Đồ họa: Ngọc Tuấn

Đồ họa: Ngọc Tuấn

Nhận diện sóng đầu tư mới trên thị trường mua bán sáp nhập - M&A

0:00 / 0:00
0:00

Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống thu hút dòng tiền mua bán - sáp nhập (M&A), những hiệp định thương mại tự do vừa ký kết đang mở ra nhiều cơ hội để các ngành nghề mới bứt phá.

Động lực tăng trưởng

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand ký kết ngày 15/11. Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thông qua bởi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước thành viên không thuộc ASEAN.

Đánh giá về những tác động của hiệp định này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, Hiệp định RCEP đã mở ra thị trường mới với gần 30% dân số thế giới và chiếm khoảng 29,1% GDP toàn cầu. Những tính toán cho thấy, RCEP có giá trị như một khoản đầu tư 7.200 tỷ USD với tỷ suất lợi nhuận 4% mỗi năm, giúp thương mại toàn cầu tăng thêm khoảng 1,9%.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Hiệp định RCEP cùng với các hiệp định thương mại tự do khác như EVFTA hay CPTPP chắc chắn sẽ tạo thêm động lực cho tự do hóa thương mại đầu tư khu vực cũng như toàn cầu. “Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các hoạt động thương mại, đầu tư bị gián đoạn do đại dịch Covid-19”, ông Phương nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn M&A doanh nghiệp Việt Nam 2020, do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Vietnam tổ chức vào chiều 24/11, hầu hết giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn hậu Covid-19.

Trong những năm qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn M&A 2020, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh chỉ ra, khác với đa số các nền kinh tế khác, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam được đánh giá là rất tích cực nhờ những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh, hiệu quả kiểm soát dịch bệnh và khả năng tranh thủ thời cơ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển. Rõ ràng là, những nhà đầu tư tinh tường hoàn toàn không bỏ qua những chuyển động rất đáng chú ý tại thị trường rất giàu tiềm năng này, như việc sửa đổi và ban hành các luật kinh tế quan trọng nhất, những siêu hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, tiến trình tái cấu trúc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của cả khu vực nhà nước và tư nhân…

“Tất cả những chuyển động đó đều hứa hẹn mang lại cơ hội tuyệt vời cho hoạt động M&A, làm phong phú thêm danh mục mua sắm cho rất nhiều nhà đầu tư đang ẩn mình chỉ chờ điều kiện chín muồi để sẵn sàng chốt thương vụ”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao, kiêm Giám đốc toàn cầu dịch vụ xuyên quốc gia của RECOF Corporation - đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, hiện nay, các công ty Nhật Bản cần tìm kiếm thị trường mới, bởi hầu hết các lĩnh vực ở Nhật Bản đều đã phát triển hết mức.

Lý do để khẳng định điều này, theo ông Masataka “Sam” Yoshida, chiến lược tăng trưởng M&A được hỗ trợ bởi nguồn tiền tích lũy dồi dào trong 20 năm qua, đạt 2.345 tỷ USD. Khoản tiền này tồn tại dưới dạng tiền gửi ngân hàng với lãi suất gần như 0% và sức ép phải tái đầu tư số tiền này của các cổ đông, những khoản tiền này đã bắt đầu chảy vào thị trường M&A, giúp cho năm 2019 đạt kỷ lục cao nhất với 4.088 thương vụ trong tất cả các loại hình M&A, điều này có nghĩa là đã có hơn 4.000 nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư và thành công.

“Một khi rào cản về cách ly và hạn chế vào Việt Nam được dỡ bỏ, một làn sóng lớn các công ty Nhật Bản chờ đợi để tiến hành các thủ tục đầu tư sẽ xuất hiện”, ông Masataka “Sam” Yoshida nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã cơ bản đạt được “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát được Covid-19, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, trong khi thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, khẳng định Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều danh mục đầu tư mới

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán - sáp nhập (CMAC), thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022, về mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021, trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.

Dự báo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International cũng cho thấy, Việt Nam là một trong những thị trường M&A doanh nghiệp năng động và tiềm năng nhất toàn cầu, với chỉ số đầu tư M&A dự báo năm 2020 là 102 điểm, đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ với 108,9 điểm.

Các chuyên gia cũng nhận định, không chỉ những lĩnh vực truyền thống như tài chính, bất động sản, hàng tiêu dùng, mà các lĩnh vực mới như công nghiệp, hạ tầng, năng lượng, công nghệ - viễn thông... cũng bứt phá.

Chẳng hạn, với Hiệp định RCEP mới được ký kết, kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, giúp đẩy nhanh hơn nữa kinh tế của các nước ASEAN và các nước đối tác, qua đó mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh hoạt động xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra các cơ hội mới cho sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép, nông nghiệp...

Các chuyên gia dự báo, năm 2021 và các năm tiếp theo, thị trường M&A sẽ đổi gió với sự gia tăng các thương vụ doanh nghiệp Việt mua lại cổ phần khối ngoại, hoặc M&A ra nước ngoài để mở rộng thị trường.

Với lĩnh vực viễn thông - công nghệ, xu hướng chuyển đổi số trong năm 2019 - 2020 đã xuất hiện hàng loạt thương vụ lớn như VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC; thương vụ Teamsek đầu tư 100 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử Scommerce; hay Momo nhận 100 triệu USD từ Warburg Pincus; Affirma Capotal đầu tư 34 triệu USD vào Siêu Việt Group...

Hay với lĩnh vực bất động sản, dù được xem là một trong những lĩnh vực truyền thống trong hoạt động M&A, nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp thời gian gần đây đang nhận được nhiều “làn gió mới” trước cơ hội của làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại mới ký kết.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, dù dịch bệnh khiến kinh tế toàn cầu khó khăn, hạn chế đi lại vẫn tiếp tục kéo dài, song hoạt động sáp nhập, thâu tóm, mua bán bất động sản công nghiệp tại thị trường Việt Nam lại có xu hướng được mở rộng với nhóm khách hàng quốc tế.

Điển hình như Tập đoàn Logos Property của Australia đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam; hay gã khổng lồ kho bãi châu Á là GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistics Partners Việt Nam...

Trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple, đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Cũng trong quý III/2020, Hà Nam đón đầu làn sóng FDI cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD, tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu USD. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ Tập đoàn Wistron (Đài Loan).

Ngoài những lĩnh vực trên, những lĩnh vực được cho là sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm lớn của nhà đầu tư quốc tế còn có năng lương tái tạo, tài nguyên, công nghiệp ô tô, hàng không, da giày, dệt may...

Tin bài liên quan