Những rủi ro trước mắt
Trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 12,2 tỷ USD, tăng 11,5% (1,26 tỷ USD) so với năm 2018. Tuy nhiên, nếu tính riêng tháng 5 vừa qua, chỉ số công nghiệp may mặc chỉ tăng 9,6%, thấp hơn đáng kể con số 17% của cùng kỳ năm trước do sự tăng trưởng chậm lại trên cả 3 thị trường chủ lực là Mỹ, EU và Hàn Quốc.
Về yếu tố hỗ trợ, ngành dệt may Việt Nam đang hưởng lợi từ các yếu tố như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp ký kết. Tuy nhiên, để khẳng định các DN dệt may nói chung, DN dệt may niêm yết nói riêng đã sẵn sàng hay có đủ nội lực để đón nhận cơ hội, cũng như thách thức hay chưa thì cần nhìn vào bản chất của ngành nghề và các con số tài chính cụ thể, từ đó thấy được hướng đi nào là bền vững cho DN.
Năm 2018 được coi là năm bứt phá của ngành dệt may Việt Nam, khi kim ngạch xuất khẩu đạt 36,164 tỷ USD, tăng trưởng hơn 16% so với năm 2017 (tương đương hơn 5 tỷ USD). Dệt may Việt Nam hiện nằm trong TOP 3 nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, khi nói về các thách thức tồn tại trong ngành thì cũng rất nhiều. Để có thể hưởng lợi từ các yếu tố hỗ trợ nói trên là cả một bước dài chuẩn bị. Những rủi ro trước mắt của ngành này có thể kể đến:
Thứ nhất, chuỗi giá trị chưa hoàn thiện chủ yếu do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào. Việt Nam hiện phải nhập khẩu 99% bông, 70% xơ sợi và 80% vải. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dù 80% vải nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng chỉ 10% trong số này đến từ Nhật Bản và các nước trong khối CPTPP. Trong khi đó, ưu đãi từ CPTPP chủ yếu dành cho nội khối.
"Điểm nghẽn lớn nhất là Việt Nam chưa sản xuất được vải để xuất khẩu", đại diện VITAS nói và cho biết thêm, mặc dù mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 1,8 tỷ USD nguyên liệu vải ra nước ngoài, nhưng chủ yếu đến từ các DN Hồng Kông, chứ không phải DN Việt. Trong đó, Campuchia - một quốc gia dệt may mới nổi - là đối tác nhập khẩu chính vải được sản xuất tại Việt Nam.
Thứ hai, về chi phí nhân công, lao động, mặc dù được đánh giá là một trong những nước có chi phí nhân công rẻ, nhưng năng suất lao động lại rất thấp, việc tăng lương tối thiểu vùng lên 6,5% trong năm 2018 làm tăng phí đóng bảo hiểm xã hội, chi phí nhân công ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó riêng chi phí đóng quỹ công đoàn lên tới 500 tỷ đồng. Theo phân tích của VITAS, từ năm 2008 đến nay, Nhà nước đã 10 lần tăng lương tối thiểu vùng, trong đó DN trong nước tăng bình quân gần 22%, DN FDI tăng trên 15%. Mức tăng không đồng đều giữa tiền lương và năng suất lao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các DN dệt may.
Thứ ba, không loại trừ khả năng các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó phần nhiều là các DN Trung Quốc, sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi - vải - may mặc tại Việt Nam để tránh ảnh hưởng từ đòn trừng phạt thương mại của Mỹ.
5 dấu hiệu nhận diện sức bền
Thu nhỏ bức tranh khi chỉ đề cập tới các DN niêm yết trên sàn, cần xem xét tiềm lực tài chính cũng như các dấu hiệu cho thấy những đại diện này có thể có được lợi thế cạnh tranh bền vững dưới góc độ đầu tư hay không. Bởi nếu muốn cạnh, muốn hưởng lợi từ các yếu tố ngoại cảnh, trước hết nội lực của các DN phải vững mạnh.
