Nhận diện rủi ro cho vay trực tiếp trong hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhận diện rủi ro cho vay trực tiếp trong hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng nay 14/1, Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tổ chức hội thảo tham vấn về mô hình cho vay trực tiếp, nhằm sớm hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động này, đa dạng các kênh tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ công đồng DNNVV.

Quỹ Phát triển DNNVV là Quỹ tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ TTg ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển DNNVV. Quỹ hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ là 2.000 tỷ đồng.

Trước đây, Quỹ Phát triển DNNVV thực hiện cho vay vốn thông qua ủy thác các ngân hàng thương mại, hiện nay Quỹ được thực hiện chức năng cho vay, bao gồm cho vay trực tiếp, vay gián tiếp và tài trợ vốn cho DNNVV.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ tháng 6/2020, Quỹ Phát triển DNNVV đã công bố giảm lãi suất cho vay về mức 2,16%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 4%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.

Tại Hội thảo tham vấn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 98,1% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

DNNVV là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, tham gia huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Hàng năm, các DNNVV đã tạo ra trên 1 triệu lao động mới; sử dụng khoảng 5 triệu lao động toàn xã hội, đóng góp khoảng 45% GDP cho cả nước, 31% tổng thu Ngân sách nhà nước.

“Qua hơn 3 năm chính thức triển khai hoạt động hỗ trợ tài chính cho DNNVV, kết quả ban đầu cho thấy tín hiệu tích cực khi các DNNVV nhận được nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đã hoạt động hiệu quả, lợi nhuận tăng, tạo thêm việc làm cho người lao động, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vượt kỳ vọng đã thực hiện trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn điều lệ do NSNN cấp cho Quỹ được coi là vốn mồi để thu hút các nguồn lực khác từ bên ngoài cùng chung tay hỗ trợ DNNVV”, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.

Nhằm hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động cho vay trực tiếp, Quỹ Phát triển DNNVV đã tham vấn, lắng nghe phân tích các bài học, kinh nghiệm của tổ chức quốc tế, tổ chức tín dụng và quỹ tài chính về mô hình cho vay trực tiếp.

Theo đó, tại hội thảo, ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế UNPD cho biết, cần xây dựng môi trường giúp tăng cường cho vay DNNVV. Trong đó, 3 điểm nhấn là khuôn khổ pháp lý, hạ tầng tín dụng và hỗ trợ trực tiếp của chính phủ.

Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 14/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn việc xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển DNNVV. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 25/2/2021. Đây là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DNNVV, thực thi hiệu quả nghiệp vụ cho vay trực tiếp.

Từ góc độ kinh nghiệm thực tế của mô hình cho vay trực tiếp, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Viện phó Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, trong quá trình thực hiện Dự án Phát triển chuỗi giá trị tôm công bằng, bền vững tại Việt Nam, có những khó khăn khi triển khai cho vay theo chuỗi giá trị.

Cụ thể, cơ chế hợp tác, phân chia lợi ích và chia sẻ rủi ro của người nông dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, cũng như định chế tài chính tham gia trong chuỗi còn thiếu công khai, minh bạch. Sản phẩm tài chính cho vay theo chuỗi giá trị chưa đa dạng và đồng bộ, nhất là kỷ cương thanh toán...

Đáng chú ý là sự liên kết của các định chế tài chính, nhà đầu tư tư nhân với các ngân hàng thương mại trong việc cung ứng dịch vụ tài chính cho các thành viên trong chuỗi giá trị trên thực tế ở Việt Nam còn lỏng lẻo.

Nhận diện những rủi ro và khó khăn trong thực tế, Quỹ Phát triển DNNVV đang tập trung hoàn thiện quy trình nghiệp vụ đối với chức năng cho vay trực tiếp với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, đồng thời trao đổi với một số đối tác quốc tế về việc hỗ trợ Quỹ xây dựng khung quy chế cho hoạt động tài trợ vốn, vì đây là một chức năng mới, mô hình thành công tại Việt Nam chưa nhiều.

Tin bài liên quan