ có thể khiến thị trường tài chính nhạy cảm hơn với các thông tin truyền thông”, một cán bộ Ban chỉ đạo về lĩnh vực fintech nói.