Dấu hiệu 1 - Mức sinh lời nhất quán trong dài hạn mà các DN tạo ra: Điều này chứng minh DN có thể vượt qua và phục hồi nhanh sau các giai đoạn khó khăn hay không. Nhìn vào một số chỉ tiêu sinh lời chính của các DN dệt may niêm yết, tính trung bình trong giai đoạn 2010-2018 (trong đó, một số DN tính từ 2013, 2015 đến 2018) có thể thấy: Biên lợi nhuận gộp khá mỏng, chỉ đạt bình quân 13%, do đặc trưng của ngành nghề phải dùng nhiều nhân công, máy móc phải không ngừng cải tiến để nâng cao năng suất; các rủi ro hiện hữu nằm ở cả đầu vào và đầu ra, chủ yếu là biến động về giá nguyên liệu nhập và giá bán đầu ra; 85% hàng may mặc của Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc; tổng số DN dệt may đạt khoảng 6.000 DN, trong đó 30% là các DN FDI với hơn 2,5 triệu lao động (khoảng 25% đã qua đào tạo).
Một số chỉ tiêu sinh lời chính.
Mặt khác, chi phí cho đầu tư mua tài sản cố định, xây dựng cơ bản cho thấy được phần nào tính đặc thù của ngành dệt may Việt Nam (tính trung bình trong giai đoạn 2010-2018): Xét trong thời gian đủ dài có thể thấy, lợi nhuận tạo ra của các DN không đủ để bù đắp cho việc sửa chữa, mở rộng và duy trì hoạt động kinh doanh. Bình quân cứ 1 đồng lợi nhuận tạo ra phải chi gần 2 đồng cho đầu tư tài sản cố định. Điều này khiến các DN phải tìm nguồn tài trợ bên ngoài như phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu hoặc vay ngân hàng.
Thống kê tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu trong cùng giai đoạn cho thấy, mặc dù tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (bình quân trên 18%) và tổng vốn đầu tư (bình quân khoảng 16%) ở mức khá tốt, nhưng hoạt động của ngành ngày càng phụ thuộc vào nợ vay (tỷ số này chưa xét tới việc các công ty phát hành cổ phiếu và giữ lại lợi nhuận để duy trì vị thế sẵn có).
Dấu hiệu 2 - Cơ cấu và chính sách tài chính của DN: Thực thế cho thấy, những DN có lợi thế cạnh tranh bền vững thường không vay nợ nhiều. Phía trên đã đề cập về việc tỷ lệ nợ vay của ngành khá cao, gây áp lực lên chi phí tài chính. Muốn gia tăng lợi nhuận, ngoài việc nâng cao năng suất, các DN cần phải chi thêm vốn để nâng công suất hoặc xây mới nhà máy. Điều này khiến dòng tiền tự do có độ bất ổn và không thể dự đoán được.
Chi phí đầu tư mua tài sản cố định.
Dấu hiệu 3 - Độ mạnh của thương hiệu, sản phẩm dịch vụ của DN: Hiện tại, 60% thị phần thị trường dệt may nội địa đang thuộc về hơn 200 thương hiệu nước ngoài, phần còn lại là sự phân chia sản phẩm của thị trường Trung Quốc và Việt Nam.
Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, các DN dệt may Việt Nam lại chủ yếu thực hiện 2 công đoạn chính là sản xuất sợi và may gia công cho nước ngoài, trong đó tỷ trọng gia công tự chọn nguyên vật liệu (FOB) chỉ khoảng 25% và mới có 1% hoàn thiện được khâu tự thiết kế - sản xuất - tự phát triển thương hiệu (ODM); ít đơn vị nội địa có hệ thống phân phối mang tính cạnh tranh cao với nước ngoài, chỉ có 2 thương hiệu thường xuất hiện tại các trung tâm thương mại là Việt Tiến (VGG) và May10 (M10).
Dấu hiệu 4 - Khả năng quyết định giá bán đi kèm với tốc độ tăng của lạm phát: Ngoài bị cạnh tranh về mặt thương hiệu, giá cả cũng là yếu tố quan trọng, bởi ngành dệt may có độ co giãn của cầu so với giá rất cao, chi phí cận biên càng lớn đối với những mặt hàng mà độ phủ thương hiệu còn thấp, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá rất cao cho các thương hiệu thời trang nước ngoài.
Tuy nhiên, đối với các thương hiệu Việt Nam lại là vấn đề khác. Nguyên nhân không phải tất cả là do chất lượng, mà là Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu đáng tin đối với người tiêu dùng, cộng thêm tâm lý “sính ngoại”. Nếu chỉ thuần gia công và làm theo đơn đặt hàng, thì giá cả là bài toán vô cùng lớn đi kèm với việc hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín.
Dấu hiệu 5 - Sử dụng hiệu quả lợi nhuận giữ lại: Xét tổng lợi nhuận giữ lại trong một giai đoạn cùng với lợi nhuận tạo ra trên một cổ phần tăng thêm, có thể xác định được tỷ suất lợi nhuận tạo ra trên tổng lợi nhuận giữ lại đó (chưa tính việc DN dùng các nguồn tài trợ khác như vốn chiếm dụng, nợ vay... để trang trải cho chi phí vận hành).
Tỷ lệ sinh lời của lợi nhuận giữ lại.
Đối với TCM, TNG, STK, VGG là các DN đã hoạt động và niêm yết trên sàn từ lâu, dữ liệu tính toán đủ dài và khách quan hơn. Các trường hợp có tỷ suất vượt trội như ADS, VGT do lợi nhuận một vài năm gần đây tăng khá mạnh, trong khi chia cổ tức rất cao, thậm chí cao hơn cả lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm, nên không thể sử dụng chỉ số này để đánh giá hiệu quả.
Riêng trường hợp của FTM, do quá trình tăng lợi nhuận không theo kịp tốc độ tăng vốn, tức DN kinh doanh chưa được hiệu quả, dẫn tới 1 đồng lợi nhuận giữ lại trong 6 năm chỉ còn khoảng 0,5 đồng, EPS giảm và pha loãng khoảng 81% trong giai đoạn 2014-2018.
Nhìn chung, có thể kết luận, trong phạm vi các DN dệt may trên sàn đi dọc theo chuỗi giá trị của ngành, từ sản xuất sợi cho tới phân phối các sản phẩm hoàn thiện có thương hiệu riêng, là chưa có lợi thế cạnh tranh bền vững.
Các vấn đề chung đang gặp phải là vốn ít, năng lực quản trị nội bộ, quản lý tồn kho kém, lực lượng thiết kế mỏng, sản phẩm chưa nổi bật về chất lượng và giá cả, quen kinh doanh theo kiểu cũ, không có kinh phí cho quảng cáo, tiếp thị… nên rất khó để cạnh tranh. Hiện nay, sự cạnh tranh vẫn là cuộc chiến về giá cả theo đúng nghĩa đen.
Tuy vậy, nhiều DN cũng đang nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất bằng đầu tư công nghệ, máy móc mới theo hướng chuỗi giá trị khép kín, mở rộng kênh phân phối bằng cách xây dựng những thương hiệu riêng.
Cũng có thương hiệu là công ty gia đình thành công như An Phước, từ một DN gia công các sản phẩm Pierre Cardin tới mối quan hệ cộng hưởng phân phối các sản phẩm của thương hiệu này qua hệ thống phân phối của riêng An Phước, nâng giá trị gia tăng từ việc nâng tầm thương hiệu khi đặt cạnh các sản phẩm nước ngoài. Trước đây, việc sản xuất ra một sản phẩm sẽ dễ dàng tìm kiếm nhu cầu vì cung ít cầu nhiều, nhưng khi cạnh tranh tăng lên, khâu bán hàng lại trở nên quan trọng hơn, có thể quyết định cả khâu sản xuất.
Nhà đầu tư chỉ tập trung vào câu chuyện hưởng lợi từ tình hình vĩ mô thế giới hay các FTA mà quên rằng, để hưởng lợi hay cộng hưởng lợi ích, nội lực của các DN là yếu tố rất quan trọng, cần sự thông suốt từ các ngành, hiệp hội, nhà thiết kế, nhà sản xuất. Ngoài ra, đóng góp một phần không nhỏ là sự hỗ trợ của chính sách, kiến tạo môi trường kinh doanh tốt hơn trong thúc đẩy ngành dệt nói chung và DN dệt niêm yết nói riêng